11/09/2006 06:21 GMT+7

Nhạc sĩ Từ Huy: nụ cười hồn nhiên đã tắt!

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Theo tin từ Hội Âm nhạc TP.HCM, nhạc sĩ Từ Huy đã từ trần hồi 9g40 ngày 10-9-2006 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau một thời gian chữa trị. Linh cữu anh được quàn tại nhà tang lễ thành phố từ 17g ngày 10-9. Lễ động quan lúc 14g ngày 12-9.

ZMdf5QL3.jpgPhóng to

Đêm nhạc tưởng niệm - NVH Thanh niên TP.HCM sẽ tổ chức đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Từ Huy lúc 19g30 ngày 13-9. Đêm nhạc sẽ có mặt các bằng hữu nhạc sĩ đồng nghiệp thân thiết của nhạc sĩ Từ Huy. Các ca sĩ tham gia gồm Ánh Tuyết, Cẩm Vân, tam ca Áo Trắng, Mỹ Tâm, Đình Nguyên... Mời các bạn đến tham dự chương trình (vào cửa tự do). (TR.N.)

TT - Theo tin từ Hội Âm nhạc TP.HCM, nhạc sĩ Từ Huy đã từ trần hồi 9g40 ngày 10-9-2006 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau một thời gian chữa trị. Linh cữu anh được quàn tại nhà tang lễ thành phố từ 17g ngày 10-9. Lễ động quan lúc 14g ngày 12-9.

Từ Huy tên thật là Tạ Từ Huy, sinh ngày 15-10-1948 (theo khai sinh) tại Quảng Nam. Anh là lớp nhạc sĩ đầu tiên trưởng thành sau ngày 30-4-1975.

Có lần Từ Huy phàn nàn vui với tôi khi gặp nhau tại khuôn viên Hội Âm nhạc TP.HCM: “Mấy chục năm nay, mày chưa viết cho tao bài nào!”. Tôi chỉ cười trước lời phàn nàn chính xác đó... Nói thì nói vậy chứ anh không để ý và cũng chẳng nhớ đã nói gì vì ngay sau khi nói anh đã quên rồi.

Tôi biết Từ Huy khi anh làm công việc trình bày báo Phụ Nữ TP.HCM và là thành viên của CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn. Anh là người hăng hái trong việc sáng tác dù tác phẩm anh không nhiều, viết không nhanh và cũng không có nhiều bài hay. Nhưng với anh, âm nhạc là cả cuộc đời. Năm 1975, anh là trưởng ban văn nghệ của Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Anh mê âm nhạc, thích làm thơ và vẽ cũng khá. Theo phỏng đoán của tôi qua nét chữ, anh có thể chính là người đã kẻ tập ca khúc cách mạng trong cuộc đấu tranh của sinh viên Đại học Minh Đức đầu năm 1975, trong đó lần đầu tiên xuất hiện ca khúc Đôi dép Bác Hồ. Gặp anh hoài nhưng tôi chưa có dịp để xác tín. Nay thì đã trễ.

Các tác phẩm mang phong cách Từ Huy để lại cho đời không ít. Những ca khúc như Hãy đàn lên, Ngày em đến, Mong đợi ngậm ngùi, Một thoáng quê hương, Ngày tháng phiêu bồng, Ngày tết quê em, Những lời em hát, Quê hương tuổi thơ tôi... có thể coi là những tác phẩm đáng nhớ.

Hầu như năm nào, “Tết, tết, tết, tết đến rồi” (Ngày tết quê em) của anh cũng vang lên trong nhiều chương trình ca nhạc và ở các băng đĩa nhạc của nhiều hãng khác nhau... đã không còn xa lạ với người yêu âm nhạc.

Nghe nhạc Từ Huy ta không thể ngồi yên mà phải nhịp theo mới có thể thấm được, dù tính tình bề ngoài của anh không có vẻ gì dính dáng đến nhạc cả. Khi say anh cũng không nhiều lời và thường cười nhiều hơn. Đối với anh, chuyện vui thì đáng nhớ, còn chuyện buồn thì không cần nhớ đến.

Nhạc sĩ Thanh Tùng cho rằng: “Từ Huy là nhạc sĩ trẻ thơ. Với anh, dù 6 tuổi hay 60 tuổi cũng thế, rất trẻ thơ, hồn nhiên với cuộc sống và có tấm lòng yêu âm nhạc hết mình”. Cũng qua Thanh Tùng thì năm nay Từ Huy đã 62 tuổi, tức là anh sinh năm 1944 “vì trốn lính nên anh đã làm giấy tờ nhỏ đi 4 tuổi”, Thanh Tùng nói.

Chính vì quá mê âm nhạc nên Từ Huy thường có mặt trong hầu hết những “cuộc vui” âm nhạc. Khi quán Nhạc Sĩ mở, anh là người trực tiếp lo lắng. Khi thành lập nhóm Những Người Bạn, anh là thành viên tích cực.

Khi Hội Âm nhạc TP.HCM ra tờ báo Sóng Nhạc, anh cũng là một trong những người có mặt đầu tiên. Những năm gần đây, Từ Huy là người được chú ý nhiều trong việc đấu tranh chống nạn thu bản quyền một cách tùy tiện.

Và tiếng nói của anh đã đưa đến việc Hội Nhạc sĩ VN quyết định phải kiểm toán Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả của hội này. Không do ai cử nhưng Từ Huy được các nhạc sĩ khác coi là người đi đầu trong việc đấu tranh chống lại nạn sử dụng và trả tác quyền âm nhạc một cách tùy tiện của nhiều đơn vị kinh doanh âm nhạc.

Sau khi thôi làm việc ở báo Phụ Nữ TP.HCM, Từ Huy thường xuyên có mặt ở Hội Âm nhạc TP.HCM để làm việc. Đây cũng là nơi anh thường chén trà chén rượu với anh em bằng hữu giới nhạc sĩ. Trước đây có Trịnh Công Sơn, sau này thường xuyên là nhạc sĩ Thập Nhất, Trần Minh Phi...

Từ Huy vui chơi hằng giờ, hằng ngày. Ở đâu Từ Huy cũng tìm thấy niềm vui và ở anh niềm vui là bất tận. Giờ anh đã nằm xuống vĩnh viễn sau cuộc vui với Đình Nghĩ ở Đà Lạt. Sinh ký tử qui, anh đã biết điều đó từ lâu nhưng với tôi vẫn có điều gì đó quá đột ngột, bất ngờ đến mức không thể tin được. Xin được uống cạn với anh ly rượu cuối cùng để chia tay.

Đây là ca khúc nhạc sĩ Từ Huy viết chung với nhạc sĩ Thanh Tùng. Theo nhạc sĩ Thanh Tùng, năm 1989 Từ Huy là thành viên ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức.

Anh làm đủ thứ, trong đó có cả việc nhận viết một ca khúc chính thức cho cuộc thi. Còn vài ngày nữa cuộc thi diễn ra thì Từ Huy đến nhà Thanh Tùng vào buổi chiều, đưa ra một đoạn ca khúc đang viết dở dang hơn 50%: “Lu bu quá, ông viết tiếp và phối âm giùm luôn”.

Lúc này nhạc sĩ Thanh Tùng phụ trách ban nhạc truyền hình và cũng là ban nhạc sẽ chơi cho cuộc thi hoa hậu. Đêm ấy, sau khi làm một giấc đến khoảng 12g khuya, Thanh Tùng thức dậy viết một mạch là xong cả phần nhạc, lời lẫn hòa âm. Trong phần viết của Từ Huy nói khá nhiều về áo dài trắng, bồ câu trắng... nhưng Thanh Tùng nghĩ áo dài đâu chỉ có màu trắng nên sửa thành đủ thứ màu.

Và chín giờ sáng hôm sau, bài hát cả phần phối được đưa cho ban nhạc tập. Và chính Thanh Tùng cũng không ngờ ca khúc ấy đã trở thành một ca khúc được nhiều người ưa chuộng và có mặt trong nhiều cuộc thi liên quan đến phụ nữ và áo dài.

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên