Phóng to |
Trước khi cầm trên tay tượng vàng Oscar, họ đã chi rất nhiều tiền cho các chiến dịch quảng bá - Ảnh: AP |
Nếu hãng phim muốn sản phẩm của mình có cơ hội được xướng tên tại giải Oscar thì họ phải chi mạnh tay cho chiến dịch quảng bá, từ 3-25 triệu USD cho mỗi phim.
Nếu giành được tượng vàng Oscar, catsê của một diễn viên sẽ có thể tăng từ 300.000 USD một phim lên đến 1 triệu USD một phim. Bởi thế, các minh tinh Hollywood cũng không ngần ngại đầu tư cho sự nghiệp của mình bằng cách bỏ tiền làm PR với hi vọng có thể được xướng tên chiến thắng tại giải Oscar. |
Thông thường, chiến dịch quảng bá để giành giải Oscar của các phim sẽ diễn ra trước ngày trao giải khoảng hai tháng. Tiền dùng để làm gì? Quảng cáo trên các kênh truyền thông những đêm tiệc, những buổi chiếu phim miễn phí kết hợp với giao lưu giữa nhà sản xuất, diễn viên chính và khán giả để lôi kéo số lượng người hâm mộ, hàng loạt khoản chi cho diễn viên chính như quần áo, stylist, xe hơi đắt tiền… khi đến tham dự các sự kiện quảng bá như thế.
Marc Malkin, biên tập viên của tờ E! News, cho biết: “Đó là số tiền rất lớn, nhưng để được khán giả và những thành viên của Viện hàn lâm biết đến thì bạn phải làm thế thôi”.
Ở hạng mục càng quan trọng, người ta càng sẵn sàng chi mạnh tay hơn. Vì thế, có thể đoán được là hạng mục Phim xuất sắc nhất năm sẽ là nơi “ngốn” tiền nhiều nhất. Và cũng từ đây, người ta chứng kiến sự cạnh tranh giữa các hãng có phim được đề cử. “Chiêu thức” được các nhà làm phim áp dụng nhiều nhất là thuê các nhà bình luận phim có tên tuổi để viết bài, đánh giá khả năng thành công và so sánh các phim đề cử với nhau.
Tuy nhiên, không phải cứ chi nhiều tiền là có thể thắng. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh điều này. Trong cuộc chạy đua giành tượng vàng Oscar năm 2010, The Hurt Locker (Chiến dịch sói sa mạc) đã giành chiến thắng trước chín tác phẩm điện ảnh khác, trong đó có siêu phẩm Avatar (Thế thân) mà chỉ dùng khoảng 5 triệu USD cho chiến dịch quảng bá, trở thành phim có kinh phí quảng bá cho giải Oscar thấp nhất trong lịch sử.
Không chỉ các hãng phim mà cả các diễn viên nếu muốn đề cử tên mình tham dự giải Oscar và muốn được chiến thắng cũng phải có kế hoạch PR. Họ phải tham dự một chuỗi dài dường như vô tận những sự kiện, phỏng vấn để xây dựng tên tuổi.
Mới đây, nam diễn viên Michael Fassbender, diễn viên phim 12 years a slave (12 năm nô lệ) và được đánh giá có triển vọng rất lớn cho giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar 2014, đã quyết định không tiến hành bất kỳ một chiến dịch nào cả vì đang phải tập trung cho các dự án phim mới. Anh cho biết: “Tôi không phải là một chính trị gia, tôi là một diễn viên. Và tôi thật sự không có thời gian để tham gia những việc đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận