11/07/2014 09:00 GMT+7

"Nóng" chuyện vỡ đường ống nước sông Đà

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Ngày 10-7, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã chất vấn ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND TP, về nguyên nhân khiến đường ống nước sông Đà bị vỡ đến bảy lần.

Do chất lượng ống dẫn không đều

enuNjaOU.jpg
Đến nay, đường ống cấp nước sông Đà đã vỡ lần thứ tám. Trong ảnh: công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống này lần thứ ba - Ảnh: Q.Thế

Thế nhưng ông Hùng đưa thông tin gây “sốc” là đường ống này vừa vỡ lần thứ tám.

Các vấn đề khác như nhà siêu mỏng siêu méo, việc ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn... cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn.

Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ tám!

"Chúng ta có sông Tô Lịch đã chết rồi, sông Nhuệ cũng chết rồi, còn sông Đáy chuẩn bị chết tiếp. Việc xử lý ô nhiễm, vấn đề môi trường cần rất nhiều ngành, một mình tôi không gánh được, còn cả ý thức của người dân nữa"

Ông Lê Hồng Thăng (giám đốc Sở Công thương)

Ông Nguyễn Quốc Hùng nói: “Hôm nay đường ống nước sông Đà tiếp tục bị sự cố lần thứ tám. Việc khắc phục sự cố đang được chỉ đạo làm gấp rút, dự kiến đến 23g đêm mới khắc phục xong, tức là nguồn nước cấp cho người dân sẽ mất đến thời điểm đó. Tôi rất mong người dân thông cảm và chia sẻ”.

Các thành viên Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP đòi hỏi phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc đường ống nước sông Đà liên tiếp vỡ, ông Hùng trả lời: “Đánh giá của các chuyên gia cho thấy nguyên nhân dẫn đến sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này trước tiên thuộc về nhà đầu tư là Tổng công ty Vinaconex”.

Theo ông Hùng, đây là dự án của Vinaconex (Bộ Xây dựng) thực hiện nên quá trình thiết kế, thi công, thẩm định, nghiệm thu, các cơ quan của TP không tham gia. “Hiện nay TP đã đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục. TP đã yêu cầu làm ngay đường ống nước sạch số 2 từ sông Đà về Hà Nội. Trước mắt sẽ làm 10km đường ống chạy qua vùng đất yếu thường xuyên bị vỡ. Nếu trong tháng 9-2014 phía Vinaconex không khởi công, TP sẽ đứng ra làm chứ không trông chờ vào họ nữa” - ông Hùng quả quyết. Ông Hùng mong người dân thông cảm, chia sẻ với TP về vấn đề này.

Giám đốc Sở Xây dựng: “Tôi xin nhận trách nhiệm”

Ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đã xử lý được 203/394 nhà siêu mỏng siêu méo. Cho rằng việc xử lý đạt hiệu quả thấp, ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP, nói sau ba năm triển khai, HĐND TP cũng chất vấn, giám sát rất nhiều nhưng nhà siêu mỏng mới vẫn nở rộ. “Chủ tịch UBND TP hứa trước HĐND TP khi mở đường mới không còn nhà siêu mỏng siêu méo nữa. Tiếc rằng tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu mới mở quá nhếch nhác, lại xuất hiện 58 nhà siêu mỏng siêu méo... Tôi cho rằng trách nhiệm trước hết là của hai sở: Xây dựng và Quy hoạch - kiến trúc, nhưng Sở Xây dựng trả lời chưa hết trách nhiệm” - ông Nam nói.

Sau phần chất vấn của ông Nam, ông Dục đáp: “Tôi xin nhận trách nhiệm. Xin nói thêm tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được cắm mốc chỉ giới đường đỏ từ năm 2003, nên không thể thu hồi thêm đất để thực hiện chỉnh trang hai bên đường. Còn chuyện xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo, cũng phải nói thêm là người dân xây rất nhanh, mở đường là người dân tranh thủ xây ngay...”.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị số nhà siêu mỏng siêu méo còn tồn tại phải xử lý xong trước kỳ họp HĐND TP cuối năm và dứt khoát không để tái diễn tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo nữa.

Tàu hút bùn: 4 năm không sử dụng được

Chất vấn lãnh đạo Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội về vấn đề khoa học - công nghệ, ông Nguyễn Hoài Nam hỏi: “Đến nay sở đã đặt hàng bao nhiêu đề tài? Tôi được biết trong bốn năm có gần 200 đề tài được nghiên cứu nhưng chỉ có 50% đề tài được nghiệm thu... Cứ cấp kinh phí làm đề tài để ngăn kéo thì rất lo. Sở có giải pháp gì để đưa đề tài nghiên cứu vào cuộc sống?”. Trước đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng chất vấn sau khi nghiên cứu làm tàu hút bùn sao chưa thấy đưa vào sử dụng?

Ông Lê Xuân Rao, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội, trả lời: “Hiện tàu hút bùn đã được giao Công ty Thoát nước quản lý. Việc không sử dụng bốn năm qua cũng chỉ phải bảo dưỡng, không có hư hỏng phải đại tu. Riêng vấn đề cơ chế, đơn giá, các ngành sẽ thực hiện xong trước tháng 8 để đưa tàu vào sử dụng, khai thác”.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng các số liệu Sở Khoa học - công nghệ báo cáo chỉ có tính chất định tính. “Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ sao chỉ báo cáo mỗi chuyện chi tiền, chỉ có số chi ngân sách là có định lượng, về hiệu quả toàn định tính. Hiệu quả chi ngân sách chưa thấy rõ. Ví như nghiên cứu ra tàu hút bùn nhưng để bốn năm không sử dụng được cũng không sao. Tại sao không thấy nhận trách nhiệm?” - ông Thịnh đặt vấn đề. Ông Rao trả lời: “Nghiên cứu khoa học - công nghệ cũng có độ rủi ro cao, có nghiên cứu không thành công. Ngay những nghiên cứu thành công cũng mất rất nhiều thời gian mới ứng dụng được...”.

“Một mình tôi không gánh được”

Chất vấn về nội dung xử lý nước thải, ông Nguyễn Tuấn Thịnh hỏi: “TP có quản lý được lượng nước thải tại những cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải?”. Ông Lê Hồng Thăng, giám đốc Sở Công thương, trả lời: “Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp phải xây dựng trạm xử lý nước thải. Hiện nay toàn TP có 7 trạm xử lý nước thải tập trung trên tổng số 42 cụm công nghiệp đang hoạt động. Nói thật, về vấn đề môi trường còn nhiều băn khoăn quá. Chúng tôi cũng hết sức băn khoăn..., nhưng một mình tôi không gánh được”.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên