Phóng to |
Sinh hoạt đờn ca tài tử tại Festival - Ảnh: H.T.Vân |
Bên trong những chiếc nón lá ấy, trên tấm sạp cách điệu như bộ ván gỗ, những nghệ nhân đờn ca tài tử (ĐCTT) cùng các “ca sĩ” không chuyên, già có, trẻ có cùng tham gia một cuộc chơi “hết sức dân dã mà cũng hết sức bác học” (chữ dùng của nhà văn Phan Trung Nghĩa - Bạc Liêu) - chơi ĐCTT.
Ngày hội của những người mê ĐCTT
Vợ chồng ông Trần Thanh Xuân - Nguyễn Thị Mó, dẫn theo đứa cháu nội mới lên 9 tuổi, vượt quãng đường mấy chục cây số từ thị trấn Giá Rai (Bạc Liêu) đến góp mặt với liên hoan ĐCTT. “Câu hát, tiếng đờn như là cơm ăn, nước uống hàng ngày với gia đình tui. Bữa nào không “chơi” mấy câu vọng cổ, không gảy mấy bản ruột là thấy trong người như thiếu thiếu cái gì” - anh Xuân bộc bạch. Với bề dày 4 thế hệ chơi ĐCTT, hiện gia đình ông Xuân là thành viên nòng cốt của CLB ĐCTT huyện Giá Rai.
“Từ là từ phu tướng/Báu kiếm sắc phán lên đàng/Vào ra luống trông tin nhạn/Năm canh mơ màng/Em luống trông tin chàng/Ôi! Gan vàng thêm đau…” - lời ai ca bản Dạ cổ hoài lang nhịp đôi nguyên bản của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vang lên văng vẳng, trên nền tiếng đàn kìm, đàn bầu lan tỏa theo mặt hồ rộng, dài, có sen hồng đang nở, có chiếc thuyền câu của vợ chồng ngư ông đang buông lững lờ…Tất cả đã tạo nên một không gian ĐCTT, với những cảnh sắc làng quê vừa mộc mạc vừa gần gũi, những lời ca trữ tình, êm ái đã góp phần “kéo” những người chưa quen lại gần nhau. |
Cha anh, ông Trần Phú Thi, là thầy đờn có tiếng trong vùng, sử dụng điêu luyện cả bộ “tứ tuyệt”: đờn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Ngón đàn, câu hát đã gắn bó với lão nghệ nhân Phú Thi từ hồi thanhh niên, tới năm ông mất cách đây không lâu, ở tuổi 94. Ông Xuân bảo tuổi thơ của ông lớn lên cùng với tiếng đàn và câu vọng cổ nên hơn mười tuổi đã rành rẽ hết 20 bản tổ - ba nam, sáu bắc, bốn oán, bảy bài. Rồi ông lấy vợ, cũng là một giọng ca có tiếng trong vùng. Như một dòng sông không bao giờ ngừng chảy, niềm đam mê ĐCTT cứ tiếp tục truyền từ thế hệ trước tới thế hệ sau. Bây giờ, cả nhà ông Xuân có hơn chục người hát hay đờn giỏi.
Gia đình nghệ nhân Sáu Sợi, ngụ P.2, TP Bạc Liêu cũng có tới ba thế hệ đam mê ĐCTT. Hai người con của ông là Thanh Thanh - Thanh Thảo cũng như cha, đều có giọng ca “ngọt lịm”, cùng với cha mẹ, là những gương mặt từng đoạt giải cao tại các hội thi “gia đình tài tử” cấp tỉnh và khu vực. Dù bận chuyện mưu sinh với nghề đan lát cần xé, mê bồ, thúng giê, thúng giạ…nhưng mấy ngày qua, hễ lúc nào ngơi tay là vợ chồng ông Sáu Sợi lại ghé qua giao lưu, học hỏi với các nghệ nhân ĐCTT trong và ngoài tỉnh. “Chúng tôi chơi ĐCTT không phải để thi thố, mà đơn giản chỉ là để giải khuây, để quên đi nhọc nhằn trong cuộc sống” - ông Sáu Sợi cho biết.
Để lại nhiều cảm xúc cho người mê ĐCTT là hình ảnh hai ông lão Lê Minh Tố (Ba Tố, 74 tuổi) và Ngô Văn Túc (Bảy Túc, 72 tuổi) nhà ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Không phải đợi tới ngày khai mạc liên hoan ĐCTT mà cách đây mấy hôm, hai ông đã chở nhau trên chiếc xe máy, vượt hơn 60 cây số từ nhà ra TP Bạc Liêu, mang theo cây đờn sến ba dây và cây đờn gáo mà người trong giới chơi nhạc tài tử thường gọi là “hồ cầm cải tiến ba dây”, do hai người tự làm để thỏa niềm đam mê chơi nhạc tài tử từ mấy chục năm qua, đến với festival. “Người biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của loại hình ĐCTT, đặc biệt là đờn sến ba dây giờ hiếm lắm. Chúng tôi đến đây không ngoài mong muốn để nhiều người biết tới, cùng chung sức gìn giữ và trao truyền nhũng tinh hoa của ĐCTT cho thế hệ sau” -lão nghệ nhân Ba Tố tâm sự.
Trong dòng người đến với liên hoan ĐCTT, chúng tôi cũng bắt gặp những gia đình, gồm nhiều thế hệ cha mẹ, con, cháu cũng góp mặt. Có những gia đình có tới trên 20 người cùng đam mê ĐCTT. “Đây là cơ hội lớn để chúng tôi giao lưu, học hỏi và thêm yêu quý ĐCTT” - anh Trần Phúc Vĩnh, thành viên câu lạc bộ ĐCTT xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, nói.
Phóng to |
Nghệ nhân ĐCTT Lê Minh Tố (trái) và Ngô Văn Túc với nhạc cụ tự chế - Ảnh: Tấn Đức |
Trăn trở cho tương lai
Nữ soạn giả Hà Nam Quang đến từ huyện Tịnh Biên (An Giang), tác giả của hàng chục vở cải lương và trên 100 bản vọng cổ, không giấu cảm xúc: “Trước đây có người nói với tôi loại hình nghệ thuật của bà sắp tuyệt chủng. Nhưng bây giờ thì đã có tín hiệu lạc quan, khi ĐCTT được UNESCO đưa vào hàng di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng chúng ta còn nhiều chuyện phải làm trong thời gian tới, trong đó việc quan trọng là nên trang bị kiến thức về ĐCTT cho giới trẻ, tạo điều kiện để họ tiếp cận với các sinh hoạt ĐCTT, thưởng thức các đặc sắc của loại hình nghệ thuật này trước xu thế các loại hình giải trí khác đang lấn át”.
Soạn già Trọng Nguyễn, một trong hai người được vinh danh tại festival lần này, tác giả của các tác phẩm được nhiều người nhắc tới như: Giọt máu oan cừu, Rừng thần, Tình sử thiên Na Va (vở cải lương), Chợ mới, Giọt sữa cuối cùng, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Quê anh quê em, Hậu Giang chiều vắng em, Bạc Liêu ngày ấy (vọng cổ)… bày tỏ trăn trở: “Vọng cổ, cải lương không phải là thể loại dễ sáng tác, nhưng điều đáng buồn là bây giờ có những người không chuyên môn, viết không không sâu, không hay nhưng họ lại có tiền và có quyền để quyết định việc dàn dựng, biểu diễn. Điều này làm cho người xem, người nghe dễ chán”. Tuy nhiên vị soạn giả đã hơn 50 năm gắn bó với nghề cũng tỏ ra lạc quan: “May mắn là bây giờ người dân, đặc biệt là giới trẻ có trình độ học vấn khá chuẩn để tự thẩm định. Cho nên nếu các ngành chuyên môn biết quan tâm đào tạo những cây viết trẻ có triển vọng để có những tác phẩm hay thì khán giả, thính giả sẽ không quay lưng với vọng cổ, cải lương”.
Trong khi đó, soạn giả Lam Tuyền đến từ TP.HCM đưa ra một góc nhìn: “Có người cho rằng xu hướng thương mại hóa đã giết chết vọng cổ, cải nói riêng và ĐCTT nói chung. Theo tôi không phải vậy. Chính yếu tố thương mại, buộc người ta phải tính tới hiệu quả kinh doanh, phải làm ra những sản phẩm thu hút sự quan tâm của mọi người. Đó là động lực để ĐCTT phát triển”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận