Phóng to |
Ca sĩ Siu Black (bìa phải) trao đổi với các thí sinh trước giờ thi thử giọng - Ảnh: T.T.D. |
Vietnam Idol trở lại17.000 người thi Vietnam IdolVietnam Idol tăng kênh phát sóng
Vietnam Idol 2010 đã bước vào vòng loại từ 48 thí sinh khá nhất của vòng sơ tuyển để chọn ra 24 và cuối cùng là 10 thí sinh cho vòng chung kết.
Điều đó có nghĩa cuộc chơi đã bước vào giai đoạn nghiêm túc, quyết liệt và chuyên nghiệp hơn. Vậy nên cả thí sinh lẫn khán giả đang cần hơn những nhận xét “thiệt tình”, đầy thiện chí và xây dựng từ ban giám khảo.
Trong chương trình chiếu vào tối 11-9 với phần dự thi hát nhóm cùng piano, Siu Black chỉ thốt lên được những câu đại loại như: “Tôi... sướng!”.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng chỉ dừng lại ở nhận xét rất chung: “Sáng tạo và phá cách. Tôi thích các bạn!”.
Còn đạo diễn Quang Dũng thì: “Nếu giữ nguyên nhóm này khi hát ở ngoài tôi nghĩ đây sẽ là một nhóm nhạc mang lại sự thú vị cho khán giả”. Vì sao “sướng”, “thích”, “thú vị” đã không được lý giải thuyết phục hơn.
Năm 2007, Thần tượng âm nhạc VN (Vietnam Idol) xuất hiện không chỉ hớp hồn người xem bởi tính tương tác cao buộc phải có của một chương trình truyền hình thực tế với phần nhận xét, bình luận của ban giám khảo, những tự sự của thí sinh lẫn người nhà, những hoạt động bên lề cuộc thi mà còn bởi thông điệp nghe qua đã thích: biến “số không” thành anh hùng!
Với tiêu chí này, cuộc thi chấp nhận mọi “hoàn cảnh” yêu ca hát. Hồ sơ đăng ký dự thi không câu nệ vấn đề vùng miền, tuổi tác, ngoại hình, trình độ học vấn, khả năng ca hát...
Trong những buổi sơ tuyển, ban tổ chức cũng chẳng yêu cầu thí sinh phải thể hiện ca khúc trong một danh mục ca khúc cố định nào.
Thí sinh có thể hát nhạc nhẹ, rock, hip hop, dân ca, thậm chí chèo, tuồng, cải lương... Nếu chẳng may không được chọn ở ngày dự tuyển đầu vẫn có thể xếp hàng dự tuyển tiếp ở ngày thứ hai, thứ ba... Không may “rớt đài” ở vòng sơ tuyển của thành phố này vẫn có cơ hội dự tuyển ở vòng sơ tuyển của thành phố khác...
Cần phải nói rõ chính tiêu chí tuyển chọn đại trà, dễ dàng trên đã tạo điều kiện cho những “cá tính” khác nhau có cơ hội trổ tài. Và đó là một phần không thể thiếu của cuộc chơi Idol.
Vậy nên đâu nhất thiết ba vị giám khảo cứ phải chau mày, chun mũi, bĩu môi, vò đầu bứt tóc, cười nhếch mép, thậm chí cả vái lạy... và đưa ra những nhận xét mang tính chế giễu, mỉa mai những thí sinh “hồn nhiên như cô tiên”, “làm quá” ở một cuộc thi như Idol tại vòng sơ tuyển những tuần trước đó?
Thật ra những lời bình luận, nhận xét tử tế từ Ban giám khảo cuộc thi năm nay cũng có không ít, nhưng tiếc rằng lại không ấn tượng, không nhiều bằng những tràng cười nghiêng ngả đầy giễu cợt khiến nhiều thí sinh phát khóc và cũng chẳng làm cho cuộc thi vui hơn, thí sinh hát tốt lên: “Em nên đi hát chèo”, “Nếu sau này cần đến màn trình diễn mông rất là cong thì nhớ tới em”, “Năm nay em 24 tuổi, năm sau 25. Đợi đến năm 28 mặn mà rồi nên quay lại (thi tiếp)”, “Em đã làm bài Sắc màu này có một màu sắc mới. Tác giả ca khúc này nghe xong mặt sẽ có màu tái nhợt”...
Có lẽ những phản ứng sau đó đã khiến ban giám khảo trở nên ngại nhận xét hơn trong vòng loại.
Phần lớn thí sinh đến với cuộc chơi này chắc cũng chỉ để một lần được hát trước ban giám khảo - vốn là những người có uy tín hẳn hoi, và trước toàn thể bạn xem đài trên cả nước.
Có thể họ biết mình sẽ thất bại, thậm chí trở thành trò cười cho thiên hạ nhưng vẫn đi thi vì tình yêu dành cho âm nhạc, vì thích ca hát một cách tự nhiên.
Nhưng dẫu tự nhiên đến thế nào trong một cuộc chơi, dù chỉ để mua vui, giải trí, cũng cần lối ứng xử lịch thiệp, đúng mực và để lại ấn tượng đẹp trong đời...
.............................................
Bạn đọc có thể chia sẻ đến TTO những ý kiến khác nhau của mình về chương trình Vietnam Idol theo công cụ dưới bài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận