Clip Sirens of the lambs - Nguồn: YouTube |
Bansky - nghệ sĩ graffiti bí ẩn nhất thế giới đang khiến dân tình nước Mỹ chộn rộn suốt từ đầu tháng mười tới nay.
Đến giờ, chưa ai biết Banksy là ai, nam hay nữ, cá nhân hay tập thể, ngoại trừ thông tin nhân vật này quê quán ở nước Anh. Và hàng loạt bức tranh tường mang nhiều thông điệp thời đại của Bansky thoắt ẩn thoắt hiện ở các đô thị lớn trên thế giới.
Vào một ngày đầu tháng mười đẹp trời, Banksy viết trên trang web của mình: “Tôi sắp dọn qua New York ở một tháng”. Nước Mỹ dậy sóng. Người dân sục sôi. Banksy đang “chọt” vô ổ kiến lửa, bởi New York là thánh đường của văn hóa hip-hop, cha đẻ của graffiti. Đám đông kháo nhau, để coi Banksy làm nên trò trống gì!
Ngày 11-10, Banksy mới chính thức “lộ diện” trên đường phố nước Mỹ bằng cuộc diễu hành xe tải chở đầy gia súc gia cầm… nhồi bông, mô phỏng lò mổ di động với những âm thanh rít thé chói tai, những cái đầu ngọ nguậy bất lực. Phần đông khán giả hiếu kỳ háo hức đến xem, số còn lại tỏ ra kinh hãi - người lớn ôm mặt bỏ chạy, con nít khóc ré vì sợ.
Phóng to |
Dân tình New York nhốn nháo vì lò mổ di động của Banksy trên đường phố - Ảnh: Banksy |
Theo LA Times, tác phẩm Sirens of the lambs (Lời nguyện cầu của bầy cừu), nhại theo Silence of the lambs (Sự im lặng của bầy cừu), mô tả hành trình tới chỗ chết của đám thú được nuôi lấy thịt, qua đó phản ánh sự tàn khốc của ngành công nghiệp giết mổ cũng như nét hồn nhiên tuổi thơ đang dần bị đánh mất.
Phóng to |
Cận cảnh tác phẩm Sirens of the lambs, bên trong có 60 con thú nhồi bông với bốn người điều khiển bên trong - Ảnh: Independent |
Clip được đăng trên YouTube đã thu hút gần ba triệu lượt người xem chỉ trong vòng bốn ngày.
Triển lãm lưu động này sẽ còn đi vòng vèo khắp thành phố hai tuần nữa, chủ yếu là những nơi có đông nhà xưởng đóng gói thịt giết mổ. Cụ thể là chỗ nào thì chịu khó đợi nó diễn ra rồi mới biết (?!).
Cũng bằng lối “đánh du kích” kể trên, Banksy tiếp tục làm dân Mỹ té ngửa khi cho hay mình vừa mở quầy bán tranh lưu động ở Central Park, New York, hôm 13-10, dĩ nhiên, cũng sau khi nó đã diễn ra.
Phóng to |
Gian hàng bán tranh kiểu “du kích” của Banksy tại Central Park - Ảnh: The Guardian |
Tời NY Daily News cho hay hàng chục họa phẩm chính gốc được bày bán với cái giá rẻ hết hồn: 60 USD/bức. Vậy mà ít ai mảy may quan tâm, bởi người ta không tin tranh gốc của Banksy lại rẻ mạt tới vậy, bởi mảng tường có vẽ bức Flower girl của Banksy đã có giá đấu khởi điểm là 150.000 USD.
Phóng to |
Không ai tin những bức này là tranh gốc của Banksy - Ảnh: Banksy |
Phóng to |
Mảng tường vẽ bức Flower girl của Banksy sắp được chủ sở hữu toàn nhà đem ra đấu giá vào tháng Mười hai này, với mức khởi điểm 150.000 USD - Ảnh: AP |
Cuối cùng, chỉ có bảy bức được bán, trong đó có một vị khách mua liền bốn bức để trang trí nhà.
Phóng to |
Người thanh niên may mắn mua được bốn tranh gốc của Banksy - Ảnh: Banksy |
Buổi bán hàng chỉ diễn ra một lần duy nhất. Giới hâm mộ phát điên vì bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng sở hữu họa phẩm của Banksy, buột miệng bức bối: Cung cách bán hàng thấy mà cà chớn!
Biết sao được, Banksy mà!
Không phải ai cũng may mắn như Maria Bougdanos, 78 tuổi, chủ một nhà kho ở Woodside, New York, sáng 14-10 thức dậy, thấy tranh của Banksy được “ịn” lên tường nhà mình.
Phóng to |
Không phải ai cũng “may mắn” như bà Maria Bougdanos, ngủ dậy thấy tranh Banksy được “ịn” lên tường nhà mình, kéo theo hàng trăm người hiếu kỳ tụ tập - Ảnh: NY Daily News |
“Trời đất ơi, tôi còn không biết Banksy là ai cho tới khi mở cửa ra, thấy hàng trăm người tụ tập trước nhà, xì xào bàn tán” - bà cụ cảm thán. “Nhưng tranh đẹp đấy chứ!” - bà Maria thích thú.
Vậy nên, tới thời điểm này, việc đặt câu hỏi “Banksy là ai?” xem ra đã lỗi thời. Thay vào đó, nên là “Banksy đang ở đâu?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận