11/07/2014 00:01 GMT+7

Hơn 1.000 hồ chứa nhỏ cần nâng cấp

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Ước tính, trong cả nước còn khoảng 1.150 hồ chứa có dung tích dưới 1 triệu m3 bị hư hỏng cần phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết hiện cả nước có khoảng 7.000 hồ đập thủy lợi với tổng dung tích trữ nước là 11 tỷ m3, trong đó có 560 hồ chứa có dung tích trữ hơn 3 triệu m3 nước. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đã đạt được nhiều kết quả, đến nay, các hồ có dung tích lớn hơn 100 triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức đảm bảo an toàn cao.

Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều, trong đó ước tính còn khoảng 1.150 hồ chứa có dung tích dưới 1 triệu m3 bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn.

Nguyên nhân chính là do các hồ đập đã qua thời gian sử dụng từ 30 - 40 năm, thậm chí lên đến 50 năm nên đã xuống cấp; hầu hết các hồ chứa vừa và nhỏ được xây dựng từ nguồn lực huy động trong nhân dân và địa phương nên việc khảo sát thiết kế còn hạn chế, việc thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp bằng thủ công…

V6XevJBA.jpg

Tại hội thảo “Đảm bảo an toàn hồ đập, thực trạng, thách thức và giải pháp” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10/7, các đại biểu (gồm đại diện Ngân hàng Thế giới, các đối tác quốc tế, chuyên gia…) tập trung phân tích nguyên nhân gây mất an toàn hồ đập; giải pháp xử lý trước, trong và sau khi xảy ra sự cố hồ đập. Hầu hết đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất trong đảm bảo an toàn hồ đập hiện nay là kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi, bên cạnh đó năng lực quản lý và việc ứng dụng các công nghệ trong quan trắc dự báo khí tượng thủy văn vẫn còn hạn chế…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp để nâng cao được công tác quản lý an toàn hồ đập. Nâng cao an toàn hồ đập phải xuyên suốt từ quá trình quy hoạch, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, đến tổ chức thi công xây dựng quản lý vận hành; và ngay trong quản lý vận hành cũng cần thực hiện một loạt các biện pháp tổng hợp từ việc đảm bảo rừng đầu nguồn có khả năng điều hòa và trữ nước đến hệ thống thông tin cảnh báo lũ, hệ thống đo đạc thông tin thủy văn. Ngoài các giải pháp công trình cũng cần phải có những giải pháp phi công trình như năng lực của người quản lý, tổ chức hệ thống bộ máy để vận hành cũng hết sức quan trọng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên