![]() |
Nhà văn Thuận |
* Trạng thái của Thuận sau khi “xong việc” với Xạ thủ nằm bắn (XTNB)? Liệu có là một cái thở phào vì thoát ra được một nơi mà “tử thi dày đặc mỗi trang sách”?
- Từ lúc đọc cho đến khi dịch, chưa bao giờ XTNB mang lại cho tôi cảm giác vẫn gặp khi đối diện một tiểu thuyết trinh thám. Đúng là có nhiều tiếng súng và máu chảy, nhưng bên cạnh đó tôi bị thu hút bởi những thứ khác, nhất là cách viết đặc biệt của tác giả J. - P. Manchette. Nhưng thu hút có lẽ vẫn chưa phải là từ nên dùng ở đây, cảm giác tôi muốn nói đến có lẽ là băn khoăn. Không băn khoăn sao được khi những tình tiết vô cùng phức tạp được tác giả diễn tả rất giản dị...
* T mất tích nghe nói được gợi hứng từ XTNB? Vậy việc công bố bản dịch liệu có khác nào “không khảo mà xưng” sự ảnh hưởng đó, chị không ngại sao?
- Tôi không giấu việc XTNB gây cho tôi cảm hứng để viết T mất tích, bởi vì từ cảm hứng đến sáng tạo là một con đường rất dài mà chỉ bước chân vào mới hiểu nó gian truân tới mức nào. Độc giả không thể không nhận thấy T mất tích đã nhanh chóng bỏ lại sắc thái trinh thám ban đầu để bước vào một hành trình khác hẳn: không một tiếng súng, không một thây rơi. Và lần đầu tiên, sau bốn tiểu thuyết, tôi đã dám tấn công lãnh địa của văn chương phân tích và lý luận.
Ngoài vài lời khen miễn cưỡng, các nhà văn VN hầu như ít dám bày tỏ tình cảm của mình với tác phẩm của đồng nghiệp, có lẽ nơm nớp lo bị chụp cho cái mũ “ảnh hưởng”. Tôi không xử sự như thế với Manchette hay những tác giả mà mình yêu mến. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ việc mình làm.
* Chị có cần phải cố gắng để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng đó?
- Không hề. Bởi vì khi viết T mất tích, tôi đã để lại sau lưng tác phẩm của Manchette. Có những nhà văn có tài thiên bẩm nhưng không có khả năng giữ nó lại quá vài tác phẩm đầu tay. Còn tôi, tôi tin mình sẽ chẳng viết nên cơm cháo gì nếu không nhờ tác phẩm của những đồng nghiệp nghiêm túc. Được đọc hay dịch họ không bao giờ gây phiền phức cho tôi trong sáng tác, ngược lại thì đúng hơn. “Học để mà chôn đi”, như Trần Dần đã chiêm nghiệm.
* XTNB là một lần rời bàn viết “đi chơi” cho vui, hay còn duyên nợ hơn thế, với chị?
- Hơn thế. Vì nếu có thời gian, tôi sẽ tiếp tục dịch thêm một tiểu thuyết nữa của Manchette - người đã có công lớn làm nên diện mạo của văn chương trinh thám Pháp. Còn hiện tại, tôi đã hoàn thành bản dịch Mở rộng phạm vi đấu tranh của Michel Houllebecq (tác giả Hạt cơ bản - T.A). Tác phẩm này cũng từng gây cho tôi rất nhiều hưng phấn để ngồi vào bàn viết T mất tích.
* Vậy chúc chị luôn có lý do để không “mất tích” trên văn đàn!

- Martin Terrier giết người không ghê tay, nhưng lại hết sức ngây thơ ở chỗ cứ ngỡ tiền sẽ giúp hắn san bằng khoảng cách giai cấp và tình cảm là thứ không bao giờ đổi thay. Xã hội và lòng người phức tạp hơn nhiều. Tôi không cho rằng Martin Terrier dám nổi loạn, hắn không đủ ý thức để làm việc ấy.
Nhân vật chính của XTNB phát điên chẳng phải vì “nổi loạn không thành” mà đơn giản bởi trong cuộc đọ súng cuối cùng với chính lão chủ, Martin Terrier đã nhận một viên đạn vào giữa sọ, viên đạn không cướp đi mạng sống nhưng lại lấy hết trí thông minh vốn đã ít ỏi, èo uột của hắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận