09/03/2014 11:50 GMT+7

Khuôn mặt lạ của Lê Khanh

hue-audio
hue-audio

TT - Nổi danh với những vai diễn sáng giá, nhưng dạo gần đây NSND Lê Khanh lại xuất hiện trên sân khấu với vai trò đạo diễn trẻ.

ZMwU1B23.jpg
Nsnd Lê Khanh (phải) trong vở diễn Thị Hến do chính mình làm đạo diễn - Ảnh: NHTT

Trước khi mất (9-2, Tân Tỵ 2001), NSND đạo diễn Nguyễn Ðình Nghi băn khoăn về Lê Khanh, sau vai kịch rực rỡ cuối cùng ông dựng cho Khanh: Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc của Nguyễn Ðình Thi. Lúc ấy ông bệnh nặng, Khanh chạy xe vòng vòng quanh hồ Gươm tìm bông chuối rừng đỏ tươi cắm bình gốm góc phòng cho thầy Nghi ngắm đỡ mệt. Khanh chu đáo hỏi han thầy rồi vội đến Nhà hát Tuổi Trẻ.

Ông Nghi thở dài nhẹ với tôi: "Khanh muốn vào Ðại học Sân khấu học nghề của tôi. Muốn tôi ủng hộ. Tôi lo mất một nghệ sĩ hàng đầu sân khấu Việt chuyên diễn vai khó của những vở đáo để nhất, với tính cách chuyên nghiệp của nghệ sĩ tài năng, con nhà nòi. Có vai kịch ngoài Khanh ra, không ai diễn độc đáo hơn. Bạn giúp tôi khuyên nhủ Khanh nghĩ thật chín?". Tôi vâng...

Tài diễn kịch gia truyền

Cháu là em cô ấy

Từng là “người phụ nữ của năm 2006”, là người rất nổi tiếng, Khanh vẫn bỏ nhỏ với tôi: “Em đi chợ, mặc xuềnh xoàng, mặc cả (trả giá) ra phết, không ai nhận ra em. Một bà cụ bảo đây mà là NSND Lê Khanh ư? Em đùa, không ạ, cháu là em cô ấy”.

... Tôi vâng để ông Nghi an lòng, biết ông sẽ ủng hộ Khanh, với âu lo. Song tôi hiểu Khanh đã nghĩ kỹ về chuyện được mất khi quyết học đạo diễn, dám đối đầu với nguy cơ mất một nghệ sĩ kịch sáng giá, đổi lấy một đạo diễn tầm tầm. Và điều ông Nghi lo nhất: với Khanh, học đạo diễn là rất mới và khó, bởi Khanh đã rất sáng giá và sang giá trên sân khấu, điện ảnh, được phong NSND sớm nhất trong lớp diễn viên cùng lứa: Chí Trung, Anh Tú, Lan Hương, Minh Hằng, Ngọc Huyền... và sớm nhất trong ba cô con gái lẫy lừng của NSND Trần Tiến và Lê Mai (cô chị là nghệ sĩ điện ảnh Lê Vân, cô em là nghệ sĩ múa Lê Vi).

Khanh lại không được học nghề kịch ở trường. Khanh thuộc lứa đầu, tuổi 16-17, học và hành nghề ngay trong Nhà hát Tuổi Trẻ. Năm 1977, tôi đến Nhà hát Tuổi Trẻ xem Khanh diễn lại vai con mèo uống sữa, đỗ đầu cuộc thi tuyển diễn viên khắt khe của Phạm Thị Thành - vừa tốt nghiệp xuất sắc khoa đạo diễn Trường ÐH sân khấu Gitic ở Matxcơva... Dáng thanh tú, tóc búi cao, lộ sáng khuôn mặt tươi, đôi mắt to biểu cảm, Khanh thật "ăn đèn" sân khấu, khi uyển chuyển bò trườn vai con mèo, đùa giỡn hồn nhiên với bát sữa trên sàn diễn. Khi tôi phỏng vấn, Khanh chỉ cười hiền lành thú nhận: "Em không biết nói, chỉ biết diễn thôi".

Chỉ biết diễn với bản năng sân khấu rất mạnh, được tạo lập gần như không thể giải thích (khởi từ ông ngoại, thi sĩ Lê Ðại Thanh, từng hồn nhiên diễn kịch trong ban kịch tài tử nhất đầu thế kỷ 20: Ban kịch Thế Lữ), ngay sau vai diễn ngây thơ ấy, Khanh vụt thành "của hiếm" trong nền kịch hiện đại: với tài năng bẩm sinh, trưởng thành từ thực nghiệm kịch tại Nhà hát Tuổi Trẻ, thành NSND với không ít vai kịch để đời. Chỉ tính riêng thập niên đầu thế kỷ 21, Khanh đã thật xuất sắc vai Nora trong Nhà búp bê, Lý Chiêu Hoàng trong Rừng trúc, Milford trong Âm mưu và tình yêu của Schiller, bà mẹ trong Tất cả đều là con tôi (Miller), và bà mẹ trong Lời thề thứ 9. Cách diễn "cứ như không" ấy đã xếp Khanh vào loại diễn viên - tính cách hàng đầu, chuyên diễn vai khác biệt, ngược hẳn sở trường.

Trước Khanh, NSND Song Kim, Ðào Mộng Long và cha Khanh - NSND Trần Tiến - đã là nghệ sĩ tiêu biểu cho lối-diễn-vai-tính-cách này. Có lẽ sự tiếp nối rạng rỡ phẩm chất diễn viên kịch hiện đại ấy của Lê Khanh, với lưng vốn vai kịch đầy đặn và chói sáng đến thế, đã "dẫn dụ" Khanh âm thầm lựa chọn bước ngoặt đời mình: học bằng được nghề đạo diễn, tự biết và tự đánh thức tiềm năng chính mình cho nghệ thuật sân khấu mà mình đã bỏ cả đời vào đó!

Miệt mài học nghề, NSND thành "đạo diễn trẻ"

Lần đầu thi vào Trường ÐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, Khanh trượt. Khi đồng nghiệp Anh Tú và Lan Hương náo nức trình diễn hai vở tốt nghiệp đạo diễn khóa 2001-2005, Khanh mới đang học năm thứ hai. Song cuối năm 2005, Khanh đã dựng vở kịch gốc Nhật Bản: Từ thiên đường đi về phía bắc 3km.

Khanh mê kịch bản viết theo lối giả định, thật hay và lạ, bị nó ám đến mức quyết dàn dựng rồi muốn ra sao thì ra. Từ kinh nghiệm làm vai kịch lâu năm với thầy Nghi, thầy Lê Hùng, Khanh tìm ra ứng xử chính xác với kịch bản lạ lùng này. Khanh biết kịch bản là tiền đề quyết định thành bại vở diễn. Việc lý giải câu chữ trong văn bản kịch theo cách riêng là cửa ải đầu tiên đạo diễn buộc phải vượt. Phải vượt bằng cách đọc vỡ chữ văn chương kịch theo cách riêng của đạo diễn! Không mở được cửa ấy, không thể "chuyển ngữ" từ chữ nghĩa phi vật thể sang ngôn ngữ dàn dựng và biểu diễn hữu thể trên sàn diễn, để từ đó kịch bản cất cánh thành bội số và thăng hoa thành vở diễn - giấc mơ trên sân khấu!

Khanh hiểu Từ thiên đường đi về phía bắc 3km viết về tình yêu, nhưng lặn sâu tận đáy chữ là nỗi buồn tiếc tình yêu lỡ tay đánh mất. Với kịch bản mênh mang buồn và "dễ vỡ" ấy, Khanh ứng xử gượng nhẹ, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Cách Khanh di chuyển vào vai kịch "cứ như không", sang dàn dựng cũng như không, nên đã thành công ngay trong tác phẩm đầu tay.

Ðược vậy, vì Khanh có cách kể chuyện chân phương và hồn nhiên. Ðây là cách đạo diễn vắng bóng mảng miếng phô phang kỹ thuật, chỉ chăm chú vào giọng kể sân khấu thấm thía, nhẹ nhõm rất... Lê Khanh.

Sau tốt nghiệp, Lê Khanh ra mắt cương vị đạo diễn bằng vở Nhà ôsin, kịch bản Nguyễn Huy Thiệp. Cũng phong cách ấy, Khanh chọn cách kể theo sát tinh thần Nguyễn Huy Thiệp: vở diễn phải vui vẻ và không bi kịch. Chịu ảnh hưởng từ thầy Nghi, chỉ dựng kịch bản có ít nhất một nhân vật chính đáng yêu về thân phận kịch, Khanh đã yêu nhân vật viên đại tá về hưu (Chí Trung sắm vai xuất sắc), chủ ngôi nhà phố cổ Hà Nội, từng có hàng tá ôsin phục vụ, rốt cuộc đã phải van nài để chung thân phận ôsin khi bị ôsin lừa mất chính ngôi nhà cổ của mình... Lê Khanh đã "chuyển ngữ" khá tinh tế một kịch bản nghiêng về cái đọc, phi-xung-đột, sang vở diễn có cái để xem với phong cách tươi tắn, hiện đại.

Buông tay dựng Nhà ôsin, Khanh lại trở về gõ cửa sân khấu truyền thống. Nghêu-Sò-Ốc-Hến - hài kịch dân gian đã gợi ý Khanh cách dựng nghiêng về ngôn ngữ ước lệ của sân khấu truyền thống. Ðổi tên vở thành Thị Hến, tập trung dàn dựng nhân vật Thị Hến, Khanh phát hiện Mai Huê, vào vai Thị Hến với nhiều duyên dáng mặn mòi dù xa sân khấu đã 10 năm. Thị Hến được Khanh "chế biến" từ nhân vật hơi quá lẳng lơ vụ lợi, thành nhân chứng tố cáo tham nhũng, lạm quyền của quan tham. Khanh đã sử dụng ngôn ngữ ước lệ ngọt ngào trong dung dáng một vở hài kịch hiện đại... Vai Nghêu của Như Lai, quan huyện của Quang Ánh, được tung hoành diễn xuất trong những thân phận đậm màu hài kịch. Thiết kế mỹ thuật sắc nét, phảng phất dung nhan chèo cổ của Hoàng Hà Tùng tạo khoảng không cho diễn viên tung tẩy ngôn ngữ hình thể và nghệ thuật thốt lời của kịch hiện đại.

Hóa ra, lo âu của thầy Nghi ngày nào đã được Khanh hóa giải. Thành đạo diễn, Khanh đã không mất gì, chỉ được thêm. Nghề đạo diễn đã khơi sâu kinh nghiệm diễn xuất của Khanh. Với Khanh, cái được lớn nhất là tư duy tổng thể của đạo diễn. Khanh biết ứng xử chính xác, không nặng nhẹ với "bên tình" là vai diễn, và "bên hiếu" là đạo diễn. Khanh diễn xuất sắc hai vai bà mẹ trong Tất cả đều là con tôi, Lời thề thứ 9 và bà huyện trong Thị Hến, song song với việc Khanh đạo diễn ba vở của mình trong cùng thời gian. Diễn vai kịch xuất sắc trong chính vở kịch mình đạo diễn thành công, đó chính là nét lạ trên khuôn mặt sân khấu ngời sáng của NSND Lê Khanh.

Vai diễn gốc của Khanh

Lau son phấn, từ biệt vai diễn, ra khỏi nhà hát, Khanh tự trào "mình phải về vai gốc thôi". Ðó là vai hiền thê của nhà nhiếp ảnh - đạo diễn điện ảnh Phạm Việt Thanh, và người mẹ chu toàn của hai con, một trai một gái. Ðược chồng ủng hộ việc đi học đạo diễn, Khanh đỡ gánh nặng đón đưa cho chồng, tự học lái xe từ nhà ở Phan Ðình Phùng xuống Trường ÐH Sân khấu và điện ảnh ở Cầu Giấy (Hà Nội). Tự đi chợ vào bếp nấu món ngon cho chồng con. Ðạo diễn vở có đến hàng chục nhân vật ôsin, nhưng trong đời chưa bao giờ thuê người giúp việc, tự gánh vác việc chăm chồng chăm con.

Bố mẹ Khanh đến lúc không thể chung sống, Khanh chạy đi chạy lại an ủi, chăm sóc chu đáo cả hai. Chị Lê Vân gây sóng gió gia đình khi ra sách Yêu và sống làm bố Tiến buồn, Khanh thường dẫn bố Tiến xem mình diễn kịch và cuối vở nhỏ nhẹ mời bố ăn khuya. Chuyến lưu diễn tháng 3 này ở TP.HCM, Khanh cũng đưa bố Tiến theo cùng, và đưa bố xuống Vũng Tàu ngắm biển chơi. Rồi mẹ, rồi cậu, rồi chị Vân, em Vy, ai Khanh cũng cư xử tận tâm, trìu mến.

Tôi chắc một điều, Khanh biết mình là ai, là chính mình, đem hết tấm lòng dâng cho đạo sân khấu và đời thường nhật, trong vai mẹ hiền và vợ đảm. Ðấy mới chính là khuôn mật sáng giá nhất của Khanh.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

GFRidqXh.jpgPhóng to

Những vai diễn sáng giá

* Juliet trong Romeo và Juliet

* Thôn nữ trong Hoàng tử học nghề

* Ni cô Ðàm Vân trong Ni cô Ðàm Vân

* Ðan Thiềm trong Vũ Như Tô

* Thúy trong Bến bờ xa lắc

* Bà già điếc trong Chỉ tại cái tai

* Milford trong Âm mưu và tình yêu

* Klea trong Con cáo và chùm nho

* Lý Chiêu Hoàng trong Rừng trúc

* Bà mẹ trong Tất cả đều là con tôi Lời thề thứ 9...

Và vai chính trong các phim Chiếc mặt nạ da người, Mùa hè chiều thẳng đứng, Dòng sông hoa trắng, Chuyện tình bên dòng sông, Cạm bẫy tình...

hue-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên