22/05/2010 08:21 GMT+7

Bi, đừng sợ! đã có giải

HOÀNG THỔ
HOÀNG THỔ

TT - Chiều 20-5 (giờ địa phương tại Cannes, Pháp), lễ trao giải của Tuần lễ phê bình điện ảnh quốc tế tại LHP Cannes 2010 đã diễn ra với nhiều bất ngờ. Bộ phim tài liệu duy nhất Armadillo của đạo diễn Janus Metz (36 tuổi) đến từ Ðan Mạch đã giành giải thưởng lớn (giải do các nhà báo, các nhà phê bình phim bỏ phiếu bình chọn).

b1fQSF0g.jpgPhóng to

Đạo diễn Phan Đăng Di (giữa) nhận giải ACID/CCAS tại LHP Cannes 2010 - Ảnh: Cannes

Ðây là một bộ phim diễn tả tâm lý hoài nghi lo sợ của hai chiến binh trẻ Ðan Mạch trên mặt trận Afghanistan trước thông tin về số phận của các thương binh Taliban bị bắt.

24 sinh viên Pháp và Ðức đã được mời đến Cannes để tạo thành một ban giám khảo trẻ đặc biệt. Họ đã chọn phim Sound of noise của hai đạo diễn 41 tuổi là Ola Simonsson & Johannes Stjärne Nilsson để trao giải OFAJ (giải của các nhà phê bình rất trẻ).

Hai giải thưởng cho phim ngắn là Canal và Kodak lần lượt thuộc về phim Berik của đạo diễn Daniel Joseph Borgman (New Zealand) và phim Deeper than yesterday của đạo diễn Ariel Kleiman (Úc).

Ở hạng mục phim dài, phim Bi, đừng sợ! (Bi, don’t be afraid!) của đạo diễn VN 34 tuổi Phan Ðăng Di bất ngờ giành hai giải thưởng của Tuần lễ phê bình điện ảnh quốc tế Cannes.

Giải SACD là giải dành cho kịch bản, nhưng trong tấm bằng chứng nhận lại ghi rõ được trao cho đạo diễn xuất sắc nhất là Phan Ðăng Di. Ðiều này có thể lý giải bởi ban giám khảo đã xét trên kịch bản được đạo diễn xử lý thành hình ảnh câu chuyện phim. Giải thưởng này trị giá 4.000 euro tiền mặt.

Giải thưởng thứ hai Phan Ðăng Di nhận được là ACID/CCAS trị giá 8.000 euro được chia làm hai, 4.000 euro được trao cho đạo diễn và 4.000 euro còn lại để dành cho việc hỗ trợ phát hành phim trong tương lai.

Ngày 23-5, giải Camera vàng dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại Cannes 2010 sẽ được công bố trong lễ bế mạc LHP Cannes năm nay. Ðây cũng sẽ là cuộc tranh tài của 24 phim đầu tay ở tất cả các hạng mục được lựa chọn dự thi tại Cannes. Cơ hội cho Bi, đừng sợ! của Phan Ðăng Di vẫn đang bỏ ngỏ.

Đạo diễn Phan Đăng Di:

Tôi muốn về nhà thôi...

Từ Cannes, đạo diễn Phan Đăng Di dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi.

* Nhận xét của anh về chất lượng các phim dự thi LHP Cannes năm nay và đặc biệt, dư luận ở Cannes về các phim châu Á?

- Mãi đến ngày 17-5 tôi mới xuống Cannes nên cũng không xem được nhiều phim, vì thế rất khó để đưa ra một nhận xét nào. Nhưng với ba phim đã xem (một phim Pháp, một phim Ấn Độ, một phim Đan Mạch) tôi chưa gặp được phim nào thật sự xúc động.

Tôi đang hồi hộp chờ xem phim tranh Cành cọ vàng của Apichatpong, đạo diễn người Thái Lan, với phong cách làm phim độc đáo nhưng thuyết phục, hiện đang là cái tên châu Á được giới làm điện ảnh đặc biệt quan tâm.

Phim của Apichatpong thường được quay đơn giản, kinh phí thấp, nhưng toát lên một cái tôi mạnh mẽ, chân thành. Anh ta cũng là người khiến giới điện ảnh nhận ra rằng châu Á, ngoài vùng Đông Á, Trung Quốc và Iran, còn có một nền điện ảnh độc đáo nữa, điện ảnh Đông Nam Á!

* Buổi chiếu phim của anh diễn ra như thế nào? Anh có quan sát phản ứng của khán giả, của các nhà phê bình ra sao không?

- Phim của chúng tôi khởi chiếu vào một sáng trời mưa lạnh, nhưng khán giả cầm ô xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ để vào xem, riêng điều đó đã làm chúng tôi rất xúc động. Phản ứng của khán giả là điều khó nhận biết, cũng có vài người đến chúc mừng sau buổi chiếu, còn hầu hết mọi người xem xong thì về ngay để còn kịp xem những buổi chiếu khác.

Trong cái hối hả đi và xem đó, tôi cảm nhận được điều quan trọng hơn, không chỉ cho riêng phim của mình, đó là điện ảnh dù sao cũng thật quyến rũ và người làm phim phải làm việc để duy trì sự quyến rũ đó.

* Anh có thể kể về những lời nhận xét của ban giám khảo về phim của anh khi họ trao giải? Tiêu chí của các giải thưởng anh nhận được là gì?

- Cả hai ban giám khảo đều nhận thấy câu chuyện của các nhân vật trong phim gây xúc động, nó như một bài thơ buồn bã nhưng không tuyệt vọng về con người. Họ cũng đặc biệt khen ngợi diễn xuất của diễn viên và sự tinh tế của quay phim, đó là hai yếu tố khiến bộ phim có được một không khí riêng.

Về tiêu chí trao giải, tôi xin dịch nguyên văn từ bằng chứng nhận. Giải SACD trao cho đạo diễn xuất sắc nhất được chọn trong số bảy phim truyện trong vòng dự thi. Ban giám khảo của giải gồm Jacques Fansten, Laurent Heynemann, Gerard Krawczyk, Eric Kristy, Benjamin Legrand, Bertrand Tavernier. Còn giải ACID/CCAS là của Hội phát hành phim độc lập được trao để hỗ trợ việc phát hành phim trong tương lai.

* Nhìn thấy các nghệ sĩ sẽ tranh giải Camera vàng đều rất trẻ, anh nhận thấy tinh thần làm phim của các đồng nghiệp đó như thế nào?

- Đa số đạo diễn trẻ đến Cannes đều là các đạo diễn độc lập. Trò chuyện với họ thấy hầu hết đều phải chật vật xoay xở để quay được phim. Làm phim thì ở đâu cũng khó cả, nhưng có lẽ vì yêu phim chân thành cộng thêm năng lượng của tuổi trẻ nên cuối cùng trên mặt họ chỉ thấy sự nhẹ nhõm, kiêu hãnh. Đó là cảm nhận của tôi.

* Những cảm xúc thật sự của anh bây giờ là gì? Anh chờ đợi gì nữa? Giải Camera vàng ngày 23-5 chăng?

- Tôi ở bên này gần ba tháng rồi, giờ muốn về nhà thôi...

HOÀNG THỔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên