Bài 1: Khổ luyện cho ngày thành danh Bài 2: Để nghệ thuật mang vẻ đẹp... thủ công
Không thể lý giải được sự hi sinh vì nghệ thuật ấy nếu không nói đó là sự đam mê.
“Có cảm giác mình phải học nhiều gấp mười lần hồi còn ở nhà” - Quang Sự nhận xét về chương trình học của mình ở Đại học Tổng hợp nghệ thuật Hàn Quốc (KNUA). Chàng trai quê Thanh Hóa vừa học hết năm đầu tiên khoa diễn viên Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội thì được chọn du học tại Hàn Quốc theo học bổng của Bộ Văn hóa bạn. Chương trình học toàn bằng tiếng Hàn trong khi chỉ được học tiếng vỏn vẹn năm tháng trước khóa học khiến anh luôn có cảm giác “nếu người ta đi bộ thì mình phải chạy hết tốc lực mới kịp”.
Chuyên nghiệp từ năng lực đến thái độ
|
Để hoàn thành 140 tín chỉ trong bốn năm học mà luôn phải được điểm tốt để giữ học bổng, một ngày học của Sự bắt đầu từ trước 9 giờ sáng và nhiều khi kết thúc khi anh ngủ thiếp đi trong đêm trên sàn tập ở trường. “Sinh viên Hàn rất chăm chỉ, đó cũng là một áp lực với mình. Rất nhiều người tập qua đêm để rút ngắn thời gian học và tăng hiệu quả” - Quang Sự giải thích.
Cũng giống như anh, người bạn đồng môn và cũng là đồng hương Lê Hà luôn khiến mọi người nhắc vì ít thấy có mặt trong các buổi vui chơi, liên hoan của lưu học sinh. “Lịch tập với bạn diễn của chúng tôi dày đặc, bất kể đó là cuối tuần hay ngày lễ, ngày hay đêm” - Lê Hà còn kể rằng nhiều khi không có cả thời gian gọi điện thoại.
Trường KNUA đào tạo kết hợp diễn viên kịch và điện ảnh để sinh viên có nhiều sự lựa chọn hơn khi ra trường. Sau khi hoàn thành các khóa học chính như kỹ thuật diễn, hình thể, tiếng nói sân khấu, thanh nhạc, lịch sử sân khấu, sân khấu truyền thống, lý luận diễn xuất, thực hành diễn xuất trước ống kính… để tốt nghiệp các diễn viên tương lai còn phải hoàn thành bốn vở kịch (hoặc phim) bắt buộc (hai vở do giáo viên đạo diễn, hai vở do sinh viên khoa đạo diễn làm), hoặc ba tác phẩm của thầy có qua bước thử vai.
Các vở diễn đó chính là những thách thức và cũng là cơ hội quý để diễn viên hiểu nghề và nhập cuộc nhanh sau khi ra trường. Có không ít sinh viên đã học xong các khóa khác nhưng chưa đủ vở diễn nên vẫn không được tốt nghiệp, bởi triết lý đào tạo của trường hết sức đơn giản: đào tạo ra diễn viên biết diễn chứ không phải là những diễn viên chỉ… cố gắng thuộc bài.
Những vở diễn này cũng thể hiện sự liên thông trong đào tạo ở Trường KNUA mà nhờ nó sinh viên tất cả các khoa liên quan đều được hưởng lợi. Chẳng hạn, sinh viên khoa biên kịch cung cấp kịch bản, khoa thiết kế sân khấu lo bối cảnh, khoa quản lý lo kế hoạch sản xuất, chuẩn bị chương trình, khoa đạo diễn lo các việc thuộc chuyên môn, và tất nhiên các diễn viên tương lai sẽ thể hiện vai diễn nếu được chọn.
“Trong suốt quá trình từ khâu chuẩn bị đến hậu kỳ, chúng tôi làm việc bên nhau để học hỏi tất cả các công đoạn làm phim” - Quang Sự cho biết. Giáo sư chấm điểm dựa trên sự đánh giá kết quả suốt quá trình tham gia của sinh viên, từ năng lực đến thái độ. Cả trường sân khấu - điện ảnh như một xưởng làm phim chuyên nghiệp thực thụ. Tác phẩm nào có kết quả tốt sẽ được giới thiệu tham dự các liên hoan phim trong, ngoài nước hoặc đem bán trên thị trường.
Không ai tự coi mình là “sao”
Ngoài ra, sinh viên khoa diễn viên còn tranh thủ tham gia các phim của sinh viên khoa khác trong trường (ví dụ khoa đạo diễn) để trau giồi thêm. “Chúng tôi không bao giờ lấy thù lao từ các phim của bạn bè trong trường mà coi đó là cơ hội thực hành, giúp nhau học”. Không ai tự coi mình là “sao”. Không có giờ học riêng nào về đạo đức nghề nghiệp, về tư tưởng hay thái độ làm việc. Người học tự rút ra cho mình những bài học đó thông qua sự uốn nắn của giáo sư, đặc biệt là của các sinh viên khóa trước. Mối quan hệ “son-be” (sinh viên khóa trước) và “hu-be” (sinh viên khóa sau) mang đậm nét bản sắc học đường ở Hàn Quốc. Trong đó, son-be nhận được sự phục tùng gần như tuyệt đối của hu-be, đổi lại họ cũng hết sức giúp đỡ, dìu dắt để hu-be tiến bộ hơn.
“Nếu ai đó đến muộn hoặc đùa cợt, nghe điện thoại trong lúc làm việc, họ sẽ bị son-be nhắc nhở rất nghiêm khắc đến mức chỉ còn nước cúi đầu” - Quang Sự kể thêm về tính kỷ luật của các diễn viên Hàn Quốc: Họ luôn đến sớm hơn giờ hẹn, và nghiêm túc theo dõi cảnh diễn của đồng nghiệp để chờ đến lượt mình. Tất cả đều gắn vào nhóm.
Các diễn viên tương lai đều phải dày công khổ luyện từng ngày từng giờ để tận dụng thời gian bởi “nghiệp diễn có thời”. Sự khổ luyện của họ từ khi còn là sinh viên đã biến thành những nụ cười, ánh mắt, giọt lệ… đầy tâm trạng và tự nhiên trong các vai diễn mà bạn đã từng thấy qua các bộ phim Hàn Quốc đang có tầm ảnh hưởng sâu rộng ra ngoài thế giới. Và điều ấy cũng giúp lý giải một phần vì sao điện ảnh Hàn Quốc có thể phát triển nhanh như thế trong hơn một thập kỷ vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận