22/04/2008 10:13 GMT+7

Bóng chữ còn in bóng người

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Vậy là "người phu chữ" Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong "bộ tứ" nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn - Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần.

Rt9JlGaY.jpgPhóng to

Trưa 18-4, nhà thơ Lê Đạt từ Tây nguyên về Đà Nẵng, ông đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc gặp để nói chuyện nghề văn nghề báo - Ảnh: H.S.P.

TT - Vậy là "người phu chữ" Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong "bộ tứ" nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn - Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhà thơ Lê Đạt: Thơ đương đại đang bế tắcTập truyện mới của Lê ĐạtNhà thơ Lê Đạt: Giải thưởng này là một cử chỉ đẹpNhà thơ Lê Đạt: Nói không vui là nói dối

Cả bốn ông rồi ra đều đã được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng hơn hết, Lê Đạt, cùng với Hoàng Cầm, tuổi trời còn cho sống để được sống lại đời thơ của mình trong dòng chảy văn học chung của dân tộc, để được phát lộ mình dẫu muộn màng trong sự vận động mới của văn học nước nhà.

Lê Đạt trở lại với thi đàn sau gần 30 năm im tiếng là khắc ghi ngay ấn tượng của mình đối với giới thơ và công chúng yêu thơ. Lê Đạt của thời Cha tôi (1956) đã biết không cam chịu cảnh sống "Rũ đầu chết ngạt trong bùn / Năm tháng mài mòn bao nhiêu khát vọng". Lê Đạt của thời Bài thơ trên ghế đá (1957) đã biết yêu tự do cho mỗi cảm xúc, tư tưởng. Khi ấy, Lê Đạt đang là một nhà thơ trẻ với tất cả sự hăng say và mạnh mẽ của tuổi trẻ cùng với lòng tin chân thành và lãng mạn của một thế hệ vừa làm xong cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng đất nước.

30 năm sau, khi đất nước làm một cuộc đổi mới, Lê Đạt đã ở tuổi lên lão, nhưng thơ ông được nung luyện trong tâm trí văn hóa của một người biết sống và biết đọc đã làm bất ngờ cả những người vốn chờ đợi. Không kể lớp trẻ như ông hoặc trẻ hơn ông thời trước, họ đã bị kinh ngạc. Tập thơ Bóng chữ (1994) của Lê Đạt như một tuyên ngôn, như một thách thức người làm thơ và người đọc thơ:

Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dạiHay ngây ngô không biết lối về giàThơ thẩn chữ ngã ba

Những câu thơ không dễ đọc do sự phối trí khác lạ âm và thanh, chữ và nghĩa, cùng với một tuyên bố nhà thơ là "phu chữ", người làm thơ không thể chỉ biết tiêu thụ cái nghĩa tự vị của từ như trong từ điển, đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Chữ hay là bóng chữ mới là cốt yếu của thơ. Có người đọc thơ Lê Đạt ngộ ra những khả năng, những chân trời mới của thơ. Có người, trái lại, đọc thơ ông mà thấy như lạc lối. Một cuộc tranh luận đã bùng ra quanh Bóng chữ. Nhiều người đọc, và khá nhiều người làm thơ, đã phải nghe giảng giải thơ là gì, thơ là thế nào, như để có một chiếc chìa khóa mở cửa vào thơ Lê Đạt.

Trong khi gây đột biến đó cho làng thơ, Lê Đạt vẫn âm thầm, miệt mài sự lao động chữ như khổ sai mà lại như khoái cảm của mình cho thơ. Mặc ai bàn tán, khen chê, ông cứ thẳng một đường mình đi.

Với ông, được làm thơ, được sống với thơ, được cùng thơ thỏa khát vọng phiêu lưu cùng chữ và nghĩa, thế là đã đủ mãn nguyện, đã sung sướng được sinh ra đời làm một người sáng tạo.

Đọc Lê Đạt ở bất cứ cái gì ông viết ra nói ra, dù đó là thơ, là truyện, là bài tản mạn hay bài trò chuyện, tôi luôn bị ấn tượng bởi cách nói, cũng tức là phản ánh cách tư duy của ông. Một cách tư duy và một cách nói ra thành lời những điều tư duy in đậm cái nét riêng không thể lẫn trộn của Lê Đạt. Nó khiến người đọc không thể thờ ơ những điều ông nghĩ, ông nói. Nó khiến Lê Đạt vẫn hiện đại đồng hành cùng lớp trẻ đầu thế kỷ 21. Nó khiến người ta phải nhìn lại thơ bằng con mắt duy lý, ngoài sự thành kính, đam mê và cảm xúc. Ông không ngừng sục sạo các ngõ ngách của từ và tiếng, của chữ và lời, không ngại làm mới và không sợ bị coi là khác lạ. Thơ Lê Đạt cổ điển trong vẻ hiện đại, đẹp trong sự tân kỳ. Tưởng nhớ ông, hãy cùng đọc lại một bài thơ thành công nhất của ông:

Bóng chữ

Chia xa rồi anh mới thấy emNhư một thời thơ thiếu nhỏEm về trắng đầy cong khung nhớMưa mấy mùa mây mấy độ thuVườn thức một mùi hoa đi vắngEm vẫn đây mà em ở đâuChiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu.

Cái mùi hoa đi vắng mà vẫn làm thức vườn, cái sự em ở đâu khi em vẫn ở đây - đó chính là bóng chữ của Lê Đạt, chính là thơ ông.

Lê Đạt và U75 từ tình

Nhà thơ Lê Đạt sinh năm 1929 tại Yên Bái, cha ông quê Bắc Giang, mẹ ông là con gái Đình Bảng (Bắc Ninh). Thời thanh niên sôi nổi, ông theo cách mạng, từng làm trợ lý cho tổng bí thư Trường Chinh, nhưng ma lực của thơ ca đã hút ông ra khỏi con đường chính trị. Ông làm thơ, cách tân thơ, tai ương, khốn khó vì thơ và vinh quang cũng vì thơ. Không bao giờ vỗ ngực tự xưng mình là nhà thơ, ông tự gọi mình bằng một "hỗn danh" vừa khiêm nhường vừa kiêu hãnh: người phu chữ.

Và rạng sáng hôm qua, sau một cú ngã, lúc 3g15, ông đột ngột ra đi, ở tuổi 80 tròn. Những tai ương của cuộc đời đã khiến con đường sự nghiệp của ông bị đứt quãng, nhưng lao động nghệ thuật của ông thì không nghỉ lấy một giây.

Có lần ông kể: "Dạo đói nhất, nhà có năm miệng ăn mà chỉ trông vào lương văn công của một mình bác gái; bác đã phải ngồi cả ngày ở thư viện để sáng đọc tài liệu, tối dịch thuê, dịch mà không được để tên thật của mình. Đói hoa cả mắt mà vẫn ngồi dịch đủ những thứ cao xa, trong khi trong bụng chỉ thèm một ổ bánh mì”. 30 năm trời âm thầm học, đọc, dịch và làm thơ; không được in báo, in sách, không có gì có thể làm ông nản chí.

Ông bảo: "Người làm thơ phải tập luyện chăm chỉ với con chữ mỗi ngày như cô Vũ Bích Hường tập chạy". Ông tôn thờ chữ nhưng cũng đánh vật với chữ, ông nâng niu chữ và đồng thời luôn tìm cách biến đổi, làm phép với nó, để cho mỗi vỏ chữ tạo ra mỗi nghĩa lạ mỗi ngày. Dù vặn xoắn triết lý hay thả chữ đa tình, ông lúc nào cũng nâng lên đặt xuống với từng từ của tiếng mẹ đẻ.

Cuối năm 2007, 79 tuổi, ông còn cho ra mắt U75 từ tình - tập thơ đầy đặn và trẻ trung như tình yêu của ông với cuộc sống này, với nền thơ ca này, kèm theo một phụ lục rất dễ thương: "Hi vọng xuất bản: Tình mẹ (thơ); Bước ký vào XXI (trường ca); Đường chữ (tiểu luận); Album trắng (thơ và đoản ngôn)". Không ai có thể nghĩ đó là tập sách cuối cùng của một ông già 79 tuổi.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên