05/11/2013 05:20 GMT+7

Nghị định ban hành cho có?

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Vậy là sau một số quy định, nghị định “độc chiêu” của các ngành như: chỉ bán thịt trong tám giờ kể từ khi giết mổ, phạt 5 triệu đồng nếu nghe điện thoại di động ở trạm xăng, quan tài người chết không được lắp kính trên nắp..., ngành văn hóa vừa họp báo công bố nghị định mới: nghị định 145 quy định về một loạt nghi thức lễ nghi, việc tổ chức các ngày kỷ niệm và đặc biệt là không cho phép thực hiện các hành vi tặng quà tại các buổi lễ, dịp kỷ niệm của doanh nghiệp, kể cả quà tặng là biểu trưng, biểu tượng (logo) của các đơn vị (khoản 2 điều 24).

Không được tặng quà trong các buổi lễKhông tiếp khách, nhận hoa nhân Ngày nhà giáo VN

1ayvWvWD.jpgPhóng to

Giới doanh nghiệp đang băn khoăn về điều này. Nhìn ở góc độ truyền thông văn hóa, sự ngăn cản tặng quà với mục đích quảng bá thương hiệu là thái độ kỳ thị hoạt động quảng cáo. Giáo sư Huỳnh Văn Tòng lúc sinh thời có một nhận định: Nếu một thành phố không có ánh đèn quảng cáo là một thành phố chết. Cứ nhìn theo hướng đó thì một dịp kỷ niệm, một sự kiện truyền thông của công ty, doanh nghiệp cụ thể mà không có vật phẩm quà tặng mang logo, biểu trưng để quảng bá thương hiệu thì đó là một sự kiện chết.

Điều lớn lao hơn là nghị định này đã quy định lại hàng loạt hành vi mà bấy lâu nay mọi người vẫn hành xử và mặc nhiên xem là một biểu hiện của văn hóa. Chẳng hạn việc tặng quà, trang trọng hơn, tặng vật kỷ niệm của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh với những khách hàng được xem là gắn bó hoặc có lý do để giữ một kỷ vật của đơn vị nhân một dịp cụ thể.

Thế thì tại sao những việc này lại bị liệt vào các hành vi bị cấm?

Một chuyên viên truyền thông tại TP.HCM khi đọc nghị định này đã thốt lên: “Tôi hơi bàng hoàng vì nghị định này. Nhiều người nói rằng không có túi quà in logo thì vai trò nhà tổ chức, nhà tài trợ ở đây là gì? Theo tôi, đó không phải là vấn đề chính. Cá nhân tôi nhìn nhận rằng bản thân của việc tặng quà trong sự kiện hoặc hội nghị không nhằm mục đích quảng cáo ra bên ngoài theo kiểu: à, tôi vừa được đơn vị có in cái logo trên túi giấy này tặng quà. Món quà ấy có ý nghĩa kỷ niệm giữa người trao và người nhận nhiều hơn. Đối với một sự kiện kỷ niệm hay lễ phát động, ra mắt chiến dịch, một món quà có chức năng đánh dấu, gợi nhắc, thậm chí lan truyền thông điệp nếu nó đủ thú vị. Ví dụ một quyển sách có chữ ký của diễn giả, một vòng tay đơn giản để ghi nhớ một cam kết, hay một kỷ niệm chương để đánh dấu sự tham gia của từng vị khách trong một hội nghị quan trọng. Thường giá trị của những món này không lớn. Đó chỉ là một cử chỉ rất lịch lãm và tinh tế mà ban tổ chức dành cho người tham dự. Người nhận, người trao không phiền thì thôi, mắc mớ gì người ngoài nhìn vô thấy phiền?”.

Câu hỏi ấy không dễ trả lời. Và nếu nhìn theo xu hướng lan tỏa các giá trị sống thì một chiến dịch Mùa hè xanh, một chương trình từ thiện kết nối yêu thương khởi đi từ báo chí đến các biểu tượng của tinh thần hiến máu nhân đạo... tất cả đều dùng biểu trưng, biểu tượng để gắn kết mọi người. Sức mạnh xã hội và sự sẻ chia từ vô vàn cá nhân hữu danh hoặc vô danh đều gặp nhau ở đó.

Vậy thì tại sao trong những kỳ gặp mặt, những cộng đồng có điểm chung ấy không được chia sẻ cho nhau những biểu tượng chung đã được cộng đồng thừa nhận?

Và điều đáng nói ở đây, lập luận và giải pháp trong cùng một vấn đề đã mâu thuẫn nội tại. Cứ nhìn vào nghị định 145 mới nhất, nội dung là điều chỉnh rất nhiều hành vi thuộc rất nhiều đối tượng trong xã hội, nhưng nói như ông Phan Đình Tân - người phát ngôn Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, nghị định này mang tính khuyến khích thực hiện và không quy định các điều khoản chế tài, vì trước đây đã có những quy định chế tài “nhưng không xử phạt được”.

Nói vậy, hóa ra nghị định do Nhà nước ký ban hành lại chỉ có giá trị khuyến khích thực hiện?

Nghị định thì không thể “vận động, khuyến khích”

Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong luật này..., trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội”. Cũng theo luật này, nghị định là một loại văn bản quy phạm pháp luật nên chắc chắn không có việc ban hành để vận động, khuyến khích là chính, còn ai không thực hiện thì cũng không sao.

Bộ VH-TT&DL cũng đã có nhiều văn bản kiểu “vận động, khuyến khích” . Chẳng hạn, khi phản hồi dư luận về quy định liên quan đến nghi thức lễ tang đối với cán bộ, công chức viên chức mà chính bộ sau này thừa nhận có một số “sạn” và đã loại bỏ, đại diện bộ cũng nói “khuyến khích chứ không ép thực hiện”. Chiếu theo luật trên, đây là kiểu làm luật không chấp nhận được vì sẽ tạo tâm lý không tôn trọng pháp luật của các đối tượng chịu tác động.

Đại biểuTRẦN THỊ DIỆU THÚY(phó bí thư Thành đoàn TP.HCM):

Quà tặng có ý nghĩa thì nên cân nhắc

Thực tế mà nói, có một số nội dung của nghị định quy định là phù hợp. Tuy nhiên, quy định không được tặng quà, thậm chí cả biểu trưng biểu tượng cũng không được phép nữa, thì lại chưa phù hợp lắm. Một số đơn vị đoàn thể chính trị - xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp chẳng hạn, khi chúng tôi tổ chức chương trình kỷ niệm thì quà tặng thường là sách, biểu trưng cho đoàn viên, thanh niên. Việc này nhằm mục đích vừa để tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm hay, ý nghĩa vừa khuyến khích thanh thiếu nhi đọc sách và định hướng lối sống đẹp trong thanh niên. Bên cạnh đó cũng để giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống của địa phương, đơn vị... Tôi cho rằng cách làm này là hợp lý và cũng không gây lãng phí.

Theo tôi, nghị định chỉ nên quy định bắt buộc đối với các đơn vị sử dụng ngân sách và nên chế tài cụ thể.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên