21/09/2013 17:33 GMT+7

Vì sự dấn thân

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTCT - Điểm mới của giải thưởng Sách hay 2013 là hạng mục giải Phát hiện mới đã được điều chỉnh từ 1 lên 3 giải và không còn đóng khung trong nhóm ngành khoa học xã hội.

UdzeaWlW.jpgPhóng to
Bà Quách Thu Nguyệt
Giải thưởng Sách hay là một giải thưởng thường niên của Dự án Sách hay do Viện IRED tổ chức từ năm 2011. Giải thưởng Sách hay 2013 gồm bảy hạng mục: Giáo dục, Nghiên cứu, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới.

Do vậy, nếu giải thưởng Sách hay năm 2012 chỉ có một giải Phát hiện mới trao cho quyển Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú thì năm nay có tới ba ứng viên: Giã biệt hoang vu (Nguyễn Hàng Tình), Chuyện nghề của Thủy (Lê Thanh Dũng - Trần Văn Thủy), Chuyên ngành cơ khí (Tủ sách Nhất nghệ tinh của Nhà xuất bản Trẻ và Saigon Times Foundation).

Theo bà Quách Thu Nguyệt - thành viên hội đồng trao giải giải thưởng Sách hay, việc hội đồng trao giải tăng số lượng giải cho hạng mục Phát hiện mới là sự gặp nhau của những thành viên chấm giải trong đánh giá sự dấn thân của những người làm sách. Những người viết sách dấn thân, đột phá để tác phẩm ra đời là một lẽ, nhưng nếu không có những người làm sách cũng dấn thân, dù tiên lượng sẽ bị “trầy xước” khi đầu tư làm quyển này quyển kia nhưng vẫn quyết làm thì công chúng vẫn không tiếp cận được sách hay.

Như trường hợp làm quyển Chuyện nghề của Thủy, bà Nguyệt kể: “Tôi may mắn là người đầu tiên đọc bản thảo này khi Phương Nam có ý định xuất bản. Đọc xong tôi có nói với các đồng nghiệp ở Công ty văn hóa Phương Nam rằng: nếu tôi là giám đốc nhà xuất bản thì tôi cấp phép ngay. Nhưng tôi cũng lưu ý với các bạn là việc xuất bản quyển này e rằng sẽ có lực cản”.

Bà cho biết: “Điều đáng quý là Phương Nam đã quyết định làm quyển sách này. Và đáng mừng là điều này đang được cộng hưởng từ những người tích cực, vì sự tiến bộ. Như nhà văn Trung Trung Đỉnh có nói một ý thật đáng nhớ: “Tôi thấy sách hay thì làm thôi”. Riêng tôi thấy trong Chuyện nghề của Thủy nổi lên ba thông điệp chính: yêu nghề, say mê với nghề; đi đến tận cùng nghề mình đã chọn và sẵn sàng hi sinh vì nghề. Ba thông điệp ấy cũng chính là đòi hỏi dấn thân của người làm nghệ thuật: phải cháy hết mình vì nghề mới được”.

Cũng trong tinh thần đó, sự dấn thân của nhà báo Nguyễn Hàng Tình được hội đồng chấm giải Sách hay trân trọng bởi cũng như tinh thần quyết liệt với nghề của đạo diễn Trần Văn Thủy, Nguyễn Hàng Tình cũng dấn thân đến tận cùng để theo đuổi nghề của mình. Nhà văn Nguyên Ngọc đã rất xúc động khi đọc Giã biệt hoang vu. “Có hôm mới 6g sáng ông đã gọi trao đổi với tôi về quyển này trong lúc đang xét giải Sách hay” - bà Nguyệt cho biết.

Và có lẽ mọi người trong hội đồng trao giải Sách hay cũng gặp nhau ở cái nhìn và cảm nhận về vùng đất Tây nguyên hôm nay. Vùng đất này có thể bị quên lãng và những trang viết của Nguyễn Hàng Tình là tiếng gọi, là sự lay động cần thiết để mọi người cùng nghĩ, cùng chia sẻ về đất, về người, về bản sắc văn hóa và bao nhiêu giá trị khác từng hiện diện và rất cần gìn giữ tại dải đất Tây nguyên.

Chuyên ngành cơ khí là một phong vị khác được nhắm đến cho hạng mục Phát hiện mới. Nguyên tác cùng tên Chuyên ngành cơ khí là của Nhà xuất bản Đức Europa-Lehrmittel, đã tồn tại gần 60 năm tại Đức, luôn được cập nhật theo sự phát triển của ngành cơ khí.

------------------------------

“Trái chín" xin dành cho quê hương

TTCT trò chuyện với đồng dịch giả Chuyên ngành cơ khí - tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh.

ihEqmPgb.jpgPhóng to
Trao tặng sách dạy nghề cho hiệu trưởng Ngô Bá Bang (bìa phải) và học viên Trường trung cấp nghề Cơ điện Đông Nam bộ ở Đồng Nai, nơi ông Lê Tùng Hiếu (trưởng nhóm dịch thuật quyển Chuyên ngành cơ khí, bìa trái) cộng tác giảng dạy theo hệ thống đào tạo song hành của Đức

* Ông có thể nói thêm về nhóm anh em Việt kiều tham gia dịch bộ sách nghề? Nhóm được quy tụ thế nào và ai khởi xướng về ý tưởng?

- Nhóm quy tụ 20 người, gồm những người đã đi du học ở Tây Đức/Tây Berlin thập niên 1960, 1970. Đa số họ là kỹ sư, đã trải qua mấy mươi năm trong công việc ở Đức. Những anh em này là người của phong trào sinh viên yêu nước Tây Đức và Tây Berlin trong chiến tranh. Họ đã quen nhau từ đó và xuất phát từ phong trào đó. Một phần trong nhóm dịch thuật đang sống ở Đức, nay ở tuổi 55-60, một phần nhỏ đã về VN ngay từ những năm sau 1975.

Chủ trương làm sách xuất phát từ một số anh em, đặc biệt người đứng đầu là anh Đặng Văn Châm của Ủy ban Tương trợ CHLB Đức, tham gia hoạt động từ thiện cho VN từ hàng chục năm qua, trong đó có việc xây trường học cho những vùng sâu vùng xa, cấp học bổng trong chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ.

Nói chung, nhóm anh em chúng tôi làm việc không công, xuất phát từ tấm lòng muốn đóng góp vào việc dạy nghề cao cấp cho VN, một nhu cầu cấp bách cho công cuộc công nghiệp hóa.

* Và nhóm các ông đã chọn Chuyên ngành cơ khí là quyển đầu tiên trong loạt sách nghề để dịch. Các ông làm việc như thế nào?

- Quyết định chọn Chuyên ngành cơ khí để dịch đầu tiên có lẽ do có khá nhiều anh em từng học cơ khí ở Đức. Cơ khí là ngành rất quan trọng của Đức cho chế tạo máy. Nước Đức có uy tín hàng đầu về cơ khí chính xác và các sản phẩm công nghiệp của họ hiện diện trên thị trường quốc tế.

Giới công nghiệp VN, kể cả những ai từng xài máy móc Đức, có thể xác nhận điều đó, từ chiếc máy nhỏ xíu là cái tôngđơ hớt tóc đến các nhà máy chế biến, nhà máy bia (đa số nhập từ Đức), nhà máy chế biến lông vịt, máy in, nhà máy điện (Siemens chẳng hạn)... Về cách làm việc, 20 người chúng tôi chia nhau ra dịch theo chuyên ngành của mình và bàn luận qua mạng từng ngày để thống nhất từ ngữ một cách tốt nhất.

* Chuyên ngành cơ khí bản tiếng Việt mới ra mắt tháng 4-2013, nhưng ông có thể nói gì về các phản hồi vừa nhận được?

- Phản hồi đến nay là rất tốt từ phía các trường lẫn học viên. Tuy giá sách rất cao (dày 625 trang, giá 560.000 đồng) nhưng hiện nay sách bán đã gần hết và chúng tôi đang nghĩ đến việc tái bản. Công ty Bosch mua số lượng lớn cho trường dạy nghề của họ. Tổng cục Dạy nghề cũng thế.

Giám đốc một trường dạy nghề tư ở Bình Dương của một doanh nhân Thụy Sĩ nói ông rất mừng vì quyển sách phục vụ tốt việc giảng dạy. Trường cao đẳng nghề Lilama cũng vậy. Một vài tổ chức của doanh nhân Đức sẽ “vào cuộc” hỗ trợ chương trình dịch thuật.

* Những quyển sắp tới sẽ được tổ chức thế nào? Đang ở giai đoạn nào?

- Quyển sắp xong là về điện, cũng là một ngành rất quan trọng trong công nghiệp Đức mà bản thảo giao trong tuần này. Nói chung tất cả mười đầu sách được dịch thuật đều phục vụ công nghiệp như hóa học, nhựa và ôtô... Nếu xuất bản xong, VN sẽ có gần 6.000 trang sách dạy nghề, giúp các cơ sở đào tạo nghề có giáo trình hiện đại, chuẩn quốc tế trong việc đào tạo nghề chất lượng cao.

* Từ phong trào yêu nước mà các ông từng tham gia khi còn đi du học ở Đức đến việc bỏ công sức cho bộ sách nghề này cho thấy một tinh thần cống hiến và dấn thân thật sự của người trí thức. Quyển sách, hay nói đúng hơn là công trình của các ông, đã được nhìn nhận và đánh giá cao của hội đồng giám khảo Sách hay 2013. Ông nghĩ sao về sự đánh giá này?

- Đây là một tin mới và rất vui cho các anh em đang làm công việc chuyển ngữ hết sức công phu này, một sự công nhận xứng đáng khiến tôi tin việc dạy nghề chất lượng cao sẽ có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ. Trong khi xã hội đang lao vào giành cấp bằng có danh nhưng đôi khi vô thực, họ đã bỏ quên mảng dạy nghề để phục vụ xã hội rất đáng vinh danh này.

Không có những người thợ lành nghề, tay nghề cao thì không thể xây dựng một xã hội phồn vinh được. Lịch sử VN thiếu hẳn khâu mắt xích cực kỳ quan trọng trong việc giữ nước: kỹ thuật, và lớn hơn: khoa học, người anh em của nó. Hơn bao giờ hết, VN phải phát triển kỹ thuật và những người thợ thật lành nghề, những người giúp tạo sự chuyển biến xã hội từ tầng dưới căn bản.

Xây dựng đất nước phải cần đến trí tuệ, tri thức hữu dụng. Và các bạn Việt kiều Đức đã thể hiện điều đó với một quyết tâm và tấm lòng. Quyết định dịch sách là khúc quanh thứ hai trong đời sống anh chị em Việt kiều CHLB Đức. Đóng góp của tập thể dịch thuật là một sự dấn thân tiếp nối sự dấn thân trước đây của tập thể sinh viên VN tại CHLB Đức, nhưng ngày nay được xây dựng trên cơ sở rộng rãi hơn nữa, bằng những kinh nghiệm và tri thức thu lượm được của mình.

Tập thể chúng tôi đã “chín muồi” về tuổi đời và tay nghề và “trái chín” này xin dành cho quê hương.

TTCT thực hiện

Ai đã làm cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 18 ở Anh? Các thợ thủ công, artisan. Ai đã làm cuộc cách mạng công nghiệp Đức đầu thế kỷ 19? Thợ thủ công, handwerker. Ai xây những nhà thờ sừng sững vĩ đại thời trung cổ châu Âu? Thợ thủ công, virtuosi. Ai đóng những đội thuyền của phương Tây cho các cuộc chinh phục thế giới? Thợ thủ công. Xin hiểu: đó là những thợ thủ công chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật của phương Tây.

L. Sprague de Camp đã nói: “Lịch sử của văn minh, trong một ý nghĩa, là lịch sử của kỹ thuật, của cuộc chiến đấu lâu dài và gian nan để biến các sức mạnh của hoạt động thiên nhiên thành cái tốt, hữu ích của con người”.

Trích bài giới thiệu bộ sách Chuyên ngành cơ khí của TS Nguyễn Xuân Xanh

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên