22/12/2005 14:55 GMT+7

Tìm tác phẩm hay cho tuổi mới lớn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Khi tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng chuẩn bị ra đến tựa thứ 300, một hội thảo văn học dành cho tuổi teen vừa tổ chức tại An Giang với mục đích tìm kiếm tác phẩm hay hơn. Bởi sách hay của lứa tuổi này đang... khát.

Y9j0i3Lo.jpgPhóng to
Nhà thơ Cao Xuân Sơn (trái) và cây bút trẻ Tú Trinh trao đổi trên đường về dự hội thảo - Ảnh: Lam Điền
TTO - Khi tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng chuẩn bị ra đến tựa thứ 300, một hội thảo văn học dành cho tuổi teen vừa tổ chức tại An Giang với mục đích tìm kiếm tác phẩm hay hơn. Bởi sách hay của lứa tuổi này đang... khát.

Nhà văn chưa theo kịp bạn đọc

Điều bất cập này ít khi nào được giới sáng tác - vốn có nhiều tự ái - thừa nhận. Nhưng tại hội thảo lần này, nội dung trên được đưa ra và đã gặp những ý kiến tán đồng.

Lâu nay, các nhà văn vẫn thừa nhận với nhau về mặt “lý thuyết” rằng: thời đại @ bây giờ khiến cho suy nghĩ của các em rất khác, các em có những nhu cầu, những quan niệm về thị hiếu thẩm mỹ, những sở thích và đòi hỏi… không giống như cách hình dung về độ tuổi mới lớn vào thuở xa xưa của các nhà văn chuyên nghiệp hiện nay.

Thừa nhận như thế là để nhắc nhau viết cho tuổi mới lớn bây giờ cần đổi mới, đổi khác, nhưng đổi mới như thế nào vẫn là vấn đề còn bàn thảo và mỗi nhà văn vẫn hiểu khác nhau.

Cây bút trẻ Tú Trinh đã đặt ra một vấn đề thẳng thắn và “khó xử” là việc chuyển tải nội dung tình dục, giới tính trong các tác phẩm hiện nay dành cho tuổi mới lớn.

Vấn đề này không mới, bằng chứng là văn học các nước đã xử lý chuyện nay từ xưa đến nay. Nhưng các tác giả Việt Nam vẫn còn lúng túng khi đề cập nội dung này trong các tác phẩm cho tuổi mới lớn.

Tú Trinh dẫn ra các tác phẩm từ Buồn ơi chào mi của Francois Sagan từ 1960 đến quyển sách gây xôn xao Trung Quốc Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ mới đây, để nhấn mạnh rằng: tình dục ở tuổi mới lớn trong các sách nước ngoài được giải quyết tình huống như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và trở nên hấp dẫn với số đông công chúng như vậy.

Đồng ý với ý kiến này, nhà văn Nguyễn Trí Công cho rằng “tuổi mới lớn hiểu về tình dục rất sớm. Tuy nhiên, người viết lại không dám động tới lãnh vực nhạy cảm và dễ bị “xử” này khiến các em thờ ơ với tác phẩm viết cho lứa tuổi của mình”.

Rõ ràng vấn đề tính dục là một quan tâm rất lớn của các em ở độ tuổi teen, bởi độ tuổi này đang đối diện với các đổi thay về tâm, sinh lý. Thế nhưng, đề tài này lại chưa được các nhà văn khai thác xử lý, làm cho các emcó cảm giác “tác phẩm chưa theo kịp với nhu cầu của mình” cũng là hệ quả tất yếu.

Cây bút trẻ Quân Thiên Kim cho rằng lực lượng sáng tác cho tuổi mới lớn hiện nay đang gặp phải mâu thuẫn giữa năng lực sáng tác và vốn sống thực tế, và cô mạnh dạn lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ quan liêu trong sáng tác văn chương.

Sự việc được diễn đạt có vẻ trầm trọng, nhưng sự thực thì chính khoảng cách giữa nhà văn và bạn đọc luôn là mối quan tâm của những người làm văn chương. Một khi người viết được giao cho sứ mệnh phải đồng hành, thậm chí phải đi trước bạn đọc về mặt tư tưởng, mà anh lại thừa nhận rằng anh đang tụt lại phía sau, rõ ràng là bất ổn.

Hãy viết một cuốn nhẹ và mỏng...

Có nhiều ý kiến bàn về công tác quảng bá sách, cách trả nhuận bút, đầu tư sáng tác… tựu trung cũng là vì mục đích muốn tìm cách để có được tác phẩm hay, và phải đưa tác phẩm hay đến tay người đọc. Những vấn đề này nằm ở môi trường văn chương trong nước, mà nhà văn vẫn thường va phải.

Anh Phước Thảo ở Đồng Tháp đặt vấn đề về nhuận bút cho một tác phẩm tuổi mới lớn hiện nay không cao, nhà văn Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai muốn tìm cách “ràng buộc” giữa NXB và nhà văn bằng ý tưởng: các NXB nên chăng chọn lựa, ký hợp đồng với các nhà văn, có thể trả lương hàng tháng, ứng trước tiền nhuận bút… để nhà văn có động lực viết.

Nhà văn Thu Trân cũng hy vọng môi trường văn chương có thể được cải thiện hơn nếu như hội thảo lần này có các “nhà ra quyết định” – những lãnh đạo hội nhà văn, giám đốc nhà xuất bản - tham gia.

Tuy nhiên, bản thân những điều kiện đó vốn không phải là yếu tố quyết định để có được tác phẩm hay. Một tác phẩm hay chỉ có được khi có nhà văn hay, điều kiện để có được một nhà văn hay hòan toàn không có công thức, chỉ biết rằng: nhà văn hay có thể sáng tác mà không cần các điều kiện “phụ liệu” kia.

Nhà văn Anh Đào nhấn mạnh điều này bằng một khẳng định: “Tôi không nghĩ vì có quá nhiều phương tiện giải trí khác mà các em xao nhãng việc đọc sách. Ta thiếu sách hay cho các em”.

Nhà văn Nguyên Hương nêu thực tế về các giải thưởng văn học hàng năm của Hội nhà văn Việt Nam “cả chục năm nay không hề xét giải cho bất kỳ truyện nào viết về tuổi mới lớn”. Điều này có thể có hai nguyên do: ta không có tác phẩm tuổi mới lớn xứng tầm; và tầm của giải thưởng văn học Việt Nam không không xét đến tác phẩm tuổi mới lớn.

Dù sao, thực trạng này cho thấy các tác phẩm dành cho tuổi vẫn chưa có vị trí trong làng văn học đất nước. Đã vậy, nhà văn Trần Quốc Tòan nêu ra một khoảng trống trong văn học tuổi mới lớn ở ta là thơ. Thể loại văn học này thiếu hẳn trong các tủ sách tuổi mới lớn, nó báo hiệu một sự phát triển bất thường của đời sống văn chương.

Và như thế, để có tác phẩm hay cho lứa tuổi teen, nhà thơ Cao Xuân Sơn lại cất cao lời kêu gọi các nhà văn chuyên và không chuyên nghiệp hãy “viết ít nhất một cuốn sách mỏng mà không nhẹ cho lứa tuổi này”.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên