Phóng to |
Như vậy ở vòng gala tiếp theo (4-12) sẽ là cuộc tranh tài của Văn Mai Hương, Trần Lân Nhã, Lều Phương Anh và Trần Nguyễn Uyên Linh.
Không ít hoài nghi
Trước đó, nhiều người đã tỏ ra hoang mang khi hình ảnh quảng bá chương trình trên mạng Yume chỉ có Đăng Khoa, Mai Hương, Uyên Linh và Lân Nhã, dẫn đến đồn đoán rằng Lều Phương Anh sẽ bị loại vào đêm 30-11. Tuy sau đó, đại diện bộ phận thiết kế đã ngỏ lời xin lỗi vì “sơ suất”, không ít khán giả vẫn tỏ ra hoài nghi về một sự “dàn xếp tỉ số” nào đó trong nội bộ chương trình.
Thậm chí trên các diễn đàn mạng còn phác thảo hai kịch bản cho đêm 30-11 rằng hoặc Lều Phương Anh sẽ bị loại, hoặc Uyên Linh sẽ bị loại và được ban giám khảo vớt sau khi hát bài chia tay, để sau đó Lều Phương Anh và Đăng Khoa bị loại trong đêm tiếp theo. Tất nhiên, đó chỉ là những đồn đoán trên chốn “giang hồ”.
Tuy không được đánh giá cao về chuyên môn, Khoa vẫn vững vàng bước sâu vào những vòng thi cuối với sự yểm trợ của khán giả. Và nay anh xin rời cuộc chơi sau những dư luận lùm xùm việc anh ghi âm lén, phát tán nội dung chửi thề, văng tục của thí sinh Đức Anh.
Theo định dạng chương trình và hệ thống kiểm tra chéo giữa các đơn vị xử lý, giám sát hệ thống bình chọn thì ngay cả các thành viên ban tổ chức hay ban giám khảo cũng không được biết thí sinh nào được bao nhiêu phiếu bình chọn cho đến vài phút trước khi công bố kết quả (thường là 10 phút), nên khó có thể hoài nghi việc chương trình có kịch bản đánh rớt hay cứu vớt thí sinh.
Nhưng với tư cách một chương trình truyền hình thực tế, luôn lặp đi lặp lại rằng trao toàn quyền quyết định vào tay khán giả thì trên lý thuyết, kết quả bình chọn của khán giả mới là kết quả cuối cùng mà không ai được quyền can thiệp, thay đổi. Khi ban tổ chức giữ lại quyền vớt người bị loại, đặt nó vào tay giám khảo, Vietnam Idol đã tự mâu thuẫn với chính định dạng của mình.
Trước những hoài nghi về sự lũng đoạn kết quả bình chọn từ hệ thống nhắn tin, việc ban tổ chức giành quyền cứu vớt những tài năng (vì lý do nào đó) không nhận được nhiều tin nhắn bình chọn cũng là một phương cách đáng lưu tâm. Nhưng để thực hiện được điều đó sẽ cần một số thay đổi đồng bộ chứ không chỉ đơn giản là “giữ lại quyền”.
Dấu ấn từ những lùm xùm
Không ai có thể cứng nhắc cấm thí sinh bỏ cuộc giữa chừng. Ngay từ mùa Vietnam Idol đầu tiên cũng đã có trường hợp thí sinh vào top 10 nhưng không tiếp tục cuộc chơi khiến ban tổ chức phải đôn người có số phiếu cao liền kề lên thay thế. Song việc Đăng Khoa xin rút lui không hề đồng nghĩa với việc Linh mặc nhiên đi tiếp.
Đành rằng qua các đêm gala Linh vẫn là giọng ca được đánh giá cao, thậm chí được xem là ứng viên nặng ký cho ngôi vị thần tượng, nhưng với số phiếu bình chọn thấp nhất trong ba người thuộc nhóm nguy hiểm Linh thật sự đã bị khán giả loại khỏi Vietnam Idol. Đồng ý để Uyên Linh thay thế Đăng Khoa tiến vào vòng trong, dù cô đã bị khán giả đánh rớt, những người thực hiện chương trình đã không coi trọng đúng mức những tin nhắn bình chọn.
Ở một góc khác, việc không hát bài chia tay, không được ban giám khảo cứu vớt mà đi tiếp bằng chiếc vé của Đăng Khoa, Uyên Linh đã phải đối diện với một thử thách lớn trên chặng đường kế tiếp.
Nhiều hơn một lần ban giám khảo Vietnam Idol đã than phiền về khả năng nhận định của khán giả, cho rằng công chúng kém công tâm khi không bình chọn cho những giọng hát hay. Phải chăng cũng đã đến lúc công chúng cần ý thức hơn về quyền và vai trò của mình, về giá trị của những tin nhắn, phiếu bầu?
Mùa giải thứ 3 của Thần tượng âm nhạc Việt Nam đã dần đi đến hồi kết nhưng dấu ấn của nó trong lòng công chúng, buồn thay, lại là những vụ lùm xùm chốn hậu trường thay vì ấn tượng về những giọng hát hay. Qua những gì thể hiện trên sân khấu cũng như trong từng sự kiện liên quan, Vietnam Idol ngày càng giống một tác phẩm điện ảnh tình huống, một sô diễn hơn là chương trình tìm kiếm tài năng. Đương nhiên người thiệt thòi trong trường hợp này là những khán giả đã hi vọng, đợi chờ và ủng hộ chương trình qua từng tin nhắn.
Bất ngờ xen lẫn bối rối Bất ngờ bởi thí sinh vẫn luôn được đánh giá là có phong cách nhất, hát hay nhất trong buổi trình diễn “Đêm diva” và trong tất cả các đêm thi trước đó lại là người có số tin nhắn bình chọn thấp nhất: Uyên Linh! Bất ngờ vì Đăng Khoa dừng cuộc chơi và gây nên những phản ứng trái chiều khác nhau. Từ kết quả đầy bất ngờ xen lẫn bối rối này, một lần nữa vấn đề nhìn nhận, “bắt” đúng “gu” âm nhạc của khán giả trẻ chưa bao giờ là đề tài cũ. Thí sinh hát hay: không thành vấn đề! Thí sinh có ngoại hình, có phong cách trình diễn phù hợp với số đông trẻ tuổi: điều này mới quan trọng! Và cũng một lần nữa, cần phải đề nghị ban tổ chức Vietnam Idol và tất cả cuộc thi có kết quả dựa vào bình chọn: hãy quy định mỗi thuê bao chỉ được nhắn một tin bình chọn duy nhất. Đừng vì lợi nhuận mà bỏ mặc quy định này. Với “mỗi thuê bao một tin nhắn bình chọn”, người nhắn tin sẽ có trách nhiệm hơn với bình chọn của mình; kết quả sẽ công tâm hơn, tránh việc mua hay “chạy” tin nhắn. Và như thế, có lẽ những tình huống như kết quả của đêm gala 6 Vietnam Idol 2010 sẽ không còn diễn ra nữa. Mong lắm thay! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận