19/05/2013 08:00 GMT+7

Tiếng hát mãi xanh: Tài sản là sự chân thành

NGUYỄN NGỌC THUẦN
NGUYỄN NGỌC THUẦN

TT - Có đến tận nơi mới có thể nhận ra sức hút của Tiếng hát mãi xanh là như thế nào. Dù vớ được cái thẻ của một người bạn đeo vào cổ trông rất oách, nhưng cuối cùng tôi vẫn không vào được nơi trình diễn vì không qua được cửa ải so giấy chứng minh nhân dân và tên người trong sổ khai.

2mrqWoma.jpgPhóng to
Hình ảnh sân khấu Tiếng hát mãi xanh - Ảnh: N.N.T.

Cuối cùng phải cậy đến người của đài và một cuộc gọi lòng vòng mới có thể sở hữu được tấm vé vào phút chót.

Nhưng hóa ra sự vụ này lại là một cơ may.

Một ý tưởng quá đẹp

Phải nói là sự chân thành như đếm của thí sinh là một tài sản lớn cho cuộc thi mà không cuộc thi nào trên truyền hình hiện nay có được. Lứa tuổi của thí sinh đã tạo nên sự khác biệt ngay từ ban đầu cho chương trình. Ở tuổi 50, 60 bạn sẽ làm gì? Từng con người, từng câu chuyện, từng nỗi đam mê. Chuyện ông chồng già vì thương vợ đã vứt sang một bên niềm đam mê ca hát thời son trẻ, nhưng cuối cùng đã "toa rập" cùng con trai len lén dự thi khi tình yêu ca hát tưởng chừng tắt lịm đó bỗng đột ngột dâng lên, và người vợ chân thành nhận ra sự sai lầm của mình khi xem truyền hình; chuyện năn nỉ xin bài của đối thủ khác bằng "chiêu" rất dễ thương - chuyển đổi cách xưng hô từ anh sang thầy. Lỡ bị gọi bằng thầy rồi không lẽ nào không cho trò ư?

Người xem không chỉ là xem một buổi trình diễn, ẩn sâu trong những giọng hát ấy là những câu chuyện quá thật, quá nên thơ. Cuộc chơi đã không còn thuần túy tranh giành một tấm vé vào vòng trong. Ở lứa tuổi đó, với tình yêu đó, ai cũng xứng đáng cả. Nó là niềm an ủi, là tình yêu, khát vọng ẩn giấu của một thời đã qua bỗng chốc được khơi dậy. MC dẫn chương trình, đặc biệt Quỳnh Hương, thật đằm thắm và vừa phải cũng là một nét duyên.

Nhưng...

Cũng như tất cả những chương trình truyền hình ca nhạc bình thường khác, Tiếng hát mãi xanh vẫn để lại cho người xem một cảm giác cây nhà lá vườn, một chương trình của đài truyền hình tự dàn dựng và tự phát triển. Nó thiếu một tầm nhìn lớn hơn, để đưa một ý tưởng đẹp như thế lên một tầm cao hơn. Ðiều này hoàn toàn nằm trong khả năng của HTV, nhưng dường như lại không được chăm sóc đúng mức về con người và trí lực.

1. Về thiết kế. Sân khấu còn luộm thuộm, đèn đuốc thiếu điểm nhấn. Cảm giác như xem một cái gì đó khá qua loa. Chỗ nào cũng có một cái gì, không bục thì dàn trống, nhạc công, cầu thang... như thể chỉ để điền vào chỗ trống, sân khấu bày biện không nêu được công năng, và trên tất cả cảm giác quá quen, nhàm chán. Không còn là bàn chuyện xấu hay đẹp nữa, mà nó đòi hỏi một cái gì có cá tính hơn, riêng biệt hơn. Ðiều này không thể tìm thấy ở đây.

2. Về cách làm thương hiệu. Với một chương trình mang tính bộ mặt của mình, với một thương hiệu HTV gầy dựng qua từng ngày cho đến như hôm nay là cả một quá trình tích lũy mới có được. Ðáng lý HTV nên cương quyết hơn trong vấn đề quảng cáo. Hoặc là chấp nhận một cách quảng cáo lịch sự hơn, hoặc là chấm dứt những đòi hỏi từ phía đối tác. HTV đủ sức làm chuyện này mà vẫn bảo toàn được mình. Với một chương trình thú vị như vậy thì lại càng cần phải biết đặt ra một luật chơi ngay từ ban đầu, một cách tôn trọng khán giả, tôn trọng thương hiệu của mình. Ít nhất cũng có thể lấy đây làm một thí điểm. Tin chắc rằng những khách hàng đến với thương hiệu này cũng sẽ ngày một sang trọng hơn. Ðằng này toàn bộ sân khấu là ba cụm quảng cáo chiếm một diện tích vô cùng lớn: tiền cảnh, hậu cảnh và trên sàn, gợi nên cảm giác không còn sự chuyên nghiệp nữa trong cách thức làm chương trình. Một chương trình đẹp đi ra từ một ý tưởng đẹp nhưng cách làm thương hiệu không được tốt đã phá vỡ đi tính chất hoàn hảo của nó.

3. Ðạo diễn chương trình. Mặc dù khá nhịp nhàng từng cụm, xong cái này đến cái kia, chín thí sinh chia làm ba, đưa thí sinh hai mùa trước vào những đoạn nối và kết thúc bằng khách mời, không gây nên nét độc đáo mới lạ nào cả, nó chìm lấp trong cách dàn dựng với những game show khác. Một chương trình có thương hiệu phải được dàn dựng với một luật riêng, một cách xuất hiện riêng có cá tính hơn.

Không có điều gì hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng là mùa thứ ba cũng không thể gọi là chập chững nữa, thiết nghĩ một sự thay đổi là cần thiết cho lúc này. Tạo cho được một kịch bản riêng là khó, một chuẩn riêng là khó, nhưng đó là tiền đề không thể thay đổi của một chương trình đặc sắc cần phải có.

NGUYỄN NGỌC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên