Phóng to |
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất ngồi giữa - Ảnh: VietNamNet |
Nhân sự kiện này chúng tôi trích đăng bài viết của nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu (Viện âm nhạc VN).
Bất ngờ và nuối tiếc
Tên tuổi nhà soạn nhạc Lân Tuất - người sống xa đất nước 45 năm - được biết đã lâu, nhưng mãi tới gần đây tôi mới có dịp làm quen với những tác phẩm giao hưởng của ông. Cảm giác đầu tiên là bất ngờ và kèm theo nuối tiếc.
Tiếc, vì tôi không được nghe âm nhạc của ông sớm hơn, ít ra là trước khi tôi phải “gánh” trách nhiệm viết lời giới thiệu thành tựu của nền giao hưởng VN cho bộ sách tổng phổ Những tác phẩm giao hưởng VN đã ra những tập đầu tiên tại Viện Âm nhạc.
Tiếc, vì cho đến nay những cuốn sách về lịch sử khí nhạc VN vẫn chưa “đụng” đến những sáng tác của những nhà soạn nhạc sống ở nước ngoài như Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Lân Tuất…
Tiếc cho giới yêu nhạc giao hưởng trong nước không có dịp thưởng thức những tác phẩm giao hưởng được nước ngoài đánh giá cao của một người Việt được phong danh hiệu Nghệ sĩ công huân Liên bang Nga, nguyên là Trưởng khoa Sáng tác của Nhạc viện Novosibirsk (Nga).
Thêm một điều nữa để tiếc: lẽ ra lần trở về Hà Nội nhân dịp được báo điện tử VietnamNet trao tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt 2005, nhà soạn nhạc Lân Tuất với đồng lương giáo sư nghèo của nước Nga vẫn không kịp lo đủ tài trợ để cùng Dàn nhạc Giao hưởng VN “trình làng” giao hưởng Tổ quốc tôi như kế hoạch đã định.
Tổ quốc tôi là giao hưởng số 2 (1983) trong số bốn giao hưởng của nhạc sĩ Lân Tuất đều đã dàn dựng tại Nga - số 1 Dự cảm nội chiến (1981), số 3 Giấc mơ trong tù (1989), số 4 Gửi người yêu nơi xa (1995). Giao hưởng số 5 chưa viết chương cuối, nhưng chương đầu cũng đã công diễn vào năm 2003.
Với Lân Tuất, giao hưởng là sự chắt lọc trong sáng tạo và ông không muốn lặp lại chính mình, vì vậy ông nghiền ngẫm các giao hưởng của mình khá lâu, có khi viết một hai chương rồi lại “ngâm” đó đến lúc nào chưa biết như giao hưởng số 5. Ông vẫn tự xưng là “người lười” vì chỉ viết nhanh khi bị quá thúc ép. Có tác phẩm được đặt lên trước và đã ấn định ngày công diễn rồi chẳng trốn đi đâu được nữa, nhà soạn nhạc “lười biếng” mới khởi động và mở hết tốc lực cho công việc sáng tác của mình.
Riêng Tổ quốc tôi là một ngoại lệ, không một sự hối thúc nào từ bên ngoài, mà sự thiêu đốt từ bên trong bởi nỗi đau tột cùng đã khiến “chàng lười” Lân Tuất “cháy” liền một mạch trong hai - ba tháng xong bốn chương nhạc. Ma lực nào thôi thúc đến vậy? Ấy là nỗi đau đớn của một người con rất yêu cha mẹ, yêu Tổ quốc, bỗng chốc rơi vào tình cảnh tuyệt vọng không Tổ quốc, không đường về, không còn cơ hội gặp lại thân sinh. Và tác giả đã ghi trên trang đầu tổng phổ giao hưởng Tổ quốc tôi dòng chữ "Gửi tặng cha mẹ tôi".
Giáo sư Lân Tuất cho rằng, sự thành đạt trong sự nghệp dạy học của mình trước tiên là nhờ thừa hưởng “gien” sư phạm di truyền của cha, một danh nhân văn hóa - nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học Nguyễn Lân. Người cha mẫu mực uyên bác và đặc biệt người mẹ tài hoa (nhất là tài vẽ tranh lụa) lại nhân hậu dịu hiền đã ảnh hưởng lớn đến sự định hình nhân cách và thiên hướng nghệ thuật của nhạc sĩ. Xa người thân, xa tổ quốc, tình yêu con người nhân lên thành tình yêu dân tộc, tình yêu gia đình hoà quyện vào tình yêu đất nước.
“Người yêu nước” đó đã nói gì với Tổ quốc tôi?
Tổ quốc là hình tượng thống nhất toàn bộ tác phẩm. Các chương nhạc gắn kết với nhau bằng hình tượng nghệ thuật và tuyến giai điệu chủ đạo, nhưng vẫn độc lập về nội dung. Hình ảnh đất nước phong phú dần qua từng chương, mỗi chương mở ra một góc nhìn mới chứa đựng những yếu tố tương phản với chương trước: Nếu chương I ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình thì chương II rộn rã cảnh hội hè dân gian; nếu chương II phản ánh một góc đời sống sinh hoạt phong tục thì chương III liên quan đến đời sống tâm linh tinh thần; và nếu ba chương đầu là những bức tranh tả thực đất nước con người VN thì chương cuối cho thấy hình ảnh Tổ quốc trong suy tư, trong tình cảm nội tâm người xa xứ.
Tổ quốc đã đi từ con mắt chiêm ngưỡng khách quan vào thế giới chủ quan. Tâm tư và suy ngẫm của người nghệ sĩ về số phận - số phận dân tộc, số phận cá nhân phải tự khẳng định mình khi bị tách ra khỏi cộng đồng - là cả một nỗi niềm sâu nặng được gửi vào chương kết, vì vậy chương IV đương nhiên chiếm một thời lượng lớn hơn các chuơng trước: hơn một nửa trong tổng số hai mươi phút toàn tác phẩm.
Kết hợp giữa hai nền văn hoá Đông - Tây, giữa truyền thống với đương đại, giữa chuyên nghiệp với dân gian, giữa tính hiện thực với tâm hồn lãng mạn, giữa kỹ thuật đa dạng trong hòa âm phối khí với tính giai điệu trong sự biến hóa khôn lường…, Tổ quốc tôi là một “dấu son” không chỉ trong sự nghiệp sáng tạo của nhà soạn nhạc Lân Tuất, mà còn thuộc về gia sản chung của nền giao hưởng VN thế kỷ XX. Cách đây hai thập kỷ giao hưởng VN đã có một tác phẩm như thế, đáng tự hào ghi nhận lắm chứ.
Nhân dịp đón năm mới 2007, ngày 27 và 28-12-2006 trong chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng VN, Tổ quốc tôi được trình tấu cùng với Mozart, Johann Strauss. Mong rằng các giao hưởng khác và các sáng tác thanh khí nhạc của nhạc sĩ Lân Tuất tiếp tục được vang lên ngay trên đất nước VN - Tổ quốc thân yêu của tác giả Tổ quốc tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận