Phóng to |
5 giải thưởng Hồ Chí Minh và 158 giải thưởng nhà nước
* Ông không biết mình được giải thưởng Nhà nước với tập thơ: Bóng chữ; Ngó lời và tập truyện Hèn đại nhân?
- Tôi không hề hay biết cho đến khi có cuộc phỏng vấn nóng này.
* Giải thưởng là một vinh dự cho bất kỳ nghệ sĩ nào…
- Tôi thấy đường thông hè thoáng, bảo đảm an toàn giao thông cho lương tâm của xã hội, người ta phải thanh toán giải quyết những tồn đọng của xã hội và những tồn đọng của lịch sử. Và khi nào hiện tại vững mạnh trưởng thành, người ta mới đủ bình tâm giải quyết những tồn đọng mà có thể gọi đó là những bệnh ấu trĩ của một thời.
Việc đối xử với một số anh em chúng tôi như vừa rồi là tin đầu xuân tốt đẹp. Tôi biết sẽ có nhiều ý kiến xung quanh việc này, đấy là lẽ bình thường. Tôi nghĩ chuyện giải thưởng này như một câu của ông Đỗ Chu (Một thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học) đã phát biểu là: “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Còn nói xứng đáng cũng chẳng biết thế nào là xứng đáng. Nhưng đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không.
* Khi biết tin này, ông cảm thấy sao?
- Tôi thấy việc trao giải này là phải. Và đáng ra phải làm từ lâu rồi.
* Một nghệ sĩ đích thực có nhất thiết lấy giải thưởng làm đích đến?
- Một nghệ sĩ thật sự bao giờ cũng nói theo lương tâm của mình, không nói theo tiếng của người khác. Nghệ sĩ cần nhất là làm gì cũng phải có lương tâm.
* Ông thấy những sáng tác của mình và các bạn ông như Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm....thật sự có giá trị?
- Những sáng tác của tôi có giá trị trong nền Văn học Việt Nam. Các tác phẩm của bạn bè tôi trong Nhân Văn Giai Phẩm có giá trị khác nhau nhưng đều xứng đáng với giải thưởng.
* Những nhà văn nổi tiếng, những tác phẩm nổi tiếng cùng thời với ông giờ đâu hết rồi?
- Cái này thì phải đến ...nghĩa địa mà hỏi!
* Ông và ông Hoàng Cầm có gọi điện cho nhau sau khi biết tin được Giải thưởng Nhà nước về chuyên ngành Văn học?
- Không. Chúng tôi biết thế thôi, đâu cần phải gọi điện? Chúng tôi già rồi, không còn trẻ để háo hức gọi điện mừng mừng tủi tủi nữa.
* Giả sử, bây giờ cả 4 nhà thơ cùng một chiếu văn đàn với ông còn ngồi được với nhau thì sao nhỉ?
- Thì sẽ là một cuộc rượu chứ sao.
* Ông thường lẳng lặng theo dõi lớp viết trẻ, ông thấy họ đã có tiếng nói riêng chưa?
- Người sáng tác tìm được cái độc đáo rất khó. Các nhà văn trẻ ngày nay thường nói tiếng nói dài, vì nói theo thời trước. Khi người sáng tác nói được tiếng nói của mình, anh ta mới được gọi là trưởng thành, hay tạm gọi là “ra ở riêng”. Bây giờ, tôi thấy có nhiều nhà văn nhà thơ vẫn “ăn nhờ ở đậu” bố mẹ.
* Vậy theo ông có những ai đã “ra ở riêng”?
- Tôi không trả lời câu hỏi này.
* Vì sao?
- Gần đây nhất tôi có xem chương trình “Thơ, Trình diễn và trò chuyện” tôi thấy họ cũng tương đối thôi. Có nhiều nhà văn, nhà thơ mãi lo xuất hiện trước công chúng mà không chịu đi sâu vào sáng tác. Tôi thấy có nhiều cách xuất hiện, nên học cách xuất hiện ngay cả khi vắng mặt mình.
* Ông thấy văn chương ngày nay đuợc tôn vinh hơn trước không?
- Thời nào việc sáng tác thật cũng...khó. Thời nay, văn chương có thoáng hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, lượng sách ra thì nhiều mà lại nhạt quá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận