11/03/2010 22:35 GMT+7

Mùa ổi - nhỏ nhắn mà tinh tế

LÊ ĐÌNH LƯƠNG
LÊ ĐÌNH LƯƠNG

TTO - Làm được một bộ phim cô đọng và hàm súc đòi hỏi tài năng của người đạo diễn rất nhiều. Trong số các phim Việt Nam đã có dịp xem, có lẽ Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh là bộ phim mang lại cho tôi nhiều bài học quý cả về cuộc sống lẫn cách diễn đạt nghệ thuật.

AXxq0tNI.jpgPhóng to
Bùi Bài Bình trong phim Mùa ổi - Ảnh tư liệu
TTO - Làm được một bộ phim cô đọng và hàm súc đòi hỏi tài năng của người đạo diễn rất nhiều. Trong số các phim Việt Nam đã có dịp xem, có lẽ Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh là bộ phim mang lại cho tôi nhiều bài học quý cả về cuộc sống lẫn cách diễn đạt nghệ thuật.

Đã 8 năm kể từ khi tôi được xem Mùa ổi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi trở lại rạp chiếu bóng để xem một bộ phim Việt Nam.

Bộ phim đã dẫn dắt người xem lần giở lại ký ức của ông Hòa về tuổi thơ trong ngôi nhà cũ với cây ổi xum xuê mà người đàn ông ấy trong một lần hái quả đã tuột tay ngã khiến trí óc ông mãi mãi ở lại với tuổi 13.

Câu chuyện phim xoay quanh ông Hòa và một số ít nhân vật: em gái ông, cô gái chủ nhân mới của ngôi nhà và một cô gái quê lên Hà Nội làm mướn. Chỉ với một vài nét chấm phá nhân vật nhưng đạo diễn đã tạo ra được không khí của một Hà Nội hôm nay đan xen giữa cũ và mới.

Bộ phim nói về phẩm giá con người tuy đã ra đời gần một thập kỷ mà sao còn nóng hổi tính thời sự hôm nay.

Ở đó có một ông Hòa tuy trí óc không bình thường nhưng lại lưu giữ trong mình những giá trị tốt đẹp của một người Hà Nội trong quá khứ. Có một cô gái quê làm mẫu vẽ nhưng mang một tâm hồn đẹp và tinh tế biết bao, có một người em gái thương anh đến hết mình, và có một cô gái trẻ biết sẻ chia với người khác như cô chủ nhân mới của ngôi nhà.

Và ở đó cũng hiện lên một cuộc sống mới trong thời buổi khi mà lòng tin bị giảm sút khiến những việc làm tốt đẹp cũng bị nghi ngờ hoặc bị cho là “dở hơi”. Có thể nói đạo diễn và cũng chính là tác giả kịch bản của phim đã thành công khi chuyển tải được một ý bao quát như thế chỉ trong vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ.

Mỗi lần nhớ lại Mùa ổi, những hình ảnh làm tôi ấn tượng vẫn là cảnh quay cô em gái ông Hòa đạp xe trong vòng quay của dòng hồi tưởng hay cảnh máy rời xa ông Hòa nhìn ra từ cửa sổ khi trời mưa không ngừng ở mặt sau một con hẻm nghèo nàn và lụp xụp.

Cảnh quay làm tôi thích nhất vẫn là cảnh cô em gái ông Hòa chạy theo nhặt những trang bản thảo của người cha quá cố bị gió thổi bay như cố níu giữ những điều tốt đẹp còn lại.

Qua hồi ký của đạo diễn, có thể ông chưa hài lòng lắm ở một vài điểm của phần quay phim, song dưới con mắt của người xem, tôi ấn tượng về mặt cảm xúc hơn cả.

Đó cũng là một trong các lý do vì sao tôi nhớ Mùa ổi lâu đến thế. Lần đó tôi cùng xem với một người bạn, và đến bây giờ anh ta vẫn thỉnh thoảng nhắc đến nó trong sự thích thú nên tôi tin sức thuyết phục của Mùa ổi không chỉ sâu đậm với riêng tôi.

Có những bộ phim được thế giới hoan nghênh như Đường về nhà (Trung Quốc), Departures (hay Khúc nhạc tiễn đưa-Nhật Bản), Hương vị anh đào (Iran)… đều là nhờ sự cô đọng và cách diễn đạt ẩn dụ tài tình, độc đáo.

Điện ảnh Việt Nam có lẽ chưa nên làm những bộ phim đao to búa lớn, phim bom tấn, chỉ cần nhiều những bộ phim như Mùa ổi, nhỏ nhắn mà tinh tế như hương ổi chín cứ thoang thoảng bay xa; những bộ phim không cần nhiều sức nặng tài chính mà cần tài năng và sự sáng tạo của đạo diễn.

Mời bạn đọc tham gia viết về những bộ phim Việt Nam yêu thích

Nhằm hưởng ứng Ngày điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức (15-3), giải Cánh diều vàng 2010 và cũng là dịp tôn vinh những bộ phim điện ảnh Việt Nam, TTO mời bạn đọc tham gia viết về những ấn tượng, bài học, giá trị mà những bộ phim điện ảnh Việt Nam đã mang lại cho bạn.

Mỗi tác giả có quyền gửi nhiều bài viết, mỗi bài viết dài khoảng 500 - 1.000 chữ. Bài viết phải được viết bằng tiếng Việt. Những bộ phim được đề cập phải là những bộ phim điện ảnh Việt Nam (không viết về phim truyền hình).

Thời gian nhận bài viết từ ngày 8 đến hết 15-3-2010.

Bài viết xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn; tiêu đề ghi: tham dự chuyên mục “Viết về những bộ phim điện ảnh yêu thích”. Dưới bài viết vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc... để chúng tôi tiện liên hệ.

Bài được chọn đăng trên Tuổi Trẻ Online sẽ được trả nhuận bút.

LÊ ĐÌNH LƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên