30/03/2005 20:27 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: "Đôi khi phải hy sinh vì nghệ thuật"

ĐINH NGỌC DIỆP
ĐINH NGỌC DIỆP

TTO - Viết văn có thể hư cấu nhưng không nên hoàn toàn bịa đặt, việc định hướng cho tuổi trẻ trở lại với thói quen đọc sách là một việc mang tính chất cộng đồng...

bAPHQCgc.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

* Trong cuộc đời sáng tác của nhà văn, những tác phẩm nào của nhà văn đã được đông đảo độc giả đón nhận nhất?

- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Thời chiến tranh, đất nước chia cắt, miền Bắc biết đến tôi nhiều nhất bởi tiểu thuyết Đất lửa, là tác phẩm bác tâm đắc nhất vì đó là tác phẩm đầu tay khi còn trong Nam, và mình đã gửi gắm hết cuộc đời của mình. Đến năm 1966, tôi trở về miền Nam, viết truyện ngắn Chiếc lược ngà. Đây là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Mùa nước lũ, tôi phải kê ván lên sát ngọn cây mà ở, sống như trên một chiếc xuồng, không có bàn, tôi lấy giấy cac-tông chồng lên làm bàn viết, máy bay trên trời rầm rộ...

Lúc này ở đài phát thanh miền Bắc có chương trình “Câu chuyện đêm khuya” và đã phát sóng khắp cả nước truyện ngắn của tôi, mọi người lắng nghe radio và rất xúc động vì câu chuyện phản ánh thực tế cuộc sống thời chiến tranh. Thêm nữa là Chiếc lược ngà được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Sau này hoà bình lập lại, thì tiểu thuyết Mùa gió chướngCánh đồng hoang được dựng thành phim, đã đạt được một số giải thưởng của Liên hoan phim nên cũng được khá nhiều người biết đến.

* Trong tác phẩm Người bạn lính, khi viết báo cáo thành tích cho anh Tấn Trọc, nhà văn đã hơn một lần tự trách mình là viết không đúng sự thật. Sau này trong truyện ngắn Bài học tuổi thơ, nhà văn đã tâm đắc: “Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết”. Vậy đây có phải là tiêu chí hàng đầu cho sự nghiệp sáng tác của nhà văn?

- Đúng, đó là tiêu chí hàng đầu. Viết văn có thể hư cấu, sáng tạo nhưng hoàn toàn không nên bịa đặt. Về truyện “người bạn lính”, tôi viết là để phê phán cái cũ của thời đại đó. Mình biết tự phê bình, tự trách mình, cũng tức là mình trung thực. Điều này không hề mâu thuẫn.

* Như vậy, bên cạnh sự trung thực, điều gì là quan trọng đối với người sáng tạo nghệ thuật?

- Yếu tố đầu tiên, là phải có tâm huyết với nghề nghiệp. Không nên nghĩ là mình sẽ làm giàu hay được nổi tiếng. Đôi khi chúng ta phải hy sinh vì nghệ thuật. Yếu tố tiếp theo chính là vốn sống, vốn kiến thức nhất định để quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Quan trọng nhất là phải có một niềm say mê, nó sẽ là động lực giúp ta không ngừng học hỏi và sáng tạo.

* Hiện nay, nhu cầu thị hiếu của thanh niên VN thường hướng theo những phong cách nước ngoài, trong nhiều lĩnh vực như ca nhạc, thời trang, điện ảnh... và từ bỏ dần thói quen đọc sách. Nhà văn có thể lý giải nguyên nhân này? Theo suy nghĩ của người cầm bút như bác phải làm gì để hướng tuổi trẻ VN trở lại gần gũi hơn với văn học nước nhà?

- Điều này cũng dễ hiểu là vì hiện nay trình độ phát triển khoa học quá nhanh, người ta thích đi xem phim để giải trí hơn là bỏ hàng giờ ra để đọc một cuốn sách. Nhưng vẫn có một bộ phận đông đảo (nhất là những người trí thức, có nội tâm sâu sắc, thích tư duy...) là độc giả trung thành của lĩnh vực văn hoá đọc.

Nhiều khi ta nhìn nhận dưới một góc độ nhất định thì nền văn học đương đại nước nhà dậm chân tại chỗ, không có những tác phẩm nổi tiếng “để đời”, nhưng thế giới bên ngoài lại có cảm nhận khác đối với văn chương VN. Vừa qua rất nhiều tác phẩm văn học của chúng ta đã được dịch, xuất bản và được đón nhận từ nhiều nước trên thế giới.

Việc định hướng cho tuổi trẻ trở lại với thói quen đọc sách là một việc mang tính chất cộng đồng, ngoài nghĩa vụ của người cầm bút là phải sáng tác những tác phẩm phản ánh thực tế cuộc sống, cuốn hút giới trẻ về với mình còn là trách nhiệm của nhiều ban ngành chính quyền cũng như của toàn xã hội.

* Tất yếu là những tác phẩm nổi tiếng từ trong nước đến nước ngoài cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp phổ thông. Nhưng những tác phẩm văn học Việt Nam thời kì chống giặc ngoại xâm và đấu tranh giành độc lập lại chiếm tỉ lệ khá cao trong các bài trích giảng. Trong khi đó, những tác phẩm mang hơi thở của thời đại mới thì hầu như vắng bóng. Nhà văn nhận xét ra sao về hiện tượng này?

- Văn chương có đặc thù riêng của nó, giá trị văn học không thể tính theo chu kì năm tháng, nó có thể vĩnh cửu nếu đó là tuyệt tác được liệt vào hàng kinh điển và không nhất thiết sống ở thời đại nào thì ta học văn chương thời đại đó. Bản thân các sáng tác văn học thời kì này cũng chưa có nhiều tác phẩm đủ sức thuyết phục Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình giảng dạy các cấp.

* Xin cảm ơn nhà văn!

ĐINH NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên