22/01/2007 06:03 GMT+7

"Thương hiệu" âm nhạc hàn lâm VN: Sáng tạo cho tương lai

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Dù đang học hành, giảng dạy, biểu diễn ở nước ngoài hay đã trở về VN đóng góp cho hoạt động âm nhạc hàn lâm quốc gia, các nghệ sĩ, tài năng trẻ VN luôn thao thức khát vọng sáng tạo và xây dựng một “thương hiệu” âm nhạc hàn lâm VN.

1xn9iLyi.jpgPhóng to
Hoàng Linh Chi và Tạ Tôn - hai tài năng violin VN đang chơi nhạc ở Tây Ban Nha và Mỹ
TT - Dù đang học hành, giảng dạy, biểu diễn ở nước ngoài hay đã trở về VN đóng góp cho hoạt động âm nhạc hàn lâm quốc gia, các nghệ sĩ, tài năng trẻ VN luôn thao thức khát vọng sáng tạo và xây dựng một “thương hiệu” âm nhạc hàn lâm VN.

Năm 2006 vừa qua, làng nhạc cổ điển VN đón nhận quả ngọt khi Lưu Hồng Quang, học sinh 16 tuổi của Nhạc viện Hà Nội, giành hai giải thưởng âm nhạc quốc tế: giải đặc biệt cuộc thi âm nhạc Chopin châu Á tổ chức tại Nhật Bản và giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế Val Tidone dành cho các tài năng trẻ tổ chức ở Ý.

Tài năng của Quang bắt nguồn từ truyền thống gia đình khi anh là con trai của NSƯT Lưu Quang Minh (một trong những nhà sư phạm âm nhạc hàng đầu về accordion). Mầm non nhân tài như Quang cần được xã hội quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Trước mắt anh cần được tiếp tục tham gia những cuộc thi quốc tế (nhất là các cuộc thi piano cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp) để vun đắp kinh nghiệm cũng như hướng đến việc đào tạo nâng cao ở nước ngoài.

DUEGgBdU.jpgPhóng to
Vân Anh và Bùi Công Duy - Ảnh: TR.N.

Để các tài năng âm nhạc được bồi dưỡng, theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì động lực và sự hi sinh của các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Giảng viên piano Phan Thị Kim Oanh - thân mẫu của cô gái có ngón đàn mãnh liệt như vũ bão Vân Anh - thừa nhận: “Cả gia đình chấp nhận hi sinh nhiều thứ để Vân Anh theo đuổi dòng nhạc hàn lâm. Chúng tôi muốn là điểm tựa cho những khát vọng của con gái mình. Vân Anh muốn trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp mang tiếng đàn của mình đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới”.

Hôm 19-1 vừa rồi Vân Anh đã tái ngộ khán giả quê hương khi cô biểu diễn trong “Những ngày văn hóa Úc” tại TP.HCM. Cô còn tiếp tục góp phần làm rạng danh những nhân tài nhạc cổ điển gốc Việt khi được đài truyền hình kênh 7 uy tín nhất của Úc bình chọn là “Tài năng tại nước Úc” và giới thiệu Vân Anh trong chương trình “Australia’s Got Talent” phát sóng đầu năm 2007.

Mỗi kỳ tổ chức gala Giai điệu mùa thu hằng năm đã gây tiếng vang cho khán giả và thu hút thêm lượng công chúng trong nước đến với loại hình âm nhạc cổ điển khi nghệ sĩ biểu diễn là một “đội hình trẻ” có vị trí quốc tế. Rất nhiều tài năng nhạc hàn lâm VN từ nước ngoài trở về biểu diễn tại quê hương trong năm qua cho thấy khả năng sáng tạo cuồn cuộn của thế hệ nghệ sĩ VN dù họ ở năm châu bốn biển.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch tán đồng việc Giai điệu mùa thu cần được nâng tầm lên thành gala âm nhạc và nghệ thuật hàn lâm cấp quốc gia, mời thêm các khách mời quốc tế biểu diễn cùng các tài năng trẻ VN xa xứ để thu hút sự chú ý của dư luận và khán giả quốc tế. Có như vậy, “thương hiệu” âm nhạc hàn lâm VN sẽ vươn xa.

Đã đến lúc chúng ta nghĩ nghiêm túc đến việc xây dựng một “thương hiệu” âm nhạc hàn lâm VN. Các tài năng trẻ nhạc hàn lâm VN chưa nhiều nhưng cũng không ít: Văn Hùng Cường ở Mỹ, Hoàng Linh Chi ở Tây Ban Nha, Tuấn Cương ở Đức, Hữu Nguyên ở Pháp, Trần Hữu Quốc ở Hàn Quốc... Chúng ta từng có một Đặng Thái Sơn lĩnh ấn tiên phong xác lập “thương hiệu VN” trên bản đồ nhạc hàn lâm thế giới. Giờ đây khi VN đang hội nhập và vươn ra biển lớn, VN cần có thêm nhiều Đặng Thái Sơn để sáng tạo cho tương lai và giao thoa nơi làng nhạc toàn cầu.

Nghệ sĩ Tạ Tôn, tốt nghiệp bằng Master of Music (ngành biểu diễn) tại Nhạc viện San Francisco - Mỹ, bày tỏ: “Để dòng nhạc hàn lâm VN có “thương hiệu” và phát triển thì phải gia tăng lượng công chúng trong nước. Nhạc giao hưởng vũ kịch không chỉ biểu diễn tại các thành phố lớn mà còn đi xa ra các tỉnh thành. Nhạc hàn lâm phải đến với sinh viên học sinh để chính thế hệ trẻ sẽ là lớp công chúng mới yêu thích, hâm mộ dòng nhạc bác học này”.

Tài năng âm nhạc hàn lâm: Phát triển ở quốc tế và đóng góp cho quê hươngGiai điệu mùa thu 2006: Thăng hoa giá trị sáng tạoHội tụ nghệ thuật hàn lâm: Đội hình trẻ có vị trí quốc tếĐi xa với tiếng đàn Việt NamNhạc hàn lâm Việt sẽ khởi sắc?"Đừng để lạc hậu về âm nhạc cổ điển"Các tài năng âm nhạc hàn lâm đang ở đâu?Âm nhạc thính phòng: Tài năng trẻ ra điNhững người chơi nhạc hàn lâm

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên