Phóng to |
Ông Đặng Xuân Hải Ảnh do Hội Điện ảnh cung cấp |
Kỳ 1:Thực đơn nhanh gọn- khán giả béo phìKỳ 2: Thế giới phim của Dũng DigitalKỳ 3: Thiếu một nhạc trưởng
Ông Đặng Xuân Hải - tân chủ tịch Hội Điện ảnh VN khóa mới (2010-2015) - chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Hiện trạng rạp chiếu phim ở nước ta đang lâm vào cảnh đã ít rạp lại còn phân bố không đồng đều. Quá nhiều địa phương ít rạp, không đủ tiêu chuẩn và không hiếm những nơi “trắng” rạp. Rạp ở các TP lớn đa số do tư nhân quản lý, sự điều phối hay đầu tư của Nhà nước nếu có với tình hình này cũng chưa cân xứng.
Tôi có thể nói thẳng rằng nếu tìm câu trả lời cho đầu ra của các tác phẩm điện ảnh trong nước thì thật sự là khủng hoảng.
Trong bản đề án dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tôi cùng nhiều nghệ sĩ trong ngành đã góp ý cần chú trọng đầu tư vào rạp chiếu nếu muốn vực dậy điện ảnh nước nhà.
Đầu tư cho không chỉ một mà là một hệ thống rạp chiếu phim VN, phim nghệ thuật và phim kinh điển là rất cần thiết, vì bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu giải trí (mà tư nhân với hệ thống rạp của họ đang làm tốt) phải chú ý đến một tầng lớp khán giả có nhu cầu cao hơn. Đây cũng là cơ hội từng bước nâng cao dân trí.
Lịch sử hơn 50 năm điện ảnh Việt cũng lưu giữ rất nhiều phim kinh điển mà đa số khán giả bây giờ có lẽ chỉ nghe nói chứ chưa được xem. Nhà nước đã có nghị định quy định tỉ lệ phim Việt chiếu rạp là 20%, các rạp phim lại kêu rằng phim Việt làm ra không đủ chiếu cho tỉ lệ ấy. Thế thì tại sao họ không dành một phòng chiếu trong mỗi cụm rạp để chiếu phim Việt kinh điển, như thế sẽ không khó để đủ 20%.
Ban đầu có thể chưa có doanh thu cao ở phòng chiếu này nhưng tôi tin nếu tạo thành nếp, sẽ hình thành thói quen và góp phần hình thành dần một lớp khán giả biết hiểu, yêu và thích xem phim Việt”.
* Thế nên khi truyền hình đang là một kênh thông tin lớn, độ phủ sóng rộng khắp thì việc nghĩ đến truyền hình như một đầu ra của điện ảnh có khả thi không, thưa ông?
- Khi mà gần như toàn dân xem truyền hình thì đúng là phải nghĩ đến việc truyền hình là một kênh đáng kể trong việc chuyển tải các tác phẩm điện ảnh đến với công chúng. Nhưng mỗi một tác phẩm phát sóng trên truyền hình thì nhà đài trả tiền tác quyền là bao nhiêu?
Tôi được biết một phim điện ảnh (bất kể là phim nhựa hay video) khi hợp tác để phát sóng trên truyền hình họ cũng chỉ trả cho hãng phim chừng dăm bảy triệu đồng. Phim tài liệu gần như là phát không. Đó thật sự không công bằng khi cùng là nhà đài, họ làm một phim truyền hình phát sóng có khi cả trăm triệu đồng, hoặc các phim tài liệu, phóng sự cũng có kinh phí riêng để sản xuất.
Đã đến lúc cần có một cơ quan tài chính trung gian đứng ra điều phối quy định về khung giá sản xuất và phát sóng giữa điện ảnh với truyền hình, chứ nếu cứ thế này điện ảnh rất lép vế!
* Hội Điện ảnh VN cũng có một rạp chiếu tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), đây có phải là điểm hẹn đáng giá cho những nghệ sĩ yêu phim nghệ thuật?
- Phòng chiếu phim của hội mỗi năm đều có kế hoạch chiếu phim học tập, nghiên cứu... với nguồn là phim VN mới sản xuất, phim kinh điển, phim đoạt giải ở các LHP lớn trên thế giới (chiếu bản DVD), nhưng thường anh em nghệ sĩ sáng tác đều bận làm phim nên ít khi đến xem được. Cuối cùng thì các buổi chiếu phim đa số là các cụ nghệ sĩ đã về hưu.
Hiện tại chúng tôi đã mở rộng đối tượng xem phim đến Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, các sinh viên đến xem khá đông nhưng các buổi chiếu chỉ đạt hiệu suất 30-40% số ghế (phòng chiếu của hội có hơn 200 ghế).
* Với trách nhiệm là một hội nghề nghiệp chuyên ngành, các ông đã có những hoạt động gì góp phần vào việc giới thiệu, quảng bá những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật, kinh điển đến với công chúng?
- Tôi đã bàn với anh Lại Văn Sinh (cục trưởng Cục Điện ảnh) về việc cần tổ chức các tuần lễ phim Việt ở nước ngoài và tuần lễ phim các nước ở VN một cách dày đặc hơn. Trong khuôn khổ hoạt động của Hội Điện ảnh, các buổi chiếu phim Việt chúng tôi cũng mời tùy viên văn hóa của các sứ quán tại Hà Nội để giới thiệu cho họ về điện ảnh VN.
Một vài năm gần đây, Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ của Hội Điện ảnh có dự án “Chúng ta làm phim” hướng đến các trường học ở Hà Nội. Đây chính là cách gây men bằng hoạt động ngoại khóa với tham vọng tạo ra một lớp công chúng trẻ yêu thích điện ảnh. Họ sẽ là những khán giả, những nhà làm phim Việt tiềm năng được hiểu, được trang bị kiến thức về điện ảnh ngay từ khi còn đi học, họ sẽ đến với điện ảnh một cách tự nhiên.
Chúng tôi muốn phổ cập dự án này đến nhiều hơn nữa các trường phổ thông trên toàn quốc, khi đó điện ảnh sẽ không còn xa lạ với người Việt trong tương lai không xa.
Khó duy trì một kênh phim điện ảnh chuyên biệt Theo tôi, mọi sự hợp tác giữa điện ảnh và truyền hình đều xuất phát từ sự thương thảo của cả hai bên. Sau khi công chiếu, phim đến với truyền hình thường mang tính chất “tận thu” rồi. Còn nếu phim ăn khách, nhu cầu khán giả truyền hình muốn được xem trên sóng, lúc đó nhà đài phải ngồi vào bàn thương thảo và quyền quyết định giá cả cho việc phát sóng cũng như các điều kiện khác kèm theo lại thuộc về phía người làm phim. Để lập ra một kênh truyền hình chuyên chiếu phim điện ảnh bao gồm phim kinh điển Việt hay phim nghệ thuật thế giới không phải là khó, cái khó là khi không có thì kêu thiếu, khi có thì duy trì như thế nào đây? Nhìn vào thực tế với tốc độ phát sóng của truyền hình như hiện tại, bao nhiêu phim kinh điển Việt là đủ hay chiếu một thời gian ngắn là hết? Truyền hình từng chiếu và thỉnh thoảng có chiếu phim kinh điển nhưng không có khung giờ cố định, không thường xuyên thôi. Thêm nữa, tôi vẫn cho rằng cần có các rạp phim chuyên biệt cho thể loại này, truyền hình chỉ nên góp phần ở các công đoạn như trích dẫn, giới thiệu phim, tổ chức hội thảo tọa đàm trên sóng về các tác phẩm này là đúng chức năng sứ mệnh của truyền hình nhất. Phim nghệ thuật, phim kinh điển phải xem tại rạp vì chỉ ở đó khán giả mới cảm nhận hết giá trị nghệ thuật mà các tác giả điện ảnh đã cố công tạo nên. Đạo diễn TRỊNH LÊ VĂN (trưởng ban văn nghệ Đài Truyền hình VN - phó chủ tịch Hội Điện ảnh khóa mới 2010-2015)
Mong cháy lòng một trụ sở hội có rạp chiếu phim Các rạp chiếu hiện nay một số nằm trong tay các nhà phát hành tư nhân, một số trong tay các công ty nhà nước, tất cả đều phải đảm bảo doanh thu, doanh số... Nếu rạp chiếu phim VN vài buổi mà thấy doanh thu thấp, lập tức phim đó bị đẩy ra ngoài. Cho nên giải quyết vấn đề doanh thu này là giải quyết được vấn đề có rạp chiếu cho phim VN. Cách tốt nhất trước mắt là dành một rạp để chiếu phim VN. Hội Điện ảnh, Cục Điện ảnh đều có rạp chiếu riêng và đều ở... Hà Nội. TP.HCM chưa có một rạp chiếu phim phục vụ nghề nghiệp. Hội Điện ảnh TP.HCM tha thiết, mong muốn đến cháy lòng có một trụ sở hội, trong trụ sở đó có một rạp chiếu phim để phục vụ khán giả, phục vụ hội viên tất cả phim VN, kể cả phim đầu tay của các đạo diễn trẻ và các phim hay, cần xem của nước ngoài. Chắc chắn sẽ có nhiều khán giả và hội viên đến xem phim. Bà DƯƠNG CẨM THÚY (chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận