15/07/2007 05:19 GMT+7

Đại Nghĩa - kẻ "rần rộ" của sân khấu kịch

ĐỖ DUY
ĐỖ DUY

TT - Trên blog (nhật ký trên mạng) của chàng diễn viên “người lớn thích, con nít cũng mê” nhấp nháy câu: “Chúc các bé mùa hè vui vẻ, nhộn nhịp, rần rần, rộ rộ nhé!”.

ZgtOJDHO.jpgPhóng to
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Những comment (lời bình) của cư dân mạng cũng “náo nhiệt” không kém: “Anh Nghĩa ơi! Kịch mới đừng có nghiêm nghị như vua sư tử nghe, quậy tưng như cá mặt ngu mới đã”...

Thời sinh viên Trường cao đẳng Sân khấu điện ảnh, Đại Nghĩa có lời tự nhận xét hồn nhiên: “Mình xấu một cách... vô lương tâm”. 29 tuổi, với hơn 200 vai diễn (truyền hình và sân khấu), anh mang về mình điều mà ít diễn viên trẻ muốn: diễn toàn vai ác, xấu xí về ngoại hình, nếu không cũng là đầu óc không bình thường. Tưởng vậy là không may, vậy mà sau bảy năm, “chàng béo” có được những thành quả mà đồng nghiệp cùng thời phải mơ: diễn vai ác khán giả ghét nhưng nhớ, diễn vai “tửng” khán giả vừa cười vừa thương... Và quan trọng, giờ đây, “chàng” có hóa trang xấu đến mấy người ta vẫn thấy rất... “có lương tâm”.

Trưởng thành từ vai nhỏ

Năm 1999, khi cầm bảng phân vai vở Anh chàng xỏ lá, Hương Giang hỏi tay đàn em mới gia nhập sân khấu Idecaf: “Em đóng vai gì?”, “Vai Nhỏ”, “Thì mày mới, đương nhiên đóng vai nhỏ”, “Không, tui đóng vai Nhỏ”, “Chứ không lẽ mày đòi vai lớn?”, “Thì tui có đòi gì đâu, vai tui tên... Nhỏ”. Cái kiểu đối đáp lắt léo, thích chơi chữ như vậy là sở trường của Đại Nghĩa trong cả cuộc sống đời thường lẫn trên sân khấu - có lẽ đó cũng là điểm mạnh lớn nhất giúp anh chàng ghi điểm trong lòng khán giả yêu hài kịch của TP.HCM.

Vai của anh trong Anh chàng xỏ lá đúng nhỏ, xuất hiện trên sân khấu năm phút, nghề nghiệp: người ở, ngoại hình: tả tơi, tính cách: nhiều chuyện. Đại Nghĩa xuất hiện đột ngột, diễn kiểu “khùng khùng”, tỉnh như không, khán giả cười ngẩn ngơ, chưa kịp nhớ mặt diễn viên thì anh chàng này đã biến mất, ra về có người thắc mắc: “Cậu đó là ai mà duyên quá!”. Rồi từ hàng loạt vai diễn đều phụ và đều... “tửng”: Điệu (Bóng ma), con quạ (Công chúa ngủ trong rừng), ông Táo (Mười hai bà mụ), Ba Oanh (Sông dài)... Đại Nghĩa khiến người ta phải đi tìm câu trả lời về tên tuổi của mình, lúc đó anh chỉ ở hàng diễn viên mới vào nghề.

Không chê vai nhỏ, “Nghĩa béo” thường tự “binh” đường để những nhân vật xuất hiện năm phút, mười phút của mình không... chết chìm. Anh sốt sắng, tạo đất, rồi xin đạo diễn cấp. “Từ tính cách, tên tuổi... nhân vật, kết hợp trong đường dây chung của vở, mình phát triển lên để nhân vật có thêm sức sống”, anh nói. Thực tế, những “miếng đất” của Nghĩa xin, đạo diễn dễ tính duyệt rộng một chút, đạo diễn khó tính duyệt hẹp, có khi không cấp, nhưng nói chung anh được “để ý” vì sự tháo vát.

9xQW08op.jpgPhóng to tzWwqZM0.jpg

Với tên và tính cách của Điệu trong Bóng ma, cộng thêm ngoại hình “béo tốt” sẵn có, Đại Nghĩa xin đạo diễn “cấp phép” cho đeo nhẫn hết mười ngón tay cho nhân vật của mình thêm phần... dị, sáng tạo cho tay “bẻ nửa chữ tiếng Anh chưa biết mà học đòi” này kiểu nói chuyện kèm chữ “s”: đi du lịts, nhập quốc tịts... Kiểu đỏm dáng, tưng tửng khiến người ta ghét cay ghét đắng nhưng vẫn không nhịn được cười. Sau đó, Đại Nghĩa lại có thêm con quạ, nhân vật vốn chỉ xuất hiện hầu cho mụ phù thủy trong Người đẹp ngủ trong rừng, được “nêm nếm” thêm tính cách ngô nghê, ba trợn. Thiếu nhi xem vở này vừa chửi rủa xôn xao vừa cười thích thú mỗi khi “con vật xấu xí” xuất hiện. Ông Táo trong Mười hai bà mụ gây được ấn tượng một phần có công của Đại Nghĩa với ý tưởng sáng tạo cái tay áo 2m, tung tẩy một cách duyên dáng, biến nhân vật này thành “nũng nịu”, hài hước hơn so với những ông táo chỉ biết chăm chuyện “báo cáo”...

Tài của anh không chỉ dừng lại ở những mảng miếng “lấy tiếng cười”, những ai từng xem Âm mưu tình yêu sẽ thấy anh hóa thân rất giỏi. Cũng là vai mười phút xuất hiện và biến mất, nhưng lần này, để làm tốt vai diễn mười phút, Đại Nghĩa đã tự vẽ cho mình chân dung về cả cuộc đời nhân vật, để đi tìm tâm lý thật nhất dẫn đến tình huống cần diễn. Vì vậy mà dù tự nhận rất khớp khi đứng cạnh “tượng đài” Lê Khanh, chàng diễn viên trẻ vẫn chứng tỏ được sức tỏa sáng của mình trong vai diễn nhỏ xíu. Thanh Thủy, người diễn chung, gặp mặt Đại Nghĩa hằng ngày ở Idecaf, ngồi xem phải tự thắc mắc: “Đứa nào mà diễn hay quá!”, đến khi vào hậu trường mới vỡ lẽ “là thằng Nghĩa”.

Thời cơ cho cuộc lột xác

Sau đó, nhiều vai phụ khác trong chương trình Ngày xửa ngày xưa tiếp tục được đóng dấu kiểu diễn duyên dáng, thông minh của chàng diễn viên trẻ: thần ve chai (Alađin và đủ thứ thần), con muỗi (Nữ thần Lee Kim Chi), vua sư tử (Cậu bé rừng xanh), con cáo (Bạch Tuyết lạc bảy chú lùn)... Tài năng được công chúng, đồng nghiệp công nhận, “đất đai” của Đại Nghĩa ngày càng được nới rộng hơn với thằng Mõ (Chuyện làng Ung), Mười Lời (Nụ cười của biển)...

9l6E8RLL.jpgPhóng to

Tạm dừng quá trình “xin đất”, năm 2006, Đại Nghĩa nhận vai bị “gò” bằng cả sự háo hức: Lôi Chấn Bảo trong Ba người đàn ông họ Lôi. Đạo diễn Ái Như đã mang lại cho anh một nhân dạng hoàn toàn khác. Vai thứ chính, một ông lão hiểm độc nhưng hài hước bởi sự ngô nghê, không cần pha trò vẫn tạo được tiếng cười từ tình huống giản đơn, ý nhị. Đại Nghĩa không những giữ được “chất” của mình mà còn làm mới mình trước khán giả hâm mộ.

Đến Tám Tèo (Cưới vợ cho ai), cá mặt ngu (Na Tra đại náo thủy cung) và gần đây là vua thủy tề (Truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh), Đại Nghĩa đã thật sự trở thành một thương hiệu hài của Idecaf. Chưa hẳn chín muồi, nhưng có thể nói anh đang ở ngưỡng của sự thăng hoa trong nghề, nét duyên trên sân khấu ngày càng mặn mà. Không còn là Đại Nghĩa của thời bị nhận xét: “Một chút Minh Nhí, một ít Hữu Châu, một thoáng Anh Vũ...”, bảy năm, anh tìm ra chính mình, diễn hài tỉnh táo, thông minh.

Đại Nghĩa tự nhận con đường của anh đi còn thênh thang lắm, anh muốn nhận những nhân vật khác hẳn (dị thường hơn cũng chẳng sao), muốn diễn vai bi trên sân khấu, muốn đi học đạo diễn... Lòng yêu nghề của “chàng béo” có vẻ cứ ngày càng trải rộng...

Một ngày nhận được tin nhắn của người bạn cũ: “Nghĩa ơi! Nhớ nghề quá... thèm được đứng lại trên sân khấu để được khóc được cười, Nghĩa ơi...!”. Anh đã khóc vì thương bạn, và cả vì nhớ một thời, mình có khác gì bạn, làm ca sĩ, mc... để nuôi dưỡng “nghề mê nhất” trong những nghề mình mê. Cười rạng rỡ trên khuôn mặt mà “tổ nghiệp” đang chiếu, Đại Nghĩa tự hào nghĩ: “Được đặt chân vào nghệ thuật cũng oai lắm chứ. Người ta có thể đào tạo ra 100 bác sĩ, 1.000 kỹ sư, nhưng chưa chắc đã tạo ra một người nghệ sĩ”.

ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên