Phóng to |
Cuộc trao đổi nhanh với tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) VN Trọng Khôi trước thềm đại hội Hội NSSK VN (18 đến 20-12) - cũng xoay quanh những vấn đề “cần nhìn nhận lại” mà báo cáo tổng kết đã đề cập. NSND Trọng Khôi cho biết:
- Hiện tại sân khấu TP.HCM đang sôi nổi và có hiệu quả xã hội cao hơn các nơi khác vì được dàn dựng nhiều, diễn nhiều nên sẽ có nhiều vở diễn khá hơn, có nhiều yếu tố mới lạ hơn. Sân khấu phía Bắc hiện trầm lắng hơn, và buồn hơn là nghèo nàn về hình thức thể hiện.
Thực trạng sân khấu thời gian vừa qua thì báo chí, công luận và bản thân anh em nghệ sĩ cũng đã nói nhiều rồi, sự cũ kỹ trong đề tài, nhàm chán trong cách thể hiện, cách cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong đầu tư và chấm giải, bệnh thành tích trong các kỳ hội diễn, mời bằng được các tên tuổi ăn khách về dàn dựng, không có chỗ đứng cho lớp trẻ..., tất cả vấn đề ấy sẽ được đặt lên bàn nghị sự của đại hội.
Cần dũng cảm nhìn nhận lại thực tế, đánh giá đúng thực trạng của sân khấu hôm nay, tìm ra nguyên nhân khiến nó sa sút thì mới mong có sự thay đổi đúng lúc, đúng hướng được.
* Nhưng thưa ông, còn một nguyên nhân khác nữa mà các đoàn nghệ thuật kêu ca đã lâu, đó là sự can thiệp của các cá nhân và cơ quan quản lý ngoài nghệ thuật vào các tác phẩm sân khấu, đôi khi chặt chẽ đến mức không cần thiết. Hội đã bao giờ đứng ra bảo vệ các vở diễn bị rơi vào tình thế như vậy chưa và kết quả ra sao?
- Đúng là từ lâu giới sân khấu đã có rất nhiều bức xúc về chuyện duyệt đi duyệt lại, cẩn thận đến mức quá đáng. Một ví dụ điển hình là cả năm 2001 sân khấu cả nước không dựng được một vở nào chống tiêu cực. Nhưng đến khi dựng vở chống tiêu cực của Trung Quốc, có nội dung y hệt như của VN (Hồi chuông cảnh tỉnh) thì lại được? Vậy có phải chúng ta đã tự tước đi vũ khí của mình là tiếng nói của nghệ sĩ trước các vấn đề xã hội hay không?
Hội NSSK luôn tìm cách để các vở diễn có vấn đề đến được với công chúng. Hãy để cho nghệ sĩ thử nghiệm. Thử thì có sai, nhưng có sai thì mới có đúng. Theo cá nhân tôi, đến thời điểm hiện tại mà chỉ xác định tiêu chí của cái hay trong tác phẩm nghệ thuật bằng ba chữ chân, thiện, mỹ là không đủ nữa rồi.
Đơn cử một ví dụ gần đây nhất, vở diễn Ngoại phạm của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng bị nhiều tiếng còi, báo động vì cho rằng nó khuyến khích, dung túng cái ác. Nhìn nhận như vậy thì làm sao mà sân khấu có vở diễn mới, hay được? Sao không nhìn khác đi, ở phía tự vấn lương tâm mình: “Sao toàn người tốt cả mà để cái ác ngang nhiên tồn tại, vậy chúng ta có xứng đáng là người tốt không?”.
Theo tôi, để gỡ ra được lối thoát cho vấn đề này cần một sự đồng bộ, và nghệ sĩ không tự làm được, Hội NSSK cũng không làm một mình được.
* Thưa ông, việc phải làm thì quá nhiều, nhưng Hội NSSK sẽ ưu tiên làm gì trong nhiệm kỳ tới?
- Hội sẽ thành lập các trung tâm sân khấu thể nghiệm. Chính quyền chú trọng đến các vở diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và cho số đông, còn hội sẽ hướng đến nhiệm vụ giúp nghệ sĩ có những tìm tòi độc đáo, mới lạ trong nghệ thuật.
Năm 2006 sẽ tổ chức liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế. Lần này làm thật đàng hoàng, mời hơn 10 đoàn nước ngoài, VN sẽ chỉ tham gia 2-3 tiết mục thật đặc sắc chứ không cậy ưu thế chủ nhà nữa.
Chúng tôi cũng đang lập danh sách các tác giả, đạo diễn còn trẻ có năng lực sáng tác, quản lý nghệ thuật để gửi đi đào tạo ở các nước có nền sân khấu phát triển. Danh sách sẽ trình Chính phủ trong thời gian gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận