08/04/2004 12:16 GMT+7

Nhạc trẻ Việt: Bao giờ hết "xót xa"?

NS Bảo Chấn trả lời PV Đài BBC
NS Bảo Chấn trả lời PV Đài BBC

Không chỉ có tác giả Tình thôi xót xa nằm dưới áp lực của dư luận nữa mà đã có một loạt nhạc sĩ với những ca khúc nổi tiếng bị xếp vào "vòng nghi vấn". Và điều đáng quan tâm nhất xung quanh vụ việc này vẫn là câu hỏi về hiện tình âm nhạc Việt Nam.

uwgp5VX2.jpgPhóng to
Ảnh: T.T.D.
Không chỉ có tác giả Tình thôi xót xa nằm dưới áp lực của dư luận nữa mà đã có một loạt nhạc sĩ với những ca khúc nổi tiếng bị xếp vào "vòng nghi vấn". Và điều đáng quan tâm nhất xung quanh vụ việc này vẫn là câu hỏi về hiện tình âm nhạc Việt Nam.

Công chúng - đang quá bức xúc - có quyền "kêu gọi" những người sáng tác hãy trung thực. Tuy nhiên giờ đây việc phân định đúng sai đang rất cần đến những cơ quan chức năng và những hội đồng chuyên môn, chứ không thể chỉ dựa theo tên tuổi nhạc sĩ và cảm tính của người nghe.

Điều đáng ngạc nhiên là, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động mới đây, nhạc sĩ Phương Uyên lại tỏ thái độ cổ vũ cho việc... copy nhạc. Cô không gọi đó là "đạo nhạc" mà là cách học tập qua lại lẫn nhau.

Sau khi nhạc sĩ Bảo Chấn có cuộc trả lời trực tuyến bạn đọc báo Tuổi Trẻ Online, đài BBC đã liên lạc lại với nhạc sĩ Bảo Chấn để hỏi ông có còn bảo lưu ý kiến là có thể ông đã vô tình bị ảnh hưởng nhạc người khác, nhạc sĩ Bảo Chấn nói ông vẫn giữ ý kiến này và muốn có thời gian tìm hiểu thêm.

"Nhiều khả năng rất là vô tình. Ví dụ tôi đọc trên internet thì biết là cô Keiko có sử dụng bài hát cho trò chơi Mario. Vào khoảng những năm 1990, 1992 thì ở VN đã có những trò chơi đó. Rất nhiều người chơi game và thuộc nhạc trong đó. Nhưng tôi nghĩ có thuộc thì cũng chỉ là một đoạn ngắn thôi, làm sao phát triển thành một bài được. Vấn đề bây giờ là phải tìm hiểu xem là nó vào nhau, hai bên vào nhau như thế nào, hoặc bên này hoặc bên kia. Cái đường tìm ra thế nào thì tôi chưa tìm thấy."

Có phải chăng một số nhạc sĩ của chúng ta đang coi chuyện sao chép nhạc của người khác là việc bình thường, chấp nhận "sáng tác" bằng cách chỉ đổi một, hai nốt nhạc của những bản nhạc sẵn có?

Đã có rất nhiều bạn trẻ bày tỏ sự thất vọng, mất niềm tin ở nền nhạc trẻ hiện tại, khi bỗng phát hiện hàng loạt ca khúc của nhạc sĩ trong nước mà mình vốn yêu thích na ná những bản nhạc ngoại. Và giờ đây họ đã có câu trả lời cho "câu hỏi lớn" được đưa ra từ gần 1 thập kỷ nay: "Vì sao nhiều ca khúc nhạc trẻ VN nghe cứ na ná như nhạc Thái, nhạc Hoa, nhạc Nhật, nhạc Hàn Quốc?".

Thật xót xa cho nhạc trẻ trong nước khi phải nghi ngờ sức sống hiện tại của nó không phải là do nội lực mà là nhờ vào sự vay mượn.

____________________

Ý kiến người trong cuộc:

Phó giáo sư - tiến sĩ - nhạc sĩ Thế Bảo: “Đạo” nhạc là một hành vi tồi tệ nhất của nhạc sĩ

Nhạc sĩ phải là người sáng tạo ra ca khúc mới, là người phát ngôn của dân tộc và phản ánh được thời đại của mình! Trong đó, “đạo” nhạc là một hành vi tồi tệ nhất! Có thể phân làm hai loại: cố ý và không cố ý. Bất cứ người viết nào cũng có thần tượng hoặc người thầy, nên ảnh hưởng là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, điều đó chỉ mang tính chất nền tảng chứ không thể là copy, mà copy toàn bộ thì không nên chút nào.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Có sự lẫn lộn giữa người sáng tạo và người sáng tác

Giới nhạc sĩ trong nước hiện nay thường có hai thành phần xuất thân – một là người sáng tạo bằng cái riêng của mình, một là người làm bằng cái hiểu biết của mình! Như trường hợp Phương Uyên chẳng hạn, cô ấy thuộc thành phần thứ hai – xuất phát từ ca sĩ và nhạc công. Những người như vậy thường không phải nhạc sĩ sáng tác mà tư duy của họ phải có mẫu sáng tác, vì họ không có mạch đập hòa thanh riêng. Thậm chí là bắt chước tiết tấu, viết lời và gọi đó là sáng tác, dẫn đến sự lẫn lộn giữa người sáng tạo và người sáng tác theo nghề!

Sẽ có hội đồng thẩm định ca khúc Tình thôi xót xa

Phải có đủ chứng cứ, chứ giờ đây chưa xác định được Tình thôi xót xa hay Frontier đâu là bản chính. Không thể hồ đồ kết luận được, vì nó dính dáng đến sinh mệnh sáng tác của một con người.

Tuần tới, Hội sẽ thành lập Hội đồng thẩm định vấn đề này vì đây không còn là chuyện của hai cá nhân mà là quan hệ giữa hai nước nên cần thận trọng. Nếu có chuyện copy nhạc nước ngoài phải nghiêm khắc xử lý.

Chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá vĩ đại từ dòng nhạc giải trí này, nên việc tranh luận là vô bổ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa việc cho phép mình có giai điệu như người khác. Hợp lý nhưng không thể bênh vực!

Nhạc sĩ Phú Quang: Đây là dịp nhắc nhở cho giới sáng tác đang trong tình trạng đạo nhạc tràn lan

Tôi nghĩ báo chí đề cập đến anh Chấn như thế cũng là điều cần thiết! Nếu sự thật như vậy thì việc này là dịp nhắc nhở cho giới sáng tác đang trong tình trạng “đạo” nhạc tràn lan, còn nếu không thì đây cũng là lúc để anh Chấn được thanh minh! Nếu cái xui của anh Chấn nằm ở chỗ thiếu ngăn nắp thì có thể du di được, nhưng nếu là chuyện copy nhạc thì khó có thể nhận được sự cảm thông của mọi người!

Nếu tự thân người sáng tác không thấy xấu hổ vì hành vi của mình thì rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, rồi cũng sẽ lại sản sinh ra những bài na ná các ca khúc nào đó ở Tây, Tàu. Nhân đây tôi nhắc nhở các bạn trẻ: Trong thời buổi thông tin dễ dàng như hiện nay, chẳng có gì khó nếu muốn xác minh nguồn gốc một bài hát nào đó.

Ca sĩ Hồng Nhung: Nên xử lý phân minh

Tôi tin tưởng vào anh Chấn. Anh hiền lắm, tôi có cảm giác anh chẳng bao giờ biết làm buồn lòng ai bao giờ. "Một chú gấu nhu mì" đúng như thế đấy!... Khi sáng tác người ta bị ảnh hưởng một giai điệu nào đó, của ai đó và ở đâu đó là chuyện bình thường, có thể mình nghe nhiều, nó ăn sâu vào tiềm thức của mình rồi. Còn với ca sĩ, nếu một nhạc sĩ copy bài từ một đất nước mà có lẽ chẳng bao giờ mình nghe nhạc của họ thì mình cũng không biết đâu mà tránh. Nếu một nhạc sĩ nào mà đi "đạo" nhạc thì cũng nên xử lý thật phân minh.

Lam Trường: Tôi mong điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra

Vì nước ta vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đế bản quyền nên mới xảy ra chuyện như vậy. Thực sự từ trước đến giờ việc vay mượn một vài giai điệu của nhạc nước ngoài cũng có sao đâu, đôi khi mình nghe nhiều cũng có thể thành quen trong tiềm thức. Nhưng nếu giống đến 70-80% thì phải xem lại. Tôi nghĩ qua đây các nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ trẻ hãy quan tâm nhiều hơn vấn đề bản quyền. Tôi mong việc này kết thúc nhanh và điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra.

Tin bài liên quan:

*Đau, nhưng cần thiết lắm!* NS Bảo Chấn! Đừng để những người hâm mộ anh phải bật khóc... * Người đại diện của Keiko: Hãy nói sự thật!* Đừng nên “ăn” sẵn những gì đã có của nước ngoài* K. Matsui: "Tình thôi xót xa được sao chép từ Frontier"* Nhạc sĩ Bảo Chấn: Sự thật ở trong tim mỗi người!* Tình thôi xót xa & Frontier: ai "copy" ai?

NS Bảo Chấn trả lời PV Đài BBC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên