26/03/2014 08:45 GMT+7

Gan góc đi hết phận mình

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - ... Giữa chừng câu chuyện kể, Hồng Nga lau nước mắt. Bốn đời chồng, năm đứa con, nhưng dường như bà vẫn chưa từng có một gia đình đúng nghĩa.

Kỳ 1: Giấc mơ lạ lùng của cô đào không nhan sắc Kỳ 2: “Tuyệt tình ca” và những bà mẹ độc đáo Kỳ 3: Người mẹ tìm con

E11nHTmc.jpg
Nghệ sĩ Hồng Nga (trái - vai nữ tướng Lê Chân) trong vở Tiếng trống Mê Linh công diễn tháng 3-2014 - Ảnh: T.T.D.

Ký ức vẫn còn nguyên. Những lúc đau khổ quá cô gái trẻ nhìn vào gương và nghiến răng tự nhủ: “Mình không được chết lúc này. Mình phải đứng thẳng. Mình không được chết vì một người không xứng đáng”.

Có những ngày sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, vãn hát bà chạy vòng vòng ra bến Bạch Đằng khóc cho đã mới dám về nhà ôm con, nhìn con ngủ ngon chép chép miệng lại khóc thêm lần nữa.

Có những đêm không ngủ nằm nhìn trừng trừng lên trần nhà, nhớ lại những lúc đi hát xa thương chồng không có cà phê uống, nửa khuya đi lượm lá khô, lấy lon sữa bò đun nước pha đúng một ly cà phê nhỏ nghi ngút khói, chờ nước sôi thì đôi mắt đã đỏ hoe vì khói lá khô cay.

Nhớ những năm khó khăn chồng thèm ăn một trái táo, lúc đó là trái cây nhập cảng mắc tiền, mua về gọt cho chồng ăn rồi mình ăn cái vỏ.

Nhớ những ngày chỉ còn đủ tiền mua một tô hủ tiếu, chồng ăn xong mình bưng tô nước còn lại xuống bếp ăn với cơm nguội... Nhớ tất cả quá khứ, đẹp và đáng thương.

Giờ đây nếu có ai hỏi tại sao Hồng Nga lại có nhiều chồng, bà thường trả lời đơn giản: “Vì tôi không thể sống mãi với một người đàn ông không còn yêu thương, một mối tình đã chết. Nó giống như một khối ung thư, cắt đi chỉ đau một lần”.

“Hồng Nga đã hết lụy tình!”

"Tôi tâm lành tướng lộ. Không giả dối luồn cúi ai. Ai làm ơn cho tôi thì tôi nhớ cả đời. Người ghét tôi cũng không ít. Nhưng cuối đời tôi cũng được hưởng phước"

“Hết cơn bĩ cực, tới hồi thới lai” - đó là câu bây giờ Hồng Nga hay nói. Đời bà tới nay - 70 tuổi - xem như mãn nguyện rồi. Vì thật ra bà chưa từng mơ ước gì nhiều. Làm việc hết sức. Yêu thương hết lòng. Lận đận gian nan vấp ngã. Càng bị vùi dập càng phải mạnh mẽ thêm lên. Bà đã gan góc đi hết phận mình. Vậy thôi.

Bà kết luận: “Tôi vốn là đứa con gái khờ khạo, lăn lóc với đời, mình trần thân trụi, đầu đội trời chân đạp đất, lầm lũi mãi rồi cũng tự mình vươn lên”.

Nhờ trời thương, mảnh đất heo hút ở Bình Dương ngày nào bà mua để mẹ con dắt díu nhau về ở tạm, sau này cũng bán được giá. Bán rồi về mua nhà ở Sài Gòn. Rồi làm di chúc chia của cải cho các con vì không biết mình sẽ ra đi lúc nào. Bây giờ bà yên tâm rồi.

Ngôi nhà ở Bình Dương đó đã chứng kiến 20 năm người đàn bà cô lẻ đi về khuya sớm một mình. Có những nỗi đau khi lạnh người chạy trên đường đêm vắng lặng. Có những khoảng trống kinh người trong ngôi nhà trơ trọi không có đàn ông. Nhưng Hồng Nga nói bà biết biến đau thương thành sức mạnh.

Đời một người nghệ sĩ, bà đã gặt hái được nhiều thành công. Giờ đây nhắc đến Hồng Nga, khán giả thường mỉm cười trìu mến, đầy thiện cảm về một người diễn viên độc đáo. Diễn mùi quá hay, diễn mẹ xuất sắc, diễn độc ra độc mà hài ra hài. Có một chỗ đứng như vậy không đơn giản.

Chuyện tình duyên, tất cả đã qua lâu, giờ bà mỉm cười nói: “Hồng Nga đã hết lụy tình. Hồi trước người ta hay nói tôi thờ chồng, nhưng bây giờ tôi đã dẹp hết bàn thờ rồi nghe...”.

Bà nói đùa thêm: “Mấy ông thầy tử vi tướng số ông nào cũng nói tôi có tình thì không có tiền. Có tiền thì không có tình. Vậy bây giờ tôi chọn bỏ tình lấy tiền. Mình đã không có số hưởng hạnh phúc thì ít ra cũng còn có tiền cho con...”. Bà cười sảng khoái.

Năm đứa trẻ ngày nào đã trưởng thành hết, cũng đã chọn riêng con đường đi cho mình. Người con gái đầu lấy chồng bên Áo. Hai người khác ở Thụy Sĩ. Hiện ở Việt Nam bà còn một người con gái và một con trai út.

70 tuổi, cưới vợ cho con xong rồi, hiện bà vẫn đang tất bật lo mua nhà, một căn xinh xắn ở đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi vẫn tự mình thiết kế, kêu thợ sửa chữa, lựa chọn nguyên vật liệu, đi làm giấy tờ để... cho con, chẳng khác nào anh vẫn còn là một đứa trẻ dù anh đã trưởng thành từ lâu.

Bà tâm sự: “Con tôi coi vậy mà nó vẫn còn nhỏ, còn khờ. Nó vẫn chưa biết hết giá trị của đồng tiền. Như tôi bao nhiêu năm đi hát, dây thanh đới đã muốn tét ra, mắt đã mờ vì khóc nhiều. Gom được bao nhiêu tiền tôi muốn giữ cho nó. Chứ tôi còn sống mà nhìn nó khổ tôi không đành lòng”.

70 tuổi vẫn còn run...

Vừa rồi tôi có đến xem bà diễn vai Lê Chân trong Tiếng trống Mê Linh, cũng một vai phụ. Nhưng vẫn hấp dẫn lắm. Hồng Nga mà!

Bà biết cách để không có giây phút nào trên sân khấu mà uổng phí. Hình như ở tuổi 70, lần đầu tiên bà đóng vai một nữ tướng!

Bà kể hồi trẻ có đóng hương xa, kiếm hiệp nhưng cái đó là tưởng tượng cả, còn Lê Chân là một nữ tướng có thật. Nên phải kỹ lưỡng, phải có thần thái, phải oai hùng - đừng để người ta thấy lộ ra Hồng Nga tấu hài thì hỏng!

Bà mở điện thoại di động cho tôi nghe những câu hát của Lê Chân mà bà thu lại, rồi tối nào cũng mở ra nghe để học cho thuộc.

“Già rồi có mấy câu học hoài không thuộc con ơi. Mà nè, con coi cô hát vậy có được không? Lê Chân như vậy ra nữ tướng không?”.

Tôi trả lời: “Hay quá chớ. Oai lắm, đẹp lắm, hát hay lắm”. Bà cười ha ha: “Nói thiệt hồi đó giờ cô đâu có biết ca bản Tây Thi. Lần đầu ca đó. Tập gần chết. Lên hát còn run, sợ quên tuồng, sợ hát không đúng”.

Tôi nhìn bà tự nhiên muốn khóc. 70 tuổi, bà từng lên sân khấu hàng bao nhiêu trăm lần vẫn còn run sao? Vai diễn nhỏ xíu vẫn nôn nao, xúc động vậy sao? “Xúc động chứ con. Trời, diễn như Tiếng trống Mê Linh với các nghệ sĩ gạo cội như vậy thì cải lương hay quá, sang quá. Cứ khán giả vỗ tay là cô nổi ốc hết trơn. Cho nên cô phải tập thiệt kỹ mới diễn được vậy đó con” - bà hào hứng.

Bà cũng kể cho tôi nghe những trích đoạn và tiết mục bà đang tự mình hình thành trong đầu, để chuẩn bị cho live show kỷ niệm 70 năm đi hát.

“Nếu trời thương cho còn sống, năm sau cô sẽ làm sô này”. “Cô còn khỏe, còn lanh lợi, còn ham hát mà” - tôi nói vậy với bà. “Tui còn đẹp nữa nghe. Thấy tui minhon không. Tui ăn kiêng giữ dáng mà. Mỗi bữa có chút xíu cơm thôi. Giữ dáng, giữ sức khỏe, giữ giọng là nhiệm vụ của nghệ sĩ đó. Già cũng phải đẹp. Vừa đẹp vừa hát hay khán giả mới coi chứ”.

Tôi bật cười nhớ lúc mới đây bà mặc bộ đồ ôm sát “quậy tưng” trên sân khấu Kịch Sài Gòn. Rồi đột ngột “trở bi” chọc người ta khóc ngọt xớt.

Phải, ai cũng phải tự tin mình đẹp, mình “ngộ”, mình lạ lùng mới đứng trên sân khấu được chớ. Hồng Nga rất có lý khi vô cùng tự tin bất chấp mọi trở ngại.

Người nghệ sĩ ấy cũng đã chầm chậm cùng trái tim mình đi qua bao cuộc giả chân, để có đủ ma lực cống hiến cho người xem những khoảnh khắc rối bời.

Người của giới bình dân

Tới giờ Hồng Nga có đi đâu, ăn cái gì cũng vẫn nhớ mua một phần về cho con. Bảo con làm cái gì cũng căn dặn thật kỹ. Hồng Nga hiện nay không còn đi hát nhiều. Ở trong nước có khi một tháng mới hát một lần, đi nước ngoài thì cũng thỉnh thoảng, đợt đi chừng vài tháng nhưng chỉ hát ít suất, mỗi suất cách nhau nửa tháng. Anh em đi hát chung thường đùa: “Má già quá rồi còn hát gì nữa?”. Bà cãi: “Kệ tao. Tao hát kiếm tiền xài. Kiếm tiền làm từ thiện, không được sao”.

Dĩ nhiên là được. Như nhiều người già khác, bà hay làm từ thiện bằng chính những suất hát của mình. Nếu là live show, sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại bà chuyển cho Nhà dưỡng lão nghệ sĩ, các nghệ sĩ neo đơn... Nếu là catsê hát lẻ bà cũng chia bớt một phần. Nếu đi ngoài đường gặp một bà lão ăn xin mà không quay xe lại được vì đường quá đông, bà rơi nước mắt. Hàng xóm quý mến bà, thậm chí có chút tự hào về bà. Nếu có khách tìm bà, họ thường niềm nở dắt giùm xe, chỉ giùm nhà, rồi gọi bà ơi ới. Chứng kiến những cảnh đó, tôi mỉm cười nghĩ bà có lý khi bảo rằng mình là người của giới bình dân. Bà nói: “Tôi tâm lành tướng lộ. Không giả dối luồn cúi ai. Ai làm ơn cho tôi thì tôi nhớ cả đời. Người ghét tôi cũng không ít. Nhưng cuối đời tôi cũng được hưởng phước”.

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên