Phóng to |
Phan Việt - Ảnh tác giả cung cấp |
Điều cần chinh phục không chỉ là một cuộc thi
Tham gia Văn học tuổi 20 từ khi còn là nghiên cứu sinh, nay cây bút trẻ Phan Việt đã lấy bằng tiến sĩ về chính sách xã hội tại ĐH Chicago và sẽ trở thành giảng viên đại học tại California (Mỹ) từ tháng 7 này. Từ Chicago, Phan Việt trò chuyện qua email với Tuổi Trẻ về chặng đường kể từ khi đoạt giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 3 (2005) với tập truyện ngắn Phù phiếm truyện.
* Từ trường hợp của mình, chị nghĩ điều gì làm nên một cây bút khác biệt của Văn học tuổi 20? Công việc của một giảng viên sắp tới có ảnh hưởng nhiều đến niềm say mê và thời gian dành cho văn chương của chị?
- Đến bây giờ thì tôi thấy là thật ra cái giọng tự nhiên, cái cách suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống, cách rung cảm, rồi kinh nghiệm sống và độ nhạy cảm với ngôn ngữ bẩm sinh của mỗi người đã khác nhau rồi. Cho nên một cách tự nhiên, nếu mình thật trung thực với mình thì mình đã khác biệt rồi. Có điều là lúc trẻ, có khi nhà văn không biết tự bảo vệ giọng của mình và để cho sự nổi tiếng làm cho mình bị lung lay, mình quên mất việc chính của mình là viết, thì anh ta có thể gặp khó khăn một thời gian. Nhưng kiên định tập trung vào văn chương thì rồi văn chương và bản thân mình sẽ tìm được cách để liên tục nâng đỡ và bồi đắp cho nhau.
Hiện giờ tôi cũng chưa biết sẽ sắp xếp công việc giảng viên và viết văn như thế nào, nhưng tôi biết chắc là tôi sẽ không bỏ viết. Nó là cái quan trọng và cần thiết cho cuộc đời mình thì rồi thế nào mình cũng tìm được cách để duy trì nó thôi.
* Từ Phù phiếm truyện đến tiểu thuyết Tiếng người rồi tập truyện Nước Mỹ, nước Mỹ, chị có cho đó là một bước nhảy xa trên con đường sáng tác của mình?
- Với tôi thì đó là một bước tiến dài, mặc dù có thể là quá trình học nội tại đấy chỉ có mình mình biết nên mình thấy như vậy chứ người khác không nhìn thấy. Ở cuốn sách sau, tôi nhìn thấy sự khác nhau rõ rệt giữa một nhà văn đang làm công việc sáng tạo và một người viết chỉ tình cờ thành công do có sẵn năng khiếu với chữ nghĩa hoặc chẳng qua nhờ có một kinh nghiệm thú vị để kể lại.
Nhận ra cái này cũng đồng nghĩa với việc nhận ra rằng mình có một kho tàng đề tài khổng lồ để viết, mình đã có những phương pháp và công cụ cơ bản để có thể viết thì bây giờ mình có thể tự tin hơn để bắt đầu những hành trình dài.
* Một độc giả hâm mộ Văn học tuổi 20 bày tỏ niềm mong đợi rằng cuộc thi lần 4 này sẽ phát hiện thêm một “Nguyễn Ngọc Tư”, một “Phan Việt” - tất nhiên “một” ở đây không phải là bản sao mà là một cây bút hoàn toàn mới. Chị có mong đợi hơn thế?
- Có, tôi mong đợi có những người viết còn hơn tôi và chị Tư, những người ý thức được cái mình chinh phục không phải là một cuộc thi, cũng không phải chỉ là độc giả Việt Nam mà là văn học, là sự thật, là cái mà từ cả ngàn năm nay những người viết đã hướng tới, bắt đầu từ lúc Homer kể Illiad và Odyssey.
Đối với người viết thì thời điểm hiện tại là thời điểm mà tư liệu sáng tác tràn trề, ngồn ngộn, từ cuộc sống hiện tại và cả từ lịch sử của Việt Nam trong một thế kỷ qua. Chúng ta có ít nhất hai cuộc chiến lớn, chúng ta có thời bao cấp và mở cửa; mỗi gia đình Việt Nam hiện tại và trong toàn xã hội Việt Nam đều chứa rất nhiều lịch sử, nhiều vết thương, nhiều huyền thoại, nhiều bi kịch, mâu thuẫn và chiến thắng... Cho nên tôi thật sự hi vọng chúng ta sẽ thấy có những tiếng nói mới, vững vàng và sáng tạo.
Tôi vẫn nhớ buổi đầu nơi cánh cửa... Tôi gửi bản thảo dự thi Văn học tuổi 20 vào ngày cuối cùng của thời hạn cuộc thi. Một cú gõ cửa muộn, may mà kịp lúc. Giải thưởng đến với tôi như cánh cửa đã mở ra một con đường, một bầu trời... Tôi nhớ hồi đó bạn bè bàn tán, bảo cái tập truyện này coi xinh xẻo mà hơi... mong manh. Làm sao để không còn thấy mong manh? Tôi nghĩ những người đã quyết định trao giải cho tôi cũng có cảm giác mong manh đó. Tôi viết. Để xứng đáng. Hơn mười năm theo công việc viết lách, tôi bỏ ra gần năm năm để khẳng định mình có thể đi được trên đường (tuy có lúc cũng mệt mỏi xiêu vẹo tí), có thể không bị ngộp giữa bầu trời rộng, có thể không bị rơi rụng vì chín non chín héo. Nhiều lần tôi nói mình đã bỏ giải thưởng lại sau lưng, sống mãi trên vinh quang sao được. Nói vậy là tôi vẫn ý thức sau lưng tôi là một giải thưởng, và con đường sáng tác của tôi dù dài, dù xa tới đâu tôi cũng nhớ buổi đầu nơi cánh cửa, nơi một lần tôi rón rén gõ nhẹ, bỗng dưng nó mở ra. Điều đó thật kỳ diệu (nhất là món tiền thưởng đầu đời quá trời lớn lao). Tôi có lòng tin sẽ có nhiều người gõ cửa vào những thời khắc cuối cùng, đâu đó trong những bạn bè mà tôi biết, họ vẫn đang miệt mài chỉnh sửa lại bản thảo. Không kịp cũng không sao, quan trọng là chủ nhật này có người tắt điện thoại từ chối những cuộc nhậu để ngồi chơi với chữ. Lại có người bỏ văn đi làm báo lâu rồi cũng bảo em đang trở lại viết truyện hơi dài dài tí, đem thi chơi. Tôi khoái chữ chơi này quá. |
__________
(*) Cuộc thi do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, đến thời điểm này đã nhận được khoảng 70 bản thảo, 3/5 là các tập truyện ngắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận