14/08/2008 08:28 GMT+7

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

VÕ ĐẮC DANH
VÕ ĐẮC DANH

TT - Tiễn đưa về cửa biển Những giọt nước lìa nguồnĐôi tâm hồn cô tịchNghe lắng sầu cô thônDưới trời mây heo hútHơi vọng cổ nương bờ tre bay vút

Kceq6uxD.jpgPhóng toẢnh: Đ.Huy
Đó là đoạn cuối trong một bài thơ của nhà văn Sơn Nam - bài thơ duy nhất của ông - bài thơ không tên, được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất bản ở Sài Gòn năm 1961.

Vĩnh biệt "ông già Nam bộ" Sơn Nam Vĩnh biệt Sơn Nam: Con ong rừng U Minh đã bay về cõiNhà văn Sơn Nam: Cả đời viết về cuộc khẩn hoang Nam BộĐi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn NamNhà văn Sơn Nam đang nguy kịchNghe chuyện xưa, tích cũ với Sơn NamBấm vào đây nghe Biển cỏ miền TâyBấm vào đây nghe tuyển tập truyện ngắn Sơn Nam

Biết thế nào rồi cũng có cuộc chia ly, hôm ấy, cách nay hơn ba năm, khi ông còn tá túc ở thư viện Gò Vấp, tôi mua một tờ giấy cứng với cây bút lông mang lên, nói: "Tía chép giùm con bài thơ để con giữ bút tích của tía làm kỷ niệm". Ông nói: "Ừ, để đó đi, vài hôm nữa đã, tôi có chết sớm đâu mà lo, giờ có rảnh hôn, chở tôi đi vòng vòng Sài Gòn chơi". Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi chở ông đi dạo, và rồi bài thơ ông cũng không kịp chép cho tôi. Hôm ấy được tin ông bị tai nạn giao thông, tôi chạy sang thì ông đã nằm liệt giường, thậm chí không còn nhận ra tôi là ai nữa. Bây giờ thì ông đã ra đi!

Nhớ hôm ấy, ngồi sau lưng tôi, ông kể chuyện huyên thuyên, rồi bất chợt khi ngồi ở một quán cà phê vỉa hè, ông nói: "Tôi còn mấy chuyện hay lắm, nhưng về già tôi mới viết". Tôi giật mình nhìn ông và tự hỏi, về già là bao lâu nữa, hơn 80 rồi, ông lẩm cẩm rồi chăng? Rồi ông lại nói: "Có gặp thằng Nguyễn Trọng Tín, nói tôi nhắn với nó chuyển sang viết văn xuôi đi, thời buổi này mà làm thơ là húp nước mắm". Tôi nói ông Tín bây giờ viết báo rồi, ông cười: "Vậy là càng tốt, viết báo dễ kiếm tiền hơn". Trầm ngâm một chút, ông nói: "Nè, tôi dặn ông cái này nghen, ông viết báo thì cứ lo viết báo, đừng bày đặt góp ý với thằng chủ báo phải làm thế này thế nọ, trào máu có ngày! Ngoài mặt nó giả bộ gật đầu nhưng trong bụng nó ghét cay ghét đắng".

Từ chiến khu về thành ông được phân công ở lại sau tập kết, một phòng trọ, một bộ bà ba vải ú trắng, một đôi guốc vông, lang thang đi bộ khắp Sài Gòn. Ông nói sự nghiệp của ông có ảnh hưởng khá nhiều từ lời khuyên của Bình Nguyên Lộc.

Những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, ông lang thang đi tìm Bình Nguyên Lộc, hôm ấy gặp nhau trong một căn gác xép, hai người trao đổi với nhau xem nên viết cái gì để vừa kiếm tiền nuôi sống, vừa có lợi cho dân. Bình Nguyên Lộc trầm ngâm khá lâu rồi nói: "Tôi thấy Sài Gòn bây giờ khá đông dân nhập cư từ miền Tây, hay là ông viết những chuyện xứ ông, chắc sẽ có nhiều người đọc". Quả nhiên, những câu chuyện của Sơn Nam về rừng U Minh đã thu hút đông đảo độc giả Sài Gòn, không chỉ dân miền Tây mà cả những người đến từ mọi miền đất nước.

Ông nói: "Đến với văn chương để mong nổi danh thì đừng có hòng. Nền văn học của ta hơn nửa thế kỷ qua, nhìn lại ở một góc độ nào đó, coi như lấy rổ múc nước". Tôi cũng không hỏi vì sao, bởi biết tánh ông thỉnh thoảng hay "phán" ra một câu rồi bỏ ngỏ, không giải thích, ai muốn hiểu sao thì tự hiểu. Với riêng ông, ông tự xem viết văn là một cái nghề, cái nghiệp để mưu sinh, "vì vậy mà phải viết cho đàng hoàng, phải có lương tâm nghề nghiệp thì các báo, các nhà xuất bản họ mới mua của mình, độc giả họ mới đọc của mình".

Dường như với Sơn Nam, mọi thứ đều rất thực tế và rất đơn giản. Trong câu chuyện Âm dương cách trở của ông cách nay gần 20 năm, tôi vẫn bị ám ảnh một chi tiết: "Ông già hớt tóc vỉa hè bị công an khu vực xét hộ khẩu, ông nói: "Tôi sống ở đây gần trọn một đời người, chỉ biết mình là công dân của Tổ quốc Việt Nam thôi". Anh công an hỏi: "Vậy theo ông thế nào là Tổ quốc?". Ông già nói: "Với tôi, Tổ quốc là một nơi kiếm sống được bằng một việc lương thiện nào đó, không bị ai làm khó dễ, có vài người bạn chơi được, không ba trợn". Ông già hớt tóc sau đó qua đời, được một người bạn thầy tu cho hỏa táng và mang hũ hài cốt về quê ở U Minh".

Cho đến bây giờ, khát vọng đơn giản của ông già kia vẫn đang là khát vọng của hàng triệu con người. Càng nghĩ càng thấy "đáng sợ" một Sơn Nam.

Vĩnh biệt một cây tràm cổ thụ

Qvwnt0Xi.jpgPhóng to
Nhà văn Sơn Nam (phải) trong một lần dự sinh hoạt đờn ca tài tử - Ảnh: L.ĐIỀN

Con bé rụt rè, tự ti ngày ấy chỉ có sách vở làm bạn. Con bé chưa từng ra khỏi thị xã bé như lòng bàn tay đã bay bổng với một không gian đặc biệt, với những con người khác thường độc đáo trong Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam. Vụt chốc, những dị nhân buổi giao thời như ông già Năm xay lúa, ông mù Vân Tiên cùng vô số những nhân vật khác trong sáng tác của Sơn Nam đã đưa con bé - tôi - đến khung trời của sự hào sảng Nam bộ, của những chí khí chọc trời khuấy nước dưới vẻ bề ngoài bình thường.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói mình viết những Mùa len trâu, Hương rừng Cà Mau từ "ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt". Quê nhà của ông, nơi có cây tràm. "Trời sinh ra cây tràm thật là kỳ diệu, nó bám chặt rễ trong sình, chìm ngập trong nước mà vẫn mạnh khỏe, vẫn sinh sôi nảy nở để giữ vững mảnh đất bồi cho quê hương và giữ người cho đất".

Tôi cũng nghĩ như vậy về ông. Ông đã góp nhặt tất cả những điều bình thường nhất, đã viết lại để giữ lại những nét đẹp đẽ của quê hương mình. Ông như cây tràm cần mẫn ra hoa, kéo ong bướm đến làm mật. Ông như hương tràm dìu dịu mà làm say mê bao kẻ trót một lần đến với rừng. Bây giờ, khi rừng đã bị phá rất nhiều, khi những con sông không chở nặng phù sa mà héo úa vì ô nhiễm, khi cá tôm không còn là của trời ưu đãi vùng đất phương Nam; những trang văn của ông bỗng trở thành vùng cổ tích, thành bảo tàng tâm tưởng cho những người con đồng bằng tự hào trong hoài vọng, nuối tiếc về những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở của mình.

Lần cuối cùng được gặp ông cách đây hơn sáu tháng, vẫn thấy ông miệt mài với những con chữ, vẫn đau đáu với những trang văn. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi thường bị ngắt quãng vì ai đó cần ông chỉ cho một điều gì đó về vùng đất Nam bộ. Vì đơn giản là họ biết, cứ hỏi "từ điển Nam bộ sống" này thì sẽ có câu trả lời.

Từ hôm nay, và nhiều năm sau nữa, nhiều độc giả sẽ tìm đến với những trang văn đẫm vị phù sa sông nước Nam bộ để hầu mong thấu được cái hồn cốt của đất và người nơi này. Rồi từ những con chữ lung linh ký ức đẹp về đất, về người; người đọc sẽ thấy thấp thoáng một dáng gầy, nhỏ, đang cắm cúi trên từng trang sách. Một trang đời đã khép lại. Vĩnh biệt một cây tràm cổ thụ của rừng U Minh!

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH(giải nhất Văn học tuổi 20 lần 3-2005)

Những trang văn sẽ sống mãi

Đối với tôi, Sơn Nam là nhà văn số một của vùng đồng bằng Nam bộ.

Tôi đọc ông từ tuổi ấu thơ, thời gian nghiệt ngã giờ đây biến tôi và ông thành hai người già như nhau, nhưng với nhà văn tôi vẫn là người em nhỏ, rất nhỏ. Tôi yêu sông nước Cà Mau, viết nhiều về Cà Mau, con người vùng đất đó đã cuốn hút tôi, đôi khi nghĩ lại hay chính là do những tác phẩm của Sơn Nam tôi đọc được từ hồi nhỏ, chính con người vùng đất trong tác phẩm đó đã đi vào cuộc sống của tôi? Nhà văn đã mất đúng giữa trưa, trời miền Nam mây mù dông bão.

Tôi đau xót, và cũng thấy tự hào là người cầm bút của vùng miền có nhà văn Sơn Nam, nơi con sông cánh đồng rừng đước rừng mắm lấp lánh trang văn của ông. Đó là những trang văn sẽ sống mãi, như viên ngọc quý càng lâu càng sáng.

Các tác phẩm của Sơn Nam

4t07nPTm.jpgPhóng to
Đông đảo văn hữu và bạn đọc xin chữ ký của nhà văn Sơn Nam trong ngày mừng thọ ông 81 tuổi (năm 2006)- Ảnh: L.ĐIỀN

Niềm an ủi cuối đời - như có lần ông tâm sự - là các sách của ông đã xuất bản tập trung, nhờ hợp đồng tác quyền ký kết với NXB Trẻ từ tháng 12-2002. Đến nay đã có 19 tựa sách của nhà văn Sơn Nam ra mắt bạn đọc trong chương trình sách này, đó là các tác phẩm:

- Bốn truyện vừa; Bà Chúa Hòn; Biển cỏ miền Tây - Hình bóng cũ; Dạo chơi tuổi già; Đất Gia Định; Bến Nghé xưa & người Sài Gòn; ĐBSCL: nét sinh hoạt xưa - Văn minh miệt vườn; Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam; Hương rừng Cà Mau; Lịch sử khẩn hoang miền Nam; Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam; Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam; Theo chân người tình - Một mảnh tình riêng; Tìm hiểu đất Hậu Giang - Lịch sử đất An Giang; Hồi ký Sơn Nam; Vạch một chân trời - Chim quyên xuống đất; Xóm Bàu Láng; Gốc cây, cục đá, ngôi sao - Danh thắng miền Nam; Chuyện xưa tích cũ; Hương quê - Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác.

Đây là tổng cộng 8.000 trang in, tập hợp từ 44 đầu sách của nhà văn Sơn Nam đã xuất bản từ trước đến nay. Thế nhưng, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nhà văn Sơn Nam vẫn còn hơn 10.000 trang sách chưa in, đang được NXB Trẻ tập hợp, trong đó phần lớn là các bài báo và những bài khảo cứu của ông.

LAM ĐIỀN

VÕ ĐẮC DANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên