03/06/2005 08:37 GMT+7

"Phù thủy phòng thu" Viết Tân: Chỉ dùng chính đôi tai của mình!

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT- Có một phòng thu đã cho ra đời không biết bao nhiêu album “hàng VN chất lượng cao” của các ca sĩ hàng đầu VN và bao nhiêu giải thưởng “Phòng thu của năm” của Làn sóng xanh từ đầu đến giờ đều rơi vào tay nó.

mkoNr1SC.jpgPhóng to
Ông Viết Tân
TT- Có một phòng thu đã cho ra đời không biết bao nhiêu album “hàng VN chất lượng cao” của các ca sĩ hàng đầu VN và bao nhiêu giải thưởng “Phòng thu của năm” của Làn sóng xanh từ đầu đến giờ đều rơi vào tay nó.

Tên phòng thu cũng là tên của chủ nhân. Ông Viết Tân “đính chính” rằng phải gọi phòng thu là “phòng chi” bởi chi phí đầu tư và tái đầu tư cho một phòng thu là không thể tính nổi. Có những cái máy mua hai mươi mấy nghìn USD, xài vài tháng đã lỗi thời. Những người làm phòng thu được gọi nôm na là “dân âm thanh”. Mà đã là “dân âm thanh” thì người nào cũng “máu mê” cả, rất chịu chơi, chịu chi.

Tất cả đều là tự học

Người làm âm thanh phải hiểu biết về âm thanh, điện tử, âm nhạc... Không phải tự nhiên mà phòng thu Viết Tân luôn có thể làm ra những sản phẩm chất lượng. Ông Viết Tân đã “dính líu” đến nghề hơn 20 năm nay.

Đầu tiên, ông chuyên lo về âm thanh sân khấu. Đến năm 1989, ông giúp bạn là ông Tư Lợi (phòng thu Kim Lợi) làm một số sản phẩm trong phòng thu. Đến năm 1992, ông tách ra, làm một phòng thu cho riêng mình. Mới đầu Viết Tân Studio chỉ là một phòng cỡ khoảng 5x5m. Những sản phẩm đầu tiên ra đời với hình thức băng cassette, rồi đến những chiếc CD đầu tiên.

Đến nay Viết Tân Studio là một cơ ngơi ba tầng với bốn phòng phục vụ cho việc thu âm. "Tất cả đều là tự học - ông Viết Tân kể tiếp - thời của tôi không có nhiều sách vở dạy nghề làm âm thanh như bây giờ, và dĩ nhiên là không có Internet để nghiên cứu, tìm hiểu. Thấy bất cứ quyển sách chuyên môn nào là tôi đều “vồ” lấy đọc không sót một chữ.

kLRtPRiA.jpgPhóng to
ca sĩ Thanh lam

Tôi làm phòng thu mà chưa từng đi tham quan bất cứ phòng thu lớn, nhỏ, trong hay ngoài nước nào. Phòng thu của tôi là do chính tôi thiết kế, rồi cùng thợ làm ra mọi thứ. Người ta phải dùng máy móc để đo độ chuẩn xác âm thanh của một phòng thu, còn tôi thì chỉ dùng chính đôi tai của mình".

Không giúp được ca sĩ là có lỗi

Nói về công việc, ông Viết Tân ví von các tác phẩm âm nhạc như một nguyên liệu thực phẩm; còn nhạc sĩ hòa âm, ca sĩ thể hiện và người “chỉnh sửa âm thanh” như ông là đầu bếp. Đầu bếp giỏi sẽ cho ra những món ăn ngon, thậm chí ngay cả nguyên liệu “hơi ngon” cũng có thể có được những khẩu vị mới lạ.

Ông Viết Tân luôn tâm niệm: “Nhiệm vụ của người làm âm thanh là giúp tối đa cho ca sĩ, còn làm không được là có lỗi”. Để có thể giúp tối đa cho ca sĩ, một ngày ông Viết Tân phải lao động từ 10g sáng đến 4-5g sáng hôm sau. Với những yêu cầu khó, việc trăn trở, thử nghiệm cả tháng trời là chuyện thường. Ông nói chỉ có âm nhạc mới giúp ông có sức làm việc phi thường như thế.

Phòng thu Viết Tân từng làm ra sản phẩm bán được trên 100.000 đĩa. Và mỗi năm phòng thu đó cho ra đời hơn 50 sản phẩm (CD, VCD). Thế nhưng ông chủ của phòng thu vẫn thở dài:

“Có nhiều lúc lực bất tòng tâm! Tôi chưa bao giờ hài lòng với những sản phẩm của mình. Tôi luôn muốn có cơ hội được làm lại những sản phẩm đã được mọi người đánh giá cao, chắc chắn sẽ tốt hơn nữa. Phải chi không có băng đĩa lậu. Được vậy chúng tôi sẽ có điều kiện đầu tư trang thiết bị mạnh hơn nhiều. Còn tương lai? Âm thanh vẫn là một ẩn số. Kỹ thuật phòng thu sẽ còn tiến xa".

Hiện ông đã truyền nghề cho con trai Bi, Bo và các đệ tử, nhưng cứ sợ truyền nhân của mình không đủ kiên nhẫn để theo nghề, không sử dụng được hết “quyền lực” của âm thanh vì thời kỳ của máy tính (tuy tiện lợi và có ích rất nhiều) làm người ta quen ăn sẵn những gì đã được lập trình, mất đi tính tỉ mẩn học hỏi cũng như sự sáng tạo, không đầu hàng khi gặp trở ngại.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên