Hai nghệ sĩ được chào đón nhiều nhất là bà Toshiko Nagase - giáo sư đến từ Trường Yamaha (Nhật) và con trai - nhạc sĩ Kenzan Nagase.
Phóng to |
Lúc 19g ngày 22-9 chương trình đã có thêm đêm biểu diễn giao lưu tại nhà riêng của GS.TS Trần Văn Khê. Trong chương trình, giáo sư chia sẻ về sự giống và khác nhau giữa đàn tranh VN và đàn koto của Nhật Bản. |
Nhận được sự quan tâm của báo giới, bà Toshiko Nagase đã chân thành chia sẻ: “Tôi luôn khao khát tìm hiểu các loại nhạc cụ khác nhau trên thế giới, vì vậy đến với hội ngộ lần này là cơ hội khám phá thêm những điều mới, đặc biệt là với cây đàn tranh VN. Đó xem như là một phần trong công việc nghiên cứu của tôi!”.
Là người chơi đàn koto xuất sắc và sử dụng thuần thục nhiều loại đàn dân tộc của Nhật, bà Toshiko Nagase đã có nhiều hoạt động tích cực để phổ biến âm nhạc Nhật Bản ở nước ngoài và đã biểu diễn nhiều nơi trên thế giới như: Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary, Hàn Quốc…
Đón hai vị khách nhiệt thành trong chiều 20-9 là những gương mặt được xem là tiêu biểu và hết lòng cho tiếng đàn tranh VN như GS-TS Trần Văn Khê, nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Văn Đời, NGƯT Phạm Thúy Hoan, các nghệ sĩ Hải Phượng - giảng viên Nhạc viện TP.HCM, Hồng Hạnh - giảng viên Học viên Âm nhạc quốc gia VN, Hồng Nga - giảng viên Học viện Âm nhạc Huế…
Đó cũng xem như là tấm lòng chân thành và trân trọng của những con người yêu quý và đam mê tiếng đàn tranh chung tay để cùng nhau tấu lên tiếng đàn trong một đêm hội ngộ.
2. Đêm hội ngộ tối 20-9 không có những phút giây sôi động và rộn ràng như hội ngộ lần 2 (năm 2011). Nếu như lần hội ngộ thứ 2 có sự phá cách lạ lẫm của Vân Ánh khi chơi đàn tranh trên nền nhạc điện tử jazz, New Age…, có những cô gái nóng bỏng của nhóm Mặt Trời Đỏ chơi nhạc cụ dân tộc hát nhạc hiện đại khuấy động không khí, thì hội ngộ lần 3 có lẽ nghiêng nhiều về tính tự sự.
Người xem được nghe và ngắm nhìn 3 loại đàn tranh khác nhau. Đàn koto Nhật có kích thước dài với tiếng đàn nghe tĩnh mịch, cô liêu; tiếng đàn guzheng (do các em học sinh trong ban đàn tranh của Trường Đài Bắc tại TP.HCM biểu diễn) trầm, đục; trong khi tiếng đàn tranh VN lại có chất trong trẻo, mượt mà.
Mỗi cây đàn có vẻ đẹp riêng, càng nghe càng thấy ngỡ ngàng, vì cũng là tiếng của những cây đàn thuộc dạng đàn tranh nhưng sao âm sắc lại có nét riêng biệt và khó lẫn đến thế. Chỉ đàn tranh VN thôi, nhưng tấu lên ba bản nhạc của ba miền đã có sự thay đổi và thể hiện được tính chất vùng miền. Luyện ngũ cung (chèo cổ) với những giai điệu lúc róng riết, lúc buông lơi, Phú lục (ca Huế) mượt mà, ướt át, trong khi Song phi hồ điệp (nhạc tài tử miền Nam) thì chân chất, mộc mạc.
Ở sắc thái và một phong cách khác là lối trình diễn như chìm vào giai điệu của bà Toshiko Nagase. Ba nhạc phẩm bà trình diễn đem đến cho người nghe cái nhìn đa dạng về cây đàn koto. Với Sekiheki no hu (Bài thơ ca ngợi sườn dốc đỏ) bà vừa diễn tấu vừa ngân nga hát theo giai điệu, Midare (Sự náo loạn) là một phá cách không theo trật tự có sẵn, với những phân đoạn không có số lượng nhịp ổn định như thông thường, còn Haru no umi (Biển xuân) là tác phẩm tiếp nhận song tấu của piano và kèn saxophone từ phương Tây ứng dụng đưa vào tác phẩm đàn koto hòa quyện với tiếng sáo Shakuhachi. Tiếng đàn koto của bà Toshiko Nagase và tiếng sáo shakuhachi của nhạc sĩ Kenzo Nagase đã có những khoảnh khắc đưa người nghe lạc vào những vườn anh đào chói nắng bên những sườn dốc cao cao của đất nước Phù Tang.
Phóng to |
3. Tiết mục mở đầu đêm diễn của CLB Tiếng hát quê hương có vẻ chỉ là phần chào màn để các anh tài đàn tranh khác phô diễn các ngón đàn. Tuy nhiên, dấu ấn lưu lại là sự hiện diện của ba thế hệ trong CLB, cho người ta lòng tin về sự tiếp nối và lưu giữ tiếng đàn tranh của các thế hệ. Nổi bật nhất là gia đình nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, bà là chủ nhiệm CLB, con gái bà, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, là ngón đàn chủ lực và có một mầm non cũng đang trình diễn bằng một sự hồn nhiên rất đáng yêu là bé Hải Minh - cô con gái đang học lớp 3 của nghệ sĩ Hải Phượng.
Cũng có những em chẳng phải con nhà nòi nhưng vì “yêu sự trong trẻo của tiếng đàn tranh và đơn giản chỉ muốn tìm hiểu thêm về cây đàn chứ không muốn làm nghệ sĩ” như lời cô bé 13 tuổi, thành viên CLB Tiếng hát quê hương đã chia sẻ cùng MC trong chương trình. Tất cả tình yêu hồn nhiên và vô tư đó đã được chinh phục bởi sự tinh túy và mượt mà của tiếng đàn tranh mà theo lời anh Văn Hùng - một khán giả trong chương trình thì “Đàn tranh nếu chịu khó nghe kỹ, chịu khó lắng lòng thì từ từ sẽ bị… ghiền!”.
Đêm diễn tối 21-9 vừa đủ khán giả, hàng ghế VIP còn khá trống không như Hội ngộ lần 2 rất nhiều khán giả nêm cứng các lối đi. Cả hai lần hội ngộ lần nào cũng mưa như trút nước. Có khán giả suy luận do trời mưa nhiều khán giả ngại đi, vé lại miễn phí nên có bỏ cũng không tiếc, còn hội ngộ lần 2 vé phải mua (mục đích lập quỹ tổ chức Nhạc hội đàn tranh châu Á) nên không đi thì uổng tiền. Ý kiến đó chưa chắc đúng nhưng không hẳn sai.
Chợt nghĩ không biết đến bao giờ người ta chỉ thấy tiếc vì phải bỏ lỡ một đêm thưởng thức đàn tranh chứ không phải vì bất cứ một lý do nào khác!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận