10/06/2009 11:25 GMT+7

48 tỉ đồng cho phim Thái sư Trần Thủ Độ

Theo HẢI PHƯƠNG - Người Lao Động 
Theo HẢI PHƯƠNG - Người Lao Động 

Đây là số tiền đầu tư cho bộ phim sản xuất theo đơn đặt hàng của Ban Tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vào vai Trần Thủ Độ là diễn viên trẻ Thiên Bảo. Vai nguyên phi Trần Thị Dung được giao cho á hậu Dương Trương Thiên Lý.

9ynUxy7L.jpgPhóng to
Thiên Lý học kỹ năng múa hát, cưỡi ngựa, võ thuật... để vào vai Trần Thị Dung - Ảnh: C.T.V

Theo kế hoạch, ngày 12-6, bộ phim 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ, dự toán 48 tỉ đồng, thuộc dự án phim sản xuất theo đơn đặt hàng của Ban Tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, do Hãng phim Truyện 1 sản xuất (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn; đạo diễn: Đào Duy Phúc) sẽ khai máy.

Dựng bối cảnh hoành tráng tại Việt Nam

Đó là hai bối cảnh khu miếu hoang và nhà ngục ở kinh thành, thiết kế bằng vật liệu chuyên dụng của điện ảnh trong khu trường quay nội ở Cổ Loa. Với 9 phòng giam, phòng cai ngục, phòng tra tấn được thiết kế giả ngầm dưới lòng đất, có lẽ lần đầu tiên phim Việt “chịu chi” để có những bối cảnh đủ chuẩn cho phép đạo diễn, diễn viên, quay phim tung tẩy sáng tạo.

Theo kịch bản, bối cảnh miếu hoang là nơi đội quân Quách Bốc trên đường tiến vào kinh thành nghỉ qua đêm, bắt được Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ đến giải thoát. Còn bối cảnh nhà ngục là nơi Trần Thủ Độ bị tạm giam khi lên kinh thành, sau đó được Đỗ Xuân Ấu, Đỗ Kính Chu giải thoát.

Cũng tại khu trường quay nội, một số bối cảnh sẽ được xây dựng thêm, trong đó có cảnh nội một chiếc thuyền. Ngoài ra, các nhân viên kỹ thuật sẽ triển khai xây dựng bối cảnh ngoại kinh thành Thăng Long tại trường quay Cổ Loa trên diện tích 40.000 m2 để kịp bấm máy, ngay sau khi đoàn phim từ Trung Quốc trở về.

Quay tại Trung Quốc là chính

Theo kế hoạch, đoàn phim quay 10 ngày tại trường quay nội Cổ Loa, sau đó vào Huế quay một số bối cảnh nội cung vua, cung hoàng hậu trước khi sang Trung Quốc thực hiện loạt cảnh quay tại trường quay Hoành Điếm. Do phim tăng thời lượng từ 15 lên 30 tập nên kế hoạch quay tại Trung Quốc cũng phải thay đổi.

Một phần do phía trường quay Hoành Điếm từ nay đến tháng 8-2009 đang có quá nhiều đoàn làm phim hoạt động, không có “chỗ” cho đoàn phim của VN nên phải bấm máy các cảnh ở VN trước. Phần khác, do thời lượng kéo dài, nên một số cảnh dự kiến quay ở Trung Quốc phải... dời về VN để bảo đảm vấn đề kinh phí. Mặc dù vậy, so với kịch bản cũ, số lượng các cảnh thực hiện tại Trung Quốc trong kịch bản mới vẫn “đội lên” khá nhiều.

Thuê ngựa từ Trung Quốc mang về

Ngựa là một trong 1.000 công việc cần chuẩn bị cho bộ phim. Tuy nhiên, đây cũng là một trong số những việc khó. Theo ông Đặng Tất Bình, Giám đốc Hãng phim Truyện 1, đơn vị được đặt hàng sản xuất phim Thái sư Trần Thủ Độ, ngựa ở VN chưa quen với công việc làm phim, rất khó xử lý trong những cảnh phức tạp.

Ở góc độ tạo hình, nếu để các nhân vật chính, cần có phong độ lẫm liệt như Trần Thủ Độ, cưỡi những chú ngựa “còi” e không ổn. Đó là chưa kể đến giá thuê ngựa ở trong nước không hề rẻ so với giá thuê tại Trung Quốc, thậm chí còn đắt hơn.

Vì thế, đơn vị sản xuất sẽ thuê khoảng 6-7 con ngựa cùng các mã phu chuyên đóng phim của Trung Quốc. Số ngựa này, sẽ có mặt tại Hà Nội vào tháng 9-2009 để triển khai các cảnh quay ngoại kinh thành Thăng Long. Ngoài ra, sẽ sử dụng thêm ngựa của trại ngựa Bá Vân- Thái Nguyên ở hậu cảnh...

Ông Đặng Tất Bình cũng cho biết thêm, chỉ có một người được mời vào chức danh đạo diễn võ thuật có thể được gọi là chuyên gia ngoại. Các trưởng bộ môn còn lại, như: quay phim, thiết kế, hóa trang, phục trang v.v... đều là người VN.

Những người nước ngoài xuất hiện trong đoàn phim với tư cách các kỹ thuật viên, hoặc công nhân thuộc các bộ môn có liên quan và đều trực tiếp làm việc với những kỹ thuật viên và công nhân VN, dưới sự chỉ huy của đạo diễn, quay phim, họa sĩ và trưởng các bộ môn khác.

Ông Bình cũng khẳng định, mọi việc của đoàn phim đang diễn ra đúng như đã định. Nếu còn chưa yên tâm về một nghệ sĩ, diễn viên nào, hoặc bất kỳ một khâu nào trong toàn bộ công đoạn làm phim thì đạo diễn và nhà sản xuất đã không phát lệnh bấm máy.

Thử thách của Thiên Bảo và á hậu Thiên Lý

Hai vai diễn quan trọng nhất trong phim được giao cho hai diễn viên là Thiên Bảo và á hậu Dương Trương Thiên Lý. Từ nhiều ngày nay, 2 diễn viên này đã có mặt tại Hà Nội để tham gia tập luyện diễn xuất. Xuất thân từ Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, vai diễn đầu tiên của Thiên Bảo ở điện ảnh là vai nam chính trong phim Cầu Ông Tượng, sau đó là hàng loạt vai diễn trong phim truyền hình, như: Ngã rẽ cuộc đời, Sóng gió cuộc đời, Nữ sinh, Xanh mãi đồi trà...

Nói về Thiên Bảo, đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết: “Trần Thủ Độ là vai diễn quan trọng. Chọn sai, phim sẽ bại. Chúng tôi đòi hỏi diễn viên đóng vai này không chỉ có ngoại hình phù hợp với nhân vật, gương mặt biểu cảm toát lên thần thái của một vị thái sư mà quan trọng hơn là sự nhạy cảm nghệ thuật; khả năng ứng biến trong diễn xuất... Vì thế, việc chọn Thiên Bảo không ngoài lý do hợp vai”.

Bên cạnh vai Trần Thủ Độ, vai nguyên phi Trần Thị Dung cũng từng khiến nhà sản xuất và đạo diễn đau đầu. Vì theo lịch sử, độ tuổi của nhân vật là 16, nhưng diễn biến tâm lý trong nhân vật thì cực kỳ phức tạp. Thể hiện một người đàn bà đẹp, trải qua những biến cố thăng trầm của triều chính, lịch sử là chuyện không đơn giản nếu chọn diễn viên đúng với tuổi nhân vật. Vì thế, đoàn phim đã phải “nới” tuổi diễn viên lên và á hậu Thiên Lý (20 tuổi) đã được chọn. Người chồng đầu tiên của nguyên phi Trần Thị Dung trong phim là vua Lý Huệ Tông, vai diễn này do ca sĩ Hứa Vỹ Văn đảm nhiệm.

Tiếc đứt ruột!

Họa sĩ Phạm Quang Vĩnh, một trong số những người thiết kế bối cảnh khu miếu hoang và nhà ngục ở kinh thành, nói: “Tuy thiết kế bằng vật liệu chuyên dụng nhưng giá thành sản xuất hai bối cảnh này cũng không nhỏ. Trước đoàn phim Thái sư Trần Thủ Độ, đoàn phim Mùa hè lạnh lẽo của đạo diễn Ngô Quang Hải đã cho dựng ở trường quay Cổ Loa một bối cảnh khách sạn với chi phí tốn hơn 100 triệu đồng. Sau đó, phim tạm dừng vì chưa hội đủ kinh phí, nên buộc phải tháo dỡ bối cảnh để đoàn phim Thái sư Trần Thủ Độ vào sản xuất.

Thương đồng nghiệp nên chúng tôi đã tận dụng mua lại một số nguyên vật liệu có thể sử dụng cho bối cảnh nhà ngục. Đầu tư hơn 100 triệu đồng, gỡ gạc được vài chục triệu đồng là mừng, còn lại là phế liệu. Nói vậy để thấy, nếu chúng ta có trường quay, các bối cảnh được dựng với tỉ lệ 1:1, chất liệu bền vững để sử dụng cho các phim sau và phục vụ cho du lịch thì quá lý tưởng. Còn như bây giờ, quay xong là lại dỡ bỏ. Phí. Tiếc đứt ruột nhưng đành chịu thôi”.

Theo HẢI PHƯƠNG - Người Lao Động 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên