![]() |
Nhà văn Thuận |
Trong thế giới lạnh lùng, vô cảm ấy, sự mất tích của T. dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán và ổn định đến nhàm chán. Thế mà, cũng chỉ vài ba người còn đôi chút dũng cảm mới dám hành động như T.
“Viết văn không phải để… giải sầu”
* Sự tẻ nhạt, sự nhàm chán - đấy phải chăng là bản chất (hay bộ mặt thật) của đời sống tầm thường mà ngày ngày chúng ta vẫn phải ăn, phải ngủ, phải hít thở, phải…? Và mọi nỗ lực của người cầm bút, cộng với sự nhạy cảm (nhiều khi đến cực đoan), cũng là để chống lại cái tẻ nhạt, tầm thường đó?
- Chống lại cái tẻ nhạt của văn chương mà cầm bút thì còn hy vọng đi được đường trường chứ chống lại cái tẻ nhạt của cuộc sống thường nhật mà thành nhà văn thì có lẽ chỉ sau tác phẩm đầu tay là bỏ bút. Đơn giản là có nhiều cách giải sầu đỡ mệt hơn ngồi vào bàn… Đeo ba lô nhảy tàu đi du lịch Tây Bắc là nhất, nếu không thì thứ bảy, ra chợ mua một con cá quả bảy lạng về chế bảy món đãi bảy người thân cùng học với nhau lớp bảy cách đây mười bảy năm…
Nói cho cùng, viết văn không phải để… giải sầu! Nhiệm vụ của văn học không phải để kháng cự lại những cơn buồn chán.
* Và vì thế suốt mấy năm nay, chị cứ việc “sòn sòn” sinh nở bốn tiểu thuyết, mà không cần bận tâm đến cái tẻ nhạt của đời thường. Chưa bàn đến chất lượng hay dở, chỉ tính riêng sức viết và sức lao động cần mẫn cũng đáng nể rồi! Và cái sự viết liên tục không đứt đoạn (nhất lại là viết tiểu thuyết) cũng là một phẩm chất chuyên nghiệp của nhà văn?
- Viết xong, xuất bản, mở ra đọc lại là muốn sửa ngay từ trang đầu. Tôi làm việc đều đặn cũng chỉ vì muốn đạt tới một tác phẩm hoàn thiện. Thực ra, nếu ngay lập tức đã tự bằng lòng thì chẳng có lý do gì để phải bò ra viết cái khác.
Chuyên cần hay chuyên nghiệp là những điều kiện cần nhưng chưa đủ của nghề viết. Chất lượng tác phẩm vẫn tối cần thiết. Alexandre Dumas có lẽ là người viết khỏe bậc nhất trong lịch sử văn chương thế giới, nhưng thú thật là tôi luôn luôn lẫn lộn Ba chàng ngự lâm pháo thủ với các tiểu thuyết khác của ông, hình như ở đâu cũng thấy toàn giai nhân với anh hùng và thiện thắng ác. Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở vài ba tác phẩm thì tác phẩm tuyệt vời nhất vẫn là ẩn số.
* Giới phê bình trong nước bảo T. mất tích có chất “Tây nhất” trong các tiểu thuyết của Thuận. Chị nghĩ thế nào về cái sự “Tây hoá” và “cách tân” mà người ta đang gán cho chị?
- Xã hội phương Tây từng xuất hiện trong tác phẩm của một vài nhà văn Việt, nhưng có lẽ chỉ được dùng làm nền cho các tác giả ca những bài ca có cái tên chung là “thân phận tha hương”. Vì vậy mà tôi bắt buộc phải để T.mất tích làm câu đầu tiên của tiểu thuyết, rồi nhường toàn bộ tác phẩm cho nhân vật “tôi”, một người Pháp chưa từng đặt chân ra khỏi biên giới, cùng cái xã hội đã tạo nên anh ta: từ ông bố đỏm dáng và ích kỉ đến bà mẹ kế khôn ngoan nhưng thiếu may mắn, từ những người tình đầu nhạt nhẽo đến nàng Anna bí hiểm cuối cùng, từ lão trưởng phòng râu quặp đến mụ vợ quý tộc loạn dâm…
Tôi không chú ý lắm những thuật ngữ mà người ta dành cho các tác phẩm của mình. Còn về cái gọi là “Tây hoá”, tôi chỉ muốn chứng minh một điều: Ngôn ngữ Việt thừa hiện đại và tinh tế để sáng tạo trên những đề tài khác bên ngoài phạm vi hình chữ S. Khi mà mọi ngành nghề đều tìm cách toàn cầu hoá thì không lẽ gì văn chương lại chịu bó tay buộc chân.
Chua chát, hài hước không phải là độc quyền của Houellebecq
* Tại sao chị không xuất bản T. mất tích ở Pháp, mà lại đem về VN? Có phải vì ở Pháp chị vẫn vô danh và khó có một chỗ chen chân? Hay chẳng qua vì độc giả VN… dễ tính hơn độc giả hải ngoại? Nếu T. mất tích cũng “mất tăm mất tích” luôn trên văn đàn thì sao?
- Tôi không dám phát biểu hộ những tác giả xuất bản tại nước ngoài, nhưng sau khi in tiểu thuyết đầu tay ở California, tôi ngán vô cùng cái cảnh vác sách ra bưu điện, mua phong bì, ghi địa chỉ… để gửi Made in Vietnam đến những cái tên quen và không quen, cũng không chắc người nhận sẽ bỏ thời gian ra đọc hay nhẹ nhàng đặt nó vào sọt rác.
Khó lòng tìm nổi một tính từ chỉ toàn bộ độc giả của một nền văn học. Nếu trong số hàng triệu người đọc thông tiếng Việt mà có được một ít độc giả cho mình thì cũng là điều may. Nổi tiếng, vô danh… chẳng có gì quan trọng.
* Tình dục, ẩn ức là một trong những phương cách được chị dùng để thể hiện sự cô đơn của nhân vật. Tuy nhiên, đâu đó trên những trang viết của chị, người ta có thể đọc được dư vị hài hước, chua chát của Michel Houellebecq…
- Trước hết, phải nói rằng chua chát và hài hước không phải là độc quyền của ngòi bút Houellebecq. Người kết hợp được hai điều ấy một cách dữ dội nhất chính là Celine với tiểu thuyết Hành trình đến tận cùng đêm, nửa thế kỷ sau vẫn khiến phần đông dân Pháp phẫn nộ.
Thứ nhì, dù thích tác phẩm của Houellebecq (đặc biệt là hai tiểu thuyết Mở rộng phạm vi đấu tranh và Hạt cơ bản), tôi vẫn muốn nhặt ra một hạt sạn, ấy là niềm tin vào cái được mệnh danh là “tình yêu cứu rỗi”. Không, các nhân vật của T. mất tích chẳng ngây thơ lẫn hoang tưởng đến mức ấy. Họ không đời nào vật vã đi tìm viên thần dược cho các căn bệnh ích kỷ, giả dối, hèn nhát… của xã hội đương đại. Tạo dựng một loại nhân vật lý tưởng, hiện thân cho mơ ước, tượng trưng cho điều - không - thể… không hề là nguyện vọng của tôi.
* Ngoài khác biệt về vị trí địa lý, không gian sống, môi trường văn hoá, thì điểm khác biệt lớn nhất giữa một nhà văn xa xứ và một nhà văn trong nước là gì, theo chị?
- Các nhà văn xa xứ hay bị ám ảnh bởi quá khứ, còn các nhà văn trong nước thường quên quá khứ rất nhanh. Với tôi, không cái nào là nhược điểm. Một khi biết cách khai thác, cả hai đều có thể cho những sáng tạo bất ngờ, giống như nhảy từ cực này sang cực khác gây nhiều cảm giác hơn là loanh quanh ở trung điểm.
__________________
(*) Sách của NXB Hội Nhà văn, Công ty Nhã Nam ấn hành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận