10/06/2010 17:43 GMT+7

Tinh Hoa của một thời nhạc Việt

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Sau hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1956, tất cả những câu chuyện, những ký ức của NXB Tinh Hoa một thời đồng hành cùng tân nhạc VN bỗng ùa về trong chương trình gala Tinh Hoa - Sông Hương do tạp chí Sông Hương, Hội Âm nhạc Thừa Thiên - Huế và Nhà văn hóa Huế tổ chức vào chiều tối 8-6 tại TP Huế.

Sự có mặt của nhạc sĩ đại thụ Phan Huỳnh Điểu, những con cháu một số nhạc sĩ thế hệ đầu đàn của nền tân nhạc VN đầu thế kỷ 20 và của gia đình ông Tăng Duyệt, giám đốc NXB Tinh Hoa... cùng những câu chuyện, những giai điệu xưa cũ âm vang đã khơi trong lòng người tham dự những mạch ngầm văn hóa ở Huế một thời và chắc chắc sẽ còn mãi vang bóng…

aLzNR7gC.jpgPhóng to

Nhiều người xúc động khi gặp lại những bộ sưu tập nhạc của NXB Tinh Hoa ngày nào - Ảnh: Thái Lộc

Đồng hành cùng nhạc Việt

Theo nhà báo Trần Bá Đại Dương, một người mê văn nghệ ở Huế, NXB Tinh Hoa là NXB âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của VN. Bắt đầu xuất bản nhạc từ năm 1944, NXB này gần như đồng hành cùng tân nhạc cho đến năm 1956.

Chưa có con số thống kê chính thức về số lượng nhạc phẩm in được, nhưng lần theo danh mục được in sau những bản nhạc còn được lưu giữ thì NXB này đã in ít nhất 500 bài hát (vị trí 500 là bài Lời nhi nữ của Văn Phụng xuất bản 1956) của hàng loạt cây đại thụ quen thuộc trong dòng tân nhạc thuở ban đầu của cả nước, đặc biệt là của Huế, Sài Gòn và Hà Nội.

Đó là Văn Cao, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Phan Huỳnh Điểu, Lê Trọng Nguyễn, Thẩm Oánh, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Hữu Ba, Ngô Ganh, Châu Kỳ, Lê Trạch Lựu, Lưu Hữu Phước, Văn Giảng, Ngọc Bích, Phạm Đình Chương, Nguyễn Thiện Tơ…

Cũng theo danh mục được in sau bản Đêm thu của Đặng Thế Phong do Tinh Hoa ấn hành lần thứ nhất năm 1950, vị trí thứ nhất là Tiếng thuCô hái mơ của Phạm Duy (đây là hai bản nhạc khác nhau và chưa chứng kiến nên chúng tôi chưa xác định được hình thức in như thế nào).

Kế đến là Hồn Việt Nam của Bùi Công Kỳ, Uất hận của Nguyễn Xuân Khoát, Tiếng thùy dương của Lê Thương, Say nhạc vườn trăng của Lê Quang Nhạc, Mùa đông binh sĩ của Phan Huỳnh Điểu, Hận Trương Chi của Hùng Lân, Nhớ nhung của Thẩm Oánh, Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh và Thuyền mơ của Dương Thiệu Tước…

Những bản nhạc của Tinh Hoa ấn hành theo theo hình thức tờ gấp với bốn trang khổ gần bằng A4.

Mặt trước, tiêu đề bản nhạc thường nằm trong một bức tranh, minh họa được vẽ phong cảnh theo lối cổ điển pha ấn tượng của tác giả Phi Hùng hoặc theo phong cách lập thể của Duy Liêm. Hai trang giữa là nội dung bài hát.

Phần dưới nội dung luôn đề năm xuất bản, lần ấn hành hoặc tái bản, “ngoài những bản thường còn in thêm 30 bản đặc biệt (tên viết tắt của bài hát) được đánh dấu từ I đến XX – T.H. I đến X đều có chữ ký của tác giả đóng triện son T.H để tặng”, “tác giả giữ bản quyền” hoặc “nhà xuất bản giữ bản quyền”, “cấm trích dịch, in lại và sửa đổi lời ca khác” và số thứ tự của bài hát của NXB…

Trang cuối in danh mục và tên những bài hát đã xuất bản và danh mục bản nhạc sắp in. Cũng có nhiều bản như Ô mê ly của Văn Phụng - Văn Khôi, trên bìa trang 4 phá cách bằng ảnh của nhạc sĩ cùng danh sách các nhạc phẩm đã in và chưa in của tác giả…

Không chỉ xuất bản nhạc, NXB Tinh Hoa do chính giám đốc Tăng Duyệt trở thành người đồng hành và là mạnh thường quân của phong trào tân nhạc và các hoạt động có liên quan. Theo nhà nghiên cứu Bửu Ý, NXB Tinh Hoa có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn, chính là “dấu mốc” để ra đời của những quán nhạc Tinh Hoa, tiệm nhạc Lâm Tuyền và tiệm nhạc Uyên Bác của Hà Thanh đương thời.

Nhờ NXB Tinh Hoa mời đại nhạc hội do Hoàng Thi Thơ khởi xướng về Huế, lúc đó dân Huế mới biết được những tài danh miền Nam với giọng ca Trần Văn Trạch, các vũ sư Lưu Bình, Lưu Hồng…

Tinh Hoa còn tổ chức được ba đêm nhạc để gây quỹ trùng tu nhà thờ Phan Bội Châu vào đầu tháng 4-1955. Thanh niên hồi ấy nhờ có Tinh Hoa và nhà sách Tân Hoa của cụ Tăng Duyệt mới có dịp sưu tập nhạc, tạo được không khí văn hóa thanh tao ở Huế.

“Không chỉ xuất bản nhạc và giúp đỡ người có tài, cụ Tăng Duyệt còn quan tâm và hỗ trợ những hiện tượng xung quanh như khai sinh ban nhạc thiếu nhi Tinh Hoa của gia đình, hỗ trợ ban nhạc Gió Mới (có Lê Gia Phàm và Nhị Hà…); hỗ trợ ban nhạc jazz ở Huế, ban kịch của Vũ Đức Duy và Vĩnh Phan… Do đó Tinh Hoa là địa chỉ thu hút của nghệ sĩ ba miền, ai đến Huế cũng tìm đến Tinh Hoa như về với gia đình để được hỗ trợ về tài chính và tinh thần. Chính người chủ xướng Tăng Duyệt luôn phát hiện tài năng, khuyến khích sáng tác và chịu trách nhiệm ấn hành… do đó được rất nhiều người trong giới nghệ sĩ mến mộ và tri ân” - ông Bửu Ý nói.

Câu chuyện về người chủ xướng

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mở đầu cho “bức chân dung” ông Tăng Duyệt, giám đốc NXB Tinh Hoa từ 65 năm trước tại gala Tinh Hoa - Sông Hương. Hồi đó vị nhạc sĩ này mới 21 tuổi với bản nhạc đầu tay Đoàn giải phóng quân (sau này đổi thành Đoàn vệ quốc quân), từ Đà Nẵng ra Huế tìm chỗ in nhạc mà không có.

“Tôi đi lang thang trên đường Gia Long (Trần Hưng Đạo, Huế ngày nay) chợt bắt gặp nhà sách Tân Hoa có treo trên dây mấy bản nhạc in. Thấy người đàn ông gầy gầy là anh Tăng Duyệt, tôi hỏi có in nhạc này. Sau khi tôi hát, anh không ngờ là của tôi vì lúc đó mới 21 tuổi. Anh xin xuất bản bài hát này. Sau đó giao ước việc hợp đồng với tôi rằng sẽ trả 20% trên giá bán. Một tờ 2 đồng giá bìa, in 2.000 tờ là được 800 đồng bạc Cụ Hồ. Lẽ ra anh đưa tiền cho tôi ba lần, 1/3 đưa trước, 1/3 đưa lúc phát hành và số còn lại đưa sau ngày phát hành mười ngày, nhưng vì mời tôi làm cố vấn nên anh đưa tiền cho tôi một lần luôn. Số tiền đó hồi ấy lớn vô cùng, tính ra nếu ăn cơm bình dân được trên năm năm, vì chỉ có 12 đồng mỗi tháng… Nếu như không có anh Tăng Duyệt thì tôi không thể in được những bản nhạc của mình” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói đầy cảm xúc tri ân.

R4RDcwFj.jpgPhóng to

Bà Huỳnh Thị Cam trò chuyện với nhà nghiên cứu Bửu Ý (đội mũ). Cạnh bà Cam là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Thái Lộc

Cụ Huỳnh Thị Cam, vợ ông Tăng Duyệt, nhớ lại: “Khoảng năm 1944, khi mới sinh người con đầu lòng, ông đã bắt đầu xuất bản nhạc, xuất tiền ra làm mà không cầu lợi. Ông làm vì mê say nghệ thuật, rất quý những nhạc sĩ tài ba. Có nhiều lần ông tổ chức đãi đằng nhạc sĩ, ca sĩ đến từ khắp nơi. Họ mến lắm, biết tánh ông hào hoa, không có ý thương mại. Thành ra nhạc ông xuất bản ra là các ca sĩ hát trên đài để giới thiệu cho ông liền. Ông tập trung vào lo chuyện nhạc, ông khuếch trương không chỉ ở Huế mà cả ba miền, mở chi nhánh, đại lý ở miền Nam, miền Bắc… Cũng có nhiều bản nhạc bán không chạy, nhiều nhà sách hỏi mua để bán hàng “xôn” nhưng ông quyết không bán mà chở về chất đầy kho nhằm giữ uy tín cho NXB”.

AY3p8oi3.jpgPhóng to

Ông Châu Tài, con cả của nhạc sĩ Châu Kỳ, tặng hoa bà Huỳnh Thị Cam, vợ ông Tăng Duyệt tại gala Tinh Hoa - Sông Hương - Ảnh: Thái Lộc

Mãi đến khoảng năm 1956, trong khi nhạc của Tinh Hoa được in nhiều và bán rất chạy, song vì nhiều lý do bên ngoài mà sự nghiệp xuất bản của ông Tăng Duyệt rơi vào cảnh thất bại nặng nề. Buồn tình, ông bỏ hẳn chuyện xuất bản, tập trung dạy dỗ các con và mở lớp dạy Pháp văn và một số môn khác tại nhà.

Ông mất ở Huế năm 1968 do một viên đạn lạc.

Ông Tăng Duyệt (1915-1968), bố là người Quảng Đông - Trung Quốc, mẹ là người Việt.

Sinh ra và lớn lên ở Huế, bố mất sớm, ông sống cùng anh trai, được đi học chữ và sau đó học nghề ảnh tại hiệu ảnh của anh trai. Năm 1943, ông lập gia đình với bà Huỳnh Thị Cam, kém ông tám tuổi, người Hoa gốc Phúc Kiến.

Khi tách ra làm ăn riêng với nhiều lần thất bại, ông mở hiệu sách Tân Hoa trên đường Gia Long (Trần Hưng Đạo ngày nay), lập nhà in Tân Hoa và sau đó lập NXB Tinh Hoa chuyên xuất bản nhạc rời.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên