02/12/2012 04:30 GMT+7

Món ngon phủ sóng truyền hình

HỒNG HẠNH
HỒNG HẠNH

TT - Bạn không biết nấu ăn và muốn biết công thức nấu những món thông thường? Bạn muốn tìm kiếm những món ăn khác lạ, độc đáo khắp mọi miền đất nước?

y1GE4GHh.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Quang Thắng (trái) đưa khán giả khám phá ẩm thực độc đáo của các vùng miền VN - Ảnh: Beeads

Bạn muốn nghe kể những câu chuyện dọc đường gió bụi để cảm nhận chiều sâu văn hóa trong từng món ăn đã thành tinh túy hồn Việt? Bạn muốn học nấu một bữa tiệc “hòa nhập” với nhiều món Tây, Tàu? Tất cả những điều đó đã và đang có rải rác trên sóng truyền hình.

Những sắc màu đa dạng

Loạt chương trình về ẩm thực được các bà nội trợ đón xem nhiều nhất chính là những chương trình hướng dẫn nấu những món ăn hằng ngày một cách đơn giản, dễ áp dụng. Cô Nguyễn Thị Hảo, ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM thích làm khán giả của chương trình Vui sống mỗi ngày - một chương trình tổng hợp, phát sóng 45 phút hằng ngày trên VTV3 từ 11g-11g45.

Cô nói: “Tôi thích nhất là phần hướng dẫn làm những món ăn thông dụng như đậu hũ khìa, rau củ viên chiên giòn... Những món ăn đơn giản như vậy dễ học làm theo. Cứ ngày hôm trước chương trình gợi ý món nào thì hôm sau tôi làm theo món đó, cũng đỡ suy nghĩ bữa nay nấu gì cho gia đình”. Món ngon mỗi ngày (bắt đầu từ 11g50) trên kênh HTV7 Đài truyền hình TP.HCM cũng giới thiệu những món ăn dễ làm, quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày như canh bí đỏ, lẩu sườn non, lươn cuốn thịt...

Rủ nhau đi thi

Ba chương trình truyền hình thực tế thi nấu ăn đã và đang khởi động trên VTV3: Iron Chef VN (Siêu đầu bếp VN - đã phát sóng lúc 11g chủ nhật hằng tuần, đã kết thúc), Master Chef VN (Vua bếp - dự kiến phát sóng lúc 20g tối thứ sáu hằng tuần, bắt đầu từ ngày 8-3-2013) và Next Iron Chef VN (Tìm kiếm siêu đầu bếp - đang phát, lúc 11g chủ nhật hằng tuần).

Cả ba chương trình này đều được mua bản quyền từ nước ngoài và sức hút từ bản gốc đã khiến nhiều khán giả trông đợi và hào hứng theo dõi. Các cuộc thi này luôn kèm theo giải thưởng hấp dẫn, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là Master Chef VN vì phiên bản Mỹ của chương trình này đã làm khán giả Việt phát cuồng với chiến thắng của Christine Hà - một phụ nữ trẻ khiếm thị, chưa từng biết nấu ăn trước đó.

Chưa lên sóng nhưng vòng loại chọn người chơi của Master Chef VN đã làm dậy sóng giới nội trợ và ồn ào trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Chọn hướng khai thác khác, Ẩm thực độc đáo phát trên kênh Hà Nội 1 vào 21g40 chủ nhật hằng tuần lại đưa khán giả đồng hành với người dẫn chương trình Quang Thắng đến với mọi nẻo đường đất nước, khám phá những món ăn lạ lẫm, độc đáo của ẩm thực Việt. Khán giả mê văn hóa ẩm thực địa phương sẽ biết đến những món như cá bã trầu nướng (của Đà Nẵng), long ngự mộc kinh (của Huế), lẩu hoa đồng nội miền Tây (của Cần Thơ), bánh xèo trứng đà điểu (An Giang)...

Và dù chỉ là một trong bốn phần của chương trình S VN - Hương vị cuộc sống (phát sóng trên kênh VTV1 vào 18g50 hằng ngày) nhưng với các số đã phát sóng, phần ẩm thực đã mang đến cho khán giả những không gian văn hóa từ các vùng miền khác nhau, khám phá thêm nhiều vẻ đẹp văn hóa đằng sau những câu chuyện thú vị về những món đặc sản địa phương.

Xin đừng chỉ có bề nổi

Có thể kể tên hàng loạt chương trình ẩm thực trên sóng truyền hình từ Bắc chí Nam, từ đài trung ương đến đài địa phương. Sự đa dạng là có thật nhưng bên cạnh đó cũng có không ít sự đơn điệu.

Có thể thấy kết cấu chung của những chương trình ẩm thực trên sóng hiện nay hầu hết đều theo một mô hình hướng dẫn dạy nấu ăn, với một người dẫn chương trình và một đầu bếp. Một số chương trình do có sự tài trợ của nhãn hàng phải luôn sử dụng sản phẩm của nhãn hàng đó nên phần nào hạn chế sự phong phú về khẩu vị, cách chế biến.

Chị Trương Thị Mai (nhân viên văn phòng Công ty Capitalize, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận xét: “Tôi thấy rất khó chịu khi những người dạy nấu ăn trên truyền hình cứ nhấn mạnh vào việc phải dùng bột nêm X, nước tương Y, dầu ăn Z... Tôi không thích những chỉ dẫn cụ thể kiểu vậy vì thấy quảng cáo lộ liễu quá, đã có logo nhãn hàng tài trợ rồi còn gì”.

Nếu chỉ dừng lại ở yêu cầu học cách nấu ăn thì những chương trình trên đã đáp ứng được, nhưng nếu đòi hỏi sâu hơn thì có thể nói hiếm hoi chương trình đạt đến mức độ giới thiệu được nét văn hóa trong từng món ăn.

Hơn nữa, khán giả cũng mong muốn có thêm những “giá trị gia tăng” từ chương trình như ý kiến của cô giáo Thu Hằng (Q.Phú Nhuận): “Tôi mong những người thực hiện sẽ cung cấp các hướng dẫn, cảnh báo cần thiết cho khán giả: ví dụ như người bệnh tiểu đường thì không được ăn món này hay món kia, món ăn nào giúp người già ngủ ngon... Nếu được vậy thì chương trình sẽ thiết thực hơn, hữu ích hơn”.

Các chương trình có yếu tố nước ngoài như Iron Chef VN, Next Iron Chef VN tuy có “hoành tráng” và ồn ào, nhưng vì cuộc thi dành cho những đầu bếp chuyên nghiệp nên khán giả cũng có phần ít thích thú hơn vì “họ nấu khác mình quá, không bắt chước được, thấy mấy dụng cụ thôi là đã hết hồn rồi” - bà Trần Thị Tư, chủ quán cơm bình dân ở quận Bình Thạnh, chia sẻ.

Văn hóa ẩm thực là một trong những chìa khóa quảng bá văn hóa quốc gia hiệu quả. Nhìn lại các chương trình truyền hình về ẩm thực trên sóng, có thể nói việc quảng bá này vẫn còn bỏ ngỏ vì sự manh mún, thiếu tập trung và chương trình còn thiếu một chiều sâu văn hóa. Để thực hiện được một chương trình truyền hình như vậy đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan và quan trọng nhất vẫn là một ý tưởng độc đáo. Khán giả vẫn đang mong chờ một chương trình như thế để được tự hào và giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt đến du khách.

HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên