27/10/2010 09:49 GMT+7

Mỗi người một "cánh đồng bất tận"

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - LTS: Sau cơn sốt truyện ngắn Cánh đồng bất tận cách đây năm năm, bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên đang làm nên một cơn sốt khác nơi người đọc - người xem.

14uNPb91.jpgPhóng to
Ninh Dương Lan Ngọc (vai Nương) là diễn viên nhận được nhiều lời khen ngợi nhất trong phim Cánh đồng bất tận - Ảnh: BHD cung cấp

Không kể đến con số doanh thu ấn tượng (3,8 tỉ đồng cho bốn ngày công chiếu đầu tiên), vô số lời bình luận dành cho Cánh đồng bất tận - dù khen hay chê - là một dấu hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt. Mỗi ý kiến Tuổi Trẻ chọn đăng cũng là “Cánh đồng bất tận” của riêng mỗi người.

Khi truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện, lập tức nhiều người đọc bị ngấm con chữ, bị nhiễm hơi văn của tác giả đến thành bị ám ảnh “cánh đồng”.

Khi bộ phim cùng tên công chiếu, một người Việt ở Mỹ gọi điện về hỏi tôi vài điều quanh bộ phim. Anh hỏi phim có theo sát truyện không. Tôi trả lời anh phim theo sát truyện, giữ đúng các nhân vật, theo sát các sự kiện, tình tiết trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Cố nhiên có những thay đổi, sai khác chỗ này chỗ kia giữa phim và truyện là điều không thể tránh khỏi do đặc trưng của hai loại hình, do ý đồ đạo diễn, do cả sự duyệt phim nữa.

Tôi vốn hay có tính so đo, đối chiếu khi xem một bộ phim làm từ, làm theo một tác phẩm văn học. Có những phim chỉ là minh họa cho truyện. Có những phim chưa thành tác phẩm điện ảnh. Ở phim Cánh đồng bất tận, nửa sau tôi như quên mất truyện, tâm trạng và cảm xúc bị đẩy căng đẩy tới qua từng trường đoạn phim cho đến khi vỡ ra khủng khiếp ở cảnh cuối người cha bất lực trả giá thấy con gái mình bị cưỡng hiếp ngay trước mắt.

Nổi bật nhất về vai diễn ở phim này là Lan Ngọc trong vai Nương, con gái ông Võ. Lần đầu tiên đóng phim nhưng cô đã diễn xuất tự nhiên, hồn nhiên, lột tả được tính cách và số phận của một thiếu nữ sống trong một gia đình thiếu bàn tay người mẹ, bên cạnh người cha cục cằn, giữa khung cảnh đất trời hoang dã. Lan Ngọc bằng diễn xuất của mình đã gieo được vào lòng khán giả nỗi xót thương.

Âm nhạc của phim mênh mang và sâu lắng, làm đầy những khoảng lặng của phim, khi những con người lẽ ra gắn kết với nhau rất chặt thì lại cứ rời nhau ra, lại không thể nói với nhau hay rất khó nói với nhau; những khoảng lặng ấy được đầy lên trong tiếng nhạc, nét nhạc như xoáy sâu, như an ủi, như khơi gợi.

Cánh đồng bất tận từ truyện sang phim vẫn là nhịp kể, là cuộc sống thường ngày trôi đi bình lặng bề ngoài nhưng chất chứa sôi sục bên trong để rồi phải nổ tung lên, phải vỡ ra một cách dã man, tàn bạo hòng chấm dứt sự tàn bạo, dã man. Phim đã biết nuôi dưỡng và dồn nén cảm xúc nên tuy ít cao trào nhưng vẫn gây được “vụ nổ” tâm lý cho người xem, cả người đã đọc và chưa đọc truyện.

Cố nhiên khi đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, mỗi người đều có một “Cánh đồng bất tận” của mình, nên đứng trước “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cùng đoàn làm phim sẽ có nhiều ý khen chê, nhiều cách nhìn khác nhau. Tôi thì tôi đã thấy có một Cánh đồng bất tận mở ra từ truyện, hiện hình lên phim và đọng lại trong tôi.

Dễ xem nhưng khó nhớ

Xem Cánh đồng bất tận của Nguyễn Phan Quang Bình không khỏi ngăn tôi nhớ đến Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Cả hai đều chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của hai nhà văn “đặc sản” của miền Tây Nam bộ: Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư. Cũng bối cảnh sông nước mênh mông ấy, cũng là số phận của những kiếp người trôi giạt, lang bạt với nhiều u tối, thù hận; những bi kịch của “đời cha ăn mặn đời con khát nước”... Và những đứa trẻ đang lớn lên trong thế giới đó đều phải trả giá đau đớn cho sự trưởng thành.

Hai câu chuyện ở hai thời điểm khác xa nhau nhưng đều có chung những thông điệp sâu sắc về kiếp nhân sinh, đặc biệt cái kết của hai tác phẩm này đều để lại cho người ta nhìn thấy nụ cười hồn hậu, bao dung của người dân miền Tây Nam bộ...

Những thông điệp này đều được cả hai bộ phim chuyển tải. Nhưng có những điều Mùa len trâu để lại sức lay động lớn mà Cánh đồng bất tận chưa làm được. Đó là tính biểu tượng và ngôn ngữ điện ảnh đậm nét trong Mùa len trâu: nước. Nước trong Mùa len trâu là thế giới của sự sinh tồn, tan rã mục rữa rồi tái sinh. Vì thế cái chết là một phần của sự hiện hữu. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã tạo nên một ngôn ngữ điện ảnh mang tính biểu tượng cao về thế giới của nước - “nhân vật chính“ của bộ phim này.

Cánh đồng bất tận dễ xem và có thể đánh giá đó là một bộ phim khá, bởi đã có cốt truyện mạnh từ tác phẩm văn học được chuyển thể làm bệ đỡ. Nhưng ta sẽ khó nhớ về nó với nhiều dư âm, hoặc nói cách khác ta không tìm thấy ngôn ngữ điện ảnh mang tính biểu tượng của nó. Sau đoạn khởi đầu rất điện ảnh, bộ phim bị kéo lê đi một cách dàn trải, kể nhiều bằng lời mà ít đọng lại bằng hình.

Và tôi thấy tiếc khi không tìm thấy được những khung cảnh mênh mông của một miền đất hoang dã, nơi những kiếp người trôi dạt không đất sống và cằn cỗi vì thiếu tình yêu thương lại càng trở nên đơn độc, bé nhỏ và lạc lõng giữa thế giới ấy. Những khuôn hình trung cảnh và đèm đẹp trở nên minh họa cho sự dẫn dắt câu chuyện càng về sau càng mất phương hướng, cuối cùng phải chọn một cái kết khá khuôn sáo.

Thiếu vắng sự cân đối

Cánh đồng bất tận không phải là một món đặc sản mà là một bữa cỗ đặc sản. Ở đó có đạo diễn phô bày nhiều món ngon trên mâm, có món hiếm, có món quý nhưng thiếu vắng sự cân đối giữa các món để thực khách được nêm nếm vừa đủ và nhớ từng món.

Thêm nữa, để thực khách biết đây là bữa cỗ có mùi vị riêng của một đầu bếp tài năng, thế nên bữa cỗ ngon thì ngon thật mà có khi vị cay xé của miếng ớt trong bát nước chấm kèm mới khiến người ta nhớ lâu nhất. Có lẽ miếng ớt ấy là cảnh gần kết phim - cảnh quay tốt nhất: Nương bị cưỡng hiếp.

Tốt vì diễn xuất biểu cảm của Lan Ngọc (cô giữ được nhịp đến phút cuối), tốt bởi cách chọn góc máy và hình ảnh tiết chế mà đủ đầy sự gợi cảm, và chính bởi hai điều đó đã khiến khán giả thấy ít ra các nhà làm phim đã đi đến cùng mức độ của cảm giác. Đạo diễn Phillip Noyce đã nhận xét rằng ông cảm thấy “như chìm xuống theo Nương trong cảnh quay này”. Tiếc là cái “chạm” tinh tế của ngôn ngữ điện ảnh lại thiếu vắng ở các cảnh quay khác hoặc còn chưa tới, hoặc hơi khiên cưỡng hoặc quá dài dòng.

Cánh đồng bất tận theo đúng “công thức Hollywood”

Trong suốt bốn ngày giảng dạy về công tác đạo diễn cho sinh viên điện ảnh và các nhà làm phim trẻ ở Hà Nội và TP.HCM, đạo diễn Phillip Noyce luôn đề nghị các học viên phải “làm bài tập về nhà là ra rạp xem bộ phim Cánh đồng bất tận để hiểu được phản ứng của khán giả với một bộ phim”. Với Cánh đồng bất tận, ông nêu một đúc kết:

Cánh đồng bất tận được làm theo đúng công thức sản xuất phim ở Hollywood. Bộ phim được dựa trên một truyện ngắn nổi tiếng, và nhà sản xuất đã mua lại quyền chuyển thể từ rất sớm. Cũng vậy, hầu hết các nhà làm phim ở Hollywood luôn tìm kiếm những tác phẩm văn học có triển vọng trở thành những bộ phim thành công ngay từ trước khi cuốn sách được xuất bản.

Có được trong tay kịch bản hay, bạn cũng cần đến những diễn viên ngôi sao tham gia bộ phim mà nhờ đó bạn sẽ dễ dàng xin tiền để làm phim. Với Cánh đồng bất tận, sự có mặt của Đỗ Hải Yến, Dustin Nguyễn và Tăng Thanh Hà đã gây được sự chú ý của khán giả. Có thể bạn đặt câu hỏi liệu họ có hợp với bộ phim hay không, nhưng bạn cũng đừng quên đặt câu hỏi liệu không có họ thì bộ phim của bạn có được đầu tư để được thực hiện hay không.

Chẳng hạn như trường hợp bộ phim Người Mỹ trầm lặng, tôi đã muốn chọn nam diễn viên Johnny Depp vào vai Alden Pyle, nhưng khi ấy Johnny Depp không phải là một ngôi sao, không ai cho tôi tiền để làm phim. Thế rồi khi Brendan Fraser đồng ý lời mời của tôi, một tuần sau tôi có tiền để làm bộ phim Người Mỹ trầm lặng. Tên tuổi của anh đã đủ bảo chứng cho doanh thu của phim. Dĩ nhiên, bạn sẽ nói nếu Johnny Depp tham gia thì bộ phim có thể sẽ hay hơn, nhưng tôi sẽ không bao giờ có tiền để làm bộ phim ấy. Vì thế, ngay tối nay, bạn hãy cầm kịch bản của mình tìm đến Hải Yến để mời cô ấy đóng cho bộ phim kế tiếp của mình.

Sự thành công của Cánh đồng bất tận cũng một phần nhờ công tác tiếp thị. Một phim ở Hollywood thường có kinh phí quảng bá rất cao, đôi khi còn cao hơn cả chi phí làm phim, bởi các hãng phim hiểu rằng họ phải quảng cáo mới thu hút được sự chú ý của người xem. Cánh đồng bất tận đã làm tốt điều đó bởi suốt thời gian diễn ra Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, đi đâu tôi cũng thấy poster và đoạn phim quảng cáo của bộ phim. Họ tổ chức buổi ra mắt phim rất hoành tráng và ấn tượng.

Nhưng quan trọng hơn cả là bộ phim đã có một câu chuyện xúc động mà tất cả khán giả đều tò mò muốn đến rạp để xem. Đó là điều cốt lõi nhất. Là một người làm phim ở Hollywood, bạn phải luôn trả lời được câu hỏi vì sao khán giả muốn xem bộ phim của bạn. Tôi tin rằng với Cánh đồng bất tận, các nhà làm phim đã khiến khán giả muốn biết về số phận của những nhân vật trong phim, cộng với diễn xuất tốt, quay phim đẹp, bộ phim dễ dàng thành công. Có những ý kiến nói với tôi rằng bộ phim không hoàn hảo, nhưng tôi cũng phải thú thật rằng trong sự nghiệp làm phim của tôi, tôi cũng chưa hề có bộ phim nào hoàn hảo cả.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên