02/07/2010 06:07 GMT+7

Vàng ròng của ca dao

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - “Nhà thơ VN nào cũng mơ ước có một tập thơ đẹp như thế này”- nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, một người làm thơ đương đại mang xu hướng dân gian, nói khi cầm cuốn Thơ Nguyễn Duy trên tay.

kA5yp4H9.jpgPhóng to
Nguyễn Vĩnh Tiến - Ảnh: Mai Kỳ

Là một kiến trúc sư thành đạt, nhà thơ 36 tuổi được biết đến nhiều hơn với những ca khúc Bà tôi, Giọt sương bay lên... lúc này lại quay về với thơ... người khác:

"Tôi không nghĩ là Nguyễn Duy có nhiều câu thơ hay “sống độc lập” trong dân gian đến thế. Lâu nay có những câu, những bài vẫn nghe bạn bè đọc trong đêm thơ sinh viên, trong các cuộc gặp gỡ, thậm chí đã thuộc lòng, vẫn biết là của Nguyễn Duy, nhưng đọc một cách hệ thống lại mới biết tần suất của những câu, những bài ấy nhiều như thế nào.

Đọc lại Nguyễn Duy, như một lần nhận thức lại, thấy có nhiều thứ “lấp lánh” hơn mình tưởng. Là một người làm thơ, tôi thú vị với những câu thơ lục bát rất hiện đại mà hóa ra ông đã viết từ thời chiến tranh: Ở đây có những người con/mang theo cái nõn nòn non lên rừng. Thú vị hơn nữa là cảm giác được đọc lại những bài thơ mà mình phục và cảm như cảm ca dao: Thuở nhỏ tôi ra Cống Na câu cá/níu váy bà đi chợ Bình Lâm/bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật/và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần (Đò Lèn).

Thơ Nguyễn Duy đã có những bài vào sách giáo khoa (Tre Việt Nam), nhưng theo tôi có nhiều bài còn có thể xếp vào một cuốn sách giáo khoa lớn hơn: đó là vào kho tàng ca dao, vào cuộc sống hằng ngày".

* Nhưng ở thời điểm hiện tại, một nhà thơ được coi là “trẻ” và “đương đại” như anh, cách cảm thơ Nguyễn Duy có còn như những năm 1990 khi trái tim còn là 18 và thơ Nguyễn Duy đang là một hiện tượng xã hội?

- Khác chứ, nhưng vẫn còn thích nhiều bài. Chúng tôi quan niệm về thơ khác nên làm thơ cũng khác.

Nguyễn Duy và những người cùng thế hệ với ông có được thứ mà chúng tôi không bao giờ có. Đó là “chất thơ” tự hiển hiện trong môi trường sống, trong mỗi nếp sinh hoạt hằng ngày, trong lối nói, hình ảnh.

Ông sống trong nó, “bơi lội tung tăng” một cách tự nhiên nhất: Mẹ ta chẳng có yếm đào/ nón mê thay nón quai thao đội đầu/ rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa. Có cảm giác đó không phải “làm thơ” mà chỉ tả lại một cách giản dị, nhưng hiệu ứng thẩm mỹ của nó thì là tuyệt đối.

Song những cố gắng hiện đại hóa lục bát của Nguyễn Duy cũng đạt đến mức gần như tự nhiên: Đến đây gió cũng đi vòng/ ngoằn theo khoeo núi ngoèo trong khuỷu rừng hay Làng ta lại lóp ngóp làng/ lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng... là những dụng công về chữ nghĩa của một bậc thầy.

Công bằng mà nói, trong thời của Nguyễn Duy, so với các bậc tiền bối như Trần Dần, Lê Đạt..., so với những người đồng niên, với cả thế hệ ngay sau ông, Nguyễn Duy không phải là cách tân mạnh mẽ. Ông không cố ý làm điều đó, ông chỉ hiện đại hóa thơ Việt bằng cách đưa khẩu ngữ, ngôn ngữ, hình ảnh và hơi thở của thời ông đang sống mà thôi.

* Một người làm thơ như anh thích đọc thơ tình của Nguyễn Duy hơn hay thơ “công dân” của ông hơn. Và anh thích Nguyễn Duy trong thơ tự do hay vẫn là Nguyễn Duy lục bát?

- Tôi thích nhất khi nào Nguyễn Duy sống trong cảm xúc hoặc để cảm xúc băng qua lý trí. Nguyễn Duy cộng với cảm xúc thì ra “vàng ròng” của ca dao.

Còn Nguyễn Duy lý trí thì chỉ đắc địa trong những bài thơ “thế sự”. Thơ “thế sự”- theo cách gọi của tôi - hay thơ “công dân” như báo chí vẫn gọi là một thế mạnh riêng của Nguyễn Duy, của thời điểm lịch sử trước, trong và sau đổi mới. Ở đó, ông có một vị thế khác và thơ ông lúc đó không phải chỉ để đọc một mình, thưởng thức đơn lẻ. Thơ Nguyễn Duy lúc đó có thể đọc trước một đám đông và gây hiệu ứng theo cấp số nhân trong xã hội.

Nhưng với tư cách một nhà thơ, tôi vẫn thích thơ Nguyễn Duy những khi ông thả cho lý trí của mình trôi theo những cảm xúc tự nhiên nhất, và đó tất nhiên là trong thơ tình.

Cũng có khi ông dụng công rất thành công ở việc dùng lý trí tạo sự bất ngờ, phi logic và sự phi logic tạo nên cảm xúc: Sông Thao thêm một lần tôi tắm/thêm một lần tôi đến để rồi đi/ gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng/ tôi nhìn em để không nói năng gì hay Giọt rơi hơi bị trong veo/ mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi/ chân mây hơi bị cuối trời/em hơi bị đẹp anh hơi bị buồn.

Nhưng đọc kỹ mà xem, cái lý sự ấy, cái phi logic được sắp đặt ấy vẫn bắt đầu từ xúc cảm mà thôi.

a4k7sBkF.jpgPhóng to

Tập thơ do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: T.T.D.

Thơ Nguyễn Duy là tập thơ thứ 17 của nhà thơ tài hoa bắt đầu làm thơ trong chiến tranh và trở thành hiện tượng rực rỡ trên thi đàn thời “Đổi mới”. Tập thơ là hình thức “tuyển tập” của những tập thơ, bài thơ đã in sách, đăng báo.

283 bài thơ được chia làm bốn phần: Đường làng - Đường nước - Đường xa - Đường về cũng là hành trình thơ của Nguyễn Duy suốt hơn 40 năm qua. Những vần thơ trong veo thuở học trò, những câu thơ gồ ghề chân thật mà mơ mộng chất lính, những nỗi buồn ngọt ngào thấm thía của một người đàn ông từng trải, đa tình và sau hết, mạnh hơn cả là những day dứt, băn khoăn, đau đáu khôn nguôi trước thực trạng xã hội của một công dân làm thơ.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên