05/04/2010 08:46 GMT+7

"Xin lỗi" mới chỉ là... kịch lạ

MINH THẮNG
MINH THẮNG

TT - Một câu chuyện xúc động được kể bằng những lát cắt nội dung trong sự pha trộn tương đối hài hòa với âm nhạc, ánh sáng, cảnh trí là điều khán giả cảm nhận được ở Xin lỗi, em chỉ là...(*) trong đêm công diễn đầu tiên.

numUyM7b.jpgPhóng to

Hạ Âu (Lan Phương) và Hà Niệm Bân (Quý Bình) trong Xin lỗi, em chỉ là... - Ảnh: Lê Minh Hạ

Chi phí sản xuất (theo công bố của nhà đầu tư) lên đến hơn 5 tỉ đồng, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trong một vở diễn, có nhiều chiêu trò để hút khán giả từ khiêu vũ đến xiếc... nhưng Xin lỗi, em chỉ là... lại làm khán giả nhớ nhất là nỗi đau trong cuộc đời Hạ Âu (Ngân Khánh, Lan Phương).

Mỗi đoạn đời là một mảnh ghép hình, để khi miếng ghép cuối cùng xuất hiện cũng là lúc khán giả có bức tranh hoàn chỉnh về một thân phận đàn bà - nạn nhân của những dục vọng tràn lan trong xã hội, câu chuyện chưa hề cũ ở thời gian hay bối cảnh nào.

Rất nhiều lời khen ngợi dành cho diễn viên trẻ Lan Phương khi cô vào vai Hạ Âu ở phần sau của vở kịch. Bản lĩnh chinh phục khán giả của một cô đào chính đã được Lan Phương thể hiện rất rõ. Dáng vẻ tung tăng mà vẫn e ngại, sự háo hức với hạnh phúc mà vẫn phấp phỏng lo âu. Nỗi đau cố nén, bàn tay run run phác những cử chỉ vừa trông đợi vừa bất cần lúc kể chuyện đớn đau của mình cho Hà Niệm Bân (Quý Bình) nghe...

Từng cử chỉ, hành động, lời thoại ngắt quãng ngập ngừng hay liên tục trong đau đớn của Lan Phương đã làm khán giả tin rằng có một Hạ Âu - đứa con tội nghiệp của định mệnh - đã vẫy vùng thế nào trong nỗi đau chênh chao một phận người. “Bao nhiêu năm qua mẹ cứ nghĩ là mẹ hi sinh và che chở cho em, nhưng thực chất em mới là người bảo bọc mẹ...” - câu nói trong tiếng nấc của Hạ Âu làm buốt lòng Hà Niệm Bân và xót dạ khán giả.

Được viết từ nguyên tác Món canh tình yêu của tác giả Tào Đình (bản dịch của Trang Hạ mang tên Xin lỗi, em chỉ là con đĩ), đồng tác giả kịch bản Trang Hạ - Hoàng Vũ đã tạo ra những nút thắt - mở khá bất ngờ. Sự có mặt của ông nhác sĩ (Việt Anh) với tiếng kèn buồn thảm và những tiên đoán định mệnh đóng vai trò kết nối những mảnh ghép của câu chuyện và báo trước chuyện đời.

Thế nhưng, sự dàn trải và rời rạc trong nửa đầu câu chuyện kết hợp với những màn hài hước chen giữa các quãng lặng đã khiến cảm xúc của không ít người xem bị vỡ vụn. Thời lượng hơn ba giờ là quá dài cho một vở kịch. Đáng lẽ ra vở có thể cô đọng hơn rất nhiều nếu đạo diễn bớt những màn giao đãi và các màn “tấu hài” không cần thiết. Sự trở lại nhưng chưa tỏa sáng của nghệ sĩ Tú Trinh cũng chưa mang đến độ chín cảm xúc với vai Bội Ngọc - người mẹ hời hợt nhưng cũng rất yêu con.

Diễn xuất của Ngân Khánh (vai Hạ Âu phần đầu) không thuyết phục được khán giả: nét mỏng manh, thanh khiết thì cô có nhưng chiều sâu của nỗi đau và những xúc cảm hồn nhiên đôi khi lóe lên trong tâm hồn già nua vì đau khổ của Hạ Âu thì cô không thể hiện được.

Có lẽ do đầu tư nhiều vào tiền thuê mặt bằng, tiếp thị vở diễn và nhiều thứ tiền ngoài nghệ thuật khác nên nếu chỉ xét về chất lượng của vở diễn thì có thể nói Xin lỗi, em chỉ là... chưa xứng đáng lắm với mức đầu tư tiền tỉ.

Với giá vé trên lầu 250.000 đồng, tầng trệt 400.000 đồng, 500.000 đồng và cao nhất là 1 triệu đồng, nhiều khán giả cho rằng mức vé như thế là khá cao so với mặt bằng chung và túi tiền của họ. Các khán giả ngồi gần có thể xem rõ nhưng khán giả ở 1/3 cuối rạp của nhà hát Hòa Bình không thể thấy được nét mặt diễn viên nên chỉ xem kịch bằng... tiếng là chủ yếu.

Dù chưa được như mong đợi, Xin lỗi, em chỉ là... là một nỗ lực đáng quý của nhà đầu tư lẫn những người thực hiện khi mong muốn đem đến cho khán giả một món lạ được dàn dựng công phu.

_________________

(*) Sau đợt công diễn đầu vào ngày 3 và 4-4 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), vở sẽ tiếp tục diễn đợt hai tại đây vào ngày 9, 10, 11-4... Vở cũng dự kiến lưu diễn xuyên Việt, sang Mỹ phục vụ bà con Việt kiều và sau đó “thu gọn” lại tại sân khấu Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B.

Những dấu ấn “đầu tiên”

Khán giả đêm ra mắt vở kịch Xin lỗi, em chỉ là... tối 3-4 có khá đông người trong giới sân khấu. Họ đến để xem “dung nhan” đồng thời cũng qua đó đi tìm lời đáp cho những nghi vấn kiểu “đột phá hay chơi ngông” xung quanh vở kịch lần đầu tiên được đầu tư lên đến hơn 5 tỉ đồng.

Đã khá lâu, kể từ sau thành công của một số vở kịch sử dụng hiệu quả mâm quay ở nhà hát Hòa Bình như Tình nghệ sĩ (1991), Chuyến tàu hoàng hôn, Những thước phim đời... đến nay mới lại xuất hiện một vở kịch tạo cảm giác hoành tráng về không gian sàn diễn. (Tiếc là vào giờ chót mâm quay lớn của nhà hát chưa sửa chữa kịp, chỉ sử dụng được mâm quay nhỏ nên hiệu quả về chuyển cảnh không được như ý đồ dàn dựng ban đầu).

Dẫu vậy, sân khấu hiện ra đẹp, sang trọng và sự to rộng của không gian đã tỏ ra khá đắc địa ở một số cảnh như vũ trường, hai nhân vật nam nữ rơi từ thác nước ở độ cao 30m.

Và tuy chưa phải đã tận dụng hết công năng của một sân khấu lớn để tạo sức hấp dẫn hơn nữa cho vở diễn song với những gì làm được, vở Xin lỗi, em chỉ là... ít nhất cũng đã đem lại cảm giác thích thú cho người xem trước một vở kịch được dàn dựng nghiêm túc, vừa thể hiện được tính thẩm mỹ qua hình thức vừa mang lại nhiều cảm xúc về tình yêu, về thân phận con người...

Trên 5 tỉ đồng để cho ra đời một vở kịch là một con số làm “kinh hoàng” tất cả ông bà bầu sân khấu hiện nay. Thế nhưng, Công ty V.Art JSC xem đây như một cách đầu tư đường dài cho việc xây dựng thương hiệu với những dấu ấn “đầu tiên”: một vở kịch đầu tiên được dựng trailer quảng cáo và phát tại rạp chiếu phim, hệ thống siêu thị; vở đầu tiên được mua hệ thống quảng cáo qua tin nhắn điện thoại di động; đầu tiên trả tiền cátsê cho diễn viên với giá ngất ngưởng (5 triệu đồng cho giai đoạn tập, 10 triệu đồng/suất cho diễn viên hạng A, 500.000 đồng/suất cho diễn viên quần chúng); đầu tiên được mua bảo hiểm cho dàn diễn viên chính (13 người) cả năm.

MINH THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên