23/02/2005 10:01 GMT+7

Một góc nhìn thơ 2005

NGUYỄN DANH LAM
NGUYỄN DANH LAM

TTO - Mỗi nhà thơ trẻ, một góc nhìn thơ. Làm thơ như một cách đối trị những cơn bão cảm xúc, để từ thơ, một dòng chảy thao thiết nối những tâm hồn với nhau....

Nhân ngày thơ VN lần thứ 3:

Một góc nhìn thơ 2005

njH6BGzA.jpgPhóng to

TTO - Mỗi nhà thơ trẻ, một góc nhìn thơ. Làm thơ như một cách đối trị những cơn bão cảm xúc, để từ thơ, một dòng chảy thao thiết nối những tâm hồn với nhau....

Đi tìm định nghĩa... thơ cũng khó như định nghĩa...tâm hồn mình vậy; dù không thể diễn đạt được hết, đó vẫn là những thông điệp cần thiết cho thơ.

Nước, gạo và lửa

Khi dám thốt ra định nghĩa về thơ, là biểu hiện nguy cơ không làm thơ được nữa! Vậy xin nhìn thơ dưới góc độ một... nồi cơm, để lỡ có bề gì còn về nấu ăn cho vợ được! Nồi cơm ấy sẽ gồm hai phần: nước, tạm coi là cảm tính; và gạo, tạm coi là lí tính.

4wvutSNU.jpgPhóng to
Trong thành tố thứ nhất, có: năng khiếu, cảm xúc (thường là nỗi buồn)... Ở thành tố thứ hai, đó là: kinh nghiệm, kĩ thuật, văn hóa thơ... những yếu tố này có thể tự trang bị được, bằng cách đọc nhiều, suy ngẫm, dằn vặt nhiều... Nếu chỉ có “nước” e rằng thơ sẽ... chảy nhão. Nếu chỉ có gạo, có lẽ nên ngồi... bình thơ. Nhưng “nước” có, “gạo” có, còn một thành tố thứ ba đó là “lửa”, cái này không thể... bật hộp quẹt, mà chính là khoảnh khắc “thiêng” khi chạm mặt nàng thơ!

Làm vạn bài thơ, e chưa một lần chạm khoảnh khắc này! Ngược lại, có những người chỉ làm ít bài mà lại “dính” ngay được nó!

Một chuyến xe bất ngờ

gkwZtHIV.jpgPhóng to
Tôi thích những chuyến đi xa không hẳn vì không khí mà còn được ngồi im lặng trên xe, chìm trong suy nghĩ và chẳng quan tâm đến chuyện dừng lại bao giờ. Thơ cũng vậy - như một chuyến xe kỳ thú, tôi bước lên và cứ thế mà đi. Không biết đến đâu và dừng lại đâu. Có khi dõi theo những suy nghĩ rất riêng tư của mình, tôi tự hỏi suy nghĩ của người bên cạnh tôi. Có khi nhìn ngồi cà phê, nhìn những bước chân ra vào, nhìn bàn tay khuấy cà phê, nhìn những những nét mặt qua đường, tôi tự hỏi điều gì đang đi cùng họ, cuộc đời của họ, sự hân hoan, nỗi muộn phiền của họ...

Tôi cảm tính. Tôi tưởng tựơng và biếng lười. Cách tôi có thể ghi lại nhanh nhất những hình ảnh nhảy múa trong mình bằng chữ nghĩa là thơ. Tôi thích sự không chặt chẽ của những sự kiện - thích sự từ trên trời rơi xuống, thích nhìn mình bị dắt đi không định trước...

Và không toan tính, không gò bó, chỉ có suy tư, hoài niệm và cả mơ mộng, tôi viết như thể đang ngồi trên một chuyến xe - nhìn bầu trời trên cao - nhìn hàng cây bên đường và nhìn mình đầy cảm xúc. Thế thôi.

TRẦN LÊ SƠN Ý

Cất lên khúc nguyện cầu cho những ý tưởng được siêu thoát

LVmsYOkE.jpgPhóng to
Nếu không làm thơ thì có lẽ tôi đã là một người khác. Thơ là cách tôi tự khám phá bản thân mình.

Tôi nhận ra tôi ở trong thế giới đó: một gương mặt bình thản vì đã quá cô độc. Đã nhìn rất lâu vào những phát minh cũ kĩ và ngô nghê của chính mình trong trò chơi ngôn từ. Và tôi chứng kiến những cái chết hàng ngày của mình... Cái chết của những ý tưởng không còn gây hấp dẫn mình trong giây lát. Như là cái chết hàng ngày của tình yêu. Và thơ cất lên khúc nguyện cầu cho những ý tưởng được siêu thoát. Một cách lãng mạn thì như vậy còn hiện thực hơn thì đó là những bài tập ngữ pháp cao cấp của tôi."Thơ là nghệ thuật siêu ngữ pháp" mà!

PHAN HUYỀN THƯ

Cách diễn đạt những cảm xúc tận cùng bằng ngôn từ

R6Iy8XTM.jpgPhóng to
Tôi thích cách nghĩ đơn giản này: nhà thơ là người có điều gì đó để nói với mọi người, dĩ nhiên là “nói” bằng cách rất riêng của họ, và tôi hiểu “điều gì đó” là cảm xúc.

Như mọi người, tôi vẫn lướt qua, lướt qua, nhưng khi có một cảm xúc nào đó đi tới tận cùng, cùng lúc, những ý tưởng ngôn ngữ được thoát thai, tôi viết, viết như thể đang trò chuyện với phiên bản của mình và với mọi người. Có thể dịu dàng chút, hồn nhiên chút, già cỗi chút, triết lý chút, bạo liệt chút, lạ lẫm chút… tôi cho phép mình được “xé rào” để chân thật.

Thơ, nhẹ nhàng thôi, là cách diễn đạt những cảm xúc tận cùng bằng ngôn từ của một cá thể ...

TÚ TRINH

Nỗ lực diễn đạt mình bằng ngôn từ cho tâm hồn người khác

G4U3eANk.jpgPhóng to
Thơ là nghệ thuật đầu tiên của nhân loại, tất nhiên ai cũng biết điều đó! Nhưng vị trí “anh hai” của nghệ thuật ngôn từ này đang lung lay trầm trọng vì các “em trai, em gái” ngày càng hiện đại của mình. Để nhập cuộc, đi cùng với thế giới mới mẻ này thơ cũng phải hoá trang, cồng kềnh theo thời đại.

Dù thơ chưa bao giờ có nhiều độc giả nhưng các nhà thơ làm mọi cách để đưa thơ đến số đông người đọc nhất. Vì vậy, theo tôi có thể thơ là nỗ lực diễn đạt mình bằng ngôn từ cho tâm hồn người khác.

THỤC LINH (Trần Vương Thuấn)

Thơ thăng hoa trên chính số phận mình

QvCgldwA.jpgPhóng to
Giữa những năm đầu thế kỷ 21, khi những chiếc áo sang trọng và những mùi nước hoa đắt tiền đang có nguy cơ làm nên danh phận mỗi người, thì một ánh mắt tuổi hai mươi cặm cụi cúi xuống từng câu thơ đã đáng trân trọng lắm rồi.

Chân thật mà nói, các nhà thơ trẻ đang rất cô đơn, rất túng bấn trong cuộc mưu-sinh-chữ. Muốn đòi hỏi thành tựu ít ỏi nào đó từ thơ trẻ hôm nay, đầu tiên phải có một tổ chức giúp đỡ hoặc tài trợ việc in ấn, xuất bản.

Còn với bối cảnh ngay cả Ban công tác nhà văn trẻ - Hội nhà văn VN cũng chỉ biết chờ đến mỗi dịp hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc mới nhoáng nhoàng ra mắt một tuyển tập tích cóp vụng về, thì các nhà thơ trẻ phải tự trang bị bản lĩnh trẻ. Bản lĩnh vừa cầm bút vừa vun vén miếng ăn cái mặc, bản lĩnh bình tĩnh trước cái nhìn không mấy độ lượng của thị dân đương thời, bản lĩnh viết những điều mình tâm đắc chứ không chạy theo viết những thứ đua đòi cách tân mà mình rất mù mờ. Bản lĩnh sống tốt đẹp để có những câu thơ thăng hoa trên chính số phận mình!

*Thơ Nguyễn Danh Lam* Thơ Trần Lê Sơn Ý* Thơ Tú Trinh* Thơ Thục Linh

NGUYỄN DANH LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên