Phóng to |
Đạo diễn Vinh Sơn |
Sự nôn nao dành cho Trăng nơi đáy giếng dĩ nhiên không chỉ trong phim sẽ có một không gian Huế, mà trước hết phim được dàn dựng dưới bàn tay của đạo diễn Vinh Sơn. Người ta đã kỳ vọng Vinh Sơn thực hiện cuộc phối ngẫu cho một “hồn Huế” hiện diện trong phim.
Hiếm có đạo diễn nào như Vinh Sơn, khi anh đã im lặng rất dài trong sản nghiệp sáng tạo của mình, chỉ có Tuổi thơ dữ dội năm 1991, Đất phương Nam năm 1997 mà dư luận cứ phải nhớ đến tên anh.
Dù im lặng nhưng Vinh Sơn không quy ẩn, trái lại anh đau đáu những mối bận tâm dành cho không gian điện ảnh chung, cho người khác, đặc biệt không gian cho thế hệ điện ảnh mới. Anh bảo: “Tôi mong muốn giới nhà văn tham gia điện ảnh, không phải với tư cách tác giả kịch bản mà làm đạo diễn”. Trong đôi mắt thâm trầm của Vinh Sơn ánh lên một niềm xác tín lạ thường.
“Mình có nhận được một kịch bản của Nguyễn Ngọc Thuần, viết lạ lắm, mình khuyến khích Thuần gửi kịch bản đến Quỹ Fonds Sud...”. Không dừng lại đó, Vinh Sơn còn khuyến khích Ngọc Thuần bắt tay vào làm đạo diễn. Một số kinh nghiệm kỹ thuật của nghề đạo diễn, theo thời gian sẽ có được, không phải là trở ngại gì to tát. Điều hệ trọng nằm ở cái đầu. “Tư chất nhà văn cho phép họ có được những chiều sâu...”.
Phóng to |
Hồng Ánh vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng |
Trong một liên hệ gần gũi hơn là bộ phim Cú và chim se sẻ của đạo diễn Stephan Gauger, mang hai dòng máu Mỹ - Việt. Bộ phim được quay tại Việt Nam bằng camera, kinh phí thực hiện khoảng 180 triệu đồng (hơn 10.000 USD). Bộ phim này sau đó nhận giải “Best Feature film” tại Liên hoan phim Los Angeles 2007.
Với Vinh Sơn, sáng tạo nghĩa là độc lập. Khát vọng độc lập đến cháy bỏng và cố nhiên là không dễ vì đi theo một thói quen bao giờ cũng dễ dàng hơn - xét về bản năng tồn tại, bản năng an toàn.
Tôi đã xem vở kịch của sân khấu IDECAF, cũng dựa vào truyện Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, đã được phép công diễn. Trong đó ý tưởng của vở kịch nhấn mạnh vào một con bù nhìn rơm mà nhân vật Hạnh tôn thờ như thần tượng trong một nỗi đau đến thất lạc cả tâm trí.
“Tôi chọn truyện Trăng nơi đáy giếng vì truyện làm rõ, bật được tính cách Huế - cuối cùng Vinh Sơn cũng chịu cho biết chút ít lý do - Cảm nhận của Trần Thùy Mai đầy Huế. Chất thơ là thuộc tính của người Huế từ cung cách đi đứng, nói năng đến lối sống thâm trầm, sâu sắc, tinh tế”.
Xa Huế vào Nam sinh sống nhưng không gian Huế vẫn là không gian tâm hồn của Vinh Sơn. Khi xem phim Trăng nơi đáy giếng, giọng nói Huế (được thu tiếng trực tiếp khi quay phim) được thể hiện với âm hưởng thật truyền cảm.
Căn nhà của đôi nhân vật Hạnh - Phương do Dương Đình Vinh (biệt danh “vua nhà rường” ngoài Huế) thiết kế. Căn nhà với rất nhiều khung cửa, ánh sáng và bóng tối tùy thuộc tâm cảm “đóng”, “mở” nhanh chậm của con người. Ánh sáng không tràn đến cùng lúc mà len lỏi theo từng khung cửa mở dần. Cũng vậy, bóng tối phủ dần theo từng ô cửa. Thời gian đặc quánh. Để phải nín thở. Rồi khi đã quen với nhịp điệu đậm đặc ấy bất giác sự thong thả ngự trị trong tâm hồn.
Hạnh (do Hồng Ánh đóng, riêng nhân vật này thu giọng Nam bộ) sau khi rỏ nước mắt nhưng không sướt mướt vì sự chia cách với người chồng và thật khủng khiếp sau ngần ấy bi kịch vẫn cứ cười bình thản. Một cú máy dài nối giữa căn nhà vườn của Hạnh với bên ngoài ồn ào trẻ em nô đùa, những cô gái đạp xe trên cầu vắt qua sông Hương tạo thành sự liên tục, như mạch sống không đứt đoạn...
Dù bản phim mà tôi được xem vẫn chưa sắc sảo về độ tối sáng (vì đây chưa phải là bản phim hoàn chỉnh) vậy mà xem xong bần thần. Đối với tôi, Trăng nơi đáy giếng là bộ phim Việt Nam gây ấn tượng mạnh nhất từ trước đến nay.
Khi xem Trăng nơi đáy giếng, tôi quên mất mình là khán giả. Tôi nghĩ mình cũng đang dạo quanh khu vườn, đang ở trong một ngôi nhà với vô vàn khung cửa mờ ảo của Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận