24/04/2010 07:20 GMT+7

Xem Tây sơn hào kiệt - chia sẻ một nỗ lực

CÁT VŨ
CÁT VŨ

TT - Tối 22-4, tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), bộ phim truyện nhựa lịch sử cổ trang Tây Sơn hào kiệt (tác giả Phạm Thùy Nhân, Cao Đức Trường, Huy Thành) do Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất đã được chiếu ra mắt.

odj5DBmY.jpgPhóng to
Lý Hùng (vai hoàng đế Quang Trung) và Thùy Lâm (vai Ngọc Hân công chúa) trong phim Tây Sơn hào kiệt - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Phim sẽ được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 30-4.

Như một lát cắt lịch sử, nội dung phim tái hiện giai đoạn Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc với khẩu dụ “phò Lê diệt Trịnh”, kết duyên cùng công chúa Ngọc Hân và lập nên chiến tích lẫy lừng đánh tan 20 vạn quân Thanh. Bộ phim đã được đầu tư trên 12 tỉ đồng, thực hiện ròng rã trong ba năm và là phim đầu tiên của Hãng phim Lý Huỳnh được làm hậu kỳ tại Hong Kong.

So với những bộ phim cổ trang của nghệ sĩ Lý Huỳnh sản xuất trước đây như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái..., Tây Sơn hào kiệt quả đã có một bước tiến khá rõ về quy mô dàn dựng cũng như kỹ thuật thu hình.

Bộ phim gây được sự quan tâm của công luận với những thông số như có sự tham gia của 200 võ sư (vovinam, võ cổ truyền), 50 con voi ở Buôn Đôn, 38 tuấn mã từ trường đua, may 2.000 bộ trang phục cho bốn sắc lính, đúc 10 cây súng thần công và cảnh quay đông nhất có trên 3.000 diễn viên...

Dẫu có đầu tư lớn như vậy, đây vẫn là một bộ phim của... Lý Huỳnh. Vốn là một võ sư với quá khứ thượng đài nhiều thành công, nghệ sĩ Lý Huỳnh không ngừng theo đuổi giấc mơ đưa nét đẹp của võ thuật vào phim ảnh. Giấc mơ này càng được thăng hoa hơn khi ông chọn thể hiện về Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, nơi sản sinh môn phái võ Bình Định lừng danh.

Vượt xa cách ghi hình thô sơ, “đánh nhau như trẻ con giỡn chơi” trên màn ảnh trong nhiều phim cổ trang trước, những cảnh giao đấu trong Tây Sơn hào kiệt không đến nỗi làm người xem cảm thấy ngượng. Sự xuất hiện cùng lúc những voi, những ngựa cùng gươm đao, giáo mác với hàng ngàn quân lính ít nhiều tạo ra hào khí và sự lạ mắt, dù đôi lúc chính sự đông đảo này đem lại cảm giác hỗn loạn.

Và rõ ràng, việc dựng những cảnh giao đấu với quy mô lớn luôn là cơ hội để bộc lộ rõ nhất tính không chuyên nghiệp của điện ảnh VN trong việc làm phim lịch sử cổ trang. Ống kính máy quay trong Tây Sơn hào kiệt đã phải “ăn gian” khi liên tục lạm dụng khung hình ở cận và trung cảnh hoặc lia từ trên cao xuống, dễ gây cảm giác khó chịu cho người xem.

Có thể nói Nguyễn Huệ trong Tây Sơn hào kiệt là một trong những vai lớn đáng nhớ của Lý Hùng, song anh vẫn tỏ ra sở trường trong những màn đấu võ hay xông pha giữa trận mạc trên lưng ngựa hơn là những cảnh diễn đạt tình cảm.

Người xem không thể không nhận ra ít nhiều sự ngượng ngùng của Lý Hùng và hoa hậu Thùy Lâm (vai Ngọc Hân) ở những trường đoạn bày tỏ tình yêu. Tây Sơn hào kiệt dài trên 100 phút song các nhân vật mới chỉ lướt trôi minh họa cho các diễn biến trong câu chuyện hơn là đọng lại chút gì cho người xem ngẫm nghĩ.

Trong điều kiện mọi cái còn thiếu và còn yếu của nền điện ảnh nước nhà, việc một nhà sản xuất tư nhân dám bỏ hơn chục tỉ đồng để làm phim lịch sử như nghệ sĩ Lý Huỳnh là một nỗ lực rất đáng được ủng hộ.

Rõ ràng, so với những siêu phẩm cùng đề tài của các nước trong khu vực, những bộ phim lịch sử của ta không thể nào sánh bằng, song hãy đến xem Tây Sơn hào kiệt với tinh thần “Người VN dùng hàng VN”, như một cách chia sẻ tấm lòng của nghệ sĩ Lý Huỳnh - một nhà làm phim tư nhân nhiều tâm huyết.

CÁT VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên