03/09/2013 15:45 GMT+7

Tôi đưa con đi thi The Voice Kids

LƯƠNG QUỐC THÁI
LƯƠNG QUỐC THÁI

TTO - Câu chuyện “cười ra nước mắt” kể quá trình đưa con đi thi The Voice Kids của anh Lương Quốc Thái - phụ huynh thí sinh Lương Thùy Mai (đội HLV Thanh Bùi) - đang gây xôn xao dư luận.

KYMrSejY.jpgPhóng to
Thí sinh Lương Thùy Mai hát trên sân khấu The Voice Kids (trái) và cha của em, anh Lương Quốc Thái nấu ăn ở toalet tại khách sạn trong những ngày đưa con đi thi. Ảnh facebook anh Thái.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của Lương Quốc Thái, phụ huynh của thí sinh Lương Thùy Mai tham dự cuộc thi The Voice Kids 2013 để cung cấp thêm một góc nhìn khác từ những người trong cuộc.

Sung sướng!

Đầu tháng 5, đứa con gái nhỏ đi học về thì thầm: "Bố cho con đi thi The Voice Kids". Nghe con nói mà giật mình. Chương trình này đâu có đất dành cho những đứa chưa có một chữ thanh nhạc bẻ đôi như con mình? Nghĩ sao làm vậy, tôi bảo con bé: "Thôi con, thi làm gì? Nhà mình không có "mả" hát".

Nói vậy nhưng cuối cùng tôi cũng cố gắng tìm hiểu format chương trình và cũng nghĩ đơn giản: Chiều cho nó đến vòng gửi xe rồi về.

Sau 2 vòng sơ khảo, một ngày đẹp trời từ số máy 08.3xxx.xxx gọi đến thông báo: "Bé Lương Thùy Mai đã được vào vòng 'Giấu Mặt'". Nghe nội dung: "Em thông báo để gia đình sắp xếp công việc đưa cháu vào Sài Gòn” mà thấy nhẹ tênh.

Mang theo nội dung cuộc điện đàm về thông báo cho vợ, con, cả nhà nhảy lên sung sướng. Con bé sau khi vui mừng vì biết mình được vào vòng giấu mặt thì liếc xéo sang bố: "Vậy là con đã qua vòng gửi xe rồi nhé".

Sau một hồi tính lui, bàn tới, cuối cùng cả nhà ra nghị quyết: Bố sẽ là người sát cánh bên con gái trong suốt quá trình vào TP HCM thi "giấu mặt". Thống nhất xong trong gia đình, tôi vội vàng gọi điện vào cho Ban tổ chức (BTC) để họ book vé máy bay (chả là BTC lo vé máy bay và khách sạn cho thí sinh).

Hồi hộp, phấn khởi, cuối cùng "giờ G" cũng điểm. Hai bố con vác ba lô lên đường ra sân bay. Mẹ và chị gái không chịu ngồi yên ở nhà mà quyết định cả nhà sẽ đi xe máy ra sân bay. Check in, vào phòng đợi, rồi cuối cùng hai bố con bước lên máy bay. TP HCM đón hai bố con bằng một trận mưa tầm tã.

Hai tuần đầu tiên ở TP HCM quay cuồng với lịch quay clip, phỏng vấn. Lên số 5 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 để phỏng vấn, rồi chạy về Hồng Hà, Quận Gò Vấp. Rời Gò Vấp lại chạy về Q.3, tất cả đều được bác taxi "giúp". Tuần đầu tiên, số tiền mang theo gần hai chục triệu đồng (chỉ phải lo ăn uống như dự kiến) đã vèo mất gần một nửa.

Tính sơ sơ thế này: Khoảng 300.000 đồng tiền taxi, ăn sáng hai bố con mất gần 100.000 đồng, cơm trưa Bà Cả Q.1 (đúng vị Bắc) 100.000 - 130.000 đồng cho 2 suất. Chiều cũng vậy. Rồi nước uống, sữa, trái cây để bồi dưỡng cho thí sinh, mỗi ngày cũng tầm 600.000 - 800.000 đồng.

Thế rồi cái gì đến cũng sẽ đến, vòng thi "Giấu mặt" cũng diễn ra. Trong số 80 bé (về sau được biết còn 67 bé) dự thi thì chỉ có 45 bé được đi tiếp vào vòng trong. Bé nhà mình là một trong số 45 bé.

Sướng! Bố chấp nhận mất tiền để con được vui. Mang cảm giác lâng lâng khó tả, hai bố con tạm biệt TP HCM để quay về Hà Nội. Tới nhà, đón hai bố con với niềm hân hoan, bữa liên hoan nhẹ có gà và nhiều món khoái khẩu được bày ra.

Sau bữa tối, khi chỉ còn hai vợ chồng, niềm vui vẫn còn vương vất nhưng liền sau đó vết nhăn thoáng qua trên trán vợ bởi số tiền mang theo trong ví giờ chỉ còn tính bằng trăm nghìn.

Cày! Câu đầu tiên mình nói với vợ sau khi móc ví ra trình bày: "Anh sẽ cày để tiếp tục đưa con đi thi".

Lo lắng!

Sau hai tuần nghỉ ngơi, Ban tổ chức gọi điện yêu cầu tiếp tục vào TP HCM để thi vòng "Đối đầu" (dĩ nhiên, vé máy bay vẫn do Ban tổ chức tài trợ). Rút kinh nghiệm ở vòng thi "Giấu mặt", mình đã quen với nhiều bố mẹ các bé hơn, đặc biệt là sẽ phải siết chặt hầu bao hơn để "chiến đấu" trong những ngày ở TP HCM. Sáng sớm ngày khởi hành, bà xã phóng xe ào ra chợ đầu mối mua liền mấy cân thịt nạc. Giời ạ! Để làm ruốc cho hai bố con ăn dần.

Bà xã định kho thêm một nồi thịt và thêm con gà rang gừng nhưng tôi không chịu. Nhưng hộp ruốc thì không thể không mang theo. Rồi mật ong, nước mơ, đường... tóm lại, bớt đồng nào hay đồng ấy. Mang từ nhà đi vừa an toàn lại đỡ tốn tiền mua. (À mà quên, tôi còn cố nhét thêm một chai rượu ngâm táo mèo vào cái vali đã chật cứng và không quên nháy mắt với con gái lớn: "Trong ấy không có rượu con ạ!").

Lần thứ hai có mặt ở TP HCM, Ban tổ chức bố trí cho hai bố con ở khách sạn tại Q.1. Cùng chung phòng còn có bố của bé Thu Hà (Nghệ An). Vậy là ngon! Hai ông bố chăm hai cô con gái.

Buổi tối đầu tiên khi ở cùng phòng, hai anh em (tôi và bố bé Hà) bàn nhau: "Ăn cơm Bà Cả như vậy tốn kém quá. Từ ngày mai, anh em ta sẽ không mua theo suất mà mua cơm riêng, thức ăn riêng. Nghĩa là 4 người mua 4 hộp cơm (giá có 6.000 đồng một hộp). Còn thức ăn mặn thì mua 30.000 đồng thịt kho, 30.000 đồng món mặn khác và cuối cùng thêm 10.000 đồng canh là ổn. Tổng cộng 4 suất hết có 96.000 đồng. Sau đó mang về phòng ăn, vừa mát lại vừa rẻ". Haha! Tính ra một suất chỉ chưa đến 25.000 đồng. Tính sao, làm vậy. Hai anh em góp tiền mỗi nhà 500.000 đồng, đưa bố bé Hà làm thủ quỹ. Hàng ngày đến bữa hai bố cùng đi mua cơm.

Quả thật! Tính toán của mình mang lại hiệu quả cao. Cơm vẫn no, thức ăn vừa đủ, canh cũng có mà rẻ. Thế này thì hai bố con yên tâm "chiến đấu" tiếp, không lo gì nữa. Được dăm ngày, mình đem câu chuyện mua cơm "giá rẻ" khoe với mấy phụ huynh khác cũng đưa con đi thi và mọi người đều hưởng ứng. Thế là đồng loạt các bố các mẹ áp dụng "sáng kiến" của mình.

Nhưng mình tính không bằng chủ quán tính. Hôm sau đi mua cơm, giá một hộp cơm vẫn nguyên 6.000 đồng nhưng thức ăn thì khác. Hôm trước mua 30.000 đồng được bốn con mực nhồi thịt thì hôm nay chỉ được một con (vẫn những con mực nhỏ nhỏ như thế). Hôm trước mua 30.000 đồng thịt kho tàu được tôi gần 1 bát con thì hôm sau được 5 miếng.

Chuyện ăn đã khổ như vậy nhưng chuyện ngủ cũng khổ không kém. Chả là cứ hai thí sinh được bố trí ở một phòng, vì thế khi vừa mới vào thì hai ông bố có hai con gái ở với nhau, hai bà mẹ có hai con trai ở với nhau. Khi không ghép được thì bố có con trai ở cùng phòng với mẹ cũng có con trai. Haha! Kết quả là nhiều buổi trưa có bố cứ trầm ngâm ở dưới lễ tân không về phòng. Đơn giản vì... bất tiện!

Đấy là ngủ, còn giặt giũ thì có cả một câu chuyện dài để nói. Số là khách sạn MKL không cho giặt giũ và phơi trong phòng, nếu bắt gặp phơi đồ trong phòng thì đồng nghĩa đã giặt và phải nộp phạt 100.000 đồng một lần. Dĩ nhiên, quần áo không thể mặc từ ngày này sang ngày khác mà theo lý giải của nhân viên khách sạn thì cứ đưa quần áo cho họ giặt, vừa được hong phơi ngoài nắng, vừa được là ủi phẳng lì, không lo bị phạt mà còn mang lại mĩ quan cho căn phòng nên có phụ huynh đã áp dụng luôn.

Riêng tôi vì áp dụng chính sách "siết chặt hầu bao" nên vẫn lén lút giặt buổi tối. Sau khi giặt xong, vắt kiệt nước rồi dùng khăn tắm khô áp vào quần áo ướt để hút nước thêm một lần nữa, sau đó đem treo trong phòng. Đúng là "nhất cử lưỡng tiện", vừa tạo thêm độ ẩm cho căn phòng bật điều hòa 24/24, vừa khô quần áo và quan trọng hơn là không ai bắt quả tang được mình vì những hoạt động này chỉ diễn ra từ sau 21h đến trước 8h sáng hôm sau.

Quay lại câu chuyện của vị phụ huynh nọ, sau 1 tuần sung sướng, nghe đâu phải trả hơn 1,7 triệu đồng tiền giặt quần áo thì tái xanh mặt và không dám thuê giặt nữa và cũng không giặt quần áo luôn. Hậu quả biết liền! Một phụ huynh của thí sinh ở cùng phòng với phụ huynh và thí sinh (không giặt) nọ cứ nằng nặc đòi chuyển phòng hoặc không về khách sạn ở nữa, mùi quá.

Vượt qua tất cả các khó khăn ấy, cuối cùng vòng thi "Đối đầu" cũng diễn ra. 3 loại 2 lấy 1, nghĩa là từ 45 thí sinh của 3 đội (15 thí sinh một đội) sau khi "Đối đầu" thì 10 bé phải chia tay, chỉ có 5 bé được giữ lại. Khốc liệt!

Những câu chuyện cảm động, những giọt nước mắt sẻ chia không chỉ của người lớn có con đi thi mà cả của tụi nhỏ - những thí sinh. Bởi, sau thời gian làm quen, tập luyện và chơi chung với nhau việc "Đi - ở" khiến cho tình cảm của mọi người như gần nhau hơn, chính vì thế những lo toan trước đó tan biến. Dĩ nhiên khán giả truyền hình sẽ được xem một chương trình hấp dẫn với đầy cảm xúc trong đó mà tôi chắc rằng không ít người cũng không cầm được nước mắt. Chợt nghĩ, rating chương trình này từ đây chắc chắn sẽ tăng vọt và giá quảng cáo chắc cũng đội lên không ít.

Nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ việc tôi quan tâm là hầu bao của mình đã mỏng đi nhanh chóng và thời gian nghỉ việc để đưa con đi đã chuyển sang giai đoạn tự túc – nghỉ không lương. Nói dại, cơ quan thấy mình nghỉ lâu quá lại cho nghỉ việc thì đúng là chết dở.

Quay lại vòng thi “Đối đầu”. Sau hơn 3 tuần ăn trực nằm chờ, đưa đưa, đón đón rồi chạy ngược chạy xuôi để thực hiện các cuộc phỏng vấn và clip do Ban tổ chức yêu cầu (dĩ nhiên phương tiện vẫn do mình tự túc) cũng được kết thúc bằng hai buổi ghi hình. Cùng với những giọt nước mắt của các cháu thí sinh (đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới) và sự xuýt xoa tiếc rẻ của không ít ông bố bà mẹ thì tôi lại bình tĩnh lạ thường. Bắt đầu hiểu!

Chia tay 30 bé bị loại, 15 bé trong đó có con mình lại một lần nữa được đi tiếp vào vòng sau - vòng "Liveshow". Một lần nữa hai bố con tôi lại chia tay TP HCM quay về Hà Nội. Bước xuống sân bay, hai bố con định đi taxi về cho nhanh nhưng khi sờ đến ví tiền thì không còn đủ 350.000 đồng, vậy là lếch thếch kéo vali đi bộ ra bến xe bus. Mất có 14.000 đồng cho hai vé xe chặng 1 và 10.000 đồng hai vé chặng 2. Sau gần 2 tiếng, bố con tôi đã về đến nhà, phấn khởi, hồ hởi, nhiều bé con hàng xóm sang nhìn mặt chị Mai... lên tivi.

Con mình sắp nổi tiếng!

Buổi tối, cơm nước xong, vẫn điệp khúc cũ, bà xã hỏi: "Bố con chi tiêu hơn hai chục ngày trong ấy thế nào?" Hờ hờ! Lại kiểm tra ví tiền mình đây mà!

Không nói gì, mà biết nói gì bây giờ? Buông mình xuống ghế, tôi trả lời: “Em yên tâm, đâu sẽ vào đó, thịt chó sẽ có mắm tôm!” Biết tính mình, bà xã thở dài và đi lên phòng. Nhăn nhó!

Trước khi bắt đầu phần ba thì xin bổ sung thêm một chút cho phần 2 còn thiếu (dĩ nhiên là không thể đầy đủ được). Số là ngay trước khi bước vào vòng thi "Đối đầu", ngay tại sân khấu tổng duyệt, người của Ban tổ chức đưa cho mỗi phụ huynh một hợp đồng với những điều khoản và cam kết không thể không ký, dù đọc xong cảm thấy cực kỳ ấm ức.

Cái "Hợp đồng" đã không được áp dụng trong trường hợp này. Bởi "Hợp đồng theo nghĩa chung nhất là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ cụ thể".

Mà đã không có "sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ" thì còn gì gọi là hợp đồng nữa. Đây cũng là mấu chốt để những ai trót "trèo lên lưng cọp" rồi sẽ rất khó để xuống.

Cau có!

Không để thời gian trôi qua vô ích, tôi bắt tay ngay vào công việc đồng thời tranh thủ "cày thêm bên ngoài" để tiếp tục lấy tiền đưa con đi TP HCM tham gia vòng "Liveshow".

Con bé sau 2 vòng thi đã bắt đầu có dấu hiệu "hết sung" và muốn được về quê hoặc ít ra được đi đâu đó. Tuy nhiên việc về quê lúc này là cả vấn đề vì tôi cần dồn "tâm, sức, lực" để kiếm tiền đã. Về quê không được đã đành, có vé mời đi Công viên nước Hồ Tây của bố mẹ cu Min nhà đối diện mà cũng không thể bố trí đưa con đi được. Ức chế!

Quay trở lại một chút, sau vòng "Đối đầu", con bé nhà mình cùng 14 thí sinh (cùng đội) được Huấn luyện viên (HLV) Thanh Bùi tặng 1 suất học bổng trị giá 8,5 triệu đồng mỗi bé và có giá trị từ đầu tháng 7. Như thế giai đoạn nghỉ ngơi ở Hà Nội của con gái và thời gian "cày cuốc" của tôi đã ngắn giờ lại càng ngắn hơn.

Hơn 1 tuần ở Hà Nội "nghỉ ngơi" nhanh chóng kết thúc. Theo thư mời học bổng (Soul academy), đúng ngày 3/7 có lịch học buổi đầu tiên của bé tại trường. Thôi thì đằng nào cũng phải vào, chỉ là trước hay đúng ngày của Ban tổ chức, hơn nữa vào sớm thì được học thêm thanh nhạc với thầy chứ vào muộn thì...

Thế là hai bố con tôi lại tiếp tục khăn gói lên đường vào TP HCM lần 3 đúng vào ngày 3/7 (trước lịch tập trung của Ban tổ chức The Voice Kids 10 ngày).

Có một sự may mắn khi HLV Thanh Bùi đã bỏ tiền túi để thuê một căn hộ gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng ăn cùng nhà bếp với đầy đủ tiện nghi tại cho 3 bé là Vũ Song Vũ, Trần Ngọc Duy và Bé Thùy Mai nhà tôi.

Đồ đạc đã có sẵn, bọn trẻ tha hồ tung tăng, ngủ dậy thì xuống tầng 2 ăn buffet, sau đó thì luyện thanh rồi đi bơi, trưa thì đã có các bố mẹ nấu ăn, buổi chiều đến Soul Academy học, về lại luyện thanh, lại bơi... Nhưng thời gian ở đây chẳng mấy lúc cũng kết thúc để trở về khách sạn, nơi tập trung các thí sinh của 3 đội (ở các tỉnh ngoài TP HCM) ngày 13/7.

Tiếp tục những ngày với lịch học dày đặc, thanh nhạc, tập với ban nhạc, tập nhảy tại trường của HLV và phỏng vấn, ghi hình, clip... (dĩ nhiên vẫn di chuyển tự túc).

Ngày nào cũng taxi, taxi khiến cho tôi thấy chán TP HCM. Chán! Không phải vì thành phố này không đẹp, không xanh, mà ở cách phân luồng giao thông. Nghĩa là, gần như đường một chiều. Chính vì phân luồng như thế nên đường đi cũng dài hơn và tiền taxi của tôi phải trả cũng nhiều hơn. Tóm lại, mất nhiều tiền là chán.

Lại nói về việc ăn và và sinh hoạt. Lần này Ban tổ chức bố trí cho các thí sinh và gia đình ở khách sạn TN, 230 Lý Tự Trọng và hai bố con nhà tôi cùng hai bố con nhà bé Thu Hà (Nghệ An) lại đăng ký ở cùng phòng với nhau.

Rút kinh nghiệm của tất cả những lần trước kết hợp với khả năng ngoại giao, tôi đã "nói khó" với nhân viên dọn phòng ở khách sạn là: "Bọn anh ở ngoài Hà Nội vào ăn không hợp, vì thế cho anh nấu thức ăn ở trong toilet nhé! Đảm bảo giữ vệ sinh và không tạo mùi nấu nướng trong khách sạn".

Ơn trời! Mấy cô nhân viên cũng tốt bụng"ừ" cho mình nhưng cũng không quên nhắc khéo: "Cho mấy anh nấu thì mấy anh giữ gìn sạch sẽ, chứ chủ khách sạn biết thì em bị đuổi việc".

Đổi lại sự "hỗ trợ" của nhân viên dọn phòng, tôi và bố bé Thu Hà cũng tạo điều kiện cho họ bằng cách: "Tụi anh sạch sẽ và tự dọn phòng được, em khỏi phải vất vả". Haiz. Vậy là khâu ngoại giao đã xong, bây giờ là nấu nướng!

Tôi cùng mẹ Vũ Song Vũ (Hải Phòng), bố của Thu Hà (Nghệ An), hai chị em nhà Ngọc Duy (Hải Dương) sắm đồ nghề để nấu nướng (thực ra là chỉ có tôi và mẹ Vũ Song Vũ mua sắm). Nào là nồi cơm điện, bếp gas mini, xoong nhôm nấu canh, bát ăn cơm, đũa, lọ đựng gia vị, thớt, dao, chảo chống dính...

Đúng như một gia đình nhỏ. Dĩ nhiên toilet của phòng tôi thành nhà bếp dã chiến, gần đến bữa thì trong toilet cứ gọi là rộn ràng, ầm ĩ. Người vào, người ra, người đứng, người ngồi y như là trảy hội.

Chính vì nấu ăn trong phòng nên mùi hành, mùi tỏi (phải cho nhiều tỏi để tăng sức đề kháng cho các cháu), mùi dầu mỡ... cứ gọi là thơm lừng. Nấu trong toilet, giặt giũ trong toilet, phơi phóng cũng trong toilet nên quần áo, chăn ga gối đệm trong phòng tôi lúc nào cũng "thơm mùi hành tỏi".

Thậm chí, có hôm đưa con đi ghép nhạc tôi phải chui tận xuống cuối phòng, cách xa 5m các mẹ các chị khác, chỉ vì nấu ăn xong, sát giờ quá nên chưa kịp thay áo.

Ròng rã được hơn nửa tháng như vậy thì hai chị em nhà Ngọc Duy tách ra, không nấu ăn cùng nữa và mẹ con nhà cậu bé Vũ Song Vũ cũng thuê một cửa hàng ở ngoài để kinh doanh (mẹ Vũ quyết định chuyển vào TP HCM để tạo điều kiện cho con). Bổ sung vào "danh sách đang khuyết", mẹ của bé Khánh Hà (Hà Nội) cũng gửi gắm cháu cho các chú nấu ăn giúp.

Vậy là toilet phòng tôi vẫn đông đúc như này nào. Rõ ràng là rất tiết kiệm, hợp vệ sinh, an toàn và đảm bảo sức khỏe cho các con. Bằng chứng là sau hơn một tháng "vật lộn" thì trong số tất cả các bé không có ai bị ốm cả. Giỏi chưa? (chưa có tí cau có nào nhỉ?).

Lịch "làm việc” của hai ông bố (tôi và bố bé Thu Hà) đều như vắt chanh như sau: Sáng dậy cho con ăn sáng, đi bộ ra chợ Bến Thành mua thức ăn cho cả ngày về nấu nướng, chiều mỗi bố đưa con theo một ngả (hai bé ở hai đội khác nhau nên lịch tập, thời gian tập, địa điểm tập cũng khác nhau) để rồi cuối ngày "tụ lại" để chuẩn bị cho bữa tối.

Công việc cũng được phân công rất rõ ràng như sau: Đi chợ - Cùng nhau. Nấu nướng tôi đảm nhận, ăn xong trong lúc bố bé Hà dọn dẹp và rửa bát thì tôi đi đun nước pha trà (chả là sáng nào ra chợ Bến Thành mua đồ ăn thì tôi cũng kèm thêm bó trà xanh). Sau đó lần lượt các con đi tắm, rồi các bố tắm. Cuối cùng không ai bảo ai, hai bố cứ thay phiên vụ giặt giũ cho tất cả 4 người.

Khổ nỗi, cái món "luyện thanh" với "mở khẩu hình" đều được các con thực hiện vào buổi tối (sau khi ăn xong và nghỉ ngơi) vì thế cứ tầm tám rưỡi, chín giờ tối là các con đóng cửa và đề nghị bố ra ngoài. Xác định: Đi là để phục vụ con nên hai "thằng già" nhìn nhau rồi cũng kiếm chỗ chơi.

Đầu tiên là đi cafe giết thời gian. Gọi ly cafe đen đá ngồi nhâm nhi từng giọt, đếm đến mười rưỡi hoặc 11 giờ thì hai anh em nháy nhau về. Bọn trẻ lúc này tập luyện cũng đã xong và rủ nhau sang phòng The Voice (lớn) hoặc sang phòng khác chơi. Lại một công đoạn nữa là đi tìm gọi con về đi ngủ để chuẩn bị cho ngày mai (chẳng đứa nào chịu cầm theo điện thoại) nên cứ đi gõ cửa từng phòng để tìm.

Lại nói về cafe tối. Do không quen nên khi các con đã yên giấc thì nhà tôi trằn trọc. Hai mắt cứ mở thao láo và đầu thì tỉnh như sáo. Cáu! Cứ tưởng chỉ có tôi mới mất ngủ ai dè bố bé Hà cũng vậy. Loay hoay, lục đục cả đêm, tới gần sáng mới chợp mắt được một tẹo.

Tình trạng ấy kéo dài cả tuần thì chịu không nổi nữa. Sáng ra, mắt ông nào cũng đỏ đòng đọc, còn tóc thì bạc trông thấy. Tình trạng cafe tối vì thế cũng chấm dứt. Chẳng còn chuyện gì chơi mà buổi tối rỗi rãi nên mấy bố quay sang đánh phỏm. Thôi thì con luyện thanh còn bố luyện "đan quạt".

Những ngày đầu, ai cũng giữ ý không dám chơi to, chỉ là "gà vịt" 2.000 đồng, 4.000 đồng. Đánh đến 23h hoặc 23h30 là nghỉ. Giết thời gian thôi mà. Với lại thời gian ngắn nên ông nào đen quá mất nhiều lắm thì chỉ vài chục nghìn là cùng - chuyện cay cú, ăn thua chắc sẽ không xảy ra.

Chơi được vài buổi, một hôm phụ huynh một bé (nghe nói nhà rất giàu) đen quá. Đánh từ hơn 21h đến 23h toàn thua nên đề nghị đánh thêm. Thời gian chốt dừng lại được ấn định là 0h30. Đồng ý, cho ông ấy gỡ, tất cả đều thống nhất. Kết cục là đến 0h30 bác ấy gỡ lại được 50 nghìn, vẫn thua 30 nghìn. Cầm mớ tiền lẻ 1 nghìn, 2 nghìn trên tay vừa đếm bác ấy vừa nói: "Đen quá! Mất bát canh rồi!". "Ô hô! Thôi xong rồi, tưởng chỉ là chơi vui, giết thời gian, giờ có tí cay cú rồi" - tôi nghĩ.

Về đến phòng, tôi bảo bố bé Thu Hà: “Bác, mai bác thích xuống dưới phòng ấy chơi thì cứ chơi nhé, em không chơi nữa”. Bố bé Hà ngạc nhiên hỏi lại: "Sao thế?" Tôi mới nói lại câu nói của ông bố thí sinh lúc trước. Bố bé Hà mới ngẩn tò te và đáp một câu: "Ừ nhỉ, thế mà anh không để ý". "Haha! Để ý làm sao được vì ông có mất tiền đâu, chẳng qua là tôi hóng giỏi nên mới nghe được" Tôi đáp.

Ngủ!

Hôm sau, đến hẹn lại lên, đang ăn cơm tối thì ngoài cửa bọn trẻ (đều là thí sinh The Voice Kids) đã thập thò. Chúng nó cũng tụ tập nhưng là để luyện thanh. Thế là cơm xong, nhường phòng cho các con, hai ông bố lại lang thang xuống đường, đi chán vẫn chưa thấy đến 22h. Về phòng thì chưa được mà cafe thì mất ngủ, cuối cùng ma xui quỷ khiến thế nào lại quay về cái phòng cần quay - "Phòng họp". Riêng tôi, vì đã trót nói không chơi nữa nên khi về phòng đó chỉ ngồi ké, dù thực sự đang thiếu một chân.

Quay lại chuyện thi hát của con. Sau hơn 20 ngày liên tục với lịch nấu ăn, tập luyện, cuối cùng cũng được Ban tổ chức nhắn tin thông báo (mọi thông báo đều được nhắn tin) lịch ghép nhạc, lịch ghi hình clip, phỏng vấn và ngày chính thức diễn ra Liveshow 1.

Trước ngày diễn ra Liveshow 1 đâu chừng 1 tuần gì đó, 15 thí sinh nhận được một thông tin vui lắm lắm. Đó là: Được ký hợp đồng thu âm với một hãng thu âm nổi tiếng trên thế giới. Ôi cha mẹ ơi! Đời con tôi sắp lên tiên rồi!

Ngày ký hợp đồng được ấn định tại tòa nhà sang trọng ngay trung tâm quận 1. Hơn 30 con người (15 thí sinh và người nhà thí sinh) có mặt đúng giờ và được đưa vào một phòng họp nhỏ nhưng khá khang trang, được trang bị video để có thể hỏi đáp trực tuyến.

Vì phòng họp nhỏ nên ai đến trước thì ngồi, ai đến sau thì đứng. Sau khi ổn định chỗ đứng, ngồi và mỗi người được phát một bản hợp đồng bằng tiếng Anh và một bản bằng tiếng Việt thì tiếng loa vang lên. Trên màn hình tivi gắn trên bức tường đầu phòng họp xuất hiện một cô gái (tôi không nhìn rõ mặt) nhưng tự giới thiệu là luật sư đại diện của hãng thu âm nổi tiếng nọ ở Việt Nam. Giọng rất nhẹ, tiếng cô gái trong tivi nhắc mọi người đọc kỹ hợp đồng và có thắc mắc gì thì hỏi để được giải đáp luôn.

Tôi đọc lướt nhanh các điều khoản thì thấy chẳng có điều khoản nào bên B (bên thí sinh) có lợi cả. Không những thế tại điều 4 hay 5 gì đó còn ghi rất rõ, tôi không nhớ từng câu từng chữ nhưng nội dung nổi bật là: Nếu không ký hợp đồng thì đồng nghĩa với việc phải rời cuộc thi và thay thế bằng thí sinh khác.

Thế này thì chết tôi à? Rồi ở cái điều khoản số mười mấy còn ghi: Nếu làm lộ nội dung hợp đồng thì bị phạt 10.000 USD. Phòng điều hòa 21 – 22 độ mà mặt tôi bừng bừng. Nóng!

Thôi, thế này thì xong rồi. Lấy hết bình tĩnh, tôi mới hỏi cái cô luật sư trên tivi, rằng thì là: "Em ơi, mình có được thay đổi gì trên hợp đồng này không? Nghĩa là có thể thêm, bớt, sửa vài chữ, vài điều nào trong ấy không?" Nhẹ nhàng, em ấy trả lời: "Không anh ạ. Đây là hợp đồng toàn cầu". Xong! Mấy bà mẹ của các thí sinh khác nghe vậy liền hỏi: "Thế chị ký thế này, nếu cháu đi biểu diễn kiếm tiền ở mấy quán cafe có bị phạt không?" Luật sự trả lời: "Không chị ạ, nhưng nếu làm lớn thì báo cáo qua chúng em một câu là chúng em tạo điều kiện". Haha! Hợp đồng toàn cầu nhưng áp dụng theo cách của Việt Nam.

Thực lòng, hỏi thì hỏi vậy thôi chứ tôi chắc 100% rằng kể cả tôi hay cả 14 phụ huynh kia không ký vào hợp đồng thì tôi dám cá chẳng ai dám cho con tôi dừng thi. Đơn giản: Sóng của đài thì công ty nọ đã mua rồi, lịch phát sóng đã chốt rồi, các vòng Giấu mặt, Đối đầu cũng xong rồi. Thí sinh, huấn luyện viên, đội đã xong rồi, mà quan trọng hơn (cái này nói nhỏ), quảng cáo đã bán rồi, tài trợ xong hết quyền lợi rồi, tiền đã thu, bây giờ không có thí sinh, nghĩa là không có chương trình thì có mà "bán nhà".

Nghĩ vậy thôi chứ tôi cũng chẳng nói ra làm gì, chỉ thẽ thọt: "Vậy cho anh mang hợp đồng về nghiên cứu thêm được không?" Sau một hồi ngần ngừ thì em luật sư ấy chấp nhận với điều kiện: "Không được để lộ nội dung bản hợp đồng này, nếu không sẽ bị phạt".

Đáp lại, tôi vừa nháy mắt với em ấy vừa nói: "Em yên tâm, anh sẽ không để lộ đâu hoặc ít ra em cũng không đủ chứng cứ chứng minh anh làm lộ đâu. Haha!" Không riêng tôi, hình như cũng có 4, 5 phụ huynh khác không ký và mang về, còn đa phần ai cũng ký hết. "Không con không được thi thì sao?" Cáu!

Thế rồi Liveshow 1 cũng đến. Trước ngày diễn ra buổi phát sóng trực tiếp 2 ngày, 9 thí sinh trong số 15 thí sinh đã được đưa đến trường quay để tổng duyệt và chạy đường dây. Dĩ nhiên 6 thí sinh còn lại cũng phải có mặt để chào sân khấu và thực hiện tặng hoa theo kịch bản. Do sân khấu tại 212 Lý Chính Thắng (nơi diễn ra liveshow) khá nhỏ, khoảng 200 chỗ ngồi nên mỗi gia đình thí sinh cũng được Ban tổ chức phát cho 3 vé mời (ngoài phụ huynh và thí sinh nghiễm nhiên không cần phải có vé).

Buổi tối liveshow 1 diễn ra, hai bố con tôi cùng gia đình các bé chưa diễn được thông báo có mặt lúc 19h30 để make up và làm tóc. Trong lúc con gái đang được make up thì cô biên tập của chương trình lôi tôi ra phỏng vấn, đề nghị nhận xét về một thí sinh khác. Ôi mẹ ơi! Đúng là làm gì cũng có kịch bản, diễn hết! Ừ, diễn thì diễn, và thế là tôi diễn! Nhận xét, đánh giá về thí sinh cứ y như vừa nghe hát xong.

Sau khi trả lời phỏng vấn xong cũng hơn 20h, con gái thì được Ban tổ chức đưa đi theo đoàn, riêng tôi phải tự vào tìm chỗ ngồi trong khu vực sân khấu. Tiếc thay khi đến cửa soát vé thì không được bảo vệ cho vào. Lý do là: “Không biết ông là ai cả, muốn vào thì bảo người của Ban tổ chức ra dẫn thì mới cho vào” mà nhân viên của Ban tổ chức lúc này bận tối mắt, còn ai mà có thời gian để ra dẫn tôi vào?

Không vào được bằng cửa chính thì tôi tìm cửa phụ. Lúc trả lời phỏng vấn đã tia thấy mấy người ra ra vào vào khu vực toilet rồi (sao mình cứ có duyên với toilet thế cơ chứ) nên tôi mon men đi về phía đã định sẵn. Đúng như dự đoán của tôi, toilet nối liền với trường quay và có thể đi vào được. Đùa! Tôi phục mình quá cơ!

Vào được rồi, bây giờ thì tìm chỗ. Khổ nỗi, không hiểu người ở đâu ra mà cả trường quay chật cứng. Ngồi không có chỗ đã đành, đứng ở đâu cũng bị đuổi. Lấy danh nghĩa phụ huynh thí sinh ra để có thể kiếm 1 chỗ đứng cũng không được, một cậu vừa xấu, vừa đen, bước lạch bạch như vịt ra bảo: "Phụ huynh em cũng chịu, mời anh ra chỗ khác". Mà ra đâu? Trả lời mình một câu ngắn gọn: "Anh ra đâu thì ra, không được đứng ở đây". Tôi chửi thầm. "Chẳng lẽ bố mày đưa con bố mày về". Nghĩ thì nghĩ vậy chứ tôi cũng có dám chửi đâu.

Lòng vòng mãi cuối cùng bố của bé Linh Lan (đội Hiền Thục) nhìn thấy liền kéo tôi vào ngồi ké rồi ghé tai: "Em ngồi đây, anh cố chờ bé Linh Lan hát rồi ra sân bay ngay, em ngồi thế chỗ của anh. Anh phải đi Mỹ công tác".

Vậy là có chỗ ngồi!

21h15, nhạc hiệu chương trình nổi lên, những bực dọc lúc trước của tôi tan biến, tiếng vỗ tay ào ào rồi cả 15 bé lên tặng hoa và chào mọi người. Sau "màn chào hỏi", lần lượt 9 thí sinh lên sân khấu biểu diễn. Còn lại 6 bé sẽ tham gia ở Liveshow 2.

Điều ngạc nhiên là trong suốt Liveshow 1 diễn ra cho đến khi kết thúc chương trình, hai MC Trấn Thành và Thanh Thảo liên tục nhắc khán giả: "Nếu yêu quý ai trong số 15 bé thì hãy bình chọn bằng cách soạn tin nhắn theo mã số rồi gửi 7257". Khổ nỗi mới có 9 bé thi hát ở Liveshow 1 nên cũng chỉ có 9 mã số. Những bé chưa thi thì làm sao khán giả yêu quý biết mã số của bé mà nhắn tin nếu Ban tổ chức không cho chạy chữ hoặc MC đọc tên và mã số thí sinh? Buồn cười!

Để con mình không bị thua thiệt, tôi vội vàng lên Facebook để post mã số của con rồi kêu gọi mọi người ủng hộ bé. Không những thế, tôi gửi sms cho tất cả anh em, bạn bè, họ hàng gần xa được lưu trong danh bạ điện thoại. (Chẳng là trước liveshow diễn ra thì Ban tổ chức đã cho các thí sinh bốc thăm mã số ngay tại khách sạn nhưng không ai dám post lên Facebook vì liveshow chưa diễn ra, lỡ vi phạm hợp đồng đã ký thì chết dở).

Hơn 1 tiếng diễn ra show truyền hình trực tiếp, cuối cùng Liveshow 1 cũng kết thúc. Lúc vào thì Ban tổ chức đưa các con theo đoàn và quản lý các bé, sau khi tặng hoa thì tứ tán, mạnh đứa nào đứa ấy chạy, cốt để kiếm một chỗ ngồi xem các bạn biểu diễn. Chỉ khổ những thằng bố như tôi, lúc nào cũng lo con bị lạc. Khán phòng 200 chỗ ngồi giờ chật như nêm, người đông như hội. Mà hội thật chứ "như" gì nữa. Nhòm mãi cuối cùng cũng nhìn thấy con bé đứng ở tận tít xa xa đang nhún nhảy theo điệu nhạc của các bạn mà không hề quan tâm tới mọi việc xảy ra xung quanh. Ngây thơ quá con ạ!

Kết thúc 9 tiết mục cũng là lúc mọi người ào ra về. Vì sợ lạc con nên một tay vừa giơ lên vẫy, mồm liên tục kêu tên để bé nhìn thấy bố. Cuối cùng hai bố con tôi cũng cầm được tay nhau. Hú hồn!

Mừng vì chạm tay con chưa hết, sờ túi thì cái điện thoại LG L7 vừa mua cho con đã không cánh mà bay. Trước Liveshow diễn ra, tôi cứ đinh ninh rằng mỗi nhà của thí sinh chỉ được có 3 vé mời, cứ cho là thêm vé mời nhà tài trợ, rồi người của ekip sản xuất chương trình thì làm sao có phường trộm cắp, móc túi vì thế chủ quan.

Mà không chủ quan sao được, mình là phụ huynh thí sinh thật còn chẳng thể xin thêm được vé mời ngoài 3 vé ấn định thì làm sao có vé mời cho phường trộm cắp? Đã vậy, để vào được cửa thì cực kỳ khó, đường tắt qua toilet chỉ có gia đình thí sinh đi vào vì ở gần đó cũng là phòng truyền thông. Mà tôi đã bước ra khỏi trường quay đâu cơ chứ? Chưa hết bực dọc thì quay sang bên đã thấy bố bé Hữu Đại hớt hải: "Anh! Tôi vừa bị mất Iphone 5".

Ơ kìa! Thế này là thế nào? Hỏi thì cứ hỏi chứ bắc thang lên trời mà tìm câu trả lời. Nhộm nhoạm!

Con bé chưa hết phấn khởi thì đã quay sang mếu máo. Chẳng là tôi hứa sẽ tặng con chiếc điện thoại ấy khi kết thúc chương trình. Thôi thì của đi thay người.

Tiếp tục với lịch học, lịch quay clip, cuối cùng một tuần nữa cũng đến. Trước hôm diễn ra Liveshow 2, tôi được trợ lý của HLV nhắn tin về trang phục biểu diễn cho bé. Thế là hai bố con lại xấp xấp ngửa ngửa đi sắm đồ. Quả này chết rồi - tôi nghĩ.

Vòng "Đối Đầu" tôi đã vàng mắt, bở hơi tai đi lùng mua váy cho con (theo hướng dẫn của Stylist) rồi. Mà lúc ấy phải nhờ cả hai cô bạn của mẹ Vũ Song Vũ rồi cả mẹ của Vũ Song Vũ cùng phối hợp đưa đi còn chẳng tìm được, cuối cùng đến sát ngày thi "Đối đầu" thì trợ lý của HLV mới mua được rồi tặng luôn cho con cái váy và phải sửa đi sửa lại mới vừa. Bây giờ lại mua trang phục nữa thì chết dở!

Lần này, HLV thì đã hứa sẽ tặng con một chiếc áo jeans vì thế việc tiếp theo của 2 bố con là sắm giày, quần, áo phông theo gợi ý. Suốt buổi trưa hôm trước tới chiều hôm sau, tìm khắp nơi không kiếm được cái quần jeans nào cho con. Khổ nỗi, con bé nhà tôi cao 1m46 nặng có 35kg, quần người lớn thì mặc rộng mà quần trẻ em thì quá bé. Đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu vì: bé lỡ cỡ.

Suốt 2 ngày lăn lộn từ Q.1 sang Q.3, từ Sài Gòn Square sang chợ Bến Thành đều không tìm được cuối cùng hai bố con tôi bắt taxi sang đường Nguyễn Trãi ở Q.5. Ơn trời, mua được một chiếc quần jeans tạm tạm, giá 290.000 đồng, sau đó mang về Lý Tự Trọng Q.1 để thuê sửa. Thế là xong quần! Giờ đến áo phông, khi tìm mua quần thì tôi đã để ý áo nhưng cũng chẳng tìm được. Đau đầu!

Gọi điện cho người bạn thì được mách: "Anh sang bên Cao Thắng kéo dài ở Q.3 xem sao?". Thế là lại lên đường! Cuối cùng cũng mua được chiếc áo phông ưng ý giá có hơn 100.000 đồng.

Quần xong, áo xong, giờ chỉ còn mua giày nữa là ổn!

Do trước đây đã có thời gian làm việc tại TP HCM nên tôi đưa con lên Lý Chính Thắng để mua giày. Có thể nói đây là thiên đường của giày giá rẻ với đủ loại, màu sắc.

Dự định của tôi là mua một đôi "Converse nhái" cho nó rẻ nhưng tìm mãi không được. Tiền taxi đi đi, lại lại có khi còn quá tiền giày. Bực mình, hai bố con quyết định chạy thẳng về Parkson ở Q.1. Mua giày xịn cho nó oách. Tốn thì tốn rồi! 900.000 đồng cho đôi giày của con. Phấn khởi, hai bố con mang toàn bộ đồ nghề lên trường cho thầy ngắm và được gật đầu. Mừng!

Của đáng tội, con bé nhà tôi được bố mua giày xịn nên vừa về tới nhà khoe ngay với bé Thu Hà. Thấy chị (bé nhà tôi hơn Thu Hà 1 tuổi) có giày mới thì em cũng muốn có. Chẳng biết trong lúc tôi nấu ăn trong toilet, hai bố con nhà bé Hà nói gì với nhau mà khi dọn cơm ra, con bé cứ nước mắt ngắn nước mắt dài, còn ông bố thì gầm gừ: “Mi không cẩn thận, tau về Nghệ An, kệ cha mi muộn làm răng thì làm".

Mắng con thì mắng như vậy nhưng sáng hôm sau vừa ngủ dậy thì bố bé Hà đã lật đật rời phòng, đến tận gần trưa mới về và mang theo một đôi giày "converse" (nhái) và bảo con bé xỏ thử. Vẫn không vừa ý và dứt khoát không chịu đi. Đơn giản, vì giày của chị cao cổ, còn giày bố mua cho lại không phải như thế. Vậy là lại gầm lên. Cuối cùng mình phải động viên mãi và giải thích thì con bé mới xuôi xuôi nhưng vẫn không hết ấm ức.

Trước ngày Liveshow 2 diễn ra, bà xã gọi điện vào kêu nhớ con và hỏi han việc học tập của con (chả là trường của con tôi vào học từ 1/7) nên hàng ngày các bạn của cháu đều phải dùng điện thoại chụp ảnh vở viết rồi đăng lên Facebook cho con gái để học và làm bài tập. Biết vợ lo lắng và cũng có ý muốn vào TP HCM nên tôi quyết luôn: "Thôi, đói thì đói rồi, nghèo thì nghèo rồi. Em và con lớn cố gắng thu xếp để vào TP HCM nhé. Ủng hộ con!"

Ngần ngừ mãi nhưng cuối cùng bà xã và con gái cũng đi mua vé máy bay giá rẻ để vào. Sợ bé Thu Hà tủi thân, sau bữa tối, tôi mới thủ thỉ với bố bé Hà: "Hay anh cũng cho vợ vào một chuyến đi".

Trầm ngâm, bố bé Hà mới tâm sự: "Anh muốn lắm chứ, vợ anh chưa bao giờ được vào TP HCM, nhưng nói thật cả nhà tôi bây giờ không có 2 triệu đồng. Lần đưa con đi vào TP HCM này là lần thứ 5 rồi – 2 lần ra Hà Nội để sơ khảo, 3 lần vào TP. HCM. Hết sạch rồi chú ạ".

Đúng! Từ mình mà ra, tiền đâu bây giờ? Riêng vụ "ủng hộ con và em" của bà xã với con bé lớn nhà mình cũng hết hơn chục triệu (Được ở lại 2 đêm và 2 ngày ở TP HCM) rồi còn gì.

Liveshow 2 - Với bộ đồ bố mua cộng thêm cái áo thầy cho, lại được sự động viện của mẹ và chị gái, con bé nhà tôi đã có một buổi diễn có thể nói là thành công. Liveshow 2 kết thúc, trước khi chia tay trở về Hà Nội bà xã gọi riêng tôi ra rồi quyết liệt: “Nghỉ thôi anh, không thi nữa, giải cũng chẳng để làm gì.

Tất cả cũng chỉ có 1 giải nhất. Cơ hội được đào tạo thanh nhạc thì rõ ràng không có rồi trong khi trường của con đã vào học hơn 1 tháng, bao nhiêu kiến thức. Con thi xong về cũng chưa thể làm ca sĩ được, không cẩn thận sau cuộc thi đến lớp con bị tụt lại, học thì chẳng ăn ai mà hát cũng chẳng được thì thiệt thòi quá. Mà nếu nói đây là cuộc chơi thì quá tốn kém rồi anh ạ".

Tôi "Ừ" để động viên vợ ra sân bay mà trong lòng bao nhiêu nghĩ ngợi. Vợ tôi nói đúng nhưng tôi chưa muốn dừng.

Quay trở lại việc bình chọn. Liveshow 2 diễn ra sau Liveshow 1 đúng một tuần và lúc này mã số của con tôi cùng 5 thí sinh khác mới chính thức được chương trình cho lên sóng. Cơ hội cho những người yêu quý bé (nếu có) để nhắn tin ủng hộ vì thế cũng muộn hơn cả 1 tuần so với Liveshow 1 rồi.

Trong lúc chuẩn bị cho Liveshow 3, các thí sinh được nghỉ 1 tuần (không biểu diễn nhưng vẫn tập với HLV bình thường) và không để 1 tuần trôi qua vô ích, Ban tổ chức đã kết hợp với nhà tài trợ tổ chức chương trình từ thiện đan xen.

Theo thông báo của Ban tổ chức, buổi sáng chủ nhật tuần tiếp theo, các phụ huynh sẽ phải đưa thí sinh có mặt tại lúc 7h sáng, sau đó đi ô tô xuống huyện Củ Chi để tặng quà và hát ở 1 trường tiểu học. Đồng thời các bé đăng ký và gửi bài hát và tone hoặc mang theo beat (nếu có) để biểu diễn tại nơi làm từ thiện. Buổi chiều cùng ngày sẽ về bệnh viện Nhi Đồng II để tặng quà cho các bệnh nhân ung thư và chạy thận, sau đó sẽ tiếp tục hát giao lưu tại đây.

Đúng lịch hẹn, ngay từ 5h sáng các bé đã nhốn nháo gọi nhau chạy bộ ra công viên Tao Đàn tập thể dục và quan trọng hơn là "mở họng" bởi buổi sáng hầu như các bé bị "đóng họng" nên sẽ không hát được.

Tập thể dục về, tắm xong, thay quần áo và vội vàng gọi taxi để lên công ty tập trung nên nhiều bé không kịp ăn sáng. Tới nơi, Ban tổ chức đã bố trí sẵn một chiếc xe 24 chỗ ngồi cho 14 bé, các phụ huynh và toàn bộ ekip quay phim, cộng thêm 2 cô của nhà tài trợ đi cùng. (Một bé nhà có điều kiện nên tự đi xe ô tô của gia đình theo đoàn).

Cố sắp xếp và nhồi nhét, cuối cùng cũng ổn định chỗ ngồi và xe chuyển bánh. Được một đoạn thì một cô (nghe nói là của nhà tài trợ) mở máy tính và yêu cầu các bé tập hát theo bài hát của sản phẩm mà họ tài trợ. Haha! Chẳng bé nào biết! Rồi cô ấy lại mở 2 beat hai bài nữa mà cô ấy đã chọn (không phải bài các con đăng ký), yêu cầu các bé tập hát luôn trên xe. Hài thật! Mình chẳng hiểu Ban tổ chức yêu cầu các bé đăng ký bài hát làm gì khi tự kiếm bài cho các bé và lên xe rồi mới cho học. Đấy là chương trình chuyên về ca nhạc đấy!

Xe chạy hơn 2 tiếng thì tới được nơi cần đến. Nơi để làm từ thiện là 1 trường tiểu học và hôm ấy khai giảng nhưng toàn bé lớp 1 lớp 2 thì phải. Vì thế, khi tới nơi, chẳng bé nào biết Giọng hát việt nhí (The Voice Kids) là gì và cũng chẳng biết các anh chị ấy đến làm gì. Đến khi người dẫn chương trình giới thiệu 1 số thí sinh của The Voice Kids lên hát giao lưu thì các bé vẫn mắt chữ "O" mồm chữ "A".

Màn giao lưu kết thúc nhanh chóng sau vài ba bài hát cùng tiếng vỗ tay lộp bộp của trẻ nít, chuyển sang trao quà. Mỗi thí sinh của The Voice Kids được giao cho cái túi đựng kem đánh răng và bàn chải của nhà tài trợ (xin lỗi chứ cái túi thì rõ to mà tuýp thuốc đánh răng thì quá nhỏ), trao cho từng bé.

Chẳng có hàng lối, chẳng có trước sau gì cả. Các anh chị The Voice Kids cứ thấy bé nào chưa có quà là phát, phát bằng hết cho toàn bộ học sinh để đảm bảo không em nào bị thiệt thòi vì không có quà. Phát xong quà thì đồng hồ cũng chỉ 11h trưa. Nóng!

Tất cả các bé được yêu cầu lên xe để quay lại thành phố. Một phụ huynh người TP HCM hỏi tôi là: "Anh xin Ban tổ chức cho các con đi thăm địa đạo Củ Chi luôn đi, từ đây ra đó có 5km thôi. Người ta đi từ cách hàng nghìn km còn cố gắng đến thăm nữa là mình cách có 5km". Đề nghị quá đúng nên tôi hỏi ý kiến các bố, các mẹ khác và ai cũng giơ tay ủng hộ. Nhất trí xong xuôi, tôi và vài bố mẹ quay sang Ban tổ chức để đề xuất thì nhận được câu trả lời: "Xe của nhà tài trợ, họ hợp đồng chỉ đến 12h thôi nên phải về". Bó tay!

Thôi vậy! Không đi thì thôi chứ tôi cũng không hăng hái lắm, cả nhà tôi cũng từng du lịch xuyên Việt và từng tới Củ Chi rồi. Tiếc là tiếc cho các bé khác thôi. Lên xe!

Khi yên ổn trên xe xong xuôi, con bé nhà tôi và vài bé nữa bắt đầu kêu khát nước. Quay sang hỏi Ban tổ chức xin nước uống thì được trả lời ráo hoảnh: "Không có nước!". Ôi! Thế này thì không được rồi! Quá thể quá! Con người ta đi từ sáng sớm, đã không được ăn gì rồi, bây giờ đến cả cái tối thiểu là nước uống cũng không có nữa thì không chịu được. Mẹ một bé trai mới lớn tiếng: "Sao các anh chị quá đáng thế?"

Còn tôi thì nói với cái cô của nhà tài trợ: “Này em! Nếu các em đi làm chương trình mà không lên dự toán thì không thể đi làm được. Lên dự toán mà không có nước uống cho các con thì rõ ràng, một là em non quá, hai là em không biết làm việc. Còn nếu em lên dự toán mà không mua nước cho các con thì em đã ăn chặn của các con”.

Cô gái thấy mình nói vậy thì không nói không rằng, nhảy xuống xe bỏ lại các con cùng các phụ huynh và ekip quay phim trên xe tự về thành phố. Trước khi rời khỏi cửa còn buông lại một câu trước khi mất hút: "Các con yên tâm, hình ảnh của các con trong buổi từ thiện hôm nay sẽ được đăng lên báo". Ôi cha mẹ ơi! Tôi chết đây! Phù! Tức lắm nhưng mình chẳng biết làm sao. Xe chạy! Các con thì nhịn khát để về.

Giữa trưa TP. HCM nóng bức, xe lao nhanh về trung tâm Q.1 nhưng khi đi đến đường Điện Biên Phủ thì 1 cậu trong ekip quay phim xin tài xế cho xe chạy thẳng về Lý Tự Trọng, nơi tất cả các thí sinh ngoài TP. HCM đang trú và sẽ bồi dưỡng thêm. Lạ thay, cũng bị từ chối. Lý do đơn giản là: "Xe thuê đi theo tuyến, nên sẽ trả lại Cát Tiên Sa chứ không rẽ ngang rẽ dọc".

Trời ơi là trời! Chẳng nhẽ đánh nhau? Thôi thì nín nhịn cho xong. 13h, các thí sinh được trả tại 5B Nguyễn Đình Chiểu. Các bố, các mẹ và các bé lại lếch tha lếch thếch dắt nhau ra đón xe taxi về khách sạn. Trước khi lên taxi, mấy cậu trong ekip làm chương trình vẫn dặn với theo: "Đúng 3h chúng ta sẽ đi tặng quà tại Bệnh viện nhi đồng II nhé". Không ai trả lời!

Về phòng, nấu nướng và ăn xong thì cũng suýt soát 15h. Rút kinh nghiệm buổi sáng, lần này Ban tổ chức đưa taxi đến tận khách sạn để đón các con và phụ huynh. Vừa lên xe chưa kịp ấm chỗ đã đến nơi. Hóa ra Bệnh Viện Nhi Đồng II cũng nằm trên cùng 1 trục đường. Khách sạn tôi ở là 230 còn bệnh viện thì nằm ở số 14 Lý Tự Trọng. Haha!

Có thể nói: Nếu buổi sáng tệ bao nhiêu thì buổi chiều tốt bấy nhiêu (nhà tài trợ khác). Sau khi đến viện, các bé được hướng dẫn rồi được đưa đi trao quà tới tận tay từng bệnh nhân. Túi quà cũng giá trị hơn hẳn buổi sáng. Sau khi trao quà, các bé quay trở lại khu vực trung tâm, ở đó đã có một sân khấu dựng sẵn và thế là phiêu hết mình. Từ thiện thế mới là từ thiện chứ!

Quay lại guồng quay của The Voice Kids. Do thời gian ở chăm con kéo dài quá lâu, nhiều gia đình có điều kiện đã tự bỏ tiền mua vé máy bay, bay ra bay vào để đổi lịch chăm con nhưng cũng có nhiều gia đình từ đầu đến cuối cũng chỉ có một bố hoặc một mẹ. Thời gian kéo dài, tiền nong cũng cạn kiệt cùng với việc một số bé cũng đang tuổi dậy thì nên tâm sinh lý cũng bất thường. Thế là mẹ - con, bố - con, anh – em đôi khi cũng xảy ra va chạm. Chẳng thế mà có bữa đang ăn thì nghe ầm ĩ ở phòng trên, tôi bỏ bát cơm chạy lên xem thì thấy mẹ khóc con khóc. Hỏi con thì con không trả lời, hỏi mẹ thì: “Nó được lên tivi nên giờ nó to hơn em rồi anh, nó tưởng nó nổi tiếng rồi nên không cần mẹ anh ạ. Chắc mai mốt nó về nó thành siêu sao kiếm tiền nuôi em quá. Em sắp xếp quần áo về quê để nó tự ở lại xem nó nổi tiếng ra sao?”. Ôi trời ơi!

Của đáng tội, mình lại trở thành nhà trung gian hòa giải. Cuối cùng mọi việc cũng kết thúc.

Sau rất nhiều nỗ lực và phấn đấu, cuối cùng Liveshow 3 cũng đến gần. Tôi lại tiếp tục chạy ngược chạy xuôi tìm mua trang phục cho con. Thôi thì cố cho con lên sân khấu 1 lần nữa rồi chia tay. Sức chịu đựng của tôi cạn rồi. Trước ngày tổng duyệt, hai bố con đưa nhau đi chơi và tôi phân tích cho con về điều thiệt hơn.

Được cái con bé nghe lời bố. Theo kịch bản thì Liveshow 3, con sẽ cố gắng cháy hết mình, sau đó, lợi dụng lúc vừa hát xong thì con nói lời xin lỗi HLV và cảm ơn Ban tổ chức luôn. Rằng thì là trường con đã vào học, con không ngờ con đã được đi đến vòng này - nó ngoài mong muốn và sức tưởng tượng của con rồi. Vì thế con xin dừng chân lại ở đây.

Kịch bản thống nhất, lời nói cũng đã chốt xong. Con bé vui vẻ! Tôi nói vấn đề này với vài phụ huynh thân thiết khác và mọi người đều ủng hộ và hình như có vài người cũng đang tìm cách "dừng" thế nào cho an toàn.

Thế rồi Liveshow 3 cũng diễn ra. Bé nhà tôi vẫn lên sân khấu, vẫn hát nhưng rõ ràng phong độ khác hẳn. Phong cách trình diễn tự nhiên và các biểu cảm bị "ai đó" lấy đi mất hết. Bài hát kết thúc và dĩ nhiên cháu không được chọn đi tiếp vì hát không thành công, đặc biệt là ở nốt cao cuối cùng. Dừng lại!

Khi tôi viết xong bài viết này thì Liveshow 4 chuẩn bị diễn ra. Bé nhà tôi đã đi học trở lại và hòa nhập cùng các bạn như chưa hề đi thi. Bất giác, tôi nhấc điện thoại và bấm mã số của con rồi gửi 7257 thì tin nhắn bình chọn cho con tôi vẫn có giá trị. Tổng đài vẫn mở, không chỉ đón nhận tin nhắn của các bé đang đi tiếp mà cả những bé đã dừng cuộc chơi như con tôi.

Thưa các anh chị và các bạn!

Khi viết những dòng này, thực tâm tôi không muốn phê phán Ban tổ chức hay trách mắng ai cả. Nói như anh bạn (Đạo diễn Tuấn Quang) thì “Thi thì được gì và mất gì, chơi thì không được gì, không mất gì”. Không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh ấy nhưng rõ ràng với ý kiến của cá nhân tôi thì: Khi tham gia cuộc thi này con tôi được khá nhiều.

A. Được:

1. Được thể hiện mình và bộc lộ năng khiếu mà một người bố như tôi không hề phát hiện ra (giá hơi cao để bố biết con có năng khiếu).

2. Bé được tiếp xúc và học được từ HLV của mình – một người mà đem cả tình thương yêu và đam mê âm nhạc để truyền đạt cho con. Khiến cho tất cả những gì còn tiềm ẩn về năng khiếu âm nhạc của con tôi được bộc lộ. Tiếc là năng khiếu thì đã bộc lộ nhưng rèn luyện và nâng nó lên một tầm cao mới thì thời gian không còn nữa.

3. Bé có thêm rất nhiều bạn bè và nhận được sự yêu thương của rất nhiều người.

Đấy là cái được!

B. Mất:

1. Các bậc làm cha làm mẹ tốn quá nhiều thời gian để theo con. Nếu (chỉ có một người) giành giải thưởng thì con cũng chưa thể làm ca sĩ.

2. Để theo học trường nhạc, định hướng cho con theo đúng khả năng và năng khiếu của con thì quá sớm hoặc chương trình không có liên kết với bất cứ trường âm nhạc nào để có thể đưa các bé trong Top 15 – 9 – 3 và cũng không định hướng đào tạo âm nhạc cho các bé đã vào đến top này, vì thế cuộc thi chỉ đơn thuần như một cuộc chơi – Một cuộc chơi tốn kém.

3/ Các bậc phụ huynh cũng như các bé hẫng hụt vô cùng. Bởi, khi rời cuộc chơi (bị loại) thì Ban tổ chức không hề có một động thái (dù là chia tay hay một lời động viên khích lệ chứ đừng nói gì đến quà lưu niệm hay logo của chương trình).

Tóm lại: Với tất cả những cảm nhận chân thực, tôi viết ra những dòng này với hy vọng những ông bố, bà mẹ đang có ý định cho con đi thi cuộc thi này cần cân nhắc và suy nghĩ kỹ và coi bài viết của tôi như một kênh để tham khảo. Quyền quyết định vẫn là ở các bạn! Chúc mọi người luôn vui vẻ, hạnh phúc, thành đạt và nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

LƯƠNG QUỐC THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên