Phóng to |
“Chim tung bay hót vang trong bình minh, chân cô đơn áo phong sương hành trình. Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho xuôi về Gò Công; phù sa ngút ngàn như một tấm thảm lúa vàng…/ Hò hò ơi, cây lúa tốt tươi thêm nhờ phù sa, đẹp duyên Tháp Mười quên đời tảo tần vui cười. Quít Cái Bè nổi tiếng ngọt ngay, ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây. Ngồ ngộ ghê, gái miền Tây má hây hây…/
Qua Long Xuyên đến Vĩnh Long, Trà Vinh; sông quê tôi thắm trong tim đậm tình…/ Quê hương tôi có con sông tên Cửu Long, dân quê tôi sống quanh năm bên ruộng đồng. Từ ngàn xưa cây lúa đã nuôi dân mình no ấm, phù sa mát ngọt như dòng sữa mẹ muôn đời. Đêm trăng thanh chiếu trên sông Cần Thơ, vang xa xa thoáng câu ca hò lờ. Về Tây đô nhớ ghé Sóc Trăng nghe điệu lâm thôn…/
Nắng sớm về trái chín thật mau, cơn mưa chiều tưới mát ruộng sâu… /Gái bên trai tình quê thắm nồng, điệu dân ca ngọt ngào mênh mông. Sông quê ơi nắng mưa bao ngàn xưa, tôi không quên lũy tre xanh hàng dừa. Về Bạc Liêu nghe hát cải lương, rao đờn vọng cổ; Cà Mau cuối nẻo, đôi lời gởi lại chữ tình”.
Trên những chuyến xe khách đi về miền Tây, hành khách rất thường xuyên được nghe đi nghe lại, có khi suốt cả hành trình, bài hát Hành trình trên đất phù sa ấy của nhạc sĩ Thanh Sơn. Một bác tài tỏ vẻ tâm đắc: “Bài này rộn rã vui tươi, dễ nghe dễ hát, có gần như đầy đủ địa danh khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Lời hát lại miêu tả gần gũi tình cảm, cuộc sống dân miền Tây tụi tui, nghe rất khoái”. Trong các kỳ liên hoan văn nghệ vùng ĐBSCL cũng hiếm khi nào vắng bóng bài hát “đặc sản” này. Và cũng rất dễ được nghe “Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng…” (bài Hình bóng quê nhà) trong những chuyến xe xuôi ngược miền Tây.
Có thể cái tên Thanh Sơn không mấy quen thuộc, nhưng chắc chắn nhiều người từng biết đến các bài hát Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào, Thương về cố đô… được sáng tác trước năm 1975. Với khán giả thiếu nhi của thập niên 1980-1990, những bài hát Bài học đầu tiên, Cô giáo mới… của Thanh Sơn được nhớ nhiều.
Còn bây giờ các ca khúc Đoản ca xuân, Gợi nhớ quê hương, Hình bóng quê nhà, Hương tóc mạ non, Em về cấy lúa trổ bông… của ông được hát khắp nơi, và tất nhiên rất được ưa chuộng ở miền Tây. Thanh Sơn không chỉ được những ca sĩ hát dòng nhạc quê hương, dân ca trữ tình tìm đến đặt bài; nhạc sĩ còn có những khách hàng đặc biệt là những tỉnh ĐBSCL; đối tượng cũng là cảm xúc để ông viết nên Áo mới Cà Mau, Công tử Bạc Liêu, Tình em Tháp Mười, Socsơbai Sóc Trăng, Nhớ Cần Thơ, Xứ lụa Tân Châu, Về Châu Đốc, Yêu dấu Hà Tiên, Hát về Vĩnh Long, Áo trắng Gò Công, Chiều mưa xứ dừa…
Có lẽ chỉ còn ba tỉnh Long An, Trà Vinh, Tiền Giang là ông chưa có sáng tác riêng. Và có lẽ ông cũng đang giữ kỷ lục tác giả có nhiều bài hát sáng tác riêng về các địa danh nhất.
“Lập kỷ lục” như thế có phải vì được trả tiền sáng tác đặt hàng? Nhạc sĩ Thanh Sơn lắc đầu: “Mấy khi tôi nhận được tiền từ các tỉnh, mà có thì số tiền cũng chẳng là bao. Mình cầm chỉ là tượng trưng cho vui để thấy cái tình, sau đó tặng số tiền này lại cho người nghèo trong tỉnh. Cái chính là tôi rất tự hào và yêu mến vùng quê hiền hòa, trù phú nơi mình sinh ra, lớn lên. Tôi muốn khoe với mọi người quê hương của tôi đẹp đẽ như thế, con người quê tôi chất phác, đôn hậu như thế; trước nhất là khoe với… vợ tôi!”. Vợ ông, một phụ nữ đôn hậu bình thường, lại là tác nhân để lại nhiều dấu ấn thú vị trong các trước tác của ông.
Nhạc sĩ Thanh Sơn sinh năm 1938 tại Sóc Trăng, nhiều năm thời tuổi thơ phải về Bạc Liêu, Cà Mau sinh sống do chiến tranh khiến gia đình ly tán. 16-17 tuổi ông lên Sài Gòn mưu sinh với đủ nghề làm thuê, ở mướn. Năm 1959, ông đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn rồi theo nghề ca hát, đến năm 1962 bắt đầu sáng tác ca khúc. Lấy vợ người miền Trung, ông thường kể với người bạn đời về sự giàu đẹp, màu mỡ ở quê mình và hứa với bà ngày hòa bình sẽ đưa bà đi khắp vùng châu thổ.
Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ông mới thực hiện được lời hứa với vợ đồng thời khẳng định “mỗi chuyến đi qua mỗi vùng đất sẽ sáng tác một bài hát để kỷ niệm”. Cứ thế, Hành trình trên đất phù sa và nhiều bài hát về miền Tây theo bước chân đôi vợ chồng tiếp nối ra đời. Có một bài hát rất nổi tiếng của Thanh Sơn là Mùa hoa anh đào. Dạo ấy mới cưới nhau, trong một lần đi Đà Lạt khi ngắm gương mặt nhỏ nhắn có nhiều nét như người Nhật của vợ, ông đã sáng tác bài hát này chứ chẳng có chút xíu dây mơ rễ má gì với Nhật như nhiều người nghĩ.
Năm rồi nhạc sĩ bệnh rất nặng nhưng món nợ “bài hát cho các tỉnh miền Tây” cứ đeo đẳng mãi nên ông vẫn cố gắng hoàn thành bài Chiều mưa xứ dừa viết về Bến Tre. Điều mà ông mong muốn nhất là có đủ sức khỏe để tiếp tục sáng tác: “Tôi nghiên cứu kho tàng nhạc dân tộc mênh mông của nước mình, đặc biệt say mê vọng cổ, nhạc tài tử cải lương. Khi sáng tác tôi vay mượn, phát triển từ gốc âm nhạc Việt giàu có như bản Mẫu tầm tử, Trăng thu dạ khúc, điệu hò - lý dân ca… chứ không để nhạc mình lai tạp.
Những gì tôi viết là đời sống thật bởi tuổi thơ của tôi từng cấy lúa, tắm sông, hái dừa, chèo thuyền… Tôi lại đi nhiều để thấy, để hiểu, để cảm được nhiều chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng ra nên bài hát không giả tạo, từ đó không dễ quên với nhiều người nghe…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận