03/04/2014 04:35 GMT+7

Viết từ nước Mỹ, nhìn về nước Việt

P.VŨ
P.VŨ

TT - Cũng vẫn là những câu chuyện về cuộc mưu sinh ở xứ người, những va chạm văn hóa, lối sống, những đổ vỡ, mất mát tình cảm cá nhân, gia đình, những bơ vơ, đơn độc, khắc khoải hoài nhớ quê hương... nhiều thông tin, nhiều câu chuyện nhưng không mấy xa lạ, khi được tập hợp lại, với đầy đủ nhân thân các tác giả, bộ sách Viết về nước Mỹ để lại nơi người đọc nhiều suy tư.

Đọc chuyện ở nước Mỹ nhưng suy tư là về người Việt, nước Việt.

R6HlQ3pB.jpg
Bộ sách do Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: P.Vũ

1. Người Việt thành công. Các tác giả, có người là kỹ sư, luật sư, bác sĩ, có người là công nhân, thợ làm nail (móng), lại có người vừa mất việc. Kho chuyện kể về cuộc vật lộn với ngôn ngữ, với lối sống, với các hóa đơn thanh toán, quá trình thi vào trường học, việc làm của họ thật phong phú, sống động và khốc liệt. Có người suốt tháng ăn bánh mì vì không biết gọi một món nào khác bằng tiếng Anh, có người bí bách đến muốn đâm đầu ra đường cao tốc để giải thoát, có người òa khóc, thức trắng đêm này đêm khác tìm cách quay về VN... Rồi họ lại bình tâm, lại quyết tâm và vượt qua tất cả, lại tiến lên từng bước trên con đường tự khẳng định mình trong xã hội Mỹ.

Được vậy là vì sao? Nghị lực hẳn nhiên là không đủ. Được vậy, ngoài ý chí và quyết tâm còn là nhờ những cơ hội luôn được dành sẵn, chờ sẵn những ai quyết tâm trang bị cho mình đủ điều kiện để giành lấy. Có cơ hội lớn, có cơ hội nhỏ, có cái treo cao, có cái dưới thấp... mỗi người đều có ít nhất một cơ hội, và chỉ cần cố gắng, mỗi người đã và sẽ có một thành công của riêng mình. Nhìn lại về VN, cũng những người Việt chịu thương chịu khó, vừa cần cù vừa thông minh ấy, phải chăng chưa có được mỗi người một cơ hội nên giữa VN, cuộc mưu sinh không thể khắc nghiệt hơn, nhưng vẫn nhiều người nghèo, lắm người thất bại?

2. Văn hóa Việt mạnh mẽ. Những câu chuyện của các ông bố, bà mẹ, bà ngoại, ông nội về những nỗ lực trong gia đình, sau ngày dài mệt nhoài bên ngoài, để dạy cho con biết nói và viết tiếng Việt, ăn món Việt, giữ cho gia đình nếp văn hóa Việt được kể lại thật chân thực, xúc động. Để giữ được văn hóa cũng không kém phần lao nhọc. Có người đã thất bại, như chuyện về một bà mẹ đã vét đến đồng cuối cùng trong khối tài sản tích lũy được cho con, để rồi bà bị vợ chồng con gái lừa đưa vào viện dưỡng lão. Có người đã thành công, như khi một bà mẹ hãnh diện khoe lá thư của con gái viết bằng tiếng Việt. “Thế hệ quả chuối” ruột trắng vỏ vàng vì có những bậc cha mẹ tha thiết với bông sen, ngọn lúa như vậy nên nhất định vẫn sẽ là những người Việt, không thể khác, như đôi mắt đen, mái tóc đen trên gương mặt họ vậy.

3. Thiên đường ở quê hương. Nước Mỹ, đã bao nhiêu người bảo là thiên đường hạ giới, vì vật chất, vì văn minh, vì thiên nhiên được ưu đãi và giữ gìn. Nhưng với những công dân Mỹ gốc Việt hiện diện trong bộ sách này, thiên đường lại là những giờ phút họ được thong thả và thanh thản mà hồi nhớ lại làng quê, quán chợ VN, những ngày gia đình sum họp, chia ngọt sẻ bùi. Biết vậy, nhưng vì cuộc sống, thiên đường này vẫn cứ phải đánh đổi lấy thiên đường kia. Lại nhìn lại VN, giấc mơ xây dựng thiên đường giàu mạnh, hiện đại, văn minh ngay quê hương bản quán xem ra khả thi hơn việc mơ về quê hương ở nơi xứ người.

Sách của người Việt viết, dù có mang tựa là Viết về nước Mỹ, đương nhiên vẫn chính là viết về người Việt, nhìn về nước Việt mà thôi.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên