Công cuộc dài lâu nhưng không thể không bắt đầu những việc cần làm để nuôi dưỡng những điều tốt đẹp. Tuổi Trẻ trích đăng ba ý kiến như thế để tạm khép lại một diễn đàn.
Từ tật xấu của người Việt nghĩ về xã hội văn minhSự thức tỉnh của cá nhân và cộng đồngCăn bệnh dối trá
Phóng to |
Giải pháp tầm quốc gia và nỗ lực cá nhân
Ảnh: Tự Trung |
Trước hết, mỗi người làm cha, làm mẹ phải biết bảo vệ con cái và gia đình của mình trước những nhố nhăng xã hội.
Người Nhật Bản, từ quan đến dân đều cùng quan niệm ra ngoài xã hội có thể sống, làm việc như Âu - Mỹ, nhưng khi bước chân về nhà phải là người Nhật Bản truyền thống. Từ các nghi lễ chào hỏi, quan hệ trên dưới đến cách trang hoàng nhà cửa, món ăn đều làm cho mỗi người luôn phải trở về với truyền thống tốt đẹp.
Gia đình chính là pháo đài phòng thủ tốt nhất với mọi biến động, nó phản ánh một quy luật vỏ bọc gia đình càng co cứng lại khi xã hội rối loạn, một khi vỏ bọc gia đình yếu ớt thì xã hội hoàn toàn mất kiểm soát.
Nên biết khi xã hội Nhật Bản cải cách, mở cửa với thế giới phương Tây, Thiên hoàng Minh Trị đã ban hành năm điều thề thiêng liêng làm cương lĩnh xây dựng đất nước, trong đó có điều 2 và 3 viết: “Từ bách quan văn võ cho đến thường dân phải phá bỏ những tập quán xấu xa và mọi việc dựa trên công đạo”.
"Nếu không tự ý thức và nỗ lực, rất có thể chúng ta không bao giờ chạm tới xã hội văn minh" PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA |
Vào những năm 1960, Singapore cũng đầy rẫy tật xấu như xả rác, nhổ bậy, xây cất tràn lan, tham nhũng... Khi đó Singapore như một xã hội vô tổ chức. Ông Lý Quang Diệu và Đảng PAP đã xác định phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo cao cấp nhất và đảng cầm quyền phải làm gương cho nhân dân, một khi đảng và bộ máy lãnh đạo hư hỏng thì tất cả chỉ là “vớ vẩn”.
Trong nội các của ông Lý Quang Diệu có một bác sĩ và là bạn thân, nhưng ông Lý đã bỏ tù ông bác sĩ này vì lén lấy một cây thông Norfolk ở công viên mang về trồng tại biệt thự riêng. Sự gương mẫu của hệ thống công quyền đã kéo cả đất nước Singapore đi theo.
Trong cuốn sách nổi tiếng Bí quyết hóa rồng, ông Lý Quang Diệu đã viết: “Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể”.
Những phát biểu và hành động của hai vị lãnh đạo quốc gia cách nhau 100 năm, khiến chúng ta phải suy ngẫm và so sánh với bối cảnh VN hôm nay. Nếu không tự ý thức và nỗ lực, rất có thể chúng ta không bao giờ chạm tới xã hội văn minh.
Nhiều ý kiến tâm huyết Gần 350 bạn đọc đã gửi ý kiến, bài viết tham gia diễn đàn Tính xấu người Việt ngay sau khi diễn đàn được mở ra vào ngày 8-4. Trong đó, ngoài những phản hồi, bình luận, Tuổi Trẻ nhận được gần 40 bài viết phản ánh, lý giải về những thói hư tật xấu đáng phải soi lại của mình, của công dân Việt - từ vĩ mô như những tính cách thuộc về căn tính của dân tộc đến vi mô như những biểu hiện thiếu văn minh dễ dàng bắt gặp trên đường phố, nơi công cộng... Để người Việt đẹp hơn, cộng đồng văn minh hơn, nhiều bạn đọc còn đề xuất những giải pháp khắc phục, từ sự chấn chỉnh của mỗi cá nhân đến sự làm gương của cơ quan công quyền - một kỳ vọng gần như là bức thiết nhất của những người tham gia diễn đàn... Cảm ơn bạn đọc, những nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ học, các giảng viên, doanh nhân, nhà báo, luật sư... đã gửi đến nhiều ý kiến tâm huyết. Mong bạn đọc thông cảm vì Tuổi Trẻ không thể chuyển tải mọi bài viết đến độc giả. TÒA SOẠN |
Phóng to |
Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy - Ảnh: M.Đức |
Trong công trình Nếp sống thị dân ở TP.HCM vừa được thực hiện, chúng tôi đã khảo sát thấy có nhiều hành vi chưa phù hợp với nếp sống đô thị.
Để cải thiện thực trạng này, theo tôi, cần có một chuỗi tác động đến nhận thức và hành vi thị dân. Đầu tiên là tăng cường giáo dục pháp luật thông qua các hình thức sinh hoạt của tổ dân phố, qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Tác động thay đổi nhận thức của người dân về nếp sống thị dân và về ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống thị dân. Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn để đảm bảo đủ sức tác động. Các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân cần đa dạng hơn.
Vấn đề chuẩn giá trị rất quan trọng, cần có chương trình giáo dục chuẩn giá trị để định hướng chuẩn giá trị phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán. Lấy cái đẹp, cái tốt để cô lập, làm giảm dần rồi đi đến chỗ chấm dứt hoàn toàn những hành vi không phù hợp với văn minh đô thị. Điều này không dễ nhưng cần làm để có tác động thiết thực.
Cuối cùng là phải phát huy tính tự giác của cán bộ công chức để làm gương cho người dân trong quá trình thực hiện, củng cố nếp sống thị dân, cũng như phát huy vai trò tự quản ở cộng đồng bằng cách phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng xã hội, đặc biệt là ở các khu dân cư.
Tiến sĩ tâm lý ĐINH PHƯƠNG DUY
Phóng to |
Ảnh: Tự Trung |
Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa cùng kinh tế thị trường, có một công cụ không thể thiếu để đào tạo con người thành những công dân có đạo đức và trí tuệ, đó là pháp luật. Tuy rằng pháp luật là khác và không bao giờ thay thế hay triệt tiêu những định chế của các cộng đồng dân sự trong xã hội (như các quy tắc luân lý, các điều răn tôn giáo, các quy ước, phong tục, tập quán của những giới và cộng đồng khác nhau), nhưng xã hội càng phát triển, càng thịnh vượng thì càng cần đến pháp luật như là công cụ điều tiết, quản lý công bằng, hợp lý, khách quan, khoa học và do đó văn minh nhất.
Chẳng những không loại trừ, pháp luật ngày càng hội tụ với các chế định dân sự tốt đẹp, nâng các chế định lên thành luật pháp và bảo vệ chúng bằng những chế tài và phương cách của luật pháp. Không cứu người gặp nạn vì hèn nhát hay ích kỷ, hoặc lừa đảo để hưởng thụ tình dục, hay vô trách nhiệm với cha mẹ, con cái, vốn là những vi phạm đạo đức xã hội, có thể trở thành vi phạm pháp luật. Khi ấy, chấp hành pháp luật không còn là sự miễn cưỡng, hoặc vì sợ bị trừng phạt mà là đạo đức, là văn hóa, là thói quen, là chuẩn mực giá trị của toàn xã hội.
"Phải làm sao để pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thực chất, việc chấp hành pháp luật ngày càng trở thành thói quen nhập tâm của người dân" Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA |
Pháp luật hiện diện trong mọi quan hệ xã hội và trong tình cảm, suy nghĩ hằng ngày của mỗi công dân, phát huy hiệu lực một cách tự nhiên nhưng lại mạnh mẽ nhất. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu được vì sao một cậu bé 5 tuổi ăn kẹo xong thì bỏ vỏ kẹo vào túi, chờ đi ngang thùng rác để vứt vào, vì sao một khách bộ hành đứng chờ đèn xanh để băng qua đường giữa lúc nửa đêm khi đường phố vắng xe và không một bóng người, vì sao trên lề đường có những quầy hàng tự phục vụ không người giám sát. Một xã hội có một nền pháp luật tốt sẽ biến đạo đức tự phát trở thành tự giác, lòng tốt tự nhiên trở thành những giá trị quy chuẩn.
Trách nhiệm của những nhà lãnh đạo chính trị, những cơ quan quyền lực nhà nước là tạo ra một nền pháp luật hợp lý, hợp đạo đức, hợp quy luật khách quan để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững và lành mạnh. Nhưng làm ra luật tốt mới chỉ là một nửa công việc. Phải làm sao để pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thực chất, việc chấp hành pháp luật ngày càng trở thành thói quen nhập tâm của người dân.
Muốn vậy, pháp luật phải thật sự là hiện thân của công bằng và lẽ phải, những điều tốt đẹp viết trên giấy phải trở thành hiện thực đời sống, chính khách phải là những công bộc mẫn cán và liêm chính, pháp đình phải là thánh địa thiêng liêng của nữ thần công lý. Chừng nào chưa được như vậy thì pháp luật chỉ là hình thức, thậm chí phản tác dụng. Khi ấy, quy chế cộng đồng xã hội hay tôn giáo, thậm chí mê tín, hủ tục sẽ trở thành chỗ dựa của người dân, và luật lệ của băng đảng sẽ ngang nhiên khống chế những người lương thiện cô thế. Và khi ấy, một xã hội mà đại đa số thành viên là những công dân có đạo đức, trí tuệ và văn hóa vẫn chỉ là một mơ ước xa xôi.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(đại biểu Quốc hội, ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận