Phóng to |
Cái truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu in trên TTCN số 15-2002 thật thú vị. Tên tác giả Mạc Can còn lạ. Chưa liên lạc được với tác giả tôi đã mạn phép đưa cho ban tuyển chọn truyện ngắn hay của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cùng đọc. Truyện được tấm tắc khen, được đưa vào tập tuyển năm 2002.
Lâu lâu sau, một hôm nhà văn Lê Minh Khuê kể tác giả Mạc Can đi đóng phim ở Hà Nội, ghé lại nhà xuất bản cảm ơn ban tuyển chọn. Được chị Lê Minh Khuê động viên, Mạc Can gửi tiếp bản thảo tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Hay, chị Khuê khen. Tôi mượn về đọc, đúng là hay.
Tôi chưa gặp tác giả Mạc Can, nhưng cứ hình dung ông giống như nhân vật chàng thiếu niên xưng tôi kể chuyện trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao: anh chàng làm hề xiếc, vẽ một cái mũi tròn to, một cái miệng cười đến tận mang tai, làm hề cho thiên hạ cười, ngoài mặt thì thế mà trong lòng run rẩy với từng mũi dao phóng về phía em gái mình.
Một miệng cười mà trong lòng đang khóc. Đang giận người cha vô tâm bày trò phóng dao cho gánh xiếc, giận người anh tự tay phóng dao mà có vẻ vô tình xao nhãng. Giận cả khán giả trả đồng tiền còm mua lấy tiếng cười trên một sinh mạng bé nhỏ.
Giận người rồi lại giận mình. Sao mình phải chứng kiến? Sao mình ngày ngày tự nguyện cõng trên lưng tấm ván phóng dao như vị chúa tuẫn nạn cõng cây thánh giá khổ hình? Hằng ngày vị chúa bé nhỏ trong hồn người lại phải đập đầu vào tấm ván phóng dao mà khóc mà tự vấn. Rốt cuộc vì sao mình phải sinh ra?
Đọc thế, độc giả đã hình dung ra một gánh xiếc gia đình. Trôi nổi trên những dòng sông con kênh, những xóm làng Nam bộ. Những trang viết thật gợi, gọi được ra hồn cốt Nam bộ một thời. Những con người chân chất trọng nghĩa khí, nhưng rồi tất cả cứ loay hoay thế nào đó trong một tấm lưới vô hình của kiếp người. Không thoát ra được khỏi thói thường tình. Không tìm ra được một mảnh hạnh phúc mà lẽ ra phải có.
Mạc Can sử dụng có hiệu quả thủ pháp gián cách. Mọi sự kiện, mọi biến động của đời sống bên ngoài vừa được tái hiện trực tiếp lập tức được đẩy ra xa, đưa qua màng lọc của chàng thiếu niên, khắc in lại trong đó những đường đồ thị run rẩy.
Chuyện thế sự khi ấy chỉ còn là cái cớ để cho những rung cảm của một con người được dịp trào ra ngân lên. Sự kiện ngay phút chốc được xóa mờ đi, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những rung động, những cung bậc tình cảm tinh tế nhiều vẻ.
Nhiều trang viết đạt đến độ hiếm hoi về nỗi buồn thấm thía của kiếp làm người... “Lúc nào cũng vậy, khi tôi nhắm mắt, ban đầu thường có những đốm sáng lập lòe, đó là ánh lửa trong chiếc đèn bão thời thơ ấu của tôi, rồi là chữ, chỉ có chữ, tôi khát chữ tới độ điên cuồng, ở kiếp nào đó, ở một thế giới nào đó... tôi là một nhà thông thái. Tôi biết quá nhiều điều nhưng rồi tôi đã làm sai một điều gì đó khiến cho tôi bị xóa đi, cả tôi và cả những điều tôi học, giờ đây tôi biến thành kẻ lưu đày u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói...”.
Truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu của Mạc Can được nhiều người thích. Gần gũi, hồn hậu, lại vừa xa lung linh những yếu tố kỳ ảo. Truyện Tờ 100 đôla âm phủ lại miên man dường như lỏng tay cấu trúc nhưng khép lại thật gọn gàng như một miếng ảo thuật ngoạn mục.
Bây giờ đến tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Những ưu điểm ở hai truyện ngắn kể trên đã được huy động vào đây. Trong loay hoay lầm lạc có le lói mối tình tưởng là cứu rỗi. Trong nỗi buồn thấm thía có cả sự cảm thông rộng lượng. Trong văn chương mộc mạc có bộc lộ một tay nghề tài hoa khi xử lý câu chữ và khai triển vấn đề. Cuốn tiểu thuyết chắc là sẽ tìm được sự chia sẻ của độc giả yêu văn chương.
________________
Trích tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can:Thời thơ ấu hung bạo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận