24/04/2005 05:10 GMT+7

"Nhà ta châu báu thiếu gì..."

THÚY NGA
THÚY NGA

TTCN - Nhà thơ Nguyễn Duy cả tuần nay lại có tính hay khoe. Gặp ai thân quen cũng thích rủ về nhà, hệt như mấy năm trước anh vẫn kéo bạn bè tới gian phòng ngổn ngang tre nứa của mình, để xem thơ mình hiện diện “quê mùa” cùng với những nơm, giỏ, giần, sàng…

t6S7Bg3P.jpgPhóng to tVKzPub5.jpg
TTCN - Nhà thơ Nguyễn Duy cả tuần nay lại có tính hay khoe. Gặp ai thân quen cũng thích rủ về nhà, hệt như mấy năm trước anh vẫn kéo bạn bè tới gian phòng ngổn ngang tre nứa của mình, để xem thơ mình hiện diện “quê mùa” cùng với những nơm, giỏ, giần, sàng…

Nhưng lần này thì khác, không có cuộc triển lãm thơ nào cả. Trên chiếc bàn gỗ thô mộc chỉ có một cuốn sách đang lật ở trang cuối, thấy mấy dòng: khổ 80 x 110cm, 80 trang, số lượng bản in: 1 bản trên giấy dó.

Ông nhà thơ hào hứng bảo một mình nó một giấy phép…

Cuốn sách lại được giở từ đầu, ra mắt đợt bạn bè mới. Nhưng không ai khác ngoài Nguyễn Duy dám làm công việc ấy, sách lớn và nặng (20kg), còn trang giấy lại nhẹ và mỏng, lỡ quen tay soàn soạt thì còn gì là giấy dó với thơ thiền… Nguyễn Duy vừa nhè nhẹ lật giở từng trang thơ vừa hít hà như cách ông vẫn quen thưởng thức một hương rượu mới, lại có lúc thận trọng, thành kính như một nghi lễ.

Hay là thơ thiền Lý-Trần cần một cách nâng niu như vậy! Nguyễn Duy chỉ xuýt xoa nói: “Từ khi có văn học thành văn thì văn học Lý-Trần là thuần Việt nhất, khí phách Việt rất mạnh mẽ. Mà lạ ghê lắm, thơ ca thời kỳ ấy đề cao dân tộc đã đành, còn đề cao cả người thường. Vua dạy dân là dạy làm một người thường. Thiền sư dạy vua cũng là dạy vì người thường”.

Vô vi cư điện cácXứ xứ tức đao binh (Thiền tâm thấm tận triều đìnhThì nhân gian dứt đao binh đời đời)

Phối hợp với NXB Văn Hóa Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Duy sẽ giới thiệu Thơ thiền Lý - Trần trong một cuộc triển lãm vào trung tuần tháng 5-2005. Cùng với triển lãm sách khổ lớn, sách mỹ thuật khổ nhỏ 25x25cm cũng sẽ được NXB phát hành trong dịp này.

Theo Nguyễn Duy, bản dịch tiếng Pháp của cuốn sách đang được thực hiện ở Paris.

Ông nhà thơ cao hứng đọc, say sưa với thơ của người xưa như đã say sưa với thơ của chính mình. Con người thích đi tìm cái mới mẻ để thử sức mình và thách thức thị trường ấy bảo rằng đã chán triển lãm thơ mình rồi. Thì đến với thơ của tiền nhân. Ở chốn cổ kính của thi ca, nhà thơ hiện đại Nguyễn Duy như bỗng tìm thấy nơi mình một sự kinh ngạc, vậy là âm thầm cho một cuộc chơi mới với 10 thế kỷ thơ thiền. Đầu tiên là Lý-Trần, rồi Lê-Nguyễn, rồi từ sau nhà Nguyễn cho đến nay.

Chọn lựa, dịch nghĩa, dịch thơ, năm 2000, cuộc chơi tao nhã và kỳ công này có thêm hai nhà thơ ở Mỹ cùng tham dự: Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen. “Cả hai người này đều sùng đạo Phật. Hồi tôi ở Mỹ, đêm nào hai vợ chồng Kevin cũng lên gác gõ mõ tụng kinh.

Kevin đã tham gia cuộc chiến tranh ở VN, mang cái mặc cảm ấy nên tụng kinh niệm Phật là cuộc sám hối suốt đời của ông. Tham gia dịch thơ thiền cũng là cách Kevin tự cứu rỗi, để góp một cái gì đó cho văn hóa VN”. Một người Mỹ đã có mặt ở một nơi còn lạ lẫm ngay cả với nhiều người Việt cũng là vì lẽ đó.

Giờ thì công trình đầu tiên đã hoàn thành. 30 bài thơ của 30 tác giả (thế kỷ thứ 10 - thế kỷ 14) đã có mặt trên giấy dó. Trang trọng và sang trọng, nhiều công và nhiều của, mỗi bài thơ gồm: bài nguyên bản tiếng Hán, bản phiên âm Hán-Việt, bản dịch nghĩa và thơ tiếng Việt, bản dịch nghĩa và thơ tiếng Anh.

Lần đầu tiên thơ chữ Hán được dịch hoàn toàn sang lục bát - Nguyễn Duy vui vẻ nói. Nhưng nếu so với những bản dịch trước? Câu hỏi sỗ sàng, Nguyễn Duy không trả lời ngay, chỉ gật gù bảo: “Các cụ dịch với vốn Hán học rất thâm hậu, nhưng các cụ phần lớn là học giả…”. Còn Nguyễn Duy là nhà thơ!?

Không coi đó là một câu hỏi, Nguyễn Duy lại cao hứng đọc thơ, lại xuýt xoa “thơ Lý - Trần vừa cao siêu vừa thông thường, tôn trọng tự nhiên và con người, thơ dạy người ta làm người tử tế… Sống đời vui đạo tùy duyên/ đói thì ăn mệt ngủ liền ngại chi/ nhà ta châu báu thiếu gì/ vô tâm với cảnh biết khi nào thiền. Bài thơ Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông làm từ bảy thế kỷ trước đấy”. Rồi chẳng biết đùa hay thật khi so sánh thơ xưa thơ nay, ông vừa nói vừa cười khà khà: “Nếu đi theo nấc thơ thì thấy như đi từ cõi niết bàn xuống, mỗi ngày xuống một tí, nay thì gần đến địa ngục rồi. Từ bát nhã đã xuống đến bát nháo rồi…”.

Cuốn sách to và nặng vẫn nằm vững chãi ở trên bàn. Bốn thế kỷ thơ ca VN ở trên đó. Độc đáo, tinh tế và nhân hậu. Có lẽ Nguyễn Duy đã là một thuyết khách thành công vì thành tâm. Cảm hứng của nhà thơ như đã lây lan đến người nghe thơ. Một người nghe như thế đã giật mình tự hỏi: thơ người xưa hay đến vậy mà sao bây giờ mình mới biết!?

THÚY NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên