23/03/2014 08:12 GMT+7

Giấc mơ lạ lùng của cô đào không nhan sắc

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - Nghệ sĩ Hồng Nga có thể đảm nhận nhiều loại vai: lẳng, độc, mùi, mụ, hề... Nổi bật nhất là vai những bà mẹ. Bà đã mang cả cuộc đời đầy biến động bi thương của mình vào từng vai diễn để trở nên đa dạng và rất độc đáo.

HzpljZHl.jpg
Nghệ sĩ Hồng Nga đã mang cả cuộc đời bi thương của chính mình vào từng vai diễn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có lúc như một đào thương xuất sắc, bà lấy được “cả biển nước mắt” người xem trong số phận nhỏ mọn tội nghiệp của một người vợ bé...

"Đời tôi giống một chiếc ghe nhỏ và cũ. Tròng trành sấp ngửa giữa trời nước mênh mông"

Nghệ sĩHỒNGNGA

Hai năm nay, nghệ sĩ Hồng Nga về sống trong một chung cư nhỏ và cũ tại Cao Bá Nhạ, Q.1 (TP.HCM). Bà mua một phòng ở tầng trệt, chừng 40m2, sửa sang lại thật sáng sủa với gạch men trắng ốp tường xen kẽ những hoa văn trang trí vui mắt. Căn hộ - giờ đây có vẻ tươm tất gọn gàng - nhưng cũng chỉ có hai chiếc ghế.

Nếu khách đến tới người thứ ba là phải ngồi dưới đất rồi. Và tuyệt đối chẳng có món gì gọi là xa hoa sang trọng. Hồng Nga nói đó là bản tính của bà. Căn cơ, thực tế, không se sua ra bên ngoài.

Bà còn mỉm cười nói thêm: “Thật ra nết của tôi tằn tiện, nhiều khi hà tiện. Giờ có tiền rồi nhưng chưa bao giờ tôi dám mua đôi giày 1 triệu đồng. Chừng trăm rưởi hai trăm là mang được rồi”.

Trong căn hộ này bà sống cùng một người giúp việc kiêm quản gia, kiêm bạn già - thường gọi là cô Bảy. Buổi tối, nhà chỉ có một phòng, hai người ngủ chung. Ban ngày cô Bảy lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí tính toán tiền nong... cho bà đi hát. Và bà không cảm thấy buồn.

Bà cũng mới sắm một chiếc xe Chaly sơn lại với hai màu vàng và đỏ! Nó rất tiện lợi. Vì chiếc Wave khá cao đã trở nên nguy hiểm khi có lần suýt làm bà té nhào lúc đang chạy xuống dốc của hầm xe.

Từ nhà, với chiếc Chaly an toàn, đi cũng dễ, dắt cũng dễ, bà mỗi ngày chạy đi chạy lại khắp nẻo với đủ thứ việc của cuộc sống vẫn còn bận rộn ở tuổi 70.

Giấc mơ lạ lùng

Nhà ở hiện nay chỉ cách rạp Công Nhân (rạp Nguyễn Văn Hảo cũ) một đoạn đường rất ngắn. Chính là rạp hát của niềm đam mê đầu đời cách nay 60 năm. Dạo đó, cô bé mới 7, 8 tuổi mê đi coi cải lương “cọp” bằng cách giả bộ thấy người sang trọng đi vào là lân la đi theo, qua mặt mấy anh gác cửa.

Hôm nay, trong căn phòng vẫn “quanh quẩn” trên vùng đất cũ chất chồng ký ức, bà lại một lần nữa lật giở những trang đời, trong câu chuyện kể dằng dặc những đắng cay.

Nhiều nghệ sĩ tài danh có may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, là con nhà nòi, mỗi bước đi lên đều có sự dìu dắt, tận tình truyền dạy nghề của người thân.

Hồng Nga không nằm trong trường hợp này. Cô bé Kim Nga - tên cúng cơm của bà ngày bé - là con gái một đôi vợ chồng nghèo.

Quê chồng ở Thái Bình, quê vợ ở Hà Bắc, trôi dạt gặp nhau và dắt díu vào Nam trong đoàn phu cạo mủ cao su thời Pháp thuộc. Năm 1946, cô bé Kim Nga sinh ra ở miền Nam.

Vừa tròn 3 tuổi, cha cô đã qua đời. Ký ức của một đứa trẻ độ tuổi đó về người cha chỉ là duy nhất gương mặt già già, một dáng người ốm ốm.

Ông thường bồng con gái nhỏ ra chợ cho ăn hủ tiếu... vậy thôi. Cô không nhớ gì nữa hết. Và sau này, như tất cả những đứa con không còn cha, Hồng Nga mang tâm cảm mồ côi, từ nơi sâu thẳm luôn chới với, hoang mang, thèm khát một chỗ dựa. Tâm cảm phiêu dạt ngay từ khi có chút trí khôn...

Mẹ cô tái giá hai năm sau đó.

Nhưng gia đình sau của mẹ cô cũng rất nghèo túng. 12 tuổi, cô đã biết đi gánh nước mướn. Nhỏ xíu, đen thui, cô bé quảy gánh nước nặng trên vai kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.

Có lúc nó vừa kéo lết đôi thùng thiếc vừa cất giọng lanh lảnh ca bài vọng cổ Cô gái bán đèn hoa giấy. Nó cũng sớm biết buôn bán từ đầu chợ đến cuối chợ, đủ thứ mặt hàng.

Được mẹ cấp cho 100 đồng tiền vốn, nó buôn chanh ớt, trái cây, bánh kẹo, đĩa nhựa, khăn lông... mỗi ngày nộp đủ cho mẹ 20 đồng. Và thường thường do lanh lợi, nó vẫn còn dư ra mấy chục đồng nữa để dành... mua vé vô rạp Nguyễn Văn Hảo coi cải lương.

Khi những trò ma lanh coi “cọp” không còn hiệu nghiệm nữa, nó móc ra mớ tiền lẻ nhàu nát, vuốt lại, đếm kỹ, bấm bụng mua vé hạng “cá kèo” leo tuốt lên lầu ba, mê mẩn coi hát trong bộ đồ hôi rình vì mồ hôi và mùi chợ búa.

Mơ ước của người mẹ là một ngày nào đó cô bé sẽ để dành đủ tiền mua được chiếc xe đẩy hàng đi bán. Nhưng con gái nhỏ đen đúa, xấu xí của bà lại kể cho bà nghe về một mơ ước lạ lùng đã khiến bà cười chảy nước mắt: trở thành nghệ sĩ.

Nhất quyết phải làm đào

Cũng không lâu lắm, ba năm sau, 15 tuổi cô bé đã được bước chân lên sân khấu. Như thế đã được gọi là nghệ sĩ chưa? Cô không biết. Nhưng cô đã sớm học được bài học đầu đời: khi người ta vào nghề làm đào mà không có nhan sắc thì sẽ rất lâu và rất khó khăn mới chạm được đến danh vọng hay tiền bạc.

Và thực tế, cô đào với nghệ danh Hồng Nga suốt thời trẻ, rồi qua tuổi trung niên, lăn lộn cười khóc với nghề - hình như vẫn chưa qua khỏi cái phận nghèo của cô bé mồ côi thuở ấy.

Cô nhớ lần đầu đi hát không lương tại quán Lệ Liễu chỗ cầu Thị Nghè, một quán từa tựa quán bia vọng cổ ngày nay, cô bé 15 tuổi mặc bộ áo dài cũ của mẹ, mang guốc của mẹ.

Chúng rộng và dài một cách kỳ cục, dù đã được sửa chữa, nhưng khoác lên con bé mà coi vẫn như con bù nhìn giữ dưa mặc áo tơi. Giống hề hơn giống đào.

Ấy vậy nó vẫn bấm gan đứng hát say sưa, mặt ngố ngố bướng bướng được mấy ông khách chìm trong hơi men vỗ tay tán thưởng, khi cao hứng liệng lên sân khấu mấy đồng bạc lẻ.

Thời gian sau, có lúc cô được làm đào chính ở Đoàn Hằng Xuân - An Hưởng. Lần này có lương: chừng đủ mua hai tô hủ tiếu/suất hát.

Tiền nong như thế nên phải lấy bông trang làm má hồng rồi cạo nồi lấy lọ nghẹ trộn với “birăngtin” để vẽ chân mày. Đói, tủi và cả tuyệt vọng nữa nhưng cô đã nhất quyết phải làm đào. Nhất quyết không trở về cái kiếp bán hàng rong. Ở đây không được thì tìm chỗ khác. Chỗ khác vẫn chưa được thì tìm chỗ khác nữa. Nhưng phải đi thôi...

Hồng Nga không bao giờ quên cái ngày cô được nhận vào Đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn, người mà cô thần tượng và thậm chí không bao giờ dám mơ được hát chung.

Cô được ký côngtra ba năm. Nghệ sĩ Út Trà Ôn khen cô hát hay. Cũng như sau này đi đến đoàn nào, cô cũng nhờ giọng ca ấy mà được nhận mau chóng. Tuy nhiên, dù ở tuổi 17 đang thì con gái, cô vẫn cứ không trắng, không cao, không nhan sắc. Cô lận đận mãi.

Cho nên ký ức đậm nhất trong đời đi hát của cô là những đêm ngồi bó gối trong cánh gà nhìn đồng nghiệp diễn. Vì mình không có vai, mà mê quá nên học thuộc làu tất cả các vai, tất cả các tuồng.

Cứ ba ngày học hết một cuốn, hết cuốn này đến cuốn kia. Chỉ để mong ngóng đến một hôm nào đó có một cô đào đang diễn bỗng bị ốm, bị bận việc, bị đánh ghen, bị... một cái việc không báo trước nào đó mà bỏ ngang đêm diễn thì mình có cô này mà thế vô!

Tuy là có hợp đồng nhưng cũng phải có hát thì mới có tiền, không hát thì làm công việc lặt vặt trong đoàn. Mà có được hát đâu! Thời gian đầu ở Đoàn Thống Nhất cô chỉ được... ngâm thơ hậu trường. Thi thoảng lắm mới có một vai nhỏ xíu.

Nỗi ám ảnh của một mái nhà

Hát xướng như vậy nên Hồng Nga phải lăn lộn làm thêm đủ thứ nghề. Cách đây chừng nửa thế kỷ ở Sài Gòn có rất nhiều chiếu bạc nhỏ.

Hồng Nga có lúc được gọi là “người đàn bà lấy sòng bài làm mái nhà”. Không phải là đánh bài, tiền đâu mà đánh. Đó là cô vô sòng bài làm đủ thứ việc: quét nhà, trải chiếu, chia bài, pha cà phê, đi mua cơm, đi cầm đồ giùm... tất tần tật mọi việc.

Có lúc cô còn làm nghề mua xe máy cũ về sửa rồi đem bán. Nên bây giờ chỉ cần nghe tiếng máy xe nổ là Hồng Nga cũng có thể biết xe đang bị bệnh gì!

Tính lại thời đó, đi hát ròng rã 20 năm sau, cô vẫn còn phải mượn tiền trả góp. Khoảng những năm 1968, 1970 có những người cho vay góp đi theo đoàn hát. Cứ mượn 30.000 mỗi ngày góp 1.000 trong 36 ngày.

Đầu tháng cô mượn gửi về cho mẹ nuôi con, những đứa con cô sinh ra trên bước đường lênh đênh lưu diễn. Một đứa... hai đứa rồi năm đứa. Đi hát mãi rồi người mẹ trẻ cũng lần hồi gom góp mua được một cái nhà, đúng hơn là một cái chòi nhỏ nhỏ bên quận 4.

Mẹ cô và lũ con nhỏ sống ở đó, lúc đầu nhà lợp lá, sau có tiền thì gỡ lá lợp tôn.

Nỗi ám ảnh phải có một mái nhà luôn thôi thúc trong cô. Đó cũng là niềm mơ ước khôn nguôi về một mái ấm của đứa trẻ mồ côi cha ngày nào, của cô đào hát lấy đình chùa bến bãi làm nhà suốt một thời tuổi trẻ. Hồi tưởng tất cả, Hồng Nga nói: “Đời tôi giống một chiếc ghe nhỏ và cũ. Tròng trành sấp ngửa giữa trời nước mênh mông...”.

Vào tuổi trung niên, Hồng Nga mới mua được một miếng đất ở Bình Dương, cũng là mua trả góp - vào đúng thời điểm cuộc hôn nhân cuối cùng tan vỡ.

Ban đầu bà tính về đây ở ẩn luôn, ngưng hát luôn, vì đau khổ quá. Nhưng sau rồi lại đổi ý, vẫn hát tiếp và nhiều người bảo bà hát còn hay hơn, “độc” hơn.

Còn lại một mình, bà lụi hụi vừa lo trả góp tiền đất, vừa lo chắt chiu tiền xây, nên từ vai nhỏ, vai lớn của sân khấu cải lương rồi hài kịch, rồi phim truyện bà đều làm. Bà tự chở từng viên gạch, từng bao ximăng, tự thiết kế ngôi nhà mơ ước...

Nếu những vai diễn của bà trên sân khấu không lộng lẫy với những vai đào chánh đẹp đẽ sang trọng, mà chỉ thường âm thầm với những vai mụ nghèo và nhiều đau khổ, thì những đồng tiền mà bà kiếm được từ nghề cũng khó khăn và thấm đẫm mồ hôi.

Phận đàn bà không có số nhờ chồng

UbYUlpVJ.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Hồng Nga trước giờ lên sàn diễn vở Bên cầu dệt lụa tháng 3-2014 - Ảnh: T.T.D.

Vào những năm 1990 khi phong trào tấu hài bùng phát, cặp tấu Hồng Nga - Ngọc Giàu rất ăn khách. Hồng Nga kể: “Dạo đó hai chị em ráng cố gắng ngày chạy 5, 7 show kiếm tiền, chở nhau trên chiếc “Yamaha vạt mỏ”, tức chiếc xe có cái bửng ngay bánh trước rách te tua, tôi bèn mượn cây cưa cưa bỏ luôn. Có đêm khuya hai chị em đến diễn ở điểm xa, không có điện, sân khấu đốt hai cây đèn măng xông, phía trước rọi đèn pin rồi hát. Micro nghe lúc được lúc mất, chắc khán giả cũng chỉ thấy mình nhép miệng mà thôi. Lúc về xe tự nhiên bể bánh giữa đồng trống. Khuya lơ khuya lắc tối thui hai chị em sợ quá. Rủi gặp ăn cướp có nước chết luôn. Thời may gặp hai vợ chồng người đi buôn tôm về khuya, dừng lại gửi giùm chiếc xe vô nhà người quen, rồi cho hai chị em quá giang ra ngoài lộ. Chiếc xe Cub 50 mà chở tới bốn người thêm mấy giỏ tôm, tôi ngồi trên cái baga phía sau đội một giỏ tôm lên đầu.

Ra tới lộ đã là 3g sáng, hai chị em kiếm được chiếc xích lô, leo lên ngồi mà nước mắt tuôn rơi, nhìn nhau khóc cho cái phận đàn bà không có số nhờ chồng, một mình bươn chải kiếm tiền nuôi con...”.

______________

Kỳ sau:“Tuyệt tình ca” và những bà mẹ độc đáo

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên