04/12/2004 15:01 GMT+7

"Đồng Nọc Nạn" lên phim

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TTCN - Lần đầu tiên Đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu bỏ vốn ra làm phim truyện. “Khoảng 600 triệu cho năm tập phim”, giám đốc đài Vũ Thanh cho biết. Số tiền “coi được”, so với điều kiện làm phim của nhà đài trong toàn cõi VN nói chung (thông thường khoảng 80-100 triệu/tập phim).

JPFTR87q.jpgPhóng to
Bà Tám Luông (Hoa Thúy) - một cá tính Nam bộ thẳng thắn
TTCN - Lần đầu tiên Đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu bỏ vốn ra làm phim truyện. “Khoảng 600 triệu cho năm tập phim”, giám đốc đài Vũ Thanh cho biết. Số tiền “coi được”, so với điều kiện làm phim của nhà đài trong toàn cõi VN nói chung (thông thường khoảng 80-100 triệu/tập phim).

Bộ phim mang tên Đồng Nọc Nạn (kịch bản Chu Lai, đạo diễn Trần Vịnh). Phim đã làm xong và sẽ được phát sóng ở đài Bạc Liêu trước khi phát toàn quốc trên sóng VTV vào trung tuần tháng 12.

Xem Đồng Nọc Nạn người nổi gai vì xúc động, vì “máu lửa” bất khuất của người dân xứ Bạc Liêu. Phim Đồng Nọc Nạn đánh thức tinh thần đồng bào và ý thức công dân.Bộ phim dựa vào câu chuyện có thật, xảy ra trong khoảng thời gian 1917-1927, với sự kiện thảm sát 17 người trong gia đình của Tám Luông (Minh Chiến đóng) ở đồng Nọc Nạn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) trong một cuộc tử chiến giữa nông dân với bọn cường hào, gây chấn động dân tình thời ấy và kéo dài ảnh hưởng đến các thập niên sau đó. “Hạt nổ” là chuyện đất ruộng, nhưng sâu xa của sự kiện là tình trạng người chèn ép người, bất công thậm tệ dưới ách cường quyền.

Nnzhy1nl.jpgPhóng to
Cảnh các con bà Tám Luông (ngồi quay lưng) tế sống mẹ
Nhiều tình tiết trải dài suốt năm tập phim, xem đến “no”. Ngay đầu phim, khán giả chạm ngay “cơn sốc”: thân phụ của Tám Luông mất nhưng không có đất để chôn vì lệnh cấm của bà Xã Út, chỉ vì còn thiếu nợ mỗi ba giạ lúa, chưa trả nợ thì cho dù thi hài có thối rữa cũng để đó. “Nghĩa tử là nghĩa tận” hóa ra không tác dụng gì đối với loại người coi đồng tiền lớn hơn mạng người. Sau cú tàn độc của bà Xã, đến lượt ông bà hội đồng tung đòn. Đủ loại “thuế”, từ lúa ruộng, lúa vay, cho đến lúa miễu, lúa canh, lúa lệ... giáng xuống tới tấp.

Xem mà giật mình: cái luật lệ đóng vai trò “tạo hóa” đối với sinh linh dân đen, cướp trắng công lao dân đen. Gia đình Tám Luông cứ ức trào họng mà không biết “phân tích” thế nào. Đám hương quản cấu kết với quan phủ, đám chủ đất toa rập với quan chức hè nhau lợi dụng người dân không hiểu luật. Có một chi tiết vô cùng đắt giá, đó là lúc ông hội đồng phản đối kịch liệt khi nghe tin quan trên dự định trả mấy chục công đất cho gia đình Tám Luông. Ông hội đồng gào lên: “Cho đất nông dân là mầm mống vô chính phủ”!

Xem phim mà nước mắt đứng lại: cảnh tế sống bà Tám Luông (Hoa Thúy đóng), trước khi các con của bà bước vào cuộc tử chiến chấp nhận thà chết chứ không chịu mất đất (theo lời trăng trối của ông Tám Luông)! Mẹ con vái nhau. Bịt khăn tang lên đầu. Kết phim bằng hình ảnh kiểu này vừa bất khuất vừa day dứt. Theo sử liệu, sau khi nổ ra cảnh máu chảy đầu rơi, một phiên tòa đã được mở ra. Phiên tòa xử Mười Chức (con ông Tám Luông, lãnh đạo cuộc đấu tranh sau khi cha hi sinh) thắng kiện. Sự kiện “đồng Nọc Nạn” mở ra một án lệ: người nông dân khi khai hoang mở đất, đóng thuế là đương nhiên được công nhận quyền làm chủ, được luật pháp bảo vệ quyền sở hữu.

o5HkcIio.jpgPhóng to
Mười Chức (con Tám Luông) “sống mái” với bọn cường quyền
Trong phim, rất đáng chú ý là hình ảnh nhà báo và luật sư sát cánh nhau bảo vệ công lý đã khiến đám quan chức chột dạ. Ký giả Minh Nghĩa (Thành Nam đóng) thẳng thừng trước quan Tây để bảo vệ dân đen, sao mà đáng bái phục. Luật sư Văn (Minh Kha đóng) dám bày tỏ chính kiến riêng, dù biết rằng đó là cái tội… “nói những điều không có lợi đối với nhà nước đương quyền”!

Người Bạc Liêu lúc ấy không chỉ có Mười Chức nông dân. Ngay đến dân giang hồ tứ chiếng, một tay anh chị như Xém (Tấn Hưng đóng) cũng biết trọng việc nghĩa: vì miếng cơm mà đi hầu cận ông hội đồng, tuy nhiên vẫn giữ tư cách “sợ mang tiếng ăn tiền bọn nhà giàu, đi hiếp đáp người ngay” nên từ chối tham gia cuộc tử chiến với anh em Mười Chức.Đạo diễn Trần Vịnh cho biết: “Tôi được thuyết phục bởi sự kiện đồng Nọc Nạn. Quyền sống của người dân là yếu tố không bao giờ được xem nhẹ. Tôi làm phim trong cảm hứng ấy”.

Cái tinh thần trên của phim Đồng Nọc Nạn cứ âm vang. Cho nên, nếu không có những “hạt sạn” như có nhiều từ ngữ thời nay quá, không hợp thời xưa, càng không “ăn” với lối nói của người dân lục tỉnh, hay đoạn ông Tám Luông mất nhưng sau đó không thấy vợ con ông đeo tang là đoạn sai về tập quán, thì bộ phim Đồng Nọc Nạn sẽ “ngon ăn” hơn nhiều.

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên