23/02/2014 07:15 GMT+7

Minh Trang: Tận cùng là nơi bình yên chim hót

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - 20 năm là một khoảng thời gian quá dài cho một sự trở lại, đủ khiến người nghệ sĩ rơi vào khoảng lặng đáng sợ của sự lãng quên.

Những người già trẻ mãiNhạc sĩ Thanh Bình: Có còn lại chăng dư âm thôiNhạc sĩ Văn Cao: “Trương Chi là tôi đấy”

FvdQtH6l.jpg
Diễn viên Minh Trang - Ảnh: Đại Ngô

Nhưng với Minh Trang - nữ diễn viên kịch đình đám một thời với Hà Mi của tôi, Tôi và chúng ta, Lôi vũ..., thì 20 năm đó lại là một quãng đời đủ đầy, không vội vã của một lựa chọn bình yên.

Chị chỉ mới vừa trở lại sân khấu qua dáng vẻ mơ màng của người đàn bà Thiên Thiên trong vở kịch cùng tên cách đây ít ngày, kể từ suất diễn cuối cùng của Lôi vũ trên sân khấu 5B năm 1992. Trở lại là vì đạo diễn Việt Linh, vì một dự án sân khấu kỳ lạ và thú vị, vì ngọn lửa nghề vẫn luôn âm ỉ cháy ở nơi đất khách quê người, và nhất là vì “cô con gái nhỏ đã có thể tạm xa mẹ ít hôm để mẹ yên tâm đi đóng kịch”.

Từ hào quang đến thử thách khó quên

Từ Hà Mi đến Thiên Thiên là cả một đoạn đời dài 30 năm của Minh Trang, ở đoạn giữa có Ngà trong Tôi và chúng ta, có Trâm trong Cô gái đội mũ nồi xám, có Key trong Điều thiêng liêng nhất, có Tania trong Gái giang hồ quốc tế, có Phồn Y trong Lôi vũ..., và dù là ở trên sân khấu chính kịch Hà Nội hay trong không gian sân khấu thử nghiệm Sài Gòn thì những vai diễn này đã đến và ở lại rất lâu với Minh Trang khiến chị đôi lúc phải loay hoay mãi mới thoát ra được, “Vì những vòng tròn sống của nhân vật cứ xoay vần và trở lại trong tôi...”.

“Minh Trang vẫn đẹp và sang quá!” - đó là lời nhận xét của nhiều khán giả khi gặp lại chị trên sân khấu của Thiên Thiên mới đây. Thời gian tất nhiên đã khiến chị không còn là Hà Mi tươi trẻ đôi mươi ngày nào, nhưng vẻ đẹp đằm thắm, phong thái thanh lịch và chất giọng Hà Nội ấm áp thì vẫn tạo thành một Minh Trang khó quên trong lòng người xem. Những khán giả từng hâm mộ Hà Mi của hơn 30 năm trước có lẽ nay đều đã lớn tuổi, đã thành ông thành bà, thành cha thành mẹ. Nhưng vẫn còn đó trong họ ký ức về một thời tuổi trẻ nhiều đam mê và xúc cảm của những năm tháng khốn khó, hùng tráng mà hào hoa được khắc họa rõ nét trong vở kịch Hà Mi của tôi - một vở kịch đã gây nên những “cơn địa chấn” những năm 1980 vì mới quá, Tây quá, hấp dẫn quá.

Minh Trang khi đó vừa tròn 20 tuổi, vừa mới ra trường mà theo nhận xét của đạo diễn Doãn Hoàng Giang là: “Dạo ấy cô ấy còn non lắm, đứng trên sân khấu vẫn run lẩy bẩy”. Nhưng cũng chính vì sự non nớt mới mẻ này mà ông quyết định chọn Minh Trang vào vai Hà Mi, bỏ qua những gương mặt diễn viên đàn chị đình đám khi đó. Hà Mi là một hình mẫu nhân vật bất thường và gây sốc khi đặt bên cạnh những suy nghĩ cũ của một xã hội cũ. Hà Mi hút thuốc, uống rượu, ăn nói tự nhiên, không quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Hà Mi dám sống, dám thể hiện chính kiến và bản năng, vượt lên trên một đám đông máy móc và rập khuôn. Hà Mi cũng tràn đầy nhiệt huyết và lòng quả cảm khi chọn lấy sự hi sinh để bảo vệ nhà máy điện, bảo vệ những vùng sáng của thành phố. Hà Mi khi đó thật sự đã khiến người xem “choáng váng” nhưng rồi lại yêu quý và không thể quên.

Minh Trang tự nhận mình may mắn khi được là Hà Mi trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ. Để “bảo vệ” cho Hà Mi của Minh Trang giữ trọn vẹn sự tự tin và bước qua những thử thách đầu tiên, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã cấm các diễn viên khác của đoàn kịch Hà Nội bàn tán, xì xào hoặc cười cợt cô diễn viên mới trên sàn tập, nếu không ông sẽ cắt vai. Và Hà Mi của tôi đã trở thành một trong những niềm tự hào rất đáng nhớ của sân khấu thủ đô trong suốt 30 năm qua.

Còn Thiên Thiên lại là một dạng nhân vật “bất thường” theo kiểu khác. Đó là một người đàn bà đẹp và kỳ lạ đến nỗi những ý niệm về không gian và thời gian xung quanh chị trở nên mơ hồ, những câu chuyện nhân tình thế thái trong thế giới của chị cũng trở nên siêu thực. Nỗi buồn là gam màu chủ đạo hay là vùng ánh sáng tuyệt đối trong cuộc đời của Thiên Thiên, khiến chị trở thành nơi để lắng nghe và gom nhặt những nỗi buồn khác. Đạo diễn Việt Linh dành vai diễn quan trọng trong dự án sân khấu đầu tay của mình cho Minh Trang, không chỉ vì mối thâm tình mà họ đã có từ những lần hợp tác với nhau trong các bộ phim Nơi bình yên chim hót hay Mê Thảo - Thời vang bóng, mà còn vì: “Minh Trang là lựa chọn gần như duy nhất của tôi cho Thiên Thiên, vì nét đẹp bình thản tự thân mà không cần phải cố gắng”. Còn bản thân Minh Trang thì cho rằng điều khó khăn nhất trong lần trở lại này là đi tìm cho ra Thiên Thiên. Chị bảo: “Vì sự kiêu hãnh của mình, tôi không muốn đầu hàng với Thiên Thiên, không muốn trả vai dù rất hoang mang trong suốt quá trình tập cho đến tận ngày phúc khảo. Tôi phải đấu tranh để tìm tiếng nói chung giữa mình và nhân vật. Đó thật sự là một thử thách khó quên”.

Lựa chọn bình yên

Minh Trang có nhiều sự lựa chọn và tự sắp xếp trong đời khiến những người xung quanh ngạc nhiên. Ở tuổi đôi mươi, chị quyết định một mình ở lại Hà Nội để học cho xong khóa diễn viên trong khi cả gia đình đã chuyển vào Nam định cư. Ngôi nhà tập thể cũ của gia đình bị lấy lại nên Minh Trang đã có hơn một năm đi ở nhờ nhà của những người bạn thân, rồi sau đó là bảy năm ròng sống... dưới gầm cầu thang của Nhà hát Kịch Hà Nội. Mỗi lần ra thăm con gái, mẹ chị cứ tặc lưỡi xót xa khi nhìn thấy căn phòng chật hẹp được che tạm bợ dưới gầm cầu thang đó, nhưng lại không cách gì thuyết phục hay lay chuyển được niềm đam mê nghề nghiệp của cô con gái bướng bỉnh.

Mãi đến sau này khi đã đoạt được hai huy chương vàng trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đã thành công vang dội với Hà Mi của tôi, Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta... ở Đoàn kịch Hà Nội, Minh Trang mới quyết định vào Sài Gòn để đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên quyết định này lại khiến sân khấu kịch thủ đô ngẩn ngơ vì tiếc và nhớ, đồng thời cũng khiến Minh Trang gần như phải bắt đầu lại từ đầu ở một môi trường mới, với chất giọng Hà Nội như một “đặc sản”. Và khán giả Sài Gòn ngày đó đã bỡ ngỡ đón nhận một “cô Bắc kỳ nho nhỏ” trên sân khấu nhỏ 5B, rồi từ ngạc nhiên chuyển sang thích thú và yêu mến, ủng hộ với các vai diễn trong các vở: Điều thiêng liêng nhất, Gái giang hồ quốc tế, Một cuộc đời bị đánh cắp và Lôi vũ.

Trả lời cho câu hỏi ban đầu: 20 năm là khoảng thời gian quá dài cho một sự trở lại, chị không sợ mình sẽ bị lãng quên? Minh Trang bình thản bảo: “Phải cảm ơn cuộc đời đã cho tôi rất nhiều khoảnh khắc đẹp với nghệ thuật trong quá khứ, nhưng không vì thế mà tôi thấy hụt hẫng gì ở những năm sau đó khi rời xa sân khấu. Tất cả đều là những cái duyên tự nhiên của cuộc đời, tôi hòa nhập và cân bằng ở đó một cách nhẹ nhàng nhất”. Quả thật, khó mà nhìn thấy một chút bon chen hay tham vọng sân si nào ở Minh Trang qua từng lời nói, cử chỉ hay dáng điệu. Tất cả ở chị đều toát lên một sự hài lòng viên mãn về cuộc sống hiện tại bên chồng và con gái nhỏ ở Singapore. Con gái được đặt tên là Hà Mi như một hoài niệm đẹp, trở thành niềm vui và nguồn cảm hứng bất tận cho những năm tháng không sân khấu của Minh Trang.

Cái ngày Minh Trang từ giã sân khấu để theo chồng, những trang kịch bản sôi nổi, ánh đèn và phông màn sân khấu, những tràng vỗ tay của khán giả là những ký ức quý giá mà chị gói ghém mang theo nơi xứ người để hẹn một ngày gặp lại. Vậy nên khi trở về, chị vui mừng lắng nghe những góp ý và đón nhận sự giúp đỡ từ những người bạn đồng nghiệp cũ và mới. Sân khấu vẫn luôn là thánh đường, ánh đèn vẫn chiếu sáng rực rỡ nơi người nghệ sĩ đang đứng, khán giả vẫn vỗ tay cho những tác phẩm đích thực. Nhưng sau tất cả những điều này, mặc cho những hoài niệm và hào quang, với Minh Trang, tận cùng vẫn là lựa chọn ở nơi bình yên chim hót bên gia đình và những yêu thương.

NSND Hồng Vân: “Hồi tôi mới ra trường và về sân khấu 5B thì Minh Trang đã là “vơđét của các vơđét” trên sàn diễn rồi. Sức của chị có thể diễn những vai gai góc, bi kịch hoặc nội tâm rất tốt. Minh Trang làm việc trách nhiệm khủng khiếp, đến nỗi diễn viên trẻ như tôi muốn đóng thế vai của chị cũng không có cơ hội vì chị luôn có mặt ở nhà hát đúng giờ dù có bận đóng phim ở tận đâu. Trong mắt tôi, Minh Trang là một người đồng nghiệp giỏi nghề, một ngôi sao không kênh kiệu, một người chị đáng yêu. Nhưng trên tất cả, đó là một người nghệ sĩ có văn hóa”.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên